Không đơn giản để quy kết tội “làm giàu bất hợp pháp”!
"Nguyên tắc của pháp luật là nghĩa vụ chứng minh. Nếu anh không chứng minh được thì anh không thể nói do tôi không giải trình được nguồn gốc tài sản thì anh quy tội tôi có tài sản bất minh được”.
Phó chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền:
Không đơn giản để quy kết tội "làm giàu bất hợp pháp".
Bên lề kỳ họp QH, Phó chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền trao đổi với PV báo điện tử Infonet xoay quanh chủ trương bổ sung tội "làm giàu bất hợp pháp" khi sửa Luật Hình sự.
Tại phiên trả lời chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường có đề cập đến đến Luật Hình sự sửa đổi tới đây sẽ được sửa theo hướng bổ sung thêm một số tội. Trong đó có thể bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh đượcbằng nguồn nào có được tài sản đó cũng là có tội. Là người đã hoạt động nhiều năm trong ngành tư pháp, ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng quy định: Các quốc gia thành viên quy định về trách nhiệm hình sự đối với những người có tài sản tăng lên một cách bất thường mà không chứng minh được nguồn gốc của tàn sản đó.
Quy định này không bắt buộc nhưng người ta khuyến cáo các quốc gia thành viên hãy quy định đối với việc một người có tài sản tăng lên một cách bất thường mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản đó.
Quy định về công ước là như thế. Vậy chúng ta thể chế hóa quy định đó của công ước như thế nào thì đó là một điều rất khó. Thể chế hóa công ước thế nào, phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Nguyên tắc của pháp luật Việt Nam, nói như Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thì đó là nghiên cứu. Có quy định đó là tội phạm hay không là cả một vấn đề, vì nó không đơn giản như vậy.
Phải chăng chủ trương này khó khả thi?
Một trong những nguyên lý chứng minh tội phạm vi phạm pháp luật theo hệ thống pháp luật, theo nguyên tắc của pháp luật nhà nước pháp quyền Việt Nam là: Nghĩa vụ chứng minh vi phạm pháp luật của tội phạm thuộc về nhà nước.
Công dân có quyền im lặng cho nên việc anh không đưa ra được chứng cứ rằng, tài sản của tôi là bất minh thì anh buộc tội tôi hơi khó.
Ở Mỹ cũng thế. Tôi còn nhớ ngày xưa có một cầu thủ bóng rổ rất nổi tiếng. Tất cả niềm tin nội tâm của thẩm phán và công tố ở Mỹ đều cho rằng anh ta giết người. Nhưng lại không đủ chứng cứ nên không thể buộc tội được. Về sau anh ta vô tội về mặt hình sự, và chỉ có tội về mặt dân sự, phải bồi thường.
Nguyên tắc pháp luật là nghĩa vụ chứng minh. Nếu anh không chứng minh được, thì anh không thể nói do tôi không giải trình được nguồn gốc tài sản thì anh quy tội tài sản bất minh được.
Chúng ta có nên phân biệt đối tượng giải trình giữa cán bộ công chức với người dân thường không, thưa ông?
Cán bộ công chức cũng là công dân, không có gì ngoại lệ cả. Chỉ có điều đối với cán bộ công chức, bên cạnh nghĩa vụ công dân còn có nghĩa vụ công chức và nghĩa vụ chính trị, vì anh thuộc hệ thống nhà nước.
Nhưng ở đây chúng ta đang nói góc độ tội phạm và chứng minh tội phạm thì không có ngoại lệ. Việc nhà nước chứng minh được người ta phạm tội phải căn cứ vào luật hình sự. Không thể nói nếu anh không giải trình được thì tôi cho là tội phạm.
Ông có cảnh báo gì về những vướng mắc có thể gặp phải khi quy định loại hình tội phạm này khi sửa đổi Luật Hình sự?
Quy định này rất nguy hiểm vì có thể rơi vào nguyên tắc suy đoán vô tội. Anh muốn chứng minh tôi là tội phạm thì anh phải có chứng cứ. Anh không thể suy đoán theo hướng tôi không chứng minh được tài sản của mình thì tôi có tội.
Ngay cả bản thân một công dân, tài sản của chính mình như thế nào cũng không thể nhớ hết được. Chẳng hạn cách đây 10 năm, hay 30 năm, lúc đó tôi đi nước ngoài và có được vài nghìn đô. Bây giờ hỏi lúc đó đi nước ngoài tôi được bao nhiêu nghìn đô, tôi không nhớ được. Bởi hàng trăm cuộc đi nước ngoài, hàng trăm buổi làm việc tương tự ở trong nước như vậy, làm sao tôi nhớ được?!
Nước ta có một đặc thù là không quản lý được tài sản của công dân trong quá trình hình thành tài sản đó. Cho nên bản thân người ta không nhớ và bản thân nhà nước cũng không quản lý được nên tội đó đưa vào chắc là không thể khả thi.
Công ước khuyến cáo như vậy nhưng đưa vào hệ thống pháp luật của Việt Nam là cả một vấn đề cần phải nghiên cứu trong cả một tổng thể hệ thống pháp luật.
Phải chăng cần chờ đến khi mình kiểm soát thu nhập cá nhân qua tài khoản ngân hàng, lúc đó mới có thể áp dụng loại hình tội làm giàu bất chính vào trong luật hình sự?
Ở các nước họ quy định điều đó và thực hiện được. Vì sao? Vì người ta kiểm soát được tài sản tăng lên một cách bất thường so với cái nhà nước người ta đang quản lý. Ví dụ ông đang có một cái nhà, đang có một triệu đô và tôi đang quản lý số tài sản này. Nhưng hôm nay ông lại đột nhiên có 2 triệu đô và ông lại có thêm một cái nhà nữa thì rất dễ rồi. Một là ông rửa tiền, hai là ăn cắp, ba là ông nhận hối lộ.Còn chúng ta thì không thể suy đoán kiểu đó được, vì nhà nước ta không quản lý tài sản như ở nước ngoài. Do vậy đây là chủ trương đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng đưa vào như thế nào là cả một vấn đề, và khi đưa vào cần phải đồng bộ với các luật pháp khác.
Xin cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét