Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Cần mở ba con đường để Việt Nam phát triển

Cần mở ba con đường để Việt Nam phát triển
Nhìn lại lịch sử hiện đại, có thể thấy Việt Nam đã để nhiều cơ hội phát triển quan trọng trôi qua khỏi tay mình. Cải cách chỉ xảy ra khi tình thế bắt buộc phải có giải pháp đối phó, hơn là tự vươn lên nhìn vào xu hướng toàn cầu để nắm bắt các cơ hội thay đổi. Ví dụ, đổi mới năm 1986 chỉ diễn ra khi đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng, người dân đối mặt với nạn đói, khi đó khoán 10 mới được chấp nhận và đổi mới kinh tế mới được thực hiện.

Ảnh: ngư dân VN đánh bắt cá ở Biển Đông (nguồn: Tuổi Trẻ - iSEE)Ảnh: ngư dân VN đánh bắt cá ở Biển Đông (nguồn: Tuổi Trẻ - iSEE)



Khi ra nhập WTO, chúng ta gắn mình vào với nền kinh tế toàn cầu nhưng không thúc đẩy đổi mới thể chế kinh tế để tương hợp và phát huy sức mạnh cạnh tranh. Tất cả những điều chúng ta tận dụng được chỉ là có thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng may mặc, giầy da và nông sản của mình. Nhưng những yếu kém về thể chế đã dẫn đến tham nhũng, thất thoát, sụt giảm năng lực cạnh tranh. Nền kinh tế trở nên méo mó, bất cân xứng do dòng vốn không chảy vào các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế, mà lại chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán để “ăn sổi”. Doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, kém năng lực quản lý và yếu về năng lực cạnh tranh lại được ưu tiên sử dụng nguồn lực đất đai, vốn và thị trường nội địa, trong khi các doanh nghiệp tư nhân thì bị chèn ép hoặc thả nổi. Đây chính là gốc rễ của khủng hoảng và sụt giảm tăng trưởng liên tục của Việt Nam trong thời gian qua.

Sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan phi pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã làm sáng tỏ thêm sự bếp bênh của nền kinh tế. Chúng ta phụ thuộc tiêu cực vào Trung Quốc. Chúng ta xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu thô như quặng qua đường tiểu ngạch. Chúng ta phụ thuộc Trung Quốc trong các ngành kinh tế quan trọng như may mặc và da giầy, máy móc cho các nhà máy năng lượng và các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm. Cán cân thương mại thâm hụt 22 tỉ đô la năm 2013 là một con số báo động. Trong nền kinh tế toàn cầu, không có nước nào đứng “độc lập” được, nhưng không nước nào muốn mình trở thành thị trường của đồ chất lượng thấp, độc hại, rác thải, và nơi cung cấp sản phẩm thô cho nước khác.

Chính vì vậy, đây là cơ hội để Việt Nam bắt buộc phải cải cách và đổi mới mình. Chúng ta đã bị dồn đến chân tường và phải tự mở lối thoát cho mình.
Lối thoát đầu tiên đó là dân chủ hóa xã hội để giải phóng năng lực tích cực, xóa bỏ rào cản tiêu cực cản trở tự do, sáng tạo và sự tham gia của nhân dân vào quản trị đất nước cũng như đời sống kinh tế, văn hóa và chính trị. Việc Quốc hội thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 bao gồm một loạt các luật quan trọng như Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin, Luật trưng cầu dân ý và Luật biểu tình là bước đi đúng theo hướng này. Chỉ khi nào đời sống dân sự của người dân được tự do, trong đó có tự do hội họp, tự do học thuật, và tự do biểu đạt qua mọi hình thức như biểu tình, sáng tác nghệ thuật, hay báo chí khi đó xã hội mới được khơi nguồn. Khi đó, xã hội sẽ được tiếp thêm sinh khí, tạo ra tinh thần mới để sáng suốt lựa chọn các giải pháp cho cá nhân, cộng đồng và cả dân tộc.

Lối thoát thứ hai đó là cải cách thể chế kinh tế. Trong ngắn hạn, tham gia vào TPP sẽ giúp các sản phẩm Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường của các nước phát triển như Mỹ và Nhật. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không cải cách thể chế kinh tế sâu rộng để trở thành một phần hữu cơ với các nền kinh tế lớn này, thì chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại èo uột ở mắt xích có lao động thủ công, giá trị gia tăng thấp, tiếp tục tụt hậu và không thể cân bằng lại với quan hệ kinh tế tiểu ngạch, tiêu cực với Trung Quốc. 


Việc chính phủ quyết tâm tái cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó cải cách các doanh nghiệp nhà nước theo hướng buộc phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác và tập trung hơn vào nông nghiệp là một bước đi đúng hướng. Nhưng về dài hạn, bất cứ nền kinh tế sản xuất nào cũng phụ thuộc vào con người (lao động), vốn, và công nghệ. 

Chính vì vậy, Việt Nam cần đổi mới giáo dục toàn diện, đặc biệt thay đổi triết lý giáo dục từ giáo điều qua tự do và tập trung vào cả kỹ năng lẫn giá trị sống nhân văn, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Về vốn, cần thiết lập thể chế kinh tế thị trường để dòng vốn được chảy vào nơi sản xuất kinh doanh hiệu quả. Sự can thiệp của nhà nước nên dừng lại ở các ngành đòi hỏi đầu tư lâu dài như khoa học, công nghệ và các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia.

Về chính trị, Việt Nam cần tháo gỡ những mặc cảm và nhãn nhạy cảm của hoạt động chính trị và tham gia hoạt động chính trị vì hoạt động chính trị cần cho cuộc sống. Trên thực tế, chính trị ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, văn hóa xã hội và cuộc sống của từng người dân. Một nền chính trị lành mạnh là một nền chính trị minh bạch, để người dân có tiếng nói trong việc xây dựng các văn bản pháp luật và chính sách liên quan đến mình. Những ý kiến trái chiều, những phản kháng ôn hòa, và những điều chỉnh lớn nhỏ cho phù hợp với ý nguyện và hoàn cảnh mới đều cần thiết và tự nhiên, không thể ngăn cản và trấn áp. Trong bối cảnh Hiến pháp quy định Đảng cộng sản là Đảng duy nhất lãnh đạo, thì việc thúc đẩy người dân tham gia hoạt động chính trị càng quan trọng cho đất nước. Nó giúp cho Đảng cộng sản nắm bắt được những vấn đề kinh tế, văn hóa và chính trị nhanh nhạy để kịp thời thay đổi chiến lược cho phù hợp. Nó giúp đào tạo những chính trị gia có năng lực và lòng vị tha để đưa vào những vị trí quan trọng. Đây chính là lối thoát thứ ba mà Việt Nam cần thực hiện để đảm bảo trỗi dậy từ các khó khăn hiện tại.

Các cơ hội đến rồi đi, không chờ đợi. Việc nắm bắt cơ hội hay để cơ hội tuột qua có thể không gây hoạn nạn ngay cho từng cá nhân lãnh đạo hay thường dân, nhưng nó có thể hủy hoại tương lai của cả một dân tộc. Tồn tại cũng là sống, nhưng tồn tại phụ thuộc và để người khác xâm lược là không thể chấp nhận. Đây là thời điểm để chúng ta vươn lên nhìn toàn cầu, định vị lại dân tộc và hành động cho sự phồn vinh, dân chủ và văn minh của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét