Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Quyền riêng tư của lãnh đạo đến đâu?

Quyền riêng tư của lãnh đạo đến đâu?
Trong một tháng trở lại đây, cả thế giới xôn xao với vụ bê bối tình ái của tổng thống Pháp, ông Francois Hollande. Ông này bị cáo buộc có quan hệ ngoài luồng với một nữ diễn viên, khiến cho bạn gái chính thức của ông là bà Valerie Trierweiler bị sốc đến nỗi phải nhập viện. Khoan đề cập đến những chi tiết li kì, sự việc này gợi ra một câu hỏi thú vị: quyền riêng tư của lãnh đạo giới hạn đến đâu?
Tổng thống Pháp Francois Hollande đang là tâm điểm của báo chí thời gian này.
Dưới các triều đại phong kiến, một nguyên tắc phổ quát được áp dụng hầu như ở mọi nơi: lãnh đạo tối cao có quyền riêng tư tuyệt đối, không ai được phép “phạm thượng.” Tên vua không được nhắc, mặt chúa không được nhìn. Điều này thay đổi nhanh chóng khi thế giới chuyển sang thời hiện đại. Tuy vậy, lần này thì không có một nguyên tắc chung nào nữa.

Vụ lùm xùm của tổng thống Pháp không phải là hiếm trong xã hội phương Tây. Báo chí Anh hiện cũng đang xoáy sâu vào vụ nguyên thủ lĩnh Đảng Dân Chủ Tự Do của Anh, Thượng nghị sĩ Christopher Rennard, bị cáo buộc quấy rối tình dục với các nhân viên nữ dưới quyền. Mặc dù không có chứng cứ cụ thể và chỉ dựa vào lời khai của nữ bị hại, sự nghiệp chính trị của ông này coi như đã chấm dứt. Xa hơn một chút, scandal tình ái với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky cũng khiến cho cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton suýt phải từ chức.

Dẫu người Pháp có nói “Việc công dừng lại ở cửa buồng ngủ,” một điều dễ nhận thấy rằng đã làm người của công chúng thì hầu như không còn khái niệm “quyền riêng tư” nữa. Người dân có quyền được biết mọi mặt trong đời sống của lãnh đạo, qua đó để quyết định xem liệu họ có làm đúng chức trách và bổn phận của mình, có lạm dụng quyền lực để phục vụ lợi ích bản thân, hay có đủ “tư cách đạo đức” để đứng đầu quốc gia hay không.

Ví dụ như một ông tổng thổng có trong tay vài chục triệu đô la thì đó là chuyện lớn rồi. Cho nên trước mỗi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các ứng viên đều phải công khai số tài sản và thu nhập của mình. Hàng năm Nhà Trắng cũng đưa ra các bản báo cáo tài chính, minh bạch hóa tài sản của tổng thống đương nhiệm.

Không có mẫu số chung

“Ở Việt Nam, tin tức về đời sống cá nhân của các vị lãnh đạo hầu như không bao giờ xuất hiện trên truyền thông. Vừa rồi một số tờ báo đã phải gỡ bài viết có đề cập đến chuyện con gái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi tham dự một buổi diễn thời trang”

Điều này buộc các lãnh đạo phương Tây, và cả gia đình của họ, phải “sống đàng hoàng,” bởi nhất cử nhất động đều được công chúng chú tâm theo dõi.
Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia châu Á, có vẻ như quyền riêng tư của lãnh đạo là bất khả xâm phạm. Bất cứ hành động nào đả động đến những người đứng đầu sẽ bị phản ứng rất mạnh mẽ, nhiều khi đi kèm với hình phạt nặng.

Vào cuối năm 2012, chính quyền Trung Quốc đã vô cùng tức giận khi tờNew York Timesđăng một loại bài tiết lộ số tài sản có liên quan đến cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo lên tới hơn 2,7 tỷ đô la. Dù tác giả loạt bài này, David Barboza, sau đó được giải thưởng cao qu‎ý Pulitzer, website New York Times phiên bản tiếng Trung đã bị chặn ở Trung Quốc. Bloomberg cũng phải chịu số phận tương tự khi tiết lộ tài sản của con cháu các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, bao gồm cả con của chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình. Hiện tại, phóng viên của hai tòa soạn này gặp rất nhiều trở ngại khixin visa vào Trung Quốc.

Ở Việt Nam, tin tức về đời sống cá nhân của các vị lãnh đạo hầu như không bao giờ xuất hiện trên truyền thông. Vừa rồi một số tờ báo đã phải gỡ bài viết có đề cập đến chuyện con gái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi tham dự một buổi diễn thời trang.

Một số nước còn giữ chế độ quân chủ thì bộ luật “lèse-majestè” (phạm thượng) vẫn còn áp dụng, trong đó quy định không được phép xúc phạm hoàng gia. Nếu như bộ luật này ở Na-uy hay Đan Mạch chỉ mang tính tượng trưng, thì ở Thái Lan, luật lèse-majestè lại khá hà khắc. Từ năm 2006 đến 2011, có đến hơn 400 trường hợp bị phạt tù vì tội này.

Quyền lực của báo chí

SANGTRONGHUNGDUNG2
Viết về lãnh đạo Việt Nam vẫn là chủ đề chịu sự kiểm duyệt gắt gao

Tất nhiên công chúng không bỗng dưng mà biết được lãnh đạo của mình đang làm gì. Nhiệm vụ đó thuộc về báo chí. Cách truyền thông đưa tin về lãnh đạo thể hiện quyền lực của nó ở các thể chế khác nhau.

Ở các quốc gia theo mô hình dân chủ, những tin tức “chọc ngoáy” vào đời tư của tổng thống, thủ tướng luôn là miếng mồi béo bở cho toà soạn. Ngay cả nước Pháp, nơi77% dân sốđược hỏi cho rằng tổng thống vẫn có quyền được sống riêng tư, số tạp chí Closer tiết lộ mối quan hệ tình ái của ông Hollande được bán hết veo trong vài tiếng đồng hồ. Hầu như chưa có tờ báo nào đưa tin scandal của lãnh đạo ở Châu Âu hay Mỹ mà bị “trừng trị thích đáng.”

Điều này thực hiện được là bởi tự do báo chí được pháp luật các nước này bảo vệ rất nghiêm ngặt. Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được quy định ngay tại Tu Chính số 1 của Hiến Pháp Mỹ, gần như là bất khả xâm phạm. “Dựa hơi” từ luật pháp, cộng với văn hóa chính trị cởi mở, báo chí được coi là quyền lực thứ tư trong xã hội phương Tây.
Những nước có hệ thống chính trị đóng hơn, điển hình như Bắc Triều Tiên, hình ảnh lãnh đạo khi xuất hiện trên báo chí bao giờ cũng phải như các vị thánh. Đời sống riêng của lãnh đạo quốc gia này được bảo mật không khác gì các vị hoàng đế ngày xưa. Tất nhiên không thể mong chờ một ngày nào đó KCNA đưa tin về người yêu cũ của chủ tịch Kim Jong-un hiện đang sống như thế nào.

Tình hình tương tự diễn ra ở Trung Quốc, mặc dù với mức độ nhẹ hơn.

Ở những quốc gia này, báo chí được coi là công cụ để định hướng hơn là cung cấp thông tin cho dư luận.Vì thế, những thông tin được coi là tiêu cực về hệ thống lãnh đạo sẽ bị hạn chế một cách tối đa. Thêm vào đó, việc không có một nền báo chí độc lập cũng khiến cho các cây bút ngần ngại viết về lãnh đạo hơn, dẫu trên l‎ý thuyết quyền tự do ngôn luận được quy định ở hầu hết mọi hiến pháp, thậm chí ở cả Bắc Triều Tiên.

Marx và báo chí tự do

“Không biết nếu đội mồ sống dậy ở nghĩa trang Highgate, ông sẽ nghĩ như thế nào về hệ thống báo chí ở những nước tự nhận là đi theo tư tưởng của mình”

Ai cũng muốn đời tư của mình được tôn trọng, nhưng có lẽ khi gánh trên vai vận mệnh một quốc gia, các lãnh đạo phải chấp nhận một cuộc sống minh bạch hơn.

Điều đó tốt cho cả họ lẫn công chúng: nếu lãnh đạo không làm điều gì sai trái, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân sẽ tăng lên và giúp họ hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn.

Nếu lãnh đạo làm sai, công chúng có quyền được biết, phản ứng, và đưa ra những “hình phạt” của mình. Bởi lãnh đạo không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ.

Để có được sự minh bạch của lãnh đạo, điều kiện cần là báo chí phải được “cởi trói” để thực hiện đúng bổn phận cung cấp thông tin cho quần chúng.

Karl Marx, người từng được cho là cổ vũ cho báo chí định hướng, đã nói rằng tự do báo chí là điều kiện bắt buộc ở mọi xã hội bởi nó cho thấy sự hiện diện tích cực của tự do.
Khi còn là một nhà báo ở Đức, ông từng bị bắt giữ nhiều lần do chỉ trích chính quyền và hoàng gia Phổ (Prussia), cuối cùng bị trục xuất và phải sống lưu vong ở London, nơi ông hoàn thành bộ “Tư bản” nổi tiếng.

Không biết nếu đội mồ sống dậy ở nghĩa trang Highgate ở London, ông sẽ nghĩ như thế nào về hệ thống báo chí ở những nước tự nhận là đi theo tư tưởng của mình.
THEO BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét