Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Ma Chiến Hữu: Chương 5 và 6

Ma Chiến Hữu
Tác giả: Mạc Ngôn ; Người dịch: Trần Trung Hỷ
Chương 5
Tôi thở dài, nói:
Anh Hào, cậu đáng ra phải trở thành một đại anh hùng, tiếc thay vận cậu lại không ra gì.
Khi sống thì chẳng hiểu đâu, chết rồi mới hiểu, muốn làm anh hùng còn phải tùy thuộc vào thời vận. - Tiền Anh Hào nói một cách ai oán.
Thực ra, cậu cũng có thể đã là một anh hùng.
Đừng an ủi tớ, - Cậu ta buồn rầu nói. - Ngay cả bóng của một tên địch cũng chưa hề thấy, thế mà gọi là anh hùng sao?
Chỉ oán thằng La Nhị Hổ quá run, giơ mông lên trời để lộ mục tiêu. Hắn chết là quá đáng đời, chỉ khổ là cậu bị vạ lây. - Tôi tức giận nói.
Do vậy mà tớ căm hận thằng cha này vô cùng, - Cậu ta cắn môi. - Cho nên trung đoàn phó vừa nhắc đến chuyện tớ với hắn kết hợp để quản lý đơn vị, tớ đã vỗ bàn đứng dậy, nói: Các người cứ sắp đặt cho người khác làm, tôi không làm. Trung đoàn phó hỏi tớ, cậu đang nói cái gì vậy. Tớ nói, trung đoàn phó không biết đấy thôi, tôi với thằng cha này không đội trời chung. Tớ còn nói, thằng cha này đã hại tôi trở nên thê thảm. Nếu không có hắn, tôi đã đường hoàng đứng trên sân khấu để báo công, nếu không có hắn lúc này tôi đã được bao vây bởi bao nhiêu là phụ nữ đang đua nhau tặng hoa. Trung đoàn phó cười nói: Đồng chí ơi là đồng chí, chớ có hẹp hòi thiển cận như vậy. Trong chiến tranh cách mạng lâu dài này, những người hy sinh như chúng ta kể có hàng nghìn hàng vạn nhưng mà oanh liệt như Đổng Tồn Thụy, Hoàng Kế Quang thì liệu có dược mấy người. Phần nhiều các đồng chí đều giống như các cậu và tôi, chết một cách yên lặng. Bao nhiêu là kiểu chết: chết rét, chết đói, chết nước, còn có cả người chết vì bị chó cắn, chết vì bị ốm đau... Trương Ân Đức thì rơi vào hố vôi mà chết... Vì nhân dân mà chết còn nặng hơn cả Thái Sơn. Ngay cả tôi đây, khi lội qua sông bị nước chảy mạnh xô ngã mà chết chìm, tôi cũng cảm thấy vô cùng vinh dự. Đồng chí, dù gì thì chúng ta cũng đã lưu một cái tên ở trên bia mộ, còn hàng nghìn hàng vạn đồng chí của chúng ta chết mà chẳng có lấy một cái tên, thế cậu nói đi, họ là anh hùng hay là đồ vứt đi?
Lời của trung đoàn phó khiến tớ nghẹn lời, không còn tìm ra từ để đáp trả. Tớ nói, lời trung đoàn phó rất đúng, nhưng tôi chỉ nghĩ tới việc phối hợp với thằng cha ấy để quản lý một tiểu đoàn là tôi không thể nào chịu nổi. Đồ con rùa ấy chỉ biết nói những lời hay ho mà chẳng có lấy một hành động thực tế nào, e rằng với hắn, tôi sẽ không làm việc được, ảnh hưởng đến công việc chung. Trung đoàn phó ôm vai tớ, nói rằng đánh giá đồng chí mình nên toàn diện một tí, cần phải biện chứng, cần phải nhìn nhận ưu điểm của họ mà bỏ qua bớt khuyết điểm, phê bình và tự phê bình chỉ cần thành tâm thực ý mới dẫn đến sự đoàn kết nhất trí, giải quyết xung đột. Tôi sẽ tìm đồng chí La Nhị Hổ để bàn bạc thêm, hy vọng là hai người sẽ xây dựng được một tiểu đoàn thực sự có nề nếp và quy củ.
Tớ đứng nghiêm và chào trung đội phó, nói: Được rồi, thưa thủ trưởng, tôi nghe lời đồng chí. Trung đoàn phó nói: Không phải nghe lời tôi mà là chấp hành mệnh lệnh của tổ chức.
Thế giới của các cậu hoàn toàn giống trên này sao? Sống chết là hoàn toàn giống nhau sao? - Tôi nghi ngờ.
Cơ bản là giống nhau, tất nhiên cũng có những điều đặc biệt.
Cậu có thể nói một tí về những điểm đặc biệt ấy không? Để cho tớ chuẩn bị tình thần thôi.
Thôi thôi! Trước sau gì thì cậu cũng biết cả thôi. Tớ kể cho cậu nghe chúng tớ ở thế giới ấy làm báo như thế nào.
Người chết cũng làm báo à? - Tôi kinh ngạc hỏi.
Tiền Anh Hào vừa lạnh vừa nghiêm giọng nói:
Tớ yêu cầu cậu đừng dùng đôi mắt như thế nhìn tớ, cũng đừng dùng giọng điệu ấy hỏi tớ.
Xin lỗi! - Tôi cảm thấy xấu hổ - Tớ bị kích động quá thôi mà.
Tiền Anh Hào lôi từ trong lòng ra một tờ tạp chí in lụa, có lẽ đã quá lâu, cũng có thể đã bị ướt nên nét chữ cũng như tranh ảnh đều đã nhòe nhoẹt, nhưng ba chữ "Hồn anh hùng" vẫn còn rõ lắm. Cậu ta trịnh trọng mở ra, dùng những ngón tay khô vàng vuốt vuốt trên mặt báo, cái mặt đầy những vòng tròn xanh và vằn vện biểu hiện rõ sự cảm dộng.
Tớ đã nói cho cậu nghe về tay văn thư của tiểu đoàn tớ bên ấy chưa nhỉ? Cậu cần phải phân biệt rõ điều này, khi tớ nói "chúng ta" là tớ đang nói về chúng ta, còn khi tớ nói "tiểu đoàn chúng tớ" chính là chúng tớ khi về bên kia mới sáng lập nên tiểu đoàn, là tiểu đoàn âm binh chứ không phải là tiểu đoàn tân binh; là nơi tớ đảm nhận chức chính trị viên, La Nhị Hổ là tiểu đoàn trưởng chứ không phải là dơn vị mà cậu làm tiểu đội phó và La Nhị Hổ làm tiểu đội trưởng. Tay văn thư của tiểu đoàn chúng tớ là một tay say mê văn chương, thường sáng tác một vài bài thơ, bút ký và tản văn. Làm chính trị viên, tớ là người rất cởi mở, thường động viên cậu ta sáng tác, đêm nào cũng cho cậu ta rất nhiều đom đóm. Tay văn thư của tiểu đoàn chúng tớ tên là Hoa Trung Quang. Có lẽ cậu ta thấy cái tên này không kêu lắm nên lấy một cái bút danh là Linh Hồn Chết. Nghe đâu là một nhà văn Nga nào đó dã từng viết một cuốn sách có tên là "Những linh hồn chết" đúng không? Lão này chẳng qua là những linh hồn chết giả, còn chúng tớ là những linh hồn chết thật. Linh Hồn Chết làm thơ cũng tạm được, tớ dọc cho cậu nghe một bài nhé. Đây là một bài thơ có đầu đề là "Không đề".
Tiền Anh Hào mở tờ báo "Hồn anh hùng" ra, ngâm lên sang sảng:
Tôi ỉà một linh hồn chết,
Nhưng tôi vẫn còn một tình cảm Tôi vẫn cứ là một chiến sĩ
Mỗi buổi sáng vẫn cữ nghe lệnh truyền chạy đến thao tiếng Khẩu hiệu rầm vang,
Nghỉ!
Nghiêm!
Lại nghỉ,
Lại nghiêm.
Nhìn bên phải!
Nhìn truớc!
Chạy nhanh! Chạy!
Một hai ba bốn. Đi đều bước.
Hát vang.
Từ những gia đình bình thường,
Xông ra chiến truờng.
Nghiêm!
Nhận xét biểu dương:
Hôm nay bình thiáng,
Ưu điểm có ba:
Một - Chân bước chỉnh tề
Hai - Quân trang nghiêm chỉnh
Ba - Chân bước chỉnh tề quân trang nghiêm chỉnh.
Khuyết điểm có ba:
Một - Chân bước chưa chỉnh tề
Hai - Quân trang chưa nghiêm chỉnh.
Ba - Chân bước chưa chỉnh tề quân trang chưa nghiêm chỉnh.
Từ nay phát huy ưu điểm hạn chế khuyết điểm thật
nghiêm minh.
Giải tán!
Rửa mặt đánh răng ăn cơm rồi bắt đom đóm cho thật nhiệt tình.
Cậu thấy bài thơ này như thế nào? - Tiền Anh Hào hỏi.
Tôi nuốt nước mưa trên mặt, nói:
Thằng quỷ! Bài thơ này quá kém, như buột miệng nói ra thôi.
Cậu ta cũng biết bài thơ này không ra làm sao, nhưng vẫn còn có những bài tương đương có ý vị. Cậu có muốn nghe nữa không?
Tất nhiên là muốn nghe - Tôi nói - Đây là những âm thanh phát xuất từ thiên đường.
Làm gì có chuyện thiên đường ở đây!
Thế thì từ địa ngục.
Cũng không phải từ địa ngục
Vậy thì đó là từ nơi nào?
Về cơ bản giống như nhà trẻ - Tiền Anh Hào nói
Cũng có chút giống với đơn vị tân binh, cậu còn nhớ không? Đó chính là chỗ chúng ta ở tiểu đoàn tân binh tại vườn nhà họ Đinh!
Những chuyện cũ bỗng nhiên hiện rõ trong tâm trí tôi. Tiền Anh Hào nhận ra vẻ mặt tôi đầy vẻ thê lương bèn nói:
Được rồi, tớ sẽ ngâm tiếp cho cậu nghe một bài thơ nữa của Linh Hồn Chết Hoa Trung Quang:
Ái da! Đau quá! Đau quá, mẹ ơi! Đau quá,
Thân hình con đã bị đạn xuyên qua.
Viên đạn xuyên qua đập vào thân cây con đang tựa,
Nó cũng bị thương rồi kêu lên thê thảm: Mẹ ơi!
Tiếng kêu thương ấy vẫn văng vẳng bên tai con:
Tôi chẳng tội tình gì, sao bắn vỡ đầu tôi,
Nó ngăn trở dòng máu trong tôi, tôi sắp chết!
Vĩnh biệt mẹ, mẹ yêu, vĩnh biệt,
Đâu phải mẹ đưa con xông thẳng đế chiến trường
Bao bài ca đều là tưởng tượng hoang đường.
Viên đạn xuyên qua tôi
lại đâm thẳng vào đầu mẹ,
Mẹ tôi lại bị thương!
Tiếng mẹ kêu thương còn dài hơn cả Hoàng Hà Trường Giang:
Hãy để cho tôi hứng viên dạn đoạn trường,
Đầu bạc tiễn đầu xanh,
Ôi sao mà đau thuơng!
Ôi đau quá, mẹ ơi! Con đau quá!
Ôi đau quá, mẹ ơi! Con đau quá!
Tôi đưa tay lên bịt miệng Tiền Anh Hào lại, nói:
Được rồi, đừng đọc nữa!
Tiền Anh Hào cuộn tờ báo lại nhét trong bụng, nói:
Hay là tớ đọc cậu nghe một bài khác nhẹ nhàng hơn, bài này nói về những con đom dóm...
Được rồi! - Tôi ngắt lời cậu ta - Chúng ta nói chuyện khác đi. Các cậu bắt đom đóm làm gì?
Để làm ra ánh sáng - Tiền Anh Hào nói - Ban đêm của các cậu là thời gian làm việc của chúng tớ, còn ban ngày của các cậu là lúc bọn tớ nghỉ ngơi. Cậu không nghe người ta nói "đom đóm là đèn lồng của quỷ" sao?
Thảo nào đom đóm lúc nào cũng quẩn quanh trong các nghĩa địa - Như đại ngộ ra vấn dề, tôi nói - Nếu người sống đem thật nhiều đom đóm đến nghĩa địa, chắc các cậu rất vui phải không?
Nếu vậy thì tớ thay mặt cho toàn thể chiến sĩ cám ơn cậu - Tiền Anh Hào nhảy dựng dậy, đứng thẳng trên hai nhành cây, ưỡn ngực thẳng người chào tôi theo kiểu quân đội.
Tôi bị tất cả những điều vừa diễn ra làm cho cảm động, máu chảy rần rật trong người. Tôi cũng đứng lên, ưỡn ngực thẳng người chào Tiền Anh Hào theo kiểu quân dội. Cả hai chúng tôi đứng yên trên những nhánh cây trông như hai con chim khổng lồ.
Qua một hồi lâu, Tiền Anh Hào cười hí hí, nói:
Đứng làm gì, ngồi xuống nói chuyện tiếp đi!

Chương 6
uổi trưa hôm ấy, tớ bắt đầu thi hành trách nhiệm đi kiểm tra các ngôi mộ do mình quản lý. Ngước đầu nhìn vầng mặt trời trắng toát đang chuyển dần về phía tây, bên tai tớ nghe rất rõ tiếng người huyên náo ở phía biên giới. Tớ biết thị trường buôn bán của dân hai bên biên giới đã được khôi phục trở lại sau một thời gian dài bị gián đoạn. Đúng như lời của một bài ca nào đó: “Thân thể anh chưa kịp lạnh, thế sự đã đổi thay”.
Trong nghĩa địa cây cối um tùm, tiếng chim kêu râm ran, phân chùn màu trắng như những viên băng rơi xuống phần mộ của chúng tớ. Tớ ngửi mùi tanh tanh đầy sức sống của thân thể những con chim ẩn sau những bộ lông rậm rịt, bước từ phần mộ này sang phần mộ khác. Tất cả các phần mộ đều tối om, duy chỉ có phần mộ của Linh Hồn Chết là ánh sáng đom đóm vẫn sáng rực một màu xanh lục. Sự cần cù của cậu ta khiến tớ cảm động, nhưng đã có quy định là ban ngày phải tắt lửa đom đóm. Tớ bước đến gần phần mộ của cậu ta, giơ tay định gõ cửa, bỗng nghe tiếng khóc từ trong vọng ra. Chiến sĩ mà khóc, rõ ràng là có vấn đề về mặt tư tưởng. Tớ gõ mạnh vào cửa, gọi to:
- Hoa Trung Quang! Cậu đang làm trò gì vậy?
Cậu ta chẳng trả lời, tiếng khóc lại to hơn, còn có cả tiếng đấm bình bịch vào vách phần mộ.
Một con quạ từ đâu bay tới, bộ dạng rõ ràng muốn đậu xuống phần mộ của Hoa Trung Quang. Tớ giơ bàn tay lên phất mạnh, con quạ nghiêng người né tránh. Cậu biết không, chúng tớ kỵ nhất là quạ đậu trên phần mộ bởi những uế khí trên người chúng có thể xuyên thấu qua vách mộ khiến không khí chỗ ở của chúng tớ bị ô nhiễm. Trực ban của tiểu đoàn năm đang đi đi lại lại giữa những phần mộ của tiểu đoàn mình, từ xa đã vẫy tay chào tớ. Tớ đã nhận ra anh ta - chính là tay được mệnh danh là vua sáo của sư đoàn, có biệt danh là Thiết Địch Tiên. Ỷ vào tài thổi sáo, tay này coi trời bằng vung khi còn ở tiểu đoàn tân binh, chúng ta đã từng gây gổ với hắn, cậu quên rồi à? Tớ bắt chước tiếng dế kêu lên hai tiếng để đáp lễ, hắn đưa ống sáo lên miệng thổi một tràng dài nhại tiếng chim vàng anh rồi lẫn vào sau hàng cây to rậm.
Tiếng khóc của Hoa Trung Quang càng ngày càng to. Tớ đấm mạnh vào cửa, quát:
- Hoa Trung Quang! Mở cửa! Mở cửa! Giữa ban ngày ban mặt, cậu kêu gào cái quái quỷ gì thế?
Chẳng quan tâm đến tiếng quát của tớ, Hoa Trung Quang tiếp tục khóc gào. Tiếng khóc của cậu ta chẳng khác gì so với người sống, đến nỗi toàn thân tớ nổi da gà. Đúng là “chính ngọ nghe người khóc, người chết cũng lạnh run”. Làm thế nào đây? Cậu buộc tôi phải phá cửa mà vào à? Phá không nổi đâu. Cửa mộ bằng bê tông cốt thép, phá không nổi. Tớ chạy đến phần mộ của La Nhi Hổ, gõ cửa:

Hắn chỉ mở hé một cánh cửa, hỏi:
- Ai? Ban ngày ban mặt, làm trò quỷ gì thế?
- Tôi! Chính trị viên! Triệu tập họp ngay! Hoa Trung Quang đóng cửa khóc ầm lên kia kìa, chắc chắn có chuyện gì đó.
- Thằng oắt con này, tôi trông thấy nó đã ngứa mắt. Văn thơ bút mực là chuyện của người sống, nó vương vào làm gì? Muốn khóc cứ để cho nó khóc. Người sống có thể khóc mà chết, người chết khóc chẳng đời nào có thể sống lại được - La Nhi Hổ làu bàu.
Tớ tức giận quát to:
- La Nhi Hổ! Như ông mà xứng đáng là một tiểu đoàn trưởng à? Khi còn sống đã giả vờ tích cực, chết rồi ông vẫn cứ là một kẻ lạc hậu.
La Nhi Hổ thấy tớ tức giận nên đấu dịu một cách xảo quyệt:
- Chẳng qua là tôi thuận miệng nói thôi mà. Làm lính lâu ngày như vậy, nhất định cũng có ít nhiều giác ngộ. Nếu chẳng có trách nhiệm gì với cậu ta thì cũng phải có trách nhiệm với người sống, nhất định không để cho cậu ta làm điều gì khiến người sống cảm thấy phiền phức. Liên lạc đâu! Mau triệu tập hội nghị toàn thể cán bộ.
Đại đội trưởng các đại đội đều có mặt, các trợ lý cũng đã đến. Tớ báo cáo tóm tắt tình hình, mọi người mồm năm miệng mười đua nhau đề xuẩt giải pháp. Một là cứ đứng ngoài cửa để khuyên giải bằng tình cảm, cả bằng lý lẽ. Hai là phong tỏa mọi thông tin, không để cho tiểu đoàn bên cạnh biết chuyện. Một viên đại đội trưởng có kinh nghiệm trong việc xử lý những chuyện hồn ma phá phách người sống ở Việt Nam nói, anh ta đã từng biết thế nào là hợp xướng của những hồn ma. Nếu tất cả chiến sĩ ở đây đồng loạt khóc lên như vậy đòi về nhà, đòi sống lại thì sẽ gây ra phiền phức kinh hoàng.
Chúng tớ lặng lẽ bao vây phần mộ của Hoa Trung Quang, nhón chân bước khẽ, còn đặt người đứng gác đề phòng người sống tò mò đến xem, bố trí đại đội trưởng đại đội hai vốn là người đồng hương của Hoa Trung Quang đến để khuyên anh ta. Tay này thân thể thấp lùn, đôi mắt màu xanh lam tròn xoe, cái mũi cũng ngắn và tròn, cái mồm nhỏ có cặp môi đỏ mọng và một mái tóc hoe vàng mềm mại. Lời nói của cậu này nhẹ nhàng như gió thoảng, chầm chậm du dương, ngọt ngào như một dòng sữa. Đúng là một chất giọng ngọt ngào trời cho. Miệng cậu ta kề sát khe cửa, cái lưỡi chỉ cần dao động là trong không gian đã dậy lên một mùi ngọt thoang thoảng như mật ong:
- Trung Quang ơi! Bạn tốt của tôi ơi! Tôi là Khương Bảo Châu đây. Bạn đừng khóc nữa để nghe mình nói mấy lời. Những tiếng khóc của bạn giống như những mũi dao đâm nát trái tim mình. Đừng khóc nữa để nghe mình nói đây. Mình biết cậu nhớ nhà, muốn về nhà, nhưng trong tất cả bọn mình, ai không muốn về nào? Nhưng chúng mình lúc sống đã từng oanh oanh liệt liệt, chết đi cũng phải làm sao cho xứng đáng với lúc sống phải không? Được rồi, mình chẳng nói lý lẽ nữa, về chuyện lý lẽ bạn hiểu hơn mình nhiều. Mình chỉ nói những điều mình nghĩ trong lòng. Bạn ơi! Bạn muốn về nhà, lẽ nào mình lại không muốn về sao? Bố mẹ mình vẫn còn đang sống ở quê. Bố mình mắc bệnh lao, chỉ cần cử động mạnh là thở không ra hơi, chẳng biết làm gì để có cái ăn, chính quyền đã có chính sách hỗ trợ nhưng chỉ dựa vào khoản trợ cấp này thì liệu có sống được không? Do vậy mà vẫn phải cắm cúi ngoài đồng. Ai làm những công việc nặng nhọc nhất? Chỉ dựa vào mẹ mình thôi. Trước khi chiến tranh nổ ra, bạn được phép về thăm nhà và đã từng ghé thăm nhà mình. Lúc ấy vợ mình vẫn còn sống, việc đồng áng vẫn do vợ mình lo liệu. Bạn nói rằng vợ mình quá khổ, một mình trồng và chăm sóc đến hàng mẫu bông, mang gùi trên lưng cả ngày ngoài đồng hái lá thuốc, bỏ đứa con chỉ mới đầy tháng ở nhà. Bạn nói, toàn thân cô ấy nực nồng mùi lá thuốc, cặp vú cô ấy đầy sữa chảy ướt đầm cả vạt áo trước ngực. Con mình ở nhà do mẹ mình chăm sóc. Nhà mình quá nghèo, làm sao mua được sữa bột và bột dinh dưỡng cao cấp cho con. Con bé đói quá rồi, mẹ mình nhai mấy mẩu bánh khô mớm vào mồm cho nó. Ngay cả nước sôi cũng chẳng có; mẹ mình vét mấy hạt cơm còn đọng dưới đáy nồi bỏ vào phích nước đã hỏng không còn giữ được độ nóng, lát sau mở ra đã ngửi thấy một thứ mùi quái dị xông lên. Con mình uống cái thứ nước ấy... Bạn ơi! Bạn chưa hề quên phải không? Khi bạn kể cho mình nghe những chuyện gia đình mình, mình đã khóc ngất như thế nào... Lúc ấy mình chỉ nghĩ, sao mình lại tồi tệ, sao mình lại vô dụng đến như thế? Sao lại có thể để cho bố mẹ, vợ con mình khổ đến như vậy? Khóc xong thì lại hận mình, lúc ấy mình đã nói với cậu là: Trung Quang, người như mình đây chẳng xứng đáng có vợ, chẳng nên kết hôn, càng không xứng đáng là một người bố. Là trẻ con cả, tại sao có đứa lại được sinh ra trong gia đình giàu có, uống sữa, ăn bánh bao, mặc quần áo đẹp; còn sinh ra trong gia đình của mình thì ăn cái gì, mặc cái gì? Trời ơi!
Bạn trở về đơn vị thì mình được phép về thăm nhà. Tình hình gia đình mình thực tế còn bi đát hơn lời kể của mình nhiều lần. Bố mẹ mình trông già đi rất nhiều, còn con bé thì đen và gầy hơn cả một con mèo hoang. Nhà cửa tan hoang, khắp nơi phân gà vương vãi, mấy chiếc bát sứt mẻ nằm chỏng chơ trong nồi, trên bếp lò chỉ có vài củ khoai mốc thếch. Bố mình vừa ho vừa đi chăn trâu, mẹ cõng con bé trên lưng và đi lại trong vườn trên đôi chân khẳng khiu. Con bé đang khóc ằng ặc, xem ra nó chẳng có chút sức lực nào. Bước vào cửa, mình chỉ kịp kêu lên một tiếng “Mẹ” thì nước mắt đã tuôn trào. Mẹ thấy mình thì phấn khởi đến độ tay chân run lẩy bẩy, suýt chút nữa làm con bé rơi xuống đất. Đưa đứa bé từ sau lưng về phía trước ngực, mẹ nói với nó: Phân Phân! Xem ai về kia kìa? Là bố cháu đấy, gọi bố đi, mau đi! Con bé mặt mày đầy ghét bẩn, nước mũi thò lò, một ngón tay đang nhét vào miệng mút chùn chụt; nước miếng chảy ra nhem nhuốc và những vệt ghét bẩn đóng quanh mép. Mẹ nói: Con bé không nhận ra con. Đúng rồi! Kể từ ngày nó được sinh ra nào đã thấy mặt bố mình, sao có thể nhận bố? Mẹ nói: Phân Phân! Để bố bồng cháu! Mình vứt hành lý xuống đất, đưa tay đỡ con bé. Nó vẫn mút tay và nhóp nhép nói câu gì đó mà mình nghe không ra. Nó không hề khóc. Mẹ mình than: Bố con mà chẳng hề nhận ra nhau! Đây chính là con gái mình sao? Ôm lấy nó mà trong lòng mình cảm thấy tuyệt vọng và đau xót vô cùng. Đã là mùa thu, lá trong vườn đã ngả màu vàng và đang rụng, gió se sắt, thi thoảng lại nghe tiếng nhạn trên trời cao. Con bé nửa tuổi của mình chỉ mặc một chiếc áo ngắn che đến rốn, còn thân dưới thì hoàn toàn trần truồng, sờ tay vào mông nó mình thấy lạnh căm căm. Trên mông và đùi con bé có mấy bớt màu xanh, mình hỏi mẹ: Tại sao lại thế này? Mẹ nói, sinh ra đã có; có lẽ kiếp trước nó mắc tội gì đó nên Diêm Vương đã sai bọn đầu trâu mặt ngựa dùng thước đánh. Mình nói: Phải mặc quần cho nó chứ! Mẹ nói, vừa đái vừa ỉa lưng tung, cứ để được ngày nào hay ngày ấy. Mình nói, không mặc quần thì nó lạnh chết còn gì. Mẹ nói: Lạnh không chết đâu mà sợ. Con bé đột nhiên khóc ằng ặc, mẹ nói: Nó khát nước rồi, cho chút nước. Mẹ đổ ra nửa bát nước đùng đục từ phích, thổi phù phù rồi kề bát vào miệng con bé, nói: Phân Phân! Uống chút nước đi, uống đi! Con bé kề miệng vào bát, uống vài ngụm rồi tiếp tục khóc. Mình hỏi: Không có nước sôi à? Mẹ nói: Chiếc phích bị hỏng rồi.
Trung Quang! Bạn nói xem, lúc ấy lòng tớ nghĩ gì? Chúng mình trong bộ đội được ăn cơm trắng bánh mì thơm, con cái ở nhà một ngụm nước sôi cũng không có. Bạn đã biết rồi đó, nguồn nước vùng mình vừa có phèn, vừa mặn, mùi vị còn khó uống hơn cả mùi thuốc bắc, con bé làm sao có thể uống được. Nó khóc. Mẹ mình nói: Con bé này chắc là đói rồi. Bồng nó vào nhà đi để mẹ cho nó ăn chút gì đó. Mẹ lấy từ chạn ra một miếng bánh bột ngô bỏ vào miệng nhai cho bã ra rồi chấm vào đĩa muối bột, đưa lên miệng con bé. Mình đau xót quá, van nài: Mẹ, đừng cho nó ăn kiểu thế...! Không ăn thế này thì ăn thế nào? Con bé này lúc nào cũng khóc, giống hệt anh ngày xưa. Mẹ tiếp tục nhai một miếng nữa và nhét vào mồm con bé. Lần này thì nó không nuốt nữa mà như một bà già, nó ho lên sặc sụa, mặt mày tái xám, lâu lắm mới bình thường trở lại. Mẹ nói: Được rồi, được rồi! Chờ mẹ mày về mà bú nhé! Mình hỏi: Mẹ nó lúc nào mới về? Mẹ ngước mắt nhìn về phía mặt trời đang lặn, nói: Còn lâu lắm, bông đang nở trắng ruộng, chỉ cần một trận gió mạnh là rụng hết. Ban đêm lại có bọn ăn trộm. Bố anh đêm nào cũng phải ra canh gác, gác cả đêm mà vẫn bị hái trộm. Ôi dào! Cuộc sống lúc này sao mà khó khăn quá. Mẹ dụi dụi mắt nói tiếp - Chi mong anh rời khỏi nhà để có thể kiếm một chức tước gì đấy, chuyện kiếm tiền ít nhiều gì không kể; chỉ muốn anh làm cho bố mẹ được mở mặt mở mày với mọi người. Chớp mắt đó mà đã hai năm rồi, xem ra chẳng có chút hy vọng nào cả. Nếu cảm thấy không ra gì thì về đây, nếu không thì vợ anh sẽ kiệt sức mất, bố mẹ cũng không còn sống mấy năm nữa đâu, chỉ muốn thấy được vợ chồng anh ăn ở với nhau là có chết cũng mãn nguyện rồi. về đơn vị mà báo cáo mọi chuyện với lãnh đạo đi, không phải là bố mẹ lạc hậu. Ngày xưa bố anh tham gia Bát Lộ quân, mẹ đã từng thức suốt đêm để giã gạo làm bánh cho bộ đội mà một lời oán trách cũng không hề thốt ra. Nhưng bây giờ thì không được nữa rồi... Ngừng một lát, mẹ tiếp tục - Anh bồng con bé đi dạo một chút đi, mẹ đi thổi cơm đây - Bố anh đang chăn trâu ngoài bờ đê, anh ra gặp bố đi...
Lòng rối như tơ vò, mình ôm Phân Phân lần ra bờ đê. Con bé đang thở khèn khẹt trông như sắp đuối sức đến nơi. Đột nhiên mình nghĩ, hay là con bé sắp chết. Suy nghĩ này khiến tớ hoảng hốt, vội vàng mở cúc, cởi chiếc áo quân phục ra gói nó lại. Mình đứng trên bờ đê cao cao nhìn thấy mặt trời màu đỏ to bằng chiếc mâm đang lặn xuống rất nhanh, ánh sáng lạnh lẽo của nó vẫn cố vớt vát chiếu trên mặt nước sông im lìm trông như một làn băng màu hồng. Lạnh kinh khủng! Mấy người già đang ngồi trên mặt đê, trong đó có một người gầy như que củi, đầu tóc trắng phau. Đó chính là bố mình. Mình đi về phía họ, đôi chân cứng đơ và nặng như đeo chì. Lúc mình đi tới trước mặt, họ đồng loạt đứng dậy, tất cả có ba người - kể cả bố mình. Hai người kia đều là bậc cha chú của mình. Chào hỏi xong, hai người bẹo má Phân Phân bảo nó gọi ông. Ông già mặt mày hồng hào và mập mạp này có con trai làm cán bộ huyện, ăn nói rất bốp chát rằng, bảo bố anh bỏ ra tí máu mua một ít quà cáp ở quê mang về đơn vị biếu cho tiểu đoàn trưởng, chính trị viên, nhất định sẽ có chỗ tốt, bộ đội địa phương như các anh, chú hiểu lắm. Bố ho sù sụ, nói: Làm gì còn máu mà chích nữa hả ông? Hết sạch rồi. Dùng mũi giáo mà đâm xuyên qua người tôi cũng chẳng có giọt máu nào chảy ra đâu, ngay cả kiếm đồng bạc mua muối cho bà già ở nhà cũng không có nữa là... Ông già mập mạp nói: Ông anh, chẳng qua là ông quá hồ đồ mà không nhìn thấy rõ thôi, tiền bỏ ra đâu phải là hoang phí, nhất định không hề hoang phí đâu. Mười xe phân đổ xuống ruộng, vụ xuân không tốt thì vụ thu sẽ tốt, trước sau gì cũng thấm vào gốc lúa thôi. Cứ tin lời tôi, lần này Bảo Châu về đơn vị, ông hãy bỏ ra khoảng ba trăm mà lo liệu, chờ cho đến khi Bảo Châu làm quan quân đội, nó sẽ thu về; ông chẳng lỗ vốn đâu mà sợ. Giọng của ông ta rất khỏe khiến tai tôi kêu lên ong ong. Bố nói: Lời của anh hai rất phải, chẳng sai một tí nào, chỉ có điều tôi... Bố đưa tay chỉ vào lồng ngực lép kẹp của mình - Đem tôi ra mà bán cũng chẳng được giá ba trăm đồng đâu. Ồng già mập nói: Tôi biết ông không có tiền, người đang sống lẽ nào bí tiểu mà chết? Không có thì cứ mượn. Chờ Bảo Châu làm quan, cả vốn lẫn lãi đồng thời sẽ vào nhà. Bố cười méo mó: Có thể mượn được tiền của ai, tôi làm sao bị gọi là kẻ cùng đường mạt hạng. Xem tôi như thế này, bất cứ ai gặp cũng cao chạy xa bay thôi. Được rồi, đừng nói nữa. Có số giàu sang thì nó sẽ tự đến, không có thì có vật vã cũng chẳng được gì. Để tự nó ra làm sao thì ra, con nhà nghèo chớ có trèo quá cao. Hai năm rời khỏi nhà, ăn được hai năm cơm ngon, mặc được hai năm áo mới, coi như cũng chẳng uổng phí một đời. Sống được là do ông trời có mắt, phần mộ tổ tông lên khói xanh, sống không được thì coi như đó là chuyện phải làm, xong rồi thì quay về nhà cày cuốc mà kiếm cái gì nhét vào miệng. Tổ tiên đều sinh ra từ gốc rạ vẫn cứ từ nhỏ lớn lên, lớn lên rồi già rồi chết đấy thôi, một nắm đất vàng che lên mắt, mọi chuyện vất lại sau lưng! Ông già mập nói: Nghe ông nói mấy câu vừa rồi sao mà nhụt chí thế. Thằng Bảo Châu nhà ông là một nhân tài, xem ra nó không phải là con chim chỉ biết cào đất mà kiếm ăn. Con người muốn sống thì phải xông về phía trước, bay lên cao, còn nước thì lúc nào cũng chảy xuống chỗ trũng. Cứ xem là nhà tôi đã khá, thằng con tôi trước đây cũng đã từng làm những công việc tẹp nhẹp trên huyện, cúi đầu xếp vó trước người ta. Tôi đã khích lệ nó, bán một con lợn to đùng, chặt ba cây ngô đồng, tất tần tật được ba trăm đồng, mua đủ các loại rượu và thuốc lá để đi thăm tất cả các vị lãnh đạo ở huyện rồi yên tâm mà chờ đến đợt cải tổ nhân sự, ngay lập tức con tôi được đề bạt lên chức cục trưởng, quản lý đến mấy nghìn người. Bây giờ nó ngồi xe con bóng lộn, thuốc lá thơm ngoại nhập, uống rượu hảo hạng; bữa ăn nào cũng bảy tám món, ăn một mà nhìn đến hai ba phần, trong nhà nuôi con chó béc giê chỉ biết ăn thịt ăn cá, ăn đến nỗi lông bóng mượt, không sủa “gâu gâu” mà sủa “oang oang”, chẳng giống chó mà xem ra giống hổ hơn. Vợ con nó cứ ngồi mà hưởng phúc, phúc còn cao hơn cả núi, sâu hơn cả biển. May mà nó là đứa con có hiếu, mời tôi lên chơi, chơi được ba ngày thì chịu hết nổi. Lão đây xuất thân bần cùng, chẳng hưởng được đại phúc như thế...
Mình biết không thể ngăn chặn được lời kể của ông ấy, bèn nói: Bố, chúng ta về đi! Bố nói: Anh về trước đi - Rồi bố nói với ông ta: Anh hai, cứ ngồi xuống! Ông già mập nói: Cháu Bảo Châu à, về nhà mà bàn bạc với bố nhé. Không thả mồi thì chẳng bắt được sói, không móc châu chấu thì cá chẳng cắn câu. Cháu sẽ có tương lai khá đấy, mắt ta nhìn lâu nay chẳng bao giờ sai đâu! Bố mình đứng dậy đi lùa trâu. Nó đang gặm cỏ một cách nhàn nhã ở sườn đê, dây thừng quấn trên sừng, xem ra vô cùng thong dong và tự do. Ráng chiều chiếu lên thân thể bố mình khiến ông giống như một người được bọc bằng vàng, cái bóng ngã dài rất xa. Mình ôm chặt đứa con gái vào lòng, thấy tâm hồn mình hiu hắt như một cầnh đồng hoang. Phóng tầm mắt xuyên qua những hàng cây thưa thớt đứng trên bờ đê, xa xa là cánh đồng bông nở trắng lóa như tuyết. Người hái bông vẫn còn đông lắm, trong số ấy có vợ mình. Mười mấy tiếng đồng hồ chẳng bú được giọt sữa nào, con gái mình đã đói lả đang nằm thiêm thiếp toong lòng mình. Nó ngủ mà xem ra chẳng ngon lành gì, cái miệng thi thoảng lại chóp chép, rồi lại cau mày chun mũi. Trong không khí lạnh lẽo của buổi hoàng hôn ấy, mình ngửi thấy mùi tanh tanh từ cơ thể đứa con gái mình.
Đến khuya vợ mình mới về. Cô ấy vứt cái bao đầy bông nặng trình trịch trên vai xuống, lạnh lẽo gật đầu chào mình, chẳng quan tâm gì đến chuyện ăn một miếng cơm, ôm lấy con bé. Nó vội vàng dụi đầu vào ngực mẹ để tìm cái ăn, và cuối cùng nó đã tìm ra. Mình nghe tiếng nó mút, nghe tiếng nó nuốt sữa.
Trong ánh đèn dầu nhập nhoạng, vợ mình nhắm nghiền đôi mắt ngồi trên chiếc băng dài, sắc mặt vàng võ, bất động, còn đứa con gái thì miệng mút, tay chụp, chân đạp... Cuối cùng thì con bé đã ngủ trong lòng mẹ nó. Vợ mình mở mắt, đặt con bé xuống chiếc giường ọp ẹp. Mẹ nói: Mẹ con Phân Phân à, ăn cơm đi! Cô ấy nói vâng rồi khoát nước trong khay nước để cho gà uống rửa tay qua loa, lau tay vào chiếc khăn đen. Dây phơi động đậy khiến hàng trăm con ruồi đang đậu trên dây bay vù loạn xạ dưới ánh đèn mờ tỏ, lát sau lại quay về vị trí cũ tiếp tục ngủ. Những trận gió đêm thổi từ ngoài cánh đồng vào mang theo mùi lá mục. Ngọn đèn chỉ lớn hơn hạt đậu dao động, leo lét và có thể tắt bất cứ lúc nào, trông thật đáng thương. Mẹ lại giục: Ăn cơm đi! Chiếc bàn ăn nhỏ xíu đặt trên giường mẹ, trên bàn chỉ có một đĩa rau với một bát nước tương. Bố ngồi ở đầu giường, vừa hút thuốc lá cuốn vừa ho. Mẹ gắt: Đã ho thì đừng hút nữa. Bố chẳng nói chẳng rằng, đôi mắt thi thoảng lại lóe lên khi đốm thuốc lá rực đỏ lên. Mẹ nói: Mẹ của Phân Phân à, con mở vung lấy cơm đi, chân mẹ đau quá đứng lên không được - Nói xong, mẹ vịn thành giường bò lên giường. Vợ mình mở nắp vung bê ra một đĩa khoai và hai bát cơm... Thôi thôi, mình cứ lan man về chuyện này làm gì nhỉ. Chỉ chớp mắt là mười ngày phép đã qua, phải trở lại đơn vị thôi. Bố khóc, mẹ cũng khóc, làm như đưa mình vào chỗ chết không bằng. Vợ mình chẳng khóc, chỉ lặng lẽ ôm lấy Phân Phân trông như một bức tượng gỗ... Mình sờ mặt con bé, nói: phân Phân, chờ nửa năm nữa là bố về... Lúc này nước mắt vợ mình mới trào ra... Có ai ngờ lần ấy ra đi...
- Đừng kể nữa! - Không phải là Hoa Trung Quang hét mà là tớ hét. Những lời khóc kể của Khương Bảo Châu cũng chính là sự khóc kể của chính tớ - Triệu Kim à, hoàn cảnh gia đình tớ, cậu biết rất rõ, chẳng khác gì hoàn cảnh gia đình Khương Bảo Châu phải không?
- Không! Mình phải kể - Khương Bảo Châu vỗ vỗ vào cánh cửa, tiếp tục nói với Hoa Trung Quang, lúc này đã ngừng khóc - Trung Quang, dù sao thì bạn vẫn có một người anh ở nhà, bố mẹ đều còn khỏe, cũng chưa có vợ con, cậu khóc là vì sao?
Hoa Trung Quang lại bật khóc nức nở, chạy bổ ra ôm chầm lấy Khương Bảo Châu, nói:
- Bảo Châu đừng nói nữa! Lời của cậu như những nhát kéo, như máy nghiền biến lòng ruột tớ thành một hũ tương rồi...
Tớ và La Nhi Hổ chen vào phần mộ của cậu ta. Bên trong rất hẹp, khó đủ chỗ cho ba bốn người nên còn vài cán bộ nữa chỉ đứng ngoài cửa cúi đầu nhìn vào trong. Rễ cỏ và rễ cây đã đâm ra tua tủa ở bốn bên vách, ngoằn nghèo, cong veo trông như râu bạch tuộc, muốn cắt bỏ được bọn này còn khó hơn cả nằm mơ giữa ban ngày. Trong rễ cây rễ cỏ tạp nham ấy, Hoa Trung Quang đã đắp được hai chiếc đôn bằng đất, một cái to một cái nhỏ. Một chiếc túi vải sa đựng rất nhiều đom đóm được treo trên một chiếc rễ cây, màu xanh lục chiếu rọi một tờ báo đang mở.
Hoa Trung Quang chen vào, nói:
- Các vị thủ trưởng, thực ra tôi khóc không phải là vì nhớ nhà. Gia cảnh của các thủ trưởng còn khó khăn hơn tôi gấp nhiều lần, các anh cứ yên tâm ở lại đây, vĩnh viễn không về thì tôi có lý do gì mà về. Tôi khóc vì tờ báo này đây.
Tiểu đoàn trưởng La liếc mắt nhìn vào tờ báo rách nát, ố vàng, hỏi:
- Nó viết cái gì mà cậu lại đau xót đến dường ấy?
- Trong tờ báo này có một bản tin, chỉ cần đọc qua là tôi không thể kiềm chế được nữa.
- Tin gì? - Tiểu đoàn trưởng La hỏi.
- Anh hãy tự xem đi! - Hoa Trung Quang đưa tờ báo cho La Nhi Hổ.
Tôi cũng nghiêng đầu nhìn vào tờ báo, trông thấy trên tờ báo rách lỗ chỗ có một bản tin cũng bị rách lỗ chỗ. Nội dung bản tín này là, căn cứ vào tin của Bộ ngoại giao, mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu bình thường hóa. Tôi quay đầu lại hỏi Hoa Trung Quang:
- Bản tin này làm cho cậu khóc như thế sao?
- Chính trị viên, - Nước mắt Hoa Trung Quang vẫn còn đọng trên mắt - Tôi càng nghĩ càng cảm thấy mình chết thật là oan uổng.
- Đồng chí này, tư tưởng của cậu có vấn đề rồi đó, - La Nhi Hổ nói một cách nghiêm trang. - Trên thế giới này không hề có một tình bạn vĩnh viễn, cũng không hề có một kẻ thù vĩnh viễn. Quan hệ giữa con người và con người là như vậy, quan hệ giữa nước này và nước khác cũng như vậy. Mâu thuẫn tích lũy đến một mức độ nhất định nào đó tất sẽ đánh nhau; đánh nhau thì tất sẽ có dừng. Không đánh nhau ắt không có ngày hòa bình hôm nay, cậu có hiểu không?
- Không hiểu! - Hoa Trung Quang lắc đầu nói.
- Không hiểu cũng chẳng sao, chuyện quốc gia đại sự không cần dân đen lo lắng, cũng chẳng cần người chết phải bận tâm - La Nhi Hổ nói.
- Nhưng mà... - Hoa Trung Quang định vớt vát, nhưng tớ đã cắt ngang lời cậu ta:
- Cậu có mệt không hả?
Lúc này, tiếng gà gáy trong rừng tùng vọng đến le te. Tiếng người nói ồn ào, tiếng lừa ngựa kêu vang lên bốn phía. Bọn tớ cảm thấy trong lòng không yên, hình như sẽ có một tai họa gì đó sẽ đến.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét