Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Chuyện của Tổng thanh tra Chính Phủ Trần Văn Truyền

Đây là tin cũ, Thứ tư, 2/2/2011 
Chuyện của Tổng thanh tra Chính Phủ
Ở cương vị phải giữ mình đến mức gần như là “ép xác”, gương mặt lúc nào cũng phảng phất buồn, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bộc bạch dù thế nào, ông vẫn là con người bằng xương bằng thịt chứ đâu phải là gỗ đá.  Ông Kim Quốc Hoa: "Đủ cơ sở đưa tin về biệt thự của ông Truyền"
- Từng có nhiều câu chuyện “truyền kỳ” về việc người ta mang đến nhà tặng ông hàng cặp tiền đôla?
- Có lần, cũng chỉ mới đây thôi, một người quen với một họ hàng của tôi qua nhà chơi, nói là vừa đi Trung Quốc vừa, có chút quà nhỏ thăm tôi. Đó là một chiếc cặp, nhìn cũng rất giản dị thôi, nhưng khi yêu cầu mở cặp ra thì bên trong chứa hàng xấp tiền toàn là đôla. Người này sau đó đã xin lỗi và cầm tiền về.

- Ông đã từng lập biên bản “tại trận” trường hợp nào mang quà thái quá, như cái cặp đầy đôla kia?

- Thực tế là những người nào có cơ hội đến tận nhà mình biếu quà như vậy, đều là có quen biết với người thân của mình. Ai đến chơi để lại quà kèm theo tiền thì tôi bảo họ cầm về và nhắc nhở nghiêm khắc không được làm thế. Những trường hợp như vậy, người ta đều xin lỗi, nhận lại. Nếu người ta cố tình không chịu nhận lại thì mình phải lập biên bản, báo cáo cơ quan chức năng xem xét chứ nếu lập biên bản ngay khi người ta vừa mang quà đến thì thật tình không nỡ.

Còn có nhiều lúc họ đến tôi chơi, mang quà nhưng nói không phải biếu tôi mà gửi biếu mẹ tôi ở quê. Tôi vẫn nói thẳng: “Mấy ông thương tôi thì không nên làm vậy. Dùng tiền quan hệ với nhau, mai mốt không vướng chuyện này cũng dính việc khác nên thôi đành mất lòng trước vậy". Riêng đối với những người đang là đối tượng thanh tra của mình thì dứt khoát một xu quà cũng không được nhận và phải xử lý đúng quy định.

- Thay bằng hình thức như gửi quà cho mẹ, họ không cần qua ông mà gửi quà cho vợ con ông và nhờ họ thuyết phục thì sao?
- Thú thực là từ khi làm Tổng thanh tra, không chỉ cá nhân mà tôi cũng phải “trông coi” đến cả vợ con, bởi đúng là nhiều khi người ta tác động đến cả vợ con mình.

- Thường xuyên phải đối diện với những sự việc gay cấn như vậy, có lẽ đã tạo cho ông phản xạ nhìn tất cả các gói quà đều bằng ánh mắt rất “cảnh giác” và những người yêu quý ông thật sự, chắc cũng khó có cơ hội để bày tỏ?
Quy chế quà biếu, tặng Chính phủ ban hành đã quy định rõ trường hợp nào, giá trị bao nhiêu thì được nhận, khi nào phải trả lại... chứ không phải không bao giờ được phép nhận quá. Trong quan hệ tình nghĩa bình thường, giá trị quà tặng cũng bình thường thì không nên đánh giá, quy kết thái quá. Chẳng hạn các bạn tới nhà tôi chơi nhân chuyến công tác, có chút quà thì có gì tôi lại phải từ chối, nhất là quan hệ giữa chúng ta không liên quan gì tới công việc. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất để giữ mình trong chuyện này là người được tặng quà phải hiểu đối tượng mình đang tiếp xúc là ai, việc tặng quà có bình thường không.


- Như vậy là rất có lý khi người ta vẫn truyền tai nhau rằng “mua” Tổng thanh tra Chính phủ bằng tiền là rất khó. Nhưng còn mua bằng... mỹ nhân thì sao, thưa ông?

- Thực tế, cũng có những cuộc gọi đến tôi, đầu tiên là lấy lý do gọi nhầm số, rồi làm quen, giọng nói rất dễ thương. Họ gửi tin nhắn cũng rất tình cảm, tha thiết. Rồi có những cuộc thăm hỏi tình cờ. Tôi nghĩ, họ ứng xử lịch thiệp thì mình cũng phải ứng xử lịch thiệp, cũng không nên quá sắt đá và cứng nhắc, miễn là trong giới hạn cho phép và không vì mục đích vụ lợi. Cũng như ứng xử với chuyện nhận quà thôi.

Theo tôi, điều quan trọng nhất để giữ mình trong chuyện này là người được quý phải hiểu đối tượng quý mình là ai và việc họ quý mình có bình thường không. Thực sự là cũng có người họ quý mình thật lòng chứ không phải họ đều làm quen với mục đích này hay mục đích khác không chính đáng. Chẳng lẽ là Tổng thanh tra Chính phủ thì không được phép có bạn bè?

- Nhưng giữa quà tặng tình cảm và quà tặng vụ lợi còn dễ phân biệt chứ giữa mỹ nhân tình cảm và mỹ nhân vụ lợi, hẳn là ranh giới khó hơn nhiều và ông làm thế nào để có thể phân biệt được?

- Tôi nghĩ thời gian sẽ làm rõ việc người ta muốn thực sự là bạn với mình hay chỉ muốn lợi dụng.

- Nhưng ông có khi nào thấy e ngại về việc thời gian chưa kịp làm rõ thì đã bị lợi dụng?
- Điều đó thì thuộc về bản lĩnh của những người công tác trong những lĩnh vực như tôi mà.

- Trong 5 năm qua, với vai trò là một người chuyên đi truy tìm dấu vết của các vụ án tham nhũng, những điều mà ông cảm thấy còn nhiều trăn trở?

- Đảng và Nhà nước đang khuyến khích chống tham nhũng và chúng ta phải bắt đầu từ các cá nhân. Bởi vì tham nhũng diễn ra trong từng cá nhân, và người chống tham nhũng cũng phải có hành động ở từng cá nhân. Nếu chúng ta cứ hô hào chống tham nhũng nhưng rồi không ai dám làm gì, mà nếu làm rồi cũng bị chùn bước vì chịu quá nhiều áp lực, đe dọa thì bao giờ mới chấm dứt được nạn tham nhũng?

Mình phải chấp nhận khi đã dấn thân vào cuộc chiến này thì đương nhiên sẽ có những tổn thương và nguy hiểm. Vì vậy, trước hết chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu. Ngay như bản thân tôi, mỗi khi có kết luận thanh tra chỗ này, chỗ khác thì ít hay nhiều vẫn bị ảnh hưởng về mặt tình cảm, quan hệ, ứng xử với nhau. Nhưng như từ tôi hay dùng là “đã dấn thân thì phải có sự hy sinh”. Tuy có thể mất mát về phía mình nhưng được cho việc chung thì vẫn phải làm.

- Thực tế cho thấy, không phải tất cả các vụ bê bối mà Thanh tra Chính phủ phát hiện ra đều được làm đến cùng. Khi đó, cảm nghĩ của ông là gì?
- Tất nhiên, là người làm công tác thanh tra, không ai là không muốn đi đến cùng sự việc, không thể bỏ dở. Nhưng đôi khi vẫn gặp phải những tình huống như vậy thì phải xem xét kỹ và cố gắng tìm cách làm sao để giải quyết, thực hiện cho đến cùng. Nhưng không thể cực đoan, làm lấy được, làm đến cùng theo kiểu bằng ý kiến chủ quan của mình mà phải khách quan, thực tế để mang lại hiệu quả tích cực nhất.

- Theo ông, đâu là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến thành công của công cuộc chống tham nhũng ở VN?
- Công khai minh bạch chính là chìa khóa, là vấn đề xương sống. Có công khai, minh bạch mới kiểm soát được bộ máy nhà nước, công việc của cán bộ, công chức nhà nước. Đặc biệt là công khai về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức... Tiếp đến là phát huy vai trò tổng hợp của toàn dân, tìm sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng. Các cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của công dân, làm cho người dân vừa ý thức được trách nhiệm công dân phải được triển khai mạnh mẽ.

Công việc sau đó, Thủ tướng đã góp ý với chúng tôi là tiếp tục cải cách chế độ tiền lương bởi điều này cũng liên quan đến việc phòng ngừa và chống tham nhũng. Chúng ta không dùng tiền lương để giải quyết mọi thứ, nhưng đồng lương là một động lực để thôi thúc cán bộ, công nhân viên cống hiến nhiều hơn...

...

Sinh năm 1950 ở Bến Tre, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, X, đại biểu Quốc hội khóa X, XII và từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tháng 6/2006, ông Trần Văn Truyền được Quốc hội phê chuẩn vào cương vị Tổng thanh tra Chính phủ. Một năm sau đó, ông tái đắc cử với số phiếu lên đến 93%.
Chia sẻ với báo giới khi đó, ông đã nói: “Trong nhiệm kỳ mới, vấn đề tôi quan tâm hàng đầu là nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, không để xảy ra tiêu cực làm mất uy tín, đồng thời, xây dựng thể chế để hoạt động thanh tra có hiệu quả hơn”.

Theo TBKTVN

1 nhận xét:

  1. Thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh dì (gì)
    Nếu có phong bì thì sẽ thanh kiu (thank you)
    Thanh kiu thì mặc thanh kiu
    Nếu không có phong bì lại tiếp tục thanh cha (tra)

    Trả lờiXóa