Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

"Bụi đời chợ Lớn" miền Bắc xuất hiện?

“Gác kiếm” là một bộ phim hành động giàu chất nhân văn kể về những mảnh đời bất hạnh bị xã hội quay lưng, về những trái tim vốn lạnh lùng, chai sạn bởi những trận chiến đẫm máu vẫn có lúc phải run rẩy khi tính mạng người mình yêu thương bị đe dọa.

Ra mắt trong thời điểm mà dư âm của “Bụi đời Chợ Lớn” vẫn chưa tan, bộ phim “Gác kiếm” (khởi chiếu cuối tuần này) cũng gây nên một sự tò mò, chờ đợi ở người xem, nhất là khi nó được thực hiện bởi một đạo diễn miền Bắc.

Bị bỏ rơi từ nhỏ, Huyền (Hương Thảo) may mắn được nhận nuôi, lớn lên và trở thành một cô nữ sinh đại học xinh đẹp. Nhưng cô không hề biết rằng người cha nuôi của mình, Phương Ấn Độ (Nghệ sỹ ưu tú Trần Nhượng), lại là một trùm băng đảng xã hội đen.
Trớ trêu hơn nữa, người mẹ đẻ của cô, Lan Báo (Ngân Hoa), cũng là một trùm xã hội đen, và phụ trách một băng đảng đối địch với cha nuôi của Huyền.
Trong cuôc chiến cạnh tranh vùng làm ăn, Huyền trở thành con tin để Lan Báo uy hiếp Phương Ấn Độ mà không hề ngờ rằng bà ta đang giữ trong tay chính đứa con gái của mình. Cuộc chiến trở thành một cuộc đấu trí ác liệt…
"Bụi đời chợ Lớn" miền Bắc xuất hiện? - Ảnh 1
 Một cảnh trong phim.
"Gác kiếm" là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Tạ Huy Cường, người từng thực hiện loạt phim truyền hình gây tiếng vang "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long.
Phim quy tụ dàn diễn viên gạo cội miền Bắc, dễ khiến người xem liên tưởng tới loạt phim "Cảnh sát hình sự" quen thuộc trên VTV.
Tuy nhiên, nhà sản xuất cho biết “Gác kiếm” không chỉ là một bộ phim hành động, mà còn là "một câu chuyện giàu chất nhân văn, về những mảnh đời bất hạnh bị xã hội quay lưng, về những trái tim vốn lạnh lùng, chai sạn bởi những trận chiến đẫm máu vẫn có lúc phải run rẩy khi tính mạng người mình yêu thương bị đe dọa."
Bên canh đó, Tạ Huy Cường cũng lôi kéo khán giả vào hình ảnh những bóng hồng hành động, với việc mời người đẹp từng tham dự Miss World 2013 Lại Hương Thảo cùng người đẹp Kỳ Anh Trang (trong vai Yến) tham gia bộ phim. 
Nhưng dù có những cuộc rượt bắt nghẹt thở, những trận chiến khắc nghiệt, thì nhiều cảnh hành động trong phim vẫn gợi cho người xem về hơi hướng của những bộ phim Hong Kong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, với cách đánh nhau có phần thô sơ, thậm chí hơi “sến” và không thật, với nhiều nhân vật xã hội đen như bị “đóng khung” trong dáng vẻ lạnh lùng, hằn học.
Dù vậy, “Gác kiếm” vẫn là một bộ phim rất đáng xem trong tháng 2 này, để xem điện ảnh miền Bắc "vùng vẫy" ra sao khi phim Việt Nam chiếu rạp phần lớn đều do các đạo diễn Việt kiều thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét