Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Bộ trưởng Công thương lý giải việc hàng TQ ngập thị trường

Đầu năm đọc mấy lý giải, mấy giải pháp của ông Bộ trưởng này mà phát chán. Nhập siêu tăng ào ạt nhưng vẫn mạnh mồm: "giải pháp bước đầu mang lại hiệu quả", và "đòi hỏi phải có một giải pháp tổng thể, đồng bộ và sự thực thi tích cực, chủ động của tất cả các bộ, ngành, các địa phương, DN và người tiêu dùng". Trung Quốc đã và đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, bất chấp phá hủy nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội và hủy diệt môi trường; có cái gì đào được lên để chế biến, xuất khẩu được là đào; đào hết trong nước thì tìm sang nước ngoài để đào. Ta không những bắt chước mô hình của họ mà còn làm kém hơn: Đào để bán sản phẩm thô chứ có biết chế biến, làm tăng giá trị tài nguyên như họ đâu. Nhìn tài nguyên, của cải trong nước bị bán sang TQ với giá rẻ mạt, dưới giá thành, rồi nhìn hàng TQ độc hại, phẩm chất kém lũ lượt chảy vào nước ta, không hiểu bác Bộ trưởng có thấy đau lòng; chúng vào nước ta tự nhiên như vào nhà vô chủ. Có lẽ hiếm có nước nào lại để bất bình đẳng ngoại thương song phương lớn như VN và TQ hiện nay. Hiện tại vào siêu thị nào cũng có cảm giác như siêu thị hàng TQ. Tới đây TQ sẽ mua luôn các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế, du lịch, bất động sản... với giá rẻ mạt để trực tiếp khai thác tài nguyên và nguồn lao động rẻ mạt ở nước ta.
Bộ trưởng Công thương lý giải việc hàng TQ ngập thị trường
Năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, nhưng một thực tế nhập siêu tại thị trường Trung Quốc lại gia tăng và có dấu hiệu khó kiềm chế. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải, với lợi thế giá rẻ, chi phí vận tải thấp nên hàng hóa của Trung Quốc có khá nhiều lợi thế xâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng Công thương lý giải việc hàng Trung Quốc 
ngập thị trường do lợi thế giá rẻ, chi phí vận tải thấp
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, những hàng hóa được nhập siêu từ Trung Quốc tăng là các loại vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị... phục vụ cho đầu tư xây dựng và cho sản xuất, trong đó kể cả cho gia công để xuất khẩu, chúng ta vẫn phải nhập khẩu, nhất là trong ngành dệt may, da giày, điện tử, năng lượng.

Trên Chinhphu.vn, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng phân tích Trung Quốc có lợi thế về vị trí địa lý và thuận lợi về giao thông, giá cả cạnh tranh và nguồn hàng phong phú dần trở thành một trong những thị trường chủ yếu cung cấp các nhóm hàng mà Việt Nam cần.

Số liệu của Hải quan công bố ngày 20/12 cho thấy, tính 11 tháng đầu năm nay, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã lên mức 21,6 tỉ USD. Con số nhập siêu đã tăng khoảng 76 lần sau 10 năm khi năm 2001, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chỉ 210 triệu USD.

Trong khi Việt Nam xuất gạo, cao su, than đá… sang Trung Quốc thì lại nhập về xăng dầu, khí hóa lỏng, linh kiện máy móc.

Cụ thể, tổng trị giá nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong 11 tháng lên gần 16,85 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 5,93 tỉ USD, tăng 25,5%.

Cả nước nhập khẩu gần 624.000 tấn khí đốt hóa lỏng, trị giá 562 triệu USD. Trung Quốc và Qatar là hai thị trường lớn nhất cung cấp khí đốt hóa lỏng cho Việt Nam, trong đó Trung Quốc gần 309.000 tấn, Qatar 172.000 tấn.

Ngoài ra, Trung Quốc còn là thị trường chính cung cấp xăng dầu, máy tính, linh kiện cho Việt Nam trong 11 tháng qua. Đơn cử, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước gần 6,69 triệu tấn, trong đó, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc 1,17 triệu tấn; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: cả nước nhập khẩu gần 16,28 tỉ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 4,1 tỉ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Để rút ngắn khoảng cách cán cân thương mại ở thị trường này, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, việc giảm dần tỷ lệ nhập siêu trong thương mại Việt Nam với Trung Quốc đòi hỏi phải có một giải pháp tổng thể, đồng bộ và sự thực thi tích cực, chủ động của tất cả các bộ, ngành, các địa phương, DN và người tiêu dùng.

Về phía Bộ Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, để kiềm chế nhập siêu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nghiên cứu đề án giảm nhập siêu từ một số thị trường chủ yếu.

Một số biện pháp đã được
Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả, cụ thể như thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu được coi là giải pháp chủ yếu, lâu dài để giảm nhập siêu.

Để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã chủ động đàm phán và ký kết với phía Trung Quốc các thỏa thuận hợp tác nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng, minh bạch và ổn định cho hàng xuất khẩu của ta, đặc biệt là các nhóm hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản.

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và các biện pháp khác để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Thông qua các Văn phòng Xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu. Trước mắt, một số văn phòng sẽ được thành lập mới tại các địa phương của Trung Quốc như tại thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam), Trùng Khánh và thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô)...

Ngoài ra, còn phát triển công nghiệp hỗ trợ, củng cố thị trường trong nước, xây dựng cơ chế phù hợp, hiệu quả khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Thu hút nguồn đầu tư vào Việt Nam đối với các lĩnh vực đang yếu và thiếu, đặc biệt là các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho phát triển kinh tế trong nước và gia công xuất khẩu giảm dần và thay thế nguốn nguyên nhiên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài (xăng dầu, phân bón, sắt thép, vật liệu xây dựng, nguyên phụ liệu dệt may, da,…) để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn, hàng nhập lậu Trung Quốc tràn vào Việt Nam từ tăm tre cho đến quả ô mai, nhiều sản phẩm chứa chất độc hại đối với sức khỏe, thậm chí có thể gây bệnh ung thư, TS Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất, trước hết cần tổ chức hệ thống phân phối bán lẻ tốt hơn, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng.

"Hiện hàng Trung Quốc cạnh tranh bằng cách giá rẻ nhưng mặt trái của hàng Trung Quốc là có rất nhiều độc hại và điều này thế giới cũng phát hiện như búp bê đầu trái cây, dép, thực phẩm... Bộ máy của chúng ta cần phải chắt lọc đừng để hàng hóa độc hại của Trung Quốc đầu độc chúng ta, đừng để hàng hóa Trung Quốc phá hoại sức khỏe con người", TS Lê Đăng Doanh nói.

TS Lê Đăng Doanh cảnh báo, không thể cạnh tranh bằng giá với Trung Quốc vì cạnh tranh bằng giá là giết chết sự sáng tạo của chúng ta, cạnh tranh bằng giá dẫn chúng ta đến con đường bần cùng, chúng ta phải cạnh tranh bằng cách làm khác, làm mới.
Nhập siêu thấp, chưa vội mừng
Nhập siêu từ Trung Quốc đã lên mức 21,6 tỉ USD
Phương Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét