Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Ai từng bẻ thước mà đo lòng người?

Ai từng bẻ thước mà đo lòng người?
Quan sát tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua, ta thấy thiếu nhiều sự thật quan trọng chưa được làm rõ đều liên quan mật thiết đến "thước đo".
Trong cuộc sống, để đánh giá chính xác sự vật hay hiện tượng gặp phải, người ta không chỉ dựa "tai nghe, mắt thấy" mà cân phải có "thước đo" khách quan và sự trung thực. Thiếu các điều kiện này, sẽ khó tìm ra sự thật, hoặc sự thật bị che dấu.
Lấy thí dụ, các thước đo khách quan như cái cân, đồng hồ đo thời gian hay quãng đường đi... sẽ không còn đáng tin cậy (dù còn hoạt động tốt), khi đã bị chỉnh sửa để trở nên "thiên vị", giống như trường hợp một số thương lái, hay tài xế taxi chỉnh lại cái cân hay đồng hồ đếm cây số để ăn gian khách hàng, kiếm lời bất chính...

Quan sát tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua, ta thấy thiếu nhiều sự thật quan trọng chưa được làm rõ đều liên quan mật thiết đến "thước đo", như vài dẫn chứng sau.

Trường hợp thứ nhất:
 

Để biết "sức khỏe" của nền kinh tế, các nước đều dùng những thước đo phổ biến như tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát, nợ xấu... nhưng ở Việt Nam niềm tin vào các loại "cân" này xem ra khá thấp,vì chúng thường cho kết quả trái ngược nhau, tùy thuộc chỗ đứng của người sử dụng, như báo chí đã nhiều lần phản ánh.

Bên chịu trách nhiệm về quản lý điều hành kinh tế và những người ăn theo hay mắc "thành tích" nên dễ bị hoài nghi là đã "tô hồng"bức tranh khi cho rằng kinh tế Việt Nam (năm 2013) đã chính thức "thoát đáy"và "đang phục hồi".

Bên giới quan sát và phản diện, thì ngược lại, tỏ ra không tin tưởng vào các số liệu đã công bố, bởi lẽ, theo họ, các cơ quan thống kê không độc lập nên các con số đưa ra thường "nhảy múa", thậm chí có người nói "GDP có chân", không biết đang "chạy đi đâu" (ví dụ, nói GDP của cả nước đạt trên 5% trong khi GDP của các địa phương báo cáo đều xấp xỉ đạt gấp đôi con số này...)

Thế là họ bi quan đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn còn đang "nghẽn mạch" hoặc " mò đáy" theo kiểu chữ "L", thậm chí suy thoái kép theo kiểu chữ "W" chứ chưa thể phục hồi theo kiểu chữ "V"...

Việc "chữa bệnh" cho nền kinh tế, cũng giống như chữa bệnh cho con người, một khi kết quả xét nghiệm không đáng tin cậy (nhất là sau vụ phát giác "nhân bản" kết quả xét nghiệm của hàng ngàn bệnh nhân tại một bệnh viện ở Hà Nội) thì làm sao chuẩn đoán đúng và điều trị được bệnh?

Trường hợp thứ hai đang là vấn đề thời sự:

Đó là đo lường những thứ "không thể đo được bằng thước", như câu ca dao của dân ta: "Lòng sông lòng bể dễ dò, ai từng bẻ thước mà đo lòng người". Chẳng thế mà dư luận đặc biệt quan tâm về phát biểu Quốc hội TPHCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp Quốc hội ngày 24/10/1013), rằng phải "làm cách gì để đo được lòng dân" vì theo bà "lòng dân bây giờ thật sự bất ổn trên nhiều góc độ lắm" (Tuổi Trẻ Online ngày 25102013)

Đây không phải là vấn đề mới, mà từ lâu người ta đã nêu ra và có cách xử lý. "Lòng người là thứ không thể cân đong đo đếm" như đối với vật vô tri vô giác, nhưng không phải vì thế mà không có cách nào để nhận biết khá chính xác "lòng dân", như nhà xã hội học nổi tiếng, Gordon W.Allport (trong cuốn Research Methods in Social Relations, New York Dryden, 1951) đã nói: "Nếu chúng ta muốn biết lòng dân nghĩ thế nào, tâm tư tình cảm, động cơ và lý do hành động của họ ra sao ... thế thì tại sao chúng ta không hỏi thẳng họ?"

Từ thời xa xưa, các vua chúa "anh minh" đã dùng phương pháp rất "thủ công " để tìm hiểu lòng dân, như "vi hành", cải trang làm dân thường, sống "ba cùng" với người dân. Ngày nay, ở nhiều nước người ta dùng phương pháp khoa học và Internet để "đo" lòng dân. Chẳng hạn phương pháp "điều tra xã hội học ". Ở Mỹ các viện thăm dò dư luận (độc lập với chính phủ) nổi tiếng như Gallup, Pew Research Center ...hàng ngày công bố kết quả điều tra dư luận nhân dân Mỹ về các vấn đề lớn mà xã hội quan tâm, nhất là mức độ tín nhiệm đối với chính phủ và tổng thống Mỹ, tạo nên sức ép dư luận không nhỏ mà giới cầm quyền phải tính đến, mỗi khi ban hành và thực thi chính sách. Đối với những quyết định hệ trọng của quốc gia, các nước văn minh buộc phải "hỏi ý kiến" toàn dân, bằng hình thức trưng cầu dân ý, chẳng hạn phúc quyết bản hiến pháp.

Ngày tại Việt Nam, gần đây cũng có một cơ quan và các trường đại học thí điểm tổ chức "điều tra xã hội học " hay "khảo sát dư luận". Chẳng hạn, năm 2006, TPHCM đã tổ chức khảo sát "mức độ hài lòng của người dân" đối với chất lượng dịch vụ công của một số ban ngành, tuy kết quả còn kém thuyết phục dư luận (như công bố 90-100% người dân "hài lòng"với chất lượng dịch vụ công hiện nay).

Độ chính xác "điều tra xã hội học ", hay các hình thức "hỏi ý kiến " người dân tương tự, không chỉ phụ thuộc vào quy mô lấy mẫu, mà quyết định ở tính khách quan và trung thực của cuộc điều tra.

Muốn biết "lòng dân"nghĩ gì thì đúng là không có cách nào tốt hơn là hỏi trực tiếp họ, nhưng chắc gì người dân dám nói thật lòng mình, hay kết quả trưng ra phản ánh đúng lòng dân, nếu môi trường xã hội chưa coi trọng tự do ngôn luận, khi mà "ý quan", chứ không phải "ý dân" được coi là tối thượng.

Giống như các cô gái thời phong kiến, dù có được hỏi ý kiến, nhưng hỏi là hỏi thôi, chứ việc quyết định thì đã an bài "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy".

Vũ Tiến Phúc
(Tuần VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét