Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Vì sao các quán quân Olympia không về nước?

Vì sao các quán quân Olympia không về nước?
Đã đến năm thứ 13, chương trình trò chơi truyền hình "Đường lên đỉnh Olympia" trên VTV3 lại được bạn đọc quan tâm khi thông tin hầu hết các quán quân của cuộc thi hầu hết đều đang lập nghiệp ở nước ngoài.
Bạn đọc Văn Tuấn cho rằng tình trạng chảy máu chất xám đã quá trầm trọng, đồng thời đề xuất “cần xem lại có nên tổ chức chương trình này nữa hay không. Hóa ra tổ chức gameshow này để đào tạo nhân tài cho nước ngoài?” Hay có người đưa ý kiến “cần phải có thêm điều kiện ràng buộc với các nhà vô địch, sau khi hoàn thành khóa học phải về Việt Nam để cống hiến cho đất nước…”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tùng kiên quyết “không thể thông cảm với các bạn… Đất nước tạo điều kiện cho các bạn đi học rồi cuối cùng các bạn không về cống hiến cho đất nước mà cứ bảo tại cái này cái kia mà không về xây dựng đất nước ta giàu hơn, đẹp hơn. Ai cũng như vậy thì đất nước ta cứ mãi làng nhàng, buồn lắm!”
Lê Vũ Hoàng, quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 6 hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc.
“Vậy ra cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" đã giúp tìm và đưa được các nhân tài của Việt Nam sang phục vụ đất nước Úc. Mong rằng các bạn sau một thời gian tích lũy nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài thì hãy làm gì đó để giúp đất nước phát triển hơn” – chị Hương Giang nêu ý kiến.

Trước những ý kiến chê trách các "nhà leo núi Olympia", nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm ngược lại. Về lý, nhiều người cho rằng học bổng dành cho những người chiến thắng không phải là tiền từ ngân sách Nhà nước, mà là từ các tổ chức tư nhân. Vì thế, họ hoàn toàn có quyền quyết định nơi mình sẽ làm việc và sinh sống.

Chị Thu Phương cho rằng “hãy thử đặt mình vào vị trí của các bạn ấy. Để tình trạng này xảy ra, các nhà lãnh đạo cần phải tự xem lại mình, chứ không nên trách các bạn”.

“Các bạn đều là những người giỏi, nhiều bạn cũng hỏi, tại sao không về Việt Nam? Nhìn vấn đề từ nhiều phía, đất nước đã đánh mất nhiều nhân tài và Nhà nước phải xem lại vấn đề này. Rồi cứ thử nghĩ, nếu các bạn về Việt Nam thì có nơi nào tạo điều kiện để phát huy năng lực không?” – độc giả Quang Thuận đặt câu hỏi.

Đồng tình với ý kiến này, anh Lê Văn Thân nói: “Sao lại bắt họ phải về hả các bạn. Học bổng họ đi không phải từ ngân sách Nhà nước. Họ rất nỗ lực phấn đấu để giành được nó. Vì vậy họ có quyền quyết định tương lai của mình. Họ làm việc ở nước ngoài nhưng không quên đất nước. Họ vẫn nghĩ về quê hương thể hiện qua cách giáo dục con cái, cách họ giúp đỡ các du học sinh đến sau. Và tương lai họ có điều kiện tốt để giúp đỡ người Việt Nam tham gia vào các tập đoàn lớn của trên thế giới.

Các bạn phải thẳng thắn thừa nhận rằng nếu họ về Việt Nam thì có khi họ còn không lo nổi cho gia đình mình chứ đừng nói gì phục vụ Tổ quốc. Họ ở bất kì đâu nhưng họ có tấm lòng phục vụ Tổ quốc là điều đáng quý rồi. Có trách là hãy trách những người dùng ngân sách Nhà nước đi học mà không về cũng không bồi thường ấy các bạn ạ! Có trách nữa thì hãy trách các nhà quản lý chưa tạo được điều kiện để họ quay về” – anh Thân thẳng thắn đưa ý kiến.

Cũng đứng về phía" các nhà leo núi", bạn đọc Hoàng Thu Hà nêu thực tế không phải cứ muốn về phục vụ đất nước là được phục vụ, trong khi “lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu chỉ biết chạy chọt xin đề tài để sống lay lắt qua ngày, khi mà lãnh đạo chỉ cố kiếm bằng tiến sĩ trong nước để ngoi lên thì làm sao mà biết dùng những người thực sự giỏi. Thôi cứ để các anh chị ấy phục vụ cho nhân loại nói chung và đến một lúc nào tình hình thay đổi thì quay về phục vụ đất nước vậy”.

Anh Đỗ Cao cũng cho rằng nơi nào có điều kiện tốt nhất thì những người có tài nên ở lại để giúp xã hội phát triển chung, còn hơn là quay về nhưng để cho tài năng thui chột.

“Phải chấp nhận thực tế thôi bạn. Các bạn ấy mà về Việt Nam thì chưa chắc có điều kiện để phát triển, phát huy bản thân chứ đừng nói là đóng góp cho đất nước” hay “Về Việt Nam, các anh chị ấy có được trọng dụng như Úc không hay là đi làm tháng lĩnh lương 4-5 triệu?” là những câu hỏi mà nhiều độc giả đặt ra cho các nhà lãnh đạo trong việc tìm ra những giải pháp để thu hút người giỏi về nước.

Nguyễn Thảo (tổng hợp)

(VNN)
Các nhà vô địch Olympia thuở đầu tiên giờ ở đâu?
Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng các nhà vô địch Olympia những năm đầu tiên như Ngọc Minh, Phan Mạnh Tân hay Lê Vũ Hoàng... vẫn luôn được dành những tình cảm đặc biệt.
Đường lên đỉnh Olympia là một trong những gameshow lâu đời nhất của Đài truyền hình Việt Nam. Ra đời năm 1999, trải qua 14 năm cùng hàng ngàn cuộc thi từ Tuần, Tháng, Quý, Năm, cho đến nay, chương trình đã 13 lần tìm ra các nhà vô địch. Đó là những học sinh THPT xuất sắc ở nhiều lĩnh vực, không chỉ kiến thức các môn văn hóa mà còn hiểu biết sâu rộng về xã hội. Họ trở thành những người được hâm mộ trên khắp cả nước bởi sự xuất sắc của mình. Và nhiều trong số đó, dù đã nhiều năm trôi qua nhưng họ vẫn luôn được dành những tình cảm đặc biệt, vẫn luôn được người hâm mộ dõi theo và muốn biết nhà vô địch của những năm đầu tiên đó, họ đang ở đâu, làm gì?
Trần Ngọc Minh
Trần Ngọc Minh là nhà vô địch đầu tiên của chương trình Đường lên đỉnh Olympia vào năm 2000. Khi đó, Minh là một học sinh ưu tú của trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long.
olympia, du học, thành đạt, nhà vô địch, Đường lên đỉnh Olympia
Sau chiến thắng, Ngọc Minh lên đường đi du học. Điểm đến là trường ĐH Swinburne, Australia với học bổng 35.000$ của nhà tài trợ. Tại đây, Ngọc Minh cũng đã làm rạng danh Việt Nam khi hoàn thành xuất sắc chương trình kỹ sư chuyên ngành Viễn thông và Công nghệ Thông tin và là một trong số ít những người tiếp tục nhận được học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo bậc tiến sĩ chuyên ngành Mạng thông tin của ĐH Kỹ thuật Swinburne.
Trong suốt quá trình học tập tại Swinburne, bên cạnh những thành tích cao trong học tập, Ngọc Minh còn là một thành viên tham gia rất nhiệt tình trong các hoạt động xã hội. Năm 2005, chị Ngọc Minh là giám đốc tiếp thị của Open your hearts, một tổ chức từ thiện trợ giúp cho trẻ em tàn tật, bất hạnh của Australia.
olympia, du học, thành đạt, nhà vô địch, Đường lên đỉnh Olympia
Ngọc Minh rạng rỡ trong ngày cưới
Sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Swinburne, Ngọc Minh cũng làm việc cho một công ty về lĩnh vực viễn thông tại Australia. Được biết, Ngọc Minh vừa làm đám cưới vào tháng một năm nay, sau khi mọi công việc và học tập đã ổn định. Dù ít khi xuất hiện cũng như ít đăng tải thông tin về bản thân mình nhưng Ngọc Minh vẫn luôn được mọi người nhớ tới, đó là cô gái nhỏ nhắn với gương mặt sáng, thông minh cùng nụ cười tỏa nắng.
Phan Mạnh Tân
olympia, du học, thành đạt, nhà vô địch, Đường lên đỉnh Olympia
olympia, du học, thành đạt, nhà vô địch, Đường lên đỉnh Olympia
Mạnh Tân (ngoài cùng bên trái) chụp cùng các Olympian tại Australia.
Sau Trần Ngọc Minh, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 2 là Phan Mạnh Tân. Năm 2001, chàng trai đến từ vùng đất học Hà Tĩnh này đã trở thành người chiến thắng trong cuộc đấu trí tuệ được hàng triệu người yêu mến. Cũng như Minh, Phan Mạnh Tân cũng sớm trở thành sinh viên của trường ĐH Swinburne.
Nhà vô địch năm nào giờ đã trở thành một người chồng, người cha mẫu mực. 12 năm sau khi vô địch Olympia, Tân chia sẻ vẫn nhớ rất rõ cảm giác lúc đó: "Cảm giác đó vẫn còn khá rõ, nhưng có lẽ anh nhớ không kỹ bằng mẹ anh, mẹ anh vẫn thỉnh thoảng nhắc lại lúc đó trong trường quay như thế nào và bố mẹ và các thầy cô, bạn bè ngồi dưới hồi hộp ra sao".
olympia, du học, thành đạt, nhà vô địch, Đường lên đỉnh Olympia
Tân cùng con trai.
Với Phan Mạnh Tân, Olympia đã cho anh cơ hội sang Australia du học, đó là một sự thay đổi lớn vì nó có ảnh hưởng quyết định đến sự nghiệp và cuộc sống của anh hiện tại. Ngoài ra việc từng được biết đến qua một chương trình như Olympia cũng tạo ra những thay đổi trong cách anh tiếp cận và nhìn nhận mọi việc, nó làm cho anh cảm thấy phải cẩn trọng hơn trong các lựa chọn trong công việc và cuộc sống - "Điều này có thể tốt hoặc không tốt" - Tân cười nói.
Sau 12 năm học tập và làm việc tại Úc, hiện tại, Phan Mạnh Tân đã lập gia đình và ổn định cuộc sống. Anh có một câu con trai 3 tuổi rưỡi và sắp chờ đón bé thứ hai. Vợ anh cũng là du học sinh, từng hoạt động chung hội sinh viên Việt Nam ở trường. Tân cũng đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ và đã đi làm ở công ty IBM, Melbourne, Australia được hơn ba năm nay.
Khi được hỏi về các nhà vô địch Olympia tại Australia kết nối với nhau như thế nào, Tân chia sẻ: "Có khá nhiều Olympian ở Úc, có những bạn đi học theo học bổng của chương trình và cả những bạn đi theo các học bổng hoặc dự án khác, nhưng mọi người đều liên lạc với nhau khá thường xuyên. Đặc biệt, những bạn đi học theo học bổng chương trình Olympia thì đại đa số đều học ở đại học Swinburne, đều sống gần nhau và rất thân nhau. Thậm chí có một đội bóng được lập ra lấy nòng cốt là các bạn Olympian ở Swinburne. Hằng năm, mọi người đều cố gắng tụ tập để quay clip gửi một vài lời chào hoặc câu hỏi về cho chương trình rồi xem các trận chung kết năm và cùng nhau giải các câu hỏi. Thường thì những bạn lứa sau như Minh Đức, Ngọc Hân, Anh Vũ thắng áp đảo".
Chia sẻ về cuộc sống gia đình hiện tại, Tân vui vẻ cho biết, công việc hiện tại của vợ chồng anh đang khá tốt nhưng cả hai đều quan tâm đến việc các cháu phải coi tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và duy trì văn hóa Việt Nam (và hi vọng là một chút văn hóa xứ Nghệ quê Tân). Nếu trong tương lai thấy việc về Việt Nam sẽ thuận lợi hơn cho việc học tập và phát triển của các cháu thì cặp đôi sẽ nhất định trở về.
Lê Vũ Hoàng
olympia, du học, thành đạt, nhà vô địch, Đường lên đỉnh Olympia
Là thế hệ sau của Ngọc Minh, Phan Mạnh Tân nhưng Lê Vũ Hoàng cũng là một trong những nhà vô địch để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Để chạm tay đến chiếc vòng nguyệt quế của năm thứ 6, chàng học sinh nghèo đến từ vùng đất Quảng Bình đầy nắng gió này đã phải nỗ lực rất rất nhiều.
Hoàng tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia trong hoàn cảnh éo le khi mẹ liên tục bị ốm phải nằm viện, nhà lại nghèo, tiền chữa chạy không có. Gạt nước mắt, cậu học trò Lê Vũ Hoàng đã lần lượt chinh phục hết các cuộc thi tuần, tháng, quý và trở thành nhà vô địch, mang vòng nguyệt quế vinh quang về làm món quà quý giá nhất tặng cho mẹ. Rất may, sau cuộc thi chung kết năm, mẹ của Hoàng đã được phẫu thuật thành công.
Ấn tượng trong lòng khán giả thời đó về Hoàng là một anh chàng đen nhẻm, gương mặt có phần khắc khổ nhưng bù lại, cậu học trò của trường THPT Bố Trạch, Quảng Bình này lại có một ý chí và niềm tin đáng kinh ngạc. Vượt qua đối thủ để trở thành nhà vô địch Olympia năm đó, Lê Vũ Hoàng đã khiến nhiều người rơi nước mắt, mừng cho tương lai của cậu học trò đất Quảng.
olympia, du học, thành đạt, nhà vô địch, Đường lên đỉnh Olympia
Đặt chân đến ĐH Swinburne, Australia, Lê Vũ Hoàng cũng đã hoàn thành tốt chương trình học của mình và sớm có một công việc ổn định tại đây. Anh cũng đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ được 3 năm nay, còn một năm nữa là hoàn thành. Sau 7 năm, đến hiện tại, chàng trai đến từ Quảng Bình đã lập gia đình vào tháng 2 năm nay. Cả hai vợ chồng Vũ Hoàng đều đang sống và làm việc tại Australia.
(Theo Tri Thức Trẻ)
Ý kiến bạn đọc (32)
vutrungbhxh31/07/2013 15:44:33 PM
Môi trường sống và làm việc của nước ngoài quá tốt, nên điểm chung là mấy bạn này đều ở lại làm việc. Chính phủ chúng ta phải tự xem lại mình thôi, đừng trách gì các bạn đó cả.
Duy Hùng31/07/2013 14:57:08 PM
Mọi người buồn gì ? Mọi người hãy đặt vào hoàn cảnh các em ấy sẽ hiểu và thông cảm. Chúc các em thành công.
Lê Văn Thân31/07/2013 15:15:40 PM
Sao lại bắt họ phải về hả các bạn. Học bổng họ đi không phải từ ngân sách nhà nước, họ rất nỗ lực phấn đấu để dành được nó. Vì vậy họ có quyền quyết định tương lai của mình. Họ làm việc ở nước ngoài nhưng không quên đất ...
Hương Giang31/07/2013 15:19:14 PM
Vậy ra cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" đã giúp tìm và đưa được các nhân tài của Việt Nam sang phục vụ đất nước Úc. Mong rằng các bạn sau một thời gian tích lũy nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài thì hãy làm gì đó để giúp đất nước phát triển hơn.
Ngoc Anh31/07/2013 15:19:15 PM
Phải gởi bài này về cho ba mẹ coi mới được, bao nhiêu người tài vậy còn chẳng dám đóng góp xây dựng tổ quốc, mình mới học xong đại học ba mẹ cứ bắt về để xây dựng đất nước.
Tử Anh31/07/2013 15:19:16 PM
Họ ở nước ngoài vì họ đủ thông minh để biết cái tài của họ được sử dụng và phát huy.
Trần Hoàng Duy31/07/2013 15:05:50 PM
Các bạn cũng phải hiểu dùm cho những người đó về VN làm lấy gì mà sống
Hoàng Thu Hà31/07/2013 15:05:56 PM
Đọc các comments thấy mọi người bức xúc về việc các bạn đi du học Úc không quay trở về phục vụ đất nước. Nhưng hỡi ôi đâu cứ muốn về để phục vụ là được làm việc phục vụ đất nước đâu. Khi mà nền khoa học nước nhà còn nằm trong tay những nhà quản lý kém cỏi chỉ biết gửi giá vào các đề tài nghiên cứu khoa học, các lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu chỉ biết chạy chọt xin đề tài (phần nhiều là vô nghĩa) để sống lay lắt qua ngày, khi mà nhiều ông bà lãnh đạo chỉ cố kiếm bằng tiến sĩ trong nước để ngoi lên thì làm sao mà biết dùng những người thực giỏi được. Thôi cứ để các anh chị ấy phục vụ cho nhân loại nói chung và đến một lúc nào tình hình thay đổi thì quay về phục vụ đất nước vậy. 
Thích lý sự31/07/2013 15:18:22 PM
Cứ thử nghĩ lương của VN, tham nhũng của VN và tệ nạn của VN thì làm sao nhân tài họ về phục vụ được. Đã thế nếu không có 5C thì cũng phấn đấu nổi sao.
Đức Giang31/07/2013 15:16:56 PM
Trong điều kiện hiện tại không về cũng phải thôi. Về để rồi giống như Lê Bá Khánh Trình à. Ít ra cũng phải có cái gì đó... các bạn mới được làm lãnh đạo dù to hay nhỏ ở bên đó các bạn có thể phấn đấu trở thành thủ tướng Úc mà không có những Đk như ở VN mình.
Hà tiến Điệp31/07/2013 15:16:40 PM
Tôi đọc xong bài báo này toàn thấy những người này sau khi học xong đều định cư làm việc ở nước ngoài không trở về xây dựng quê hương đất nước. Thiết nghĩ phải chăng cần có những quy định yêu cầu những người chiến thắng phải quay về nước làm việc phục vụ cho quê hương đất nước không?
bien_sunflower@yahoo.com31/07/2013 15:06:40 PM
Về VN các anh chị ấy có được trọng dụng như Úc ko? Hay là đi làm tháng lĩnh lương 4-5tr
dkd31/07/2013 11:29:29 AM
Nhìn chung tài tài năng Việt đều chọn nước ngoài là nơi chắp cánh ước mơ. Buồn! nhưng cũng phải thôi vì thẳng thắn mà nói nơi nào trọng dụng thì làm nơi đó thôi. Chúc các em tiếp tục thành công! Luôn ủng hộ quyêt định của các em.
Lò Thị Ló31/07/2013 15:22:09 PM
@dkd: Ở trong nước các vị trí ngon "con các cụ" ngồi cả rồi !
khoanguyen31/07/2013 11:28:15 AM
Tại sao không ai về lại VN vậy?????? Cần lắm một câu trả lời của các bạn......
Minh31/07/2013 15:40:00 PM
@khoanguyen: Tại sao lại cứ phải đặt câu hỏi không về VN thế, ở đâu mà chẳng được miễn là không vi phạm luật pháp. Sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, xây dựng gia đình, chết; ai cũng thế mà sao cứ phải xoắn là phải Việt Nam. Sao mà ấu trĩ thế hả?
Khôi Võ31/07/2013 15:16:02 PM
@khoanguyen: Phải chấp nhận thực tế thôi bạn. Các bạn ấy mà về Việt Nam thì chưa chắc có điều kiện để phát triển, phát huy bản thân chứ đừng nói là đóng góp cho đất nước. Nên trách cơ chế này thôi
Minh Nhật31/07/2013 15:06:21 PM
@khoanguyen: Về làm cái gì, ở đâu, cơ quan nào nhận ...? Bạn có trả lời được câu hỏi này không
Cao Bá Quang31/07/2013 11:39:43 AM
nhân tài - du học- định cư/sống làm việc tại nước ngoài!!!??? bao giờ trở lại Việt Nam. Buồn (bao giờ cho đến tháng 10?), thông cảm với các bạn 1 phần
Minh SG31/07/2013 12:06:36 PM
Có 1 đặc điểm chung nữa giữa tất cả các nhân vật này, đó là: Sau khi học xong thì tất cả đều ở lại Úc, không ai về VN cả!
Đỗ Phạm Kiên31/07/2013 12:13:23 PM
Sao thấy bạn nào cũng ở nước ngoài làm việc định cư vậy, Sao không về xây dựng quê hương, đất nước mình cần nhiều người tài như các bạn mà
Hoàng Dung31/07/2013 14:55:07 PM
Vì đâu đâu cũng sợ nhân tài cướp ghế, làm sao xây dựng đây.
trần hữu thực31/07/2013 12:27:09 PM
Bao nhiêu nhân tài khi đi du học đều không về tiếc thật
Thanh Phong31/07/2013 12:30:37 PM
Chúc mừng các bạn đã thành đạt. Nhưng tiếc là ai cũng có xu hướng làm việc và định cư ở nước ngoài.
Lâm31/07/2013 12:52:46 PM
Đi du học thành tài toàn làm việc ở nước ngoài chẳng về nước cống hiến. Cái này gọi là tạo điều kiện chảy máu chất xám
Phạm hùng31/07/2013 12:55:00 PM
Toàn làm việc tại nước ngoài thì tổ chức game show này làm gì nhỉ
hoa31/07/2013 15:48:38 PM
@Phạm Hùng: Câu hỏi của bạn hay nhất trong ngày đấy bạn Phạm Hùng ạ!
Nguyễn Quang Vinh31/07/2013 12:57:31 PM
Cứ người nào giỏi giang lại đi học tập tập sau đó làm việc tại nước ngoài thì Đất nước mình làm sao phát triển được
Linh31/07/2013 13:11:06 PM
Đọc lướt nhanh hy vọng tìm được bạn nào đang ở Việt Nam nhưng không thấy.
Tuan31/07/2013 13:12:48 PM
Chả ai trở về nước cả, thế là sao? Ý thức xây dựng đất nước ở đâu ta..
Nguyen Huu Phuc31/07/2013 13:13:39 PM
Vậy là chảy máu chất xám nặng rồi. Tất cả các ban trẻ tài năng từ cuộc thi sau khi đi du học thì định cư luôn ở nước ngoài và phục vụ cho các quốc gia đó. Bao giờ thì tiềm năng chất xám mới quay về phục vụ cho ...
khieu31/07/2013 13:17:53 PM
Tóm lại các Olympians chẳng ai về lại VN để làm việc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét