Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Các nền kinh tế mới nổi: Ngưỡng cuối của tăng trưởng

Các nền kinh tế mới nổi:
Ngưỡng cuối của tăng trưởng

Sự tăng trưởng nhanh chóng trong hai thập kỷ của các nền kinh tế đang phát triển đánh dấu sự chuyển đổi kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại và dường như không bao giờ lặp lại.

Sự suy giảm tăng trưởng của những nền kinh tế như Trung Quốc sẽ hình thành màu sắc mới cho thương mại thế giới
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm nay sẽ đánh dấu thời điểm các thị trường đang phát triển chiếm hơn một nửa GDP của thế giới dựa trên cơ sở sức mua. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Peterson, từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, chỉ 30% các nước trong thế giới đang phát triển có thể tăng sản lượng nhanh hơn so với kinh tế Mỹ đã làm. Nhưng từ cuối những năm 1990, con số này là 73%. Sự tăng trưởng ấn tượng nhất diễn ra trong bốn nền kinh tế mới nổi lớn nhất: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - những nền kinh tế mà Goldman Sachs đưa vào nhóm BRICS năm 2001. Đây là những nền kinh tế "1 ngàn tỷ USD" ngoài Tổ chức OECD và hiện là 4 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sự tăng trưởng đáng kể của thị trường mới nổi nói chung và BRIC nói riêng đã làm thay đổi toàn diện nền kinh tế toàn cầu. Sản xuất tăng vọt và chi phí sản xuất cùng nhân công giảm mạnh. Số người nghèo cũng giảm mạnh. Theo số liệu từ Viện McKinsey, các nền kinh tế phát triển bổ sung khoảng 160 triệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp từ năm 1980 đến năm 2010. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi thêm 900 triệu việc làm.
Sự bùng nổ về lao động giá rẻ đã tạo ra những bước tiến rất lớn trong thương mại toàn cầu. Xuất khẩu hàng hóa tăng từ 16% GDP toàn cầu vào giữa những năm 1990 lên 27% năm 2008. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Trung Quốc là "siêu thương nhân" xuất hiện kể từ sau thời hoàng kim của đế quốc Anh giúp đại lục tích trữ được 3,5 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, sự mất cân bằng kinh tế thúc đẩy một kỷ nguyên tài chính dễ bị tổn thương và đặt nền móng cho cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra.
Sự thay đổi diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục nhưng giai đoạn "hỗn loạn nhất" dường như đã đạt đến ngưỡng cuối. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong BRIC đã giảm. Trong năm 2007, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 14,2%, Ấn Độ 10,1%, Nga 8,5% và Brazil 6,1%. Nhưng hiện nay, IMF dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng chỉ 7,8% trong năm 2013, Ấn Độ 5,6%, Nga và Brazil 2,5%. Sự sụt giảm này có nghĩa là các nền kinh tế BRIC đang đóng góp ít hơn cho tăng trưởng toàn cầu. Trong năm 2008, BRIC chiếm hai phần ba tăng trưởng GDP thế giới. Năm 2011, họ chiếm một nửa và thấp hơn vào năm 2012. Goldman Sachs dự đoán đà sụt giảm sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian dài.

Goldman Sachs đưa ra một danh sách các quốc gia tăng trưởng ấn tượng mới là "11 Next" (N11), trong đó bao gồm Bangladesh, Indonesia, Mexico, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng có những lý do để thấy rằng N11 không thể có tác động đến kinh tế thế giới trên quy mô tương tự như BRIC đã làm được.
Trước hết là do quy mô của N11 nhỏ vì chỉ có dân số khoảng 1,3 tỷ người, chưa bằng một nửa của BRIC. Lý do thứ hai là N11 hiện giàu có hơn so với xuất phát điểm của BRIC, động lực tăng trưởng sản lượng vì thế sẽ chậm hơn. Lý do thứ ba là hiệu suất của BRIC không thể được lặp lại. Kinh tế thế giới lớn hơn nhiều so với trước đây: lớn gấp đôi so với năm 1992. Điều đó có nghĩa rằng thị trường mới nổi, cho dù là BRIC hoặc N11, hoặc cả hai, cũng phải tạo ra được sự tăng tuyệt đối trong sản xuất để tạo lực đẩy lớn như những năm 1990 và những năm 2000.
Suy luận tương tự được áp dụng cho thị trường lao động. Các việc làm mới thêm vào lực lượng lao động toàn cầu sẽ có ảnh hưởng ít hơn tới kinh tế thế giới. Theo tính toán của McKinsey Global, hàng tỷ việc làm được thêm vào lĩnh vực phi nông nghiệp trong giai đoạn 1980-2010 tương ứng với tỷ lệ tăng 115% lực lượng lao động thế giới. Nếu thế giới thêm 1 tỷ việc làm trong giai đoạn 2010-2040 thì chỉ tạo ra sự gia tăng 51%.
Những gã khổng lồ trong thị trường mới nổi suy yếu đang gây ra nhiều lo lắng cho kinh tế thế giới nhưng quá trình chuyển đổi không hẳn là đau đớn. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, sự giảm nhiệt tăng trưởng có thể cảm thấy tốt cho người lao động nếu tỷ lệ tiêu dùng trong nền kinh tế sẽ tăng tương ứng với tỷ lệ đầu tư.
Trên phương diện quốc tế, khi kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ hình thành xu hướng tăng hợp tác và thúc đẩy tự do hóa thương mại có thể mang lại lợi ích lớn cho tất cả. Tuy nhiên, cũng có một nguy cơ khi mọi vấn đề có thể di chuyển theo hướng ngược lại. Các nước giàu sẽ thận trọng hơn về toàn cầu hóa so với một hoặc hai thập kỷ trước. Trong xu hướng duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu, các nước này sẽ hình thành xu hướng bảo hộ.
Một thế kỷ trước, kỷ nguyên vĩ đại nhất của thế giới hội nhập thương mại kết thúc bằng một cuộc chiến tranh và mở ra một thế hệ của chủ nghĩa dân tộc kinh tế và xung đột quốc tế. Sự gia tăng gần đây của các hiệp định thương mại khu vực có thể báo hiệu sự phân hóa của nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng chậm lại trong BRIC có thể dẫn đến các loại căng thẳng nội bộ. Dù thế nào thì với sự suy giảm của BRIC, thế giới cũng sẽ bước vào một kỷ nguyên phát triển theo hình thức khác.
http://www.doanhnhansaigon.vn/online/quoc-te/kinh-te/2013/08/1075778/nguong-cuoi-cua-tang-truong/
THỤY KHA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét