Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Lại cười: Đất nước vẫn lạc hậu dù nhiều thạc sĩ, tiến sĩ

Đọc để cười cho vui. Giá có thêm vài lời của bác Thiện Nhân thì sẽ cực vui. Theo kế hoạch của bác Nhân thì đến năm 2020 VN sẽ có thêm 2 vạn ông bà tiến sĩ nữa. Tất nhiên số thạc sĩ thì nhan nhản như chuột đồng bằng sông Cửu Long vì muốn làm giảng viên đại học thì phải có bằng thạc sĩ mà. Nên xem thêm bài "Đôi lời với chị Doan" của Hiệu Minh... 
Nhưng... vui chưa xong thì đã cảm thấy quá xót xa cho đám dân đen quanh năm còng lưng đóng thuế để nuôi cái đám chỉ biết lên giọng dạy đời này.
Đất nước vẫn lạc hậu dù nhiều thạc sĩ, tiến sĩ
TPO - Đó là vấn đề được Phó Chủ tịch nước, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan đề cập tại Hội nghị nêu ý kiến về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, diễn ra tại Hà Nội ngày 31/7.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Công Khanh
Hội nghị do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà giáo dục uy tín với mục đích thu thập ý kiến tâm huyết, có giá trị để gửi đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng sắp tới (bàn về chuyên đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam).

Giáo dục phải tạo ra sức lao động trí óc

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trăn trở, số học sinh ra trường ngày một đông, thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng nhiều, nhưng tại sao đất nước chậm đổi mới và có vẻ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực.

“Tác động của giáo dục và đào tạo đối với vấn đề này như thế nào và chúng ta phải chăng đang lãng phí rất lớn một nguồn lực đối với giáo dục vào đào tạo?”.

Phó Chủ tịch nước nêu vấn đề giáo dục phải tạo ra nguồn nhân lực có nhân cách của con người Việt Nam, sau đó là trình độ chuyên môn tốt.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại phát biểu. Ảnh: Công Khanh

Tiếp đó, Giáo sư Hồ Ngọc Đại (Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục) đặt vấn đề, giáo dục phải tạo ra giá trị cá nhân và để mỗi người bằng sức lao động trí óc của mình tạo ra của cải vật chất. Khẳng định để có sức lao động trí óc, chỉ cần học 9 năm là đủ, Giáo sư Đại đề nghị thay đổi thời gian học từ 12 năm còn 11 năm (6 năm tiểu học, 3 năm THCS và 2 năm THPT).

Thống nhất ý kiến với Giáo sư Hồ Ngọc Đại về vai trò tạo ra nguồn lực và giá trị gia tăng của giáo dục, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan cho biết, “cách mà các nước xung quanh tạo ra giá trị gia tăng nhanh nhất, bền vững nhất là vấn đề tập trung cho giáo dục đào tạo. Phải xuất phát từ tư duy như vậy mới thấy rõ được vai trò của giáo dục đào tạo để đào tạo ra nguồn nhân lực tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội”.

Giáo sư Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chỉ ra điểm hạn chế của chương trình THPT chính là quá nhiều những kiến thức không gặp lại trong nghề nghiệp, cuộc sống, nhưng lại thiếu các môn học làm người, như các quy tắc ứng xử, nhận thức về cái ác, cái thiện, thái độ với môi trường thiên nhiên …

Phải bắt đầu từ người thầy

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tâm Đan nêu ý kiến, nhà giáo trước hết phải là chuyên gia giáo dục để giáo dục nhân cách cho học sinh, bằng chính nhân cách của chính mình. Vì vậy, phải tạo điều kiện cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ điều kiện để giữ được nhân cách tốt.

Bà Tâm Đan đề nghị nâng chuẩn trình độ giáo viên ở cấp mẫu giáo, tiểu học lên trình độ Đại học, giáo viên THCS, THPT lên thạc sỹ tâm lý học, giáo dục học.

Toàn cảnh Hội nghị . Ảnh: Công Khanh
Về vấn đề này, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Phải bắt đầu từ người thầy. Tôi thấy hiện nay ngay cả ở trường đại học vẫn có những thầy không biết sử dụng vi tính. Trình độ người thầy như thế thì không thể đổi mới được. Trong các trường dạy nghề hiện nay, thử hỏi có bao nhiêu trường được trang bị hiện đại, phù hợp tình hình thực tế để nghề ra nghề, trường ra trường, lớp ra lớp. Mình có cái gì thì mình dạy cho người học cái đó hay là nghiên cứu xem người học cần gì để mình dạy cái đó để có đầu tư trang bị thiết bị, kỹ thuật. Chúng ta có lỗi rất nhiều trong nội dung, chương trình đào tạo”.

Về các tiêu cực, tệ nạn xã hội hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Thị Trân Châu cho rằng, không nên đổ lỗi cho giáo dục. Tuy nhiên, cần có giải pháp để nhà trường phải là hình ảnh của xã hội ít tiêu cực nhất.

Giáo sư Hoàng Xuân Sính, (Chủ tịch HĐQT trường Đại học Thăng Long) đề nghị, cần tìm ra nguyên nhân làm hỏng giáo dục, làm hỏng con người, làm mất đi đạo lý thầy và trò. Một trong những nguyên nhân được Giáo sư Sính nhấn mạnh chính là tệ học thêm, dạy thêm.

“Trước hết, điều đáng sợ nhất là học sinh trở nên thụ động, không biết làm gì cả, ngoài việc ngồi ghế nhà trường, nghe và học thuộc lòng và tối về lại lăn ra ngủ vì quá mệt”.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, cần có tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng bảng xếp hạng và công bố công khai theo quy định của nhà nước. Từ đó để người học lựa chọn cơ sở đào tạo, cũng như các cơ sở tuyển dụng căn cứ vào đó để tìm nhân sự.

Không thể đào tạo nhân tài
Giáo sư Hồ Ngọc Đại nêu quan điểm nhân tài là đặc sản cá nhân không đào tạo được, không bồi dưỡng được, chỉ tạo điều kiện cho họ thôi. Vì vậy không nên đặt vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, không nên đặt ra trường chuyên lớp chọn.
Đồng quan điểm này, Giáo sư Hoàng Xuân Sính và Giáo sư Trần Phương cho rằng, chúng ta cũng nên từ bỏ khuynh hướng đào tạo tinh hoa, thay vào đó là đào tạo ra thế hệ có sức lao động trí óc, tạo ra giá trị thặng dư.
N.C.KHANH

http://www.tienphong.vn/giao-duc/639419/dat-nuoc-van-lac-hau-du-nhieu-thac-si-tien-si-tpov.html
Đôi lời gửi chị Doan
Chị Nguyễn Thị Doan dự hội nghị. Ảnh: TPO
Chị Nguyễn Thị Doan dự hội nghị. Ảnh: TPO
Đọc tin về Hội nghị góp ý kiến nâng cao chất lượng giáo dục diễn ra tại Hà Nội ngày 31/7, thấy chị Nguyễn Thị Doan tới dự với hai vai: giáo sư, tiến sỹ, đại diện cho giới trí thức, và phó chủ tịch nước, đại diện cho đảng và chính phủ, tôi xin có đôi lời của một người từng mang danh trí thức và nhà khoa học.
Chị có nói đại ý rằng, số học sinh ra trường ngày một đông, thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng nhiều, nhưng tại sao đất nước chậm đổi mới và có vẻ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực. “Tác động của giáo dục và đào tạo đối với vấn đề này như thế nào và chúng ta phải chăng đang lãng phí rất lớn một nguồn lực đối với giáo dục vào đào tạo?”.
Là một người từng làm khoa học, tôi hoàn toàn đồng ý với chị về nhận xét trên. Đúng là nước mình vô cùng pha phí chất xám. Từ sau 1975 lại càng pha phí. Biết bao trí thức miền Nam đã phiêu bạt khắp thế giới, người ở lại kiếm sống chưa xong. Thế hệ được học hành bài bản ở Đông Âu cũng chẳng hơn gì. Bao nhân tài uổng phí vì miếng cơm manh áo.
Ngô Bảo Châu, trên dưới 40 tuổi, được giải Fields chỉ khi anh làm việc cho Mỹ, Pháp. Trường cũ của anh là trường thực nghiệm của thấy Hồ Ngọc Đại điêu đứng trong những năm gần đây.  Giáo sư vật lý Đàm Thanh Sơn, sinh năm 1969, đang làm việc cùng thành phố Chicago với Ngô Bảo Châu đó.
Kể ra thì còn biết bao người trẻ có học thức và trình độ như các anh bỏ nước ra đi. Bởi những gì họ theo đuổi được quốc tế công nhận, hoặc chỉ môi trường ấy mới đơm hoa kết trái.
Tôi nhớ buổi nói chuyện của Bộ trưởng Bộ KHĐT, Bùi Quang Vinh, tại World Bank ở Washington DC. Hội trường khá đông, có gần hai chục người Việt, hoặc gốc Việt, nhiều bạn rất trẻ, tiếng Anh, tiếng Việt lưu loát, làm việc có uy tín trong hai tổ chức WB và IMF.
Có ba người Việt rất trẻ phát biểu trong hội thảo, hai em nói tiếng Anh, một em diễn giải bằng tiếng Việt. Đó là ba em Hoàng (luật sư IMF),  Hà và Hương (chuyên gia kinh tế WB), tuổi đời ngoài 30, đều từ Việt Nam đi du học, sang Mỹ và ở lại. Những câu hỏi đi thẳng vào vấn đề kinh tế vĩ mô, môi trường tài chính và những giải pháp, chứng tỏ các em nắm rõ những gì mà thế giới hội nhập đã dạy.
Hôm đó vì thời gian hạn hẹp, nếu không, tôi sẽ hỏi Bộ trưởng Vinh một câu đơn giản. Ông nghĩ gì về mấy chục người Việt, người Mỹ gốc Việt, đang nghe dưới hội trường. Họ đang làm ở một trong những tổ chức tài chính lớn và uy tín nhất thế giới này. Liệu có cách nào giúp họ cống hiến cho Việt Nam nhiều hơn.
Biết chọn lối nào. Ảnh: Internet
Biết chọn lối nào. Ảnh: Internet
Mới đây, trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, khi họp báo, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama cũng dành đoạn khá dài cho người Việt bên Mỹ. Cả hai đều khẳng định, người Việt/gốc Việt đã đóng góp không nhỏ cho phát triển và tình thân giữa hai quốc gia. Chất xám đó chứ ở đâu xa, chỉ có điều sử dụng thế nào thôi.
Trong cương vị giáo sư-tiến sỹ, chắc chị Doan hiểu người trí thức cần vài ba thứ trong hành trang để giúp đất nước và cội nguồn: môi trường thông thoáng, độc lập trong tư duy và khả năng phản biện. Tiền nong và hưởng thụ chỉ là điểm sau cùng của họ khi xét nơi xin việc.
Chị còn nhớ viện IDS do một nhóm các trí thức có uy tín nhất nước, lập ra nhằm phản biện một cách xây dựng với các chính sách kinh tế vĩ mô của đảng và chính phủ.  Kết cục thế nào thì ai cũng biết rồi.
Tôi có viết rằng, tiếng thét của kẻ thất phu không đáng sợ, mà đáng sợ là sự im lặng của các nhà hiền triết. Sau mấy năm, tiếng nói phản biện ít dần đi, kinh tế đang đi về đâu, chẳng cần phải nói gì nhiều. Để họ im lặng là đất nước mất đi những giá trị khó tính bằng tiền.
Hôm nay chị hỏi “Tại sao, thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng nhiều….” Trong cương vị phó chủ tịch nước, lại có học hàm học vị cao nhất trong giới khoa học, chị đặt câu hỏi đó, tôi vô cùng ngạc nhiên. Câu hỏi đấy không thể dành người ngồi nghe chị và đang bàn về cải cách giáo dục toàn diện.
Có vài cái dốt của vua quan thời xưa: tiểu dốt – có tiền mà không biết tiêu, trung dốt – có của quí mà không biết giữ, và có nhân tài mà pha phí – đó là đại dốt.
Trí thức mà sợ phản biện là trí thức dốt, nhưng chính thể mà để cho trí thức không dám nói gì, thì phạm tam dốt, bởi trí thức là nguồn tiền, là của quí, và là nguyên khí quốc gia.
Kết thúc entry, xin hỏi “Thạc sỹ và tiến sỹ nhiều, nhưng đất nước tụt hậu”, thì chị, trong cả hai vai, trí thức và lãnh đạo đất nước, chị tự thấy mình có lỗi không?
HM. 31-7-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét