Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

(2) Ông Trần Xuân Giá: Đôi dòng về cựu bộ trưởng lâm nạn

Đôi dòng về cựu bộ trưởng lâm nạn
Khi còn làm báo ở Việt Nam, tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với ông Trần Xuân Giá, khi đó là đương kim thứ trưởng, rồi bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, bộ có thể coi là đầy quyền lực vào lúc mà vô số nhà đầu tư nước ngoài đang tìm tới Việt Nam.
Ông Trần Xuân Giá từng là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư 
và Trưởng ban tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải
Vào cuối thập niên 90, tôi còn là phóng viên của báo Vietnam Investment Review mà bản tiếng Việt là báo Đầu Tư, cả hai đều do ông Giá đứng tên tổng biên tập.
Ông đã duyệt nhiều bài do tôi viết do một phó tổng biên tập chuyển lên và tôi cũng có nhiều dịp dự các cuộc tiếp khách và nói chuyện tay đôi với ông.
Qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, người đang đối mặt với khả năng ra trước vành móng ngựa ở tuổi 74, tỏ ra là một trong những quan chức dễ gần, lịch thiệp và sẵn sàng lắng nghe ý kiến. Ông cũng tỏ ra rất ga-lăng với phụ nữ


Tôi còn nhớ có lần ngồi trong buổi ông tiếp các lãnh đạo của tập đoàn Enron mà dẫn đầu là một nữ phó chủ tịch với mái tóc vàng khá ưa nhìn nhưng toàn phát âm chệch tên của bộ trưởng sang chữ cấm kỵ.

Chủ và khách đều trò chuyện rất vui vẻ, sau khi khách đã ra về hết, tôi nói chuyện với ông và vẫn nhớ ông bình luận thêm: "Nói cho vui lòng người đẹp."

Sau này khi Enron sụp đổ và một số quan chức cao cấp phải ra tòa, tôi nhớ ngay tới buổi bộ trưởng tiếp khách.
Enron bị cáo buộc giấu nợ và các công ty con để có thể tồn tại trong nhiều năm dù trên thực tế đã phá sản.

Trong vụ việc mà ông Giá đang bị cho là có liên quan, Bầu Kiên cũng bị cáo buộc lập ra các công ty con để bám vào ACB, ngân hàng ông Giá là chủ tịch Hội đồng Quản trị, để kiếm lời bất chính.

'Cố tình làm trái'

Nhưng tội mà ông Giá đang bị cáo buộc là "cố tình làm trái gây hậu quả nghiêm trọng."
Bản thân ông là người đã đứng đằng sau việc soạn thảo nhiều văn bản pháp luật và có lẽ ít có khả năng ông không nắm bắt hết luật pháp trong lĩnh vực ngân hàng.

Và vị cựu bộ trưởng tới giờ vẫn khẳng định ông làm đúng pháp luật.

"Để đất nước phát triển bền vững phải xây dựng cho được nền dân chủ. Phát huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh hết sức quan trọng." Ông Trần Xuân Giá phát biểu hồi năm 2009

Dù tiếp xúc với ông nhiều khi còn làm báo trong nước, sau khi rời Việt Nam hồi năm 2000, tôi không còn giữ liên hệ với ông nữa.

Cũng có lần ông sang London nhưng tôi không đi đưa tin về chuyến đi của phái đoàn Việt Nam nên không có dịp tiếp xúc.
Đồng nghiệp gặp ông về cũng nói ông khá cởi mở.
Rồi tình cờ có lần tôi thấy ông phát biểu về "phản biện xã hội" trên báo trong nước hồi năm 2009 và có bài viết với tít "Cựu bộ trưởng thúc giục dân chủ". 
Qua các phóng viên khác, tôi biết ông tỏ ý trách tôi dù tôi dẫn nguyên văn câu ông trả lời rằng:

''Để đất nước phát triển bền vững phải xây dựng cho được nền dân chủ.
''Phát huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh hết sức quan trọng.''

'Ông cố vấn'

Bẵng đi ba năm, tới hè năm ngoái bỗng có nhiều tin đồn ông sẽ bị bắt.

Cuối cùng ông được cho tại ngoại trong quá trình điều tra nhưng vẫn bị quy vào tội "cố ý làm trái".
Tôi không rõ giờ ông sống trong hoàn cảnh ra sao, nhưng khi tôi tới thăm ông ở khu tập thể Vạn Bảo dành cho cán bộ cao cấp, nhà của ông không để lại ấn tượng gì về sự giàu sang.

Điều duy nhất để lại ấn tượng đối với tôi là chiếc bể cá to với những con cá vàng cũng to.

Ông Giá được cho là từng muốn ông Hùng giữ chức bộ trưởng kế hoạch đầu tư

Ông nói ông thích ngắm cảnh cá đuổi nhau và thấy rất "thú vị".

Các con ông khi đó cũng đã lớn, con trai sang Mỹ học, con gái sang Anh.

Thật tình cờ con trai ông sau này lại cưới một bạn hoa khôi của lớp tiếng Anh tôi từng theo học ở phố Hàng Cót.
Nghe nói khi vụ Bầu Kiên gây rúng động ở Việt Nam thì ông đang ở Hoa Kỳ thăm gia đình con trai.

Đối với tôi, ông là một trí thức gần gũi, biết lắng nghe và có quan hệ thân tình với một số lãnh đạo cao cấp.
Khi ông còn làm bộ trưởng, ông tỏ vẻ cho thấy có thể nhấc máy gọi Thủ tướng Phan Văn Khải bất cứ khi nào.
Sau này khi không còn là bộ trưởng, ông lại được ông Khải giữ làm Trưởng ban cố vấn mà người ta nói gần như mọi quyết định của thủ tướng đều có sự đóng góp của ban này tới mức ông có ảnh hưởng như một phó thủ tướng thường trực, chức mà trên thực tế khi đó do ông Nguyễn Tấn Dũng nắm giữ.

Một người bạn nói với tôi rằng ông Giá từng tiến cử Chủ tịch Quốc hội hiện nay, ông Nguyễn Sinh Hùng vào chức bộ trưởng kế hoạch đầu tư, cho dù sau đó vì lý do nào khác, điều này không xảy ra.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng là học trò của ông Giá tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Mất niềm tin

Khi tôi rời báo Vietnam Investment Review hồi năm 1999, tờ báo đã có thay đổi căn bản.

Bộ trưởng Giá đã không còn là Tổng Biên tập và đối tác nước ngoài, tập đoàn ACP của Australia, cũng đã rút ra sau khi có bất đồng với phía Việt Nam.

"Và giờ ông Giá cho rằng ông không làm gì trái. Nhưng vụ việc lần này lại không nằm trong tầm tay của ông."

Một trong những lý do tôi tới thăm ông tại nhà riêng là để thuyết phục ông ủng hộ cho đối tác nước ngoài để họ có thể tiếp tục có mặt trong hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Nhưng cuối cùng vị Bộ trưởng cũng không thể làm được gì để tháo gỡ mâu thuẫn giữa hai bên Việt - Úc và báo đã hoàn toàn thuộc vào tay người Việt, vốn cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng của tờ báo, nhất là bản tiếng Anh - Vietnam Investment Review.

Tôi cũng không vì thế mà trách ông Giá bởi có lẽ một mình ông cũng không thể xoay chuyển nổi tình hình lúc bấy giờ. Nhưng vụ việc cũng làm tôi mất niềm tin vào khả năng lẽ phải luôn chiến thắng ở Việt Nam.

Và giờ ông Giá cho rằng ông không làm gì trái. Nhưng vụ việc lần này lại không nằm trong tầm tay của ông.



Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét