Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

(14) Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)

Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)

(tiếp theo)
Thế là Nguyễn Đình Thi cho họa sĩ Tư vẽ nữ du kích  bằng  máu của mình :
“ Tư lại ho, cơn ho ác nghiệt..rồi bỗng thấy trong miệng mặn nóng, trong cổ anh cứ trào lên, Tư kinh hoàng thấy nhiều máu quá. .. Thôi phải làm gấp …”
Rồi người hoạ sĩ chết và người đọc không biết bức tranh vẽ bằng máu ấy giá trị bao lăm ? Tuy nhiên không phải cứ chấm vào máu là vẽ thành kiệt tác . Hoạ sĩ Diệp Minh Châu lấy máu mình vẽ Hồ Chí Minh mà rốt cuộc  tranh cũng chỉ treo bảo tàng cách mạng.
Sau cái chết của hoạ sĩ Tư , người đọc chờ đợi nỗi bất hạnh của cô gái điếm Bích, người đang chung sống như vợ chồng với anh, nhưng không, ông nhà văn bỏ qua chuyện đó và hướng  tới Phượng. Một mỹ nhân Hà thành ham sống, ham hưởng thụ vậy mà khi nghe tin hoạ sĩ Tư chết bỗng rơi vào hoảng loạn :
“ Đời Phượng, hạnh phúc của Phượng, tất cả đã lỡ hết rồi. Tất cả mọi thứ , mọi người ở xung quanh bó buộc Phượng cứ phải kéo dài cuộc đời giả dối, nhạt nhẽo, vô ích với người đàn ông càng ngày càng xa lạ, đánh chán đáng tởm, vậy mà Phượng không thể  cựa quậy được…”
Thực ra hoạ sĩ Tư đâu có phải là “cuộc đời Phượng, hạnh phúc của Phượng”, chính ả ghê sợ cái cuộc sống nghèo túng của anh ta kia mà. Và đâu phải cái chết của Tư mới làm ả  nhận ra cuộc sống với chồng là giả dối, đáng tởm. Tạo ra  tâm trạng tuyệt vọng cho cô tiểu thư hàng Đào sau cái chết của hoạ sĩ Tư đã rất khiên cưỡng , ông nhà văn còn đi xa hơn nữa : ép uổng tính cách nhân vật, đẩy cô tiểu thư đến chỗ tự tử.
“ Phượng chống một bên tay nghiêng người nhỏm lên, rót một cốc nước rồi dốc cả ống thuốc ngủ vào đó ….”
Và rồi ả chết, chết “bức tử” do chính ông nhà văn giết chết nhân vật  chỉ để chứng tỏ cái xã hội cũ thời phong kiến đế quốc bế tắc, dồn con người  đến tuyệt vọng . Vậy mà các nhà phê bình “quốc doanh” vẫn chê vì “cách giải quyết tiêu cực quá, sao không cho cô Phượng …giác ngộ đi làm cách mạng  ?”.
Nhạc sĩ Toàn là đại biểu sau cùng của giới văn nghệ sĩ Hà Nội được Nguyễn Đình Thi đưa vào “Vỡ bờ”. Sau khi cô người yêu người Nga, tên Nina, bỏ anh tìm về với quê hương thân yêu đang có cách mạng vô sản, “cuộc đời nhạc sĩ của Toàn vẫn thất thểu mỗi ngày vẫn giống mỗi ngày không đem lại gì mới mẻ…cắp hộp đàn …đến tiệm rượu và hàng ăn “Con gà Gôloa” để chơi trong dàn nhạc mà ngoài anh là người Việt ra còn lại toàn người Phi Luật Tân, Nga, Hung, Áo…”.
May cho Toàn, ngoài kéo đàn kiếm cơm, anh còn tìm được một việc “có ý nghĩa” : “sưu tầm vốn cũ dân tộc”. Thật ra công việc này phải vài chục năm sau khi đã nắm quyền ở một nửa nước, Đảng mới phát động các nhạc sĩ  rời bỏ đất thánh Hà Nội đi về các miền quê, miền núi để sưu tầm dân ca, nhạc cổ cho đúng với phương châm : dân tộc, khoa học và đại chúng . Ấy thế mà từ hồi mồ ma đế quốc phong kiến, không hiểu sao ông nhạc sĩ Toàn đã làm rồi . Ông nhạc sĩ đi trước thời đại hay ông nhà văn Nguyễn Đình Thi đem cái công việc “nóng hổi tính thời sự “ lúc đang viết “Vỡ bờ”   gán cho người xưa ? Ông nhà văn tranh thủ tuyên truyền đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng như thế là rất điệu nghệ.
Để nhân vật nhạc sĩ Toàn tiến gần tới cách mạng, ngoài việc “sưu tầm vốn cổ” , Nguyễn Đình Thi phải tìm cho anh ta một hành động nào đó rõ ràng hơn thế. Một tối, Toàn đến tiệm để chơi đàn đã thấy Phêđô – một nhạc công người Nga “mở chai rươụ rót vào một loạt cốc và đứng nói với một vẻ hơi trịnh trọng : “ Tối nay tao có một chuyện vui. Thôi chúng mày chạm cốc với tao và uống đi, tao chỉ đòi lại chúng mày một điều nhỏ thôi : tí nữa vào, chơi mở đầu bằng bài “ Nhưng người kéo thuyền trên sông Vonga”…”.
Tại sao lại thế ? tại sao chơi trong quán ăn của Pháp lại đòi mở đầu bằng nhạc Nga. Thì ra đây là chuyện ăn mừng chiến thắng Xtalingrát
Thế là từ hôm đó, cứ mỗi lần nghe tin Liên xô thắng  trận , Hitle thua  lớn, Toàn với Phê đô lại chơi một bản nhạc Nga . Một hôm, Phêđô “ngửi thấy mùi thuốc súng khét lẹt ở đây” rủ Toàn “vượt biên giới sang Trung Hoa rồi đi xa nữa…”, nhưng Toàn từ chối vì “nếu anh bỏ đi bây giờ thì anh sẽ chỉ còn như cái cây đứt rễ. Nó sẽ héo khô đi rất nhanh chóng…”
Chẳng hiểu sao lại thế, chắc vì lúc này Việt Minh đã hoạt động rần rần ở các thành phố, cuộc khởi nghĩa giành chính  quyền  sắp nổ ra, một nghệ sĩ trí thức yêu nước qua ‘sưu tầm dân ca nhạc cổ” như Toàn không có lý gì lại bỏ ra nước ngoài đi trốn cái sự kiện lớn lao ấy . Đó chính là lý do ông nhà văn không cho phép Toàn theo Phêdô vượt  biên ra nước ngoài chứ chẳng phải do tính cách của chàng dẫn tới quyết định đó. Lại một lần nữa hành vi của  nhân vật tiểu thuyết bị ý muốn chủ quan của nhà văn ép buộc đến khó tin
Trong “ Vỡ bờ” ngoài  trí thức văn nghệ sĩ, Nguyễn Đình Thi  muốn dựng lên bức tranh hoành tráng toàn cảnh xã hội Việt Nam vào đêm trước  cách mạng, bởi thế nông dân và công nhân,  những nhân vật tạo nên nòng cốt cách mạng là không thể thiếu . Tiếc thay loại nhân vật này, Nguyễn Đình Thi lại chưa “thuộc” , dưới mắt ông  họ chỉ là những sinh linh nhỏ bé bị địa chủ và tư bản bóc lột. Hơn nữa Đảng yêu cầu phải vạch một ranh giới tuyệt đối giữa nông dân và địa chủ, công nhân và tư sản ,không được phép  đi sâu vào những tâm tình rắc rối, đậm mầu nhân tính như bài thơ :
“ Anh trót yêu con địa chủ
Quá yêu rồi biết bỏ sao đành
Vì chưng nó đẹp nó xinh…”
Không được, dù đứa con gái có đẹp có xinh, người cách mạng cũng tuyệt nhiên không được mảy may rung  động một khi nó là “con của giai cấp bóc lột”. Với “chúng nó” chỉ có đánh đổ toàn bộ, đào tận gốc, trốc tận rễ, dứt khoát không cho ngóc đầu dậy, làm gì có thứ tình cảm “trót yêu “ vậy được.
Vốn là quan văn nghệ, Nguyễn Đình Thi càng phải gương mẫu tuân thủ giáo điều đó.  Từ  những năm 1950, sau khi biên giới Việt Trung được khai thông, bác Mao gửi cho cả giới văn học nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt các nhà văn một “quà tặng” quý giá : bộ phim truyện “Bạchmao nữ”.
Phim kể về một  cô gái bần cố nông đi ở cho địa chủ bị hành hạ hết sức dã man , không chịu nổi phải trốn lên rừng hoang và biến thành một người đàn bà tóc tai trắng toát giống như bóng ma trên rừng. Phim được chiếu cho tất cả cán bộ và nhân dân coi gây nên một lòng căm thù rực lửa đối với giai cấp địa chủ – mặc dầu trong phim là địa chủ…tàu. Tại các buổi chiếu phim cho bộ đội coi, người ta phải thu hết súng ống cất đi, bởi lẽ nhiều đồng chí coi phim căm thù quá, cứ nhè màn ảnh mà nã đạn.
Phim “ Bạch mao nữ”  là một khuôn mẫu cố định , sinh động về mối quan hệ “nông dân- địa chủ”, là thước đo, chuẩn tắc cho mọi sáng tác về đề tài đó, cấm không được khác . Cái khuôn mẫu “ngoại nhập” quái ác này đã bó buộc mọi sáng tác của nhà văn Việt Nam viết về làng quê Việt Nam đều phải bầy tỏ lòng căm thù “muôn đời , muôn kiếp không tan” với giai cấp địa chủ và niềm tin yêu vô hạn với những người nhà quê xông lên làm cách mạng.
Rất nhiều  nhà văn “gạo cội” đã phải nhào nặn tác phẩm của mình theo khuôn mẫu đó. Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi…ra sức “sáng tác” những tiểu thuyết viết về “đề tài nông thôn” kiểu như “Truyện anh Lục”, “Mẹ con đồng chí Chanh”, “Nông dân với địa chủ”… tạo nên một sự chia rẽ kinh hoàng cả về ý thức lẫn tinh thần trong cộng đồng những người sống bằng cây lúa ở Việt Nam cho mãi tận bây giờ vẫn còn chưa được giải độc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét