Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Tổng cục Du lịch sẽ mời Thứ trưởng Sơn đến đối thoại

Lưu bài này vì thích ý kiến sau đây của bạn đọc Nguyễn Văn Hải (xem cuối bài): Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói thẳng sự thật của vấn đề. Ông Tổng cục trưởng này nói ông Sơn quy chụp, vơ đũa cả nắm, không hiểu ngành du lịch và nói sẽ đối thoại với ông Sơn. Tôi nghĩ không cần, vì Phóng viên đã đặt câu hỏi rất hay và nội dung trả lời của ông Tổng này cũng thừa nhận tất cả các khía cạnh hết rồi, rất kém. Tôi nghĩ Tổng cục du lịch nên thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục gấp, không nên đôi co làm gì.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (ảnh - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN) đã có cuộc trao đổi vì những vấn đề tồn tại trong ngành du lịch được báo chí chỉ rõ.
Trong cuộc trao đổi, ông Tuấn thẳng thắn nói: Tổng cục Du lịch xin nhận trách nhiệm về sự cố bức ảnh Lạc Sơn đại phật xuất hiện ở gian hàng VN tại hội chợ ITB.
Tôi không trực tiếp có mặt ở sự kiện này, nên đến giờ chỉ đọc theo báo cáo của anh em có mặt và tôi vẫn khẳng định bức ảnh đó xuất hiện trước khi khai mạc hội chợ và mở cửa gian hàng VN. Những ai liên quan đến sự cố này sẽ được xử lý nghiêm khắc để không thể tái diễn.

PV: Ông bình luận gì về những phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn “xấu hổ vì ngành du lịch trì trệ”?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thật sự ngạc nhiên, nhiều người gọi điện thoại cho tôi hỏi sao để ông Sơn nói nặng như thế? Tôi nghĩ ông Sơn là chính khách, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao, không nên phát biểu như thế vì ông Sơn không hiểu công việc của Tổng cục Du lịch, của ngành du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam
Cách ông Sơn phát biểu là vơ đũa cả nắm, chụp mũ khiến anh em làm du lịch bức xúc, tâm tư. Ngành du lịch có những việc làm được, có những việc chưa làm được nhưng những kết quả thể hiện ở tăng trưởng lượng khách quốc tế, doanh thu, đóng góp của ngành du lịch đã thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế... thì không thể nói là không làm được gì. Chúng tôi dự kiến sẽ mời ông Sơn đến tổng cục để đối thoại thêm.

PV: Nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá công tác quảng bá xúc tiến lâu nay Tổng cục Du lịch đang làm ngắn gọn trong mấy chữ “chán, buồn, xấu hổ”, thậm chí là “nhục”. Ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đó là thực tế! Chúng tôi thừa nhận quảng bá xúc tiến do Tổng cục Du lịch đang làm vẫn còn nhiều bất cập hạn chế, hiệu quả chưa cao, quy mô nhỏ, bị phân tán, thiếu tính chuyên nghiệp.

Kinh phí quảng bá quá ít, mấy năm nay chỉ dao động 30-40 tỉ đồng/năm trong khi các doanh nghiệp như Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) hằng năm chi hơn 100 tỉ đồng cho công tác này, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore chi 80-100 triệu USD/năm.

Khoản tiền ít như thế nhưng phải làm cả xúc tiến quảng bá ở trong và ngoài nước, tổ chức tham dự các sự kiện, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ...

Hiện Tổng cục Du lịch đang có một dự án của Cộng đồng châu Âu hỗ trợ xây dựng một chiến lược marketing ngành du lịch VN đến năm 2020. Với đề án này, tôi hi vọng sẽ nâng dần khả năng quảng bá tiếp thị, tập trung vào các thị trường du lịch trọng điểm, huy động các nguồn lực, phối hợp với các đối tác để quảng bá cho hiệu quả hơn, nâng cao hình ảnh của du lịch VN.

PV: Các doanh nghiệp cho rằng sự chuẩn bị của Tổng cục Du lịch khi tham gia mời gọi quảng bá ở các hội chợ du lịch quốc tế là rất kém.

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Nhân sự và cách làm của chúng tôi đúng là chưa đáp ứng yêu cầu, nếu nêu ra thì còn rất nhiều yếu kém. Chúng tôi cầu thị, tiếp tục học hỏi, phấn đấu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động ngành du lịch.
Sự cố treo nhầm ảnh Lạc Sơn Đại phật của Trung Quốc
Sự cố treo nhầm ảnh Lạc Sơn Đại phật của Trung Quốc
PV: Trước khi tham gia quảng bá xúc tiến ở nước ngoài, Tổng cục Du lịch cũng chưa dành nhiều thời gian chuẩn bị giới thiệu cái gì hay, hấp dẫn, thu hút du khách, chưa kể chủ đề quảng bá cũng không sát với thực tế?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tiền đã ít mà lại cấp rất chậm, qua nhiều cơ quan mới được đồng ý nên phần lớn thời gian dành cho việc xin kinh phí. Có những chuyến chúng tôi phải ứng tiền trước rồi về mới hoàn tất thủ tục. Vì hầu hết thời gian chúng tôi phải dành để bổ sung, hoàn tất thủ tục tài chính cho sự kiện nên chẳng còn bao nhiêu thời gian cho công tác chuyên môn, chuẩn bị quảng bá, chưa kể nhân lực lại không chuyên.

Chủ đề quảng bá tại các kỳ hội chợ là có định hướng từ trước cả năm nhưng đến thực tế tại sự kiện vẫn có độ chênh nên chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng yêu cầu.

PV: Tức là mình vẫn bán những gì mình có chứ không bán cái khách cần?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đúng là mình không có nhiều đổi mới và không tạo nên sự khác biệt khi tham gia hội chợ, nhưng một hội chợ cũng có nhiều thị trường nữa mà.
PV: Đã bao giờ Tổng cục Du lịch ghi nhận, tổ chức khảo sát lấy ý kiến phản hồi của khách hàng nghĩ gì, kỳ vọng gì... khi tham gia các sự kiện mà Tổng cục Du lịch tổ chức ở nước ngoài để biết tiền ngân sách dành cho xúc tiến hiệu quả đến đâu?

- Rất hạn chế và có thể nói là chưa.
Ông Võ Anh Tài (tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist): Để doanh nghiệp cùng tham gia
Du lịch VN chưa xác định thông điệp rõ ràng, chọn lọc thế mạnh đặc trưng để tập trung quảng bá hình ảnh điểm đến và loại hình du lịch có tính cạnh tranh tại Việt Nam đó sẽ là du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, resort hay du lịch ẩm thực, di sản văn hóa, thiên nhiên... Trong điều kiện ngân sách hạn chế, cần có đầu tư vào công tác đánh giá, phân tích thị trường, qua đó xác định và chọn lọc cụ thể thị trường trọng điểm và nội dung - hình thức xúc tiến, quảng bá phù hợp nhất, xây dựng kênh phân bổ ngân sách chi tiết để tập trung sử dụng hiệu quả nhất nguồn ngân sách thực tế.

Với tư cách là một doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi rất cần biết nhanh và sớm với chiến lược có định hướng, chủ đề hằng năm và kế hoạch tổng thể để chúng tôi cùng phối hợp tham gia và có cách chuẩn bị về mặt sản phẩm cụ thể. Nói cách khác, hoạt động xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch VN cần có sự phối hợp cộng hưởng một cách hiệu quả cùng các chương trình xúc tiến, quảng bá của doanh nghiệp. Hình thức quảng bá không kém phần hiệu quả và tiết kiệm chính là chất lượng của dịch vụ, sản phẩm du lịch tại VN (tốt, giá cả phải cạnh tranh), kết hợp khai thác hiệu quả của các kênh quảng bá qua mạng có tính lan truyền thông tin mạnh, nhanh và rộng nhất hiện nay. Đặc biệt, cần chú ý khai thác tối đa hiệu quả của các kênh tiếp thị có chi phí vừa phải (website, mạng xã hội).
Theo TTO


  • Du lich VN - gửi lúc 20:33 | 22-03-2013
    Ít nước nào được tạo hóa ưu đãi tài nguyên du lịch như VN (ko cần liệt kê). Nhưng ngành du lịch thì sao ??? điểm du lịch thì cứ quây hàng rào lại bán vé, dịch vụ thì chặt chém, môi trường thì đầy rác rưỡi, đầy hàng ...
  • Đinh hanh - gửi lúc 18:50 | 22-03-2013
    Chết ông rồi, ông Thứ ơi, sao ông không khen lấy khen để cho yên thân, ông chê như tát... nước, ổng không đỏ mặt tía tai mới lạ ! Phen này thì ông Thứ khổ rồi !
  • Thanh Bình - gửi lúc 16:50 | 22-03-2013
    Hoan hô ông Nguyễn Thanh Sơn,
    Ông nói một tiếng khí vang khắp trời.
    Lời ông như sấm trên trời,
    Ông hô một tiếng sáng ngời bốn phương.
    Lâu nay nhiều chỗ tai ương,
    Cũng mong ông hãy tiếp đường tiến lên.
    Ơn trời ông giữ sức bền,
    Vì dân trị nước vững bền Việt Nam.
  • THH - gửi lúc 16:48 | 22-03-2013
    Nói thật là DL quá kém, chỉ biết tận dụng những ưu đãi TN mà không biết khai thác một cách hiệu quả, chiến lược lâu dài và mang tính toàn diện. Ở đây vùng miền chỉ biết vùng miền, ông nào chém được thì chém. Ngành DL thử công bố lượng khách DL quay lại VN là bao nhiêu % (Đấy là chưa kể lượng khách vào VN được thống kê bao gồm cả những người vào với mục đích business). HIện tại những điểm DL được quốc tế đánh giá cao tại VN, xin lỗi TCDL, là do các đơn vị tư nhân làm. Các bác chỉ có cái tên TCDL rồi "dây máu ăn phần". Ngành DL nên cần những người có tài và đủ tâm.
  • Nguyễn Văn Hải - gửi lúc 16:35 | 22-03-2013
    Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói thẳng sự thật của vấn đề. Ông Tổng này nói ông Sơn quy chụp, vơ đũa cả nắm, không hiểu ngành du lịch và nói sẽ đối thoại với ông Sơn. Tôi nghĩ không cần, vì Phóng viên đã đặt câu hỏi rất hay và nội dung trả lời của ông Tổng này cũng thừa nhận tất cả các khía cạnh hết rồi, rất kém. Tôi nghĩ Tổng cục du lịch nên thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục gấp, không nên đôi co làm gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét