Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Ông Nguyễn Bá Thanh: 'Cần lập lại kỷ cương ngân hàng'

Gần hai tháng nay không thấy bác Thanh chém gió; cũng nhơ nhớ, tự nhiên hôm nay lại thấy bác xuất hiện. Tuy nhiên, khẩu khí không còn mạnh như lúc "hốt liền, không nói nhiều". 'Cần lập lại kỷ cương ngân hàng' ? Một câu ai cũng nói được bác Thanh ạ. Nhìn mấy cái ảnh Thanh cười, Bình trầm ngâm, cũng thấy hay.
Ông Nguyễn Bá Thanh: “Thống đốc lập lại kỷ cương thôi” (VnEco). Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh tiếp tục khuyến cáo ngân hàng (Infonet).
Ông Nguyễn Bá Thanh: 'Cần lập lại kỷ cương ngân hàng'
Hiến nhiều kế sách giảm nợ xấu, giúp nhà băng và doanh nghiệp tìm được nhau, nhưng theo Trưởng ban Nội chính Trung ương - Nguyễn Bá Thanh, "kỷ luật" mới là vấn đề lớn nhất của ngành ngân hàng hiện nay.Trở lại Đà Nẵng trên cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh được dư luận đặc biệt chú ý khi cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Bình chủ trì Hội nghị Triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố trong ngày 20/3.
Giữ khẩu khí "máu lửa" tương tự những lần chủ trì chất vấn tại Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng trước đây, ông Nguyễn Bá Thanh đã dành nhiều thời gian để chỉ ra những khuyết tật trong quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp hiện nay.

Ông Nguyễn Bá Thanh: "Ngân hàng đang lúng túng trong 
việc cho doanh nghiệp vay vốn". Ảnh:Nguyễn Đông
Mở đầu bằng câu chuyện lãi suất, vị lãnh đạo này nhận định dù đã giảm nhưng đồng vốn đến tay doanh nghiệp Việt vẫn đắt hơn nhiều so với các nước như Singapore, Philippines hay Trung Quốc… "Lãi suất đã cao rồi, năng suất lao động thấp khiến giá thành lên cao. Cuối cùng sản phẩm của mình không cạnh tranh được thì doanh nghiệp lại tiếp tục gặp khó khăn", ông chỉ rõ.

Theo phân tích của ông Nguyễn Bá Thanh, hiện các ngân hàng huy động từ người dân với lãi suất 8%, nhưng lại không siết chặt chi phí, khiến cho lãi đầu ra "không biết bao nhiêu cho đủ". "Ngân hàng cũng phải nghiên cứu vay vốn giá rẻ từ nước ngoài. Không thể viện lý do cũng là doanh nghiệp, đi vay của dân rồi lại cho doanh nghiệp vay. Như thế không giải quyết được bài toán hiện nay".

Về vấn đề nợ xấu, theo ông Thanh cũng thẳng thắn nhận định nhiều ngân hàng hiện phải đối mặt với những món nợ "không phải xấu mà là rất xấu", khi gần như không có khả năng thu hồi. "Lập công ty để tháo gỡ nợ xấu là một ý tưởng hay nhưng quan trọng là cách làm, nếu không cẩn thận là dễ tiêu cực. Cuối cùng Nhà nước và người dân lại gánh chịu", ông cảnh báo

Trình bày quan điểm cá nhân, ông Thanh cho thành tựu đổi mới đất nước những năm qua có công lớn nhờ ngân hàng, nhưng những bất ổn cũng có không ít căn nguyên từ đây. "Ngân hàng tươi tắn thì mọi thứ đều suôn sẻ hết. Nhưng ngân hàng từ chỗ cho vay tương đối thông thoáng, bây giờ sợ quá, không dám cho vay, đưa ra điều kiện ngặt nghèo. Cuối cùng thì lúng túng không biệt được doanh nghiệp nào với doanh nghiệp nào".

Trưởng ban Nội chính kiến nghị ngân hàng cần phải xem xét lại việc thẩm định của chính nhân viên, tránh việc định giá không đúng với tài sản thế chấp, gây thêm nợ xấu.

"Ở các nước có hệ thống ngân hàng hiện đại và văn minh, báo cáo sai là pháp luật trừng phạt ngay. Còn ở mình nói huy động 8% nhưng lại cho thêm mấy phần trăm ở ngoài. Cho vay nói 14 - 15% nhưng cũng chung chi thêm. Trong cuộc chơi, như bóng đá có 11 cầu thủ mà 1 - 2 người bán độ như thế thì đá đấm gì nữa. Cuộc chơi này phải có kỷ luật. Tôi đề nghị Thống đốc phải lập lại kỷ cương, nếu muốn lạnh mạnh. Cứ làm theo kiểu đó thì làm sao giải quyết được bài toán kinh tế", ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng trong buổi hội nghị, nhiều doanh nghiệp liên tục đặt ra các câu hỏi cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xoay quanh các vấn đề về nguồn vốn cho doanh nghiệp vay, vấn đề nợ xấu, phương án cụ thể của Ngân hàng Nhà nước giúp doanh nghiệp địa phương phát triển... Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình cho hay thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã đảm bảo, nguồn vốn cho vay đã sẵn sàng. Tuy nhiên, khả năng lãi suất tiếp tục giảm mạnh là không nhiều.



Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời những 
vấn đề doanh nghiệp đặt ra cho ngân hàng nhà nước. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo phân tích của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc xem xét giảm lãi suất cho vay phụ thuộc vào tình hình kiềm chế lạm phát cũng như việc hạ lãi suất huy động. Khả năng hạ lãi suất của các ngân hàng tối đa chỉ có thể ở xuống thêm 1% chứ không phải 1 - 2% một lần như năm trước. Tuy nhiên, cơ quan này đang đề nghị các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay xuống dưới 13%, đồng thời tích cực gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp.

"Phần lớn các doanh nghiệp đều quá trông chờ vào nguồn vốn của ngân hàng. Nếu doanh nghiệp chỉ đi vay 1/3 trên tổng nguồn vốn thì dù lãi suất lên đến 25% đảm bảo doanh nghiệp vẫn giàu, vẫn có lãi. Thực tế là cùng với việc tích lũy vốn kém, nhiều doanh nghiệp vay đến 2/3, thậm chí toàn bộ số vốn thì chỉ có khả năng duy trì được sản xuất nhưng không tạo ra được hiệu quả giá trị gia tăng, kinh doanh chỉ đủ trả lãi ngân hàng", Thống đốc Bình nói.

Đồng quan điểm với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thường xuyên tổ chức gặp gỡ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Thanh nói: "Doanh nghiệp và ngân hàng trong lúc khó khăn cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc tìm cách tháo gỡ. Nhưng phải chú ý là tháo gỡ khó khăn, giảm nợ ra sao, miễn nợ thế nào. Chứ không phải một buổi phổ biến kiến thức về ngân hàng, thế nào là nợ xấu... Như thế không giải quyết được vấn đề".

Nguyễn Đông
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quan-diem/2013/03/ong-nguyen-ba-thanh-can-lap-lai-ky-cuong-ngan-hang/
----------------


Ông Nguyễn Bá Thanh: “Thống đốc lập lại kỷ cương thôi”

NGUYÊN THẢO
Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh tiêu cực trong ngành ngân hàng đang là vấn đề được xã hội quan tâm...
Ông Nguyễn Bá Thanh: “Thống đốc lập lại kỷ cương thôi”
Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh (bên phải) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng tại Đà Nẵng, sáng 20/3 - Ảnh: Infonet.

“Tôi nhìn thấy một số ngân hàng không biết sợ là gì”, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng tại Đà Nẵng, sáng 20/3.
 

Khi còn làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Thanh cũng đã từng “dọa” sẽ công khai tên các ngân hàng o ép doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố, Ngân hàng Nhà nước với 150 doanh nghiệp trên địa bàn vào ngày 7/9/2012.  
 
Sau sự kiện này, ở kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố vào đầu tháng 12/2012, lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố cho biết đến tháng 10/2012 dư nợ có lãi suất dưới 15% là 32 nghìn tỷ. Dự kiến tổng dư nợ có lãi suất dưới 15% đến 31/12/2012 đạt tỷ lệ khoảng 84% tổng dư nợ.
 
Theo ghi nhận của VnEconomy, tham dự hội nghị sáng 20/3 và phát biểu khi đã ở cương vị mới, ông Nguyễn Bá Thanh vẫn tỏ ra quan ngại về nợ xấu ngân hàng khi còn có dung sai quá lớn giữa thực tế và con số có thể kiểm soát, khi không phải ngân hàng nào cũng “thật thà nói hết”. 

"Theo quan điểm cá nhân tôi, thành tựu những năm đổi mới có công lớn của ngành ngân hàng, nhưng nếu mai này mà nền kinh tế có sụp đổ thì cũng bắt đầu từ hệ thống ngân hàng, không thể ai khác", ông Thanh nói.

Đề nghị lãnh đạo ngân hàng hết sức lưu ý cán bộ cấp dưới, vì “mình làm sao sâu sát hết được”, ông Thanh nêu ví dụ: “Cái nhà hắn chỉ có 10 tỷ thôi, hắn định giá lên 5 - 7 chục tỷ, mình ngồi ở nhà mình làm sao biết hết được, rồi mình cũng gật gù,  cũng phê duyệt rồi cũng này khác các thứ. Còn anh em nó tiêu cực, nó cho vay mà nó có quyền lợi ở trong nớ, nên rồi cuối cùng, đến khi mà phát hiện ra là cái nhà đó giá trị thật tại thời điểm vay nó 10 tỷ, nay xuống giá rồi chỉ còn 5 tỷ, mà mình lỡ đưa họ vay 50 tỷ rồi thì họ lấy cái gì họ đưa ra, nói vui là đưa cái mạng trành ra chịu trận”.

“Ở các nước mà báo cáo sai thì pháp luật trừng phạt liền. Chứ còn mình là nói dối nó quen rồi, một số là trong nội bộ biết, số thì báo cáo thanh tra Ngân hàng Nhà nước, số để báo cáo chi nhánh ngân hàng thành phố…”, ông quan ngại về con số nợ xấu.

Liên quan đến thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết về tương lai rất gần của công ty mua bán tài sản quốc gia, vị Trưởng ban Nội chính Trung ương bình luận đây là hướng đi đúng, nhưng quan trọng là thực hiện thế nào, vì rất dễ xảy ra tiêu cực, nên “nếu  không cẩn thận thì cuối cùng cũng là nhà nước và nhân dân gánh chịu”.
 
Bởi hiện nay có những loại nợ không phải là nợ xấu mà quá xấu, không bao giờ có thể đòi được, ông Thanh nhắc lại nhận định đã phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2012.

Đặt câu hỏi về tình trạng "chung chi" trong việc huy động và cho vay vốn cùa ngân hàng, nguyên Bí thư Đà Nẵng so sánh với việc đội bóng có 11 cầu thủ mà một, hai ông chi cá độ thì “còn đá đấm chi được nữa”.

“Cái cuộc chơi này đòi hỏi kỷ luật, nên tôi đề nghị với Thống đốc là không thể du di được, mình phải lập lại trật tự kỷ cương thôi, nếu muốn lành mạnh. Tôi nhìn thấy một số ngân hàng không biết sợ là gì. Vừa rồi tôi nghe có những vụ mà hắn làm đến 4 - 5 chục tỷ tỉnh queo, thì không có tiền mô mà chịu nổi. Ngân hàng cũng rứa thôi. Cho nên, trong các lĩnh vực mà tiêu cực thì cái tiêu cực ngân hàng cũng là một cái vấn đề mà xã hội đang quan tâm”, ông Thanh phát biểu.
 
Vẫn đặc biệt lưu ý việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà hạ lãi suất chỉ là một trong nhiều biện pháp, ông nhấn mạnh trong lúc khó khăn này, ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp.

“Hồi nãy có nghe ý kiến nói là ngân hàng vẫn tính lãi suất cao, tạo áp lực để doanh nghiệp cố gắng (đối với các doanh nghiệp nợ xấu nhưng không hỗ trợ giảm lãi suất, vẫn để mức lãi suất cao cũ - PV). Áp lực vừa vừa thôi, giống như ông chạy thi ấy mà, thấy mấy thằng cha hắn chạy phía trước thì còn ráng ráng theo, chứ hắn chạy cách cả mấy cây số rồi thì muốn ngồi bệt cho rồi, đúng không?”, nhiều tiếng cười không nén được khi ông Thanh ngừng lời.

Trực tiếp lắng nghe và trả lời ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị, khẳng định những gì trong tầm tay có thể làm thì sẽ thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay ngành ngân hàng đã tạo ra thanh khoản tương đối dồi dào để giảm áp lực cho vay lãi suất cao. Thống đốc cũng công bố mục tiêu phấn đấu trong năm 2013 là sẽ đưa lãi suất cho vay về trong khoảng 13%.

Đánh giá cao hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố với mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 đạt hơn 4%, bằng một nửa mức tăng chung của cả nước, Thống đốc Bình yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu làm sao cho nợ xấu mới không phat sính và giảm được nợ xấu trước đây. 

Thống đốc cũng bày tỏ hy vọng với đề án xử lý nợ xấu và thành lập công ty mua bán tài sản quốc gia đã được thông qua, trong tuần này nghị định thành lập công ty sẽ được ban hành. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, có được công cụ này thì giải quyết được một phần, còn chủ lực vẫn là nội lực của các ngân hàng.
 
Với mức tăng trưởng tín dụng của cả nước từ 10 đến 12% trong năm 2013, Thống đốc yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng nỗ lực hơn nữa, thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn phát sinh cho các doanh nghiệp. “Cái gì xử lý được thì bảo được, không được cũng nói rõ”, ông lưu ý.

http://vneconomy.vn/20130320071732161P0C9920/ong-nguyen-ba-thanh-thong-doc-lap-lai-ky-cuong-thoi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét