Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

GDP của Việt Nam theo cân bằng sức mua

GDP của Việt Nam theo cân bằng sức mua
Năm 1990-1991, cùng với PGS, TSKH Nguyễn Văn Quỳ, chúng tôi là những người đầu tiên đã thử tính GDP theo so sánh sức mua (PPP) cho nền kinh tế VN. Kết quả nghiên cứu đã được in thành 1 chuyên san thông tin khoa học năm 1991 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 100 trang. Nghe tin A Quỳ đã mất năm 2010, tôi vô cùng thương tiếc anh và mỗi khi đọc tài liệu về chủ đề này, bao giờ tôi cũng nhớ đến anh. 
So sánh thu nhập bình quân đầu người năm 2005
 của một số nền kinh tế (Nguồn: WorldBank)
Ngày 17/12/2007, Ngân hàng Thế giới đã công bố lại tính toán về tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên cơ sở cân bằng sức mua (PPP - Purchasing Power Parity) cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, GDP của Việt Nam năm 2005 tính bằng PPP đã được điều chỉnh giảm 30% từ 255,6 tỷ USD xuống còn 178,1 tỷ USD. Tương ứng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo PPP năm 2005 là 2.142 USD, chứ không phải là 3.076 USD như đã công bố trước đây.

Cân bằng sức mua là gì?

Trên thế giới, có ba cách để nhìn nhận về GDP của mỗi nền kinh tế. Cách thứ nhất là dùng đồng tiền trong nước. Cách này chỉ cho chúng ta biết quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người là bao nhiêu, và tính toán tốc độ tăng trưởng của năm sau so với năm trước. Nhưng các số liệu này không thể dùng để so sánh giữa với các nền kinh tế dùng các loại tiền khác nhau. Trong khi đó, mỗi người, mỗi quốc gia đều có nhu cầu phải biết “vị thế chúng ta đang ở đâu trên thế giới này”.

Cách thứ hai, để có thể so sánh với các nước, người ta quy đổi GDP và GDP bình quân đầu người sang đô-la Mỹ, dựa trên tỷ giá hối đoái thị trường. Cụ thể, tính theo tỷ giá hối đoái thị trường năm 2005, GDP của Việt Nam là 52,9 tỷ USD và GDP bình quân đầu người là 637 USD.

Tuy nhiên, ở mỗi nơi trên thế giới thì đồng đô-la Mỹ lại có sức mua khác nhau. Một lần đi cắt tóc ở Nhật hết ít nhất 10 đô la, nhưng cắt tóc ở Việt Nam thì chỉ hết nửa đô la. Ngược lại, trong khi một chiếc xe Toyota Camry ở Mỹ giá 20-25 ngàn USD, thì cũng chiếc xe đó ở Việt Nam lại có giá trên 60 ngàn USD.

Như thế để so sánh chính xác hơn sự khác nhau về mức sống thì lại phải cần đến cách thứ ba. Đó là quy đổi đồng đô-la sang sức mua tương đương (PPP), sử dụng một “rổ” hàng hóa và dịch vụ làm đại diện. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới tính toán thấy để mua được một rổ hàng hóa điển hình có giá 1 USD ở Việt Nam thì một người dân ở Mỹ phải bỏ ra 3,4 USD.

Vì vậy, để so sánh trên cơ sở ngang bằng sức mua của đồng đô-la, GDP của Việt Nam phải được điều chỉnh tăng lên 3,4 lần. Kết quả là năm 2005, thu nhập bình quân đầu người của ta tính theo tỷ giá hối đoái là 637 USD, còn tính theo PPP là 2.142 USD.

Lý thuyết về PPP thì đơn giản, nhưng thực tiễn tính toán lại phức tạp hơn nhiều vì đòi hỏi không những việc xác định rổ hàng hóa điển hình cho mỗi nền kinh tế mà còn cả nỗ lực khảo sát giá cả một cách chi tiết.

Trong những năm qua, công tác ước lượng PPP cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, của Ngân hàng Thế giới chỉ được dựa trên những phỏng đoán tương đối.


Chỉ đến gần đây, Chương trình So sánh Quốc tế (ICP) của Ngân hàng Thế giới mới triển khai một cách toàn diện hoạt động thu thập số liệu giá cả tại 146 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dựa trên thông tin mới này với mốc thời gian là năm 2005, ước lượng PPP của rất nhiều quốc gia đã được tính lại với những mức điều chỉnh lớn, trong đó đáng kể nhất là việc GDP của Trung Quốc và Ấn Độ đều giảm đi gần 40%.

Ý nghĩa của việc tính lại PPP

Việc điều chỉnh giảm GDP và GDP bình quân đầu người của Việt Nam, Trung Quốc, và Ấn Độ có thể có ý nghĩa gì?

Việc điều chỉnh này chẳng làm cho chúng ta mất đi chút thu nhập nào. Nhưng việc điều chỉnh cho phép nhìn nhận so sánh chính xác hơn vị thế của chúng ta trên thế giới.

Thứ nhất, việc điều chỉnh của Ngân hàng Thế giới cho thấy mặt bằng giá cả của Việt Nam không phải là quá rẻ như ước tính trước đây. Có nghĩa là mức sống của người Việt Nam không cao như Ngân hàng Thế giới trước đây đã ước tính.
Thứ hai, điều không vui là khoảng cách của chúng ta với các nước giàu đã giãn xa hơn.

Mặt khác, do thước đo PPP được sử dụng phổ biến trên thế giới để so sánh và xếp hạng thu nhập bình quân đầu người, nên việc một quốc gia được xếp là nước nghèo càng lâu thì quốc gia đó càng có nhiều khả năng tiếp tục nhận được vốn vay ưu đãi từ các tổ chức phát triển, cũng như được “ưu tiên” hơn trong việc tiếp cận với thị trường thế giới.

Trong một bài viết của mình, GS toán kinh tế nổi tiếng Lê Văn Cường tại CEPREMAP Pháp có nhắc đến nghiên cứu năm 1990 của hai chúng tôi:

Một số ý về bài "Khủng hoảng giáo dục"
Văn Cường

Bùi Mộng Hùng trong bài " Khủng Hoảng Giáo Dục..." đăng trên Diễn Đàn số 4, có so sánh ngân sách giáo dục của Việt nam (12% ngân sách, từ hai năm nay) với ngân sách giáo dục của Thái lan (từ 20 đến 30% ngân sách nhà nước). Nhìn như vậy đầu tư của Việt Nam vào giáo dục xem ra có vẻ yếu. Nhưng nếu dựa vào TSP (Tổng sản phẩm quốc gia - PNB, produit national brut), như thế, năm 1989 Việt nam đầu tư vào giáo dục quãng 4% của TSP vì năm ấy ngân sách nhà nước Việt Nam chiếm 35% của TSP (1). Theo số liệu của OCDE (2), năm 1987, Pháp đầu tư 5% của PNB, Hoa Kỳ 4,8%, Nhật 5,1%, Thổ Nhĩ Kỳ 2%. Như vậy tỷ lệ đầu tư của Việt Nam vào giáo dục nằm trong " norme " (nếu " ngân sách " là ngân sách được thực hiện - budget exécuté). 

Bùi Mộng Hùng cũng so sánh tỷ lệ số sinh viên trên dân số : Nam Triều Tiên cứ 10.000 người có 367 sinh viên, Thái Lan được 127, Việt Nam 22. Theo ý tôi phải lấy tiêu chuẩn Tổng sản phẩm trên đầu người (PNB par tête). 

Năm 1989, TSP/đầu người của Việt Nam là 250 đô la (3). Năm 1987, TSP/đầu người của một số nước khác là như sau (3) : Nam Triều Tiên : 2810 đô la ; Thái lan : 879 đô la ; Mã Lai : 1757 đô la ; Nam Dương : 422 đô la ; Thổ Nhĩ Kỳ : 1 300 đô la. 

Nếu ta biết thêm, cứ 10.000 người Mã lai có 42 sinh viên (4), Nam Dương có 37 sinh viên (4), Thổ Nhĩ Kỳ 100 (2), thì tỷ lệ (sinh viên/dân số)/(TSP/đầu người) của Việt nam thua Nam Triều Tiên, Thái Lan, ngang với Nam Dương, Thổ Nhĩ Kỳ, hơn Mã lai. Nam Triều Tiên có tỷ lệ cao, có lẽ vì 2/3 chi phí giáo dục do tư nhân đài thọ (3). 

Nhưng nghĩ rằng chi tiêu cho giáo dục chủ yếu ở trong nội địa mỗi nước thì nên dùng TSP tính theo sức mua (pouvoir d'achat) ; số liệu khó kiếm hơn. Năm 1989, TSP/đầu người tính theo sức mua ở Việt Nam quãng 1.100 đô la (5). Năm 1987 TSP/đầu người của Pháp là 13.600 đô la (2), của Thổ Nhĩ Kỳ là 4.350 đô la (2). Tỷ lệ (sinh viên/dân số)/(tsp/đầu người tính theo sức mua) của Việt Nam không kém gì hai nước nói trên (Pháp : 230 sinh viên/10.000 người). 

Những so sánh trên đây cũng là báo động : Việt Nam không thể " an tâm " vì một số tỷ lệ về giáo dục tương đối vừa phải theo những tiêu chuẩn nói trên, vì khoảng cách tuyệt đối về trí tuệ giữa Việt Nam và một số nước, nếu không có thay đổi về tỷ lệ, sẽ tăng dần và Việt Nam sẽ lún sâu vào khối các nước chậm tiến. Cũng không thể nào tăng vùn vụt đầu tư vào giáo dục vì trong ngân sách còn bao nhiêu mục khác. Như vậy phải tăng sản xuất, như mọi người đều biết.
 
(1) Báo cáo về kinh tế Việt Nam, chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, tháng 12. 1990
(2) OCDE en chiffres. Statistiques sur les pays membres. Supplément à l'observateur de L'OCDE, numéro 164, Juin-juillet 1990
(3) ATLAS ECO 1991/1992
(4) Laurent Schwartz, interview, Đoàn Kết. 5. 1991
(5) Nguyễn Văn Quỳ và Lê Việt Đức : " Estimate Gross Domestic Products Per Capita On Purchasing Power Parity For Việt Nam Economy ". Trung Tâm Phân tích Hệ Thống, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương, Hà Nội, 1991.

Chủ Blog trong một lần đến thăm mộ anh Nguyễn Văn Quỳ.
Mỗi lần đến là một lần rất nhớ anh. Mặc dù có tiêu chuẩn xây mộ cố định tại Thanh Tước nhưng theo nguyện vọng của anh, gia đình để anh nằm tạm ở đây để chờ làm nghĩa trang gia đình rồi đưa về đó.

 

11 nhận xét:

  1. On Wed, Mar 21, 2012 at 10:40 AM, Khổng Mến wrote:

    bac Mai oi, bac cho chau hoi khai niem GDP tiem nang la gi a?

    Trả lờiXóa
  2. Chào bạn.

    GDP tiềm năng là khả năng tăng trưởng dài hạn (10 năm trở lên) của một nền kinh tế; nó là 1 con số, ví dụ nói tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế nước ta là 7%, có nghĩa là trong khoảng 10-20-30 năm tới (tùy tầm dự báo) tỷ lệ tăng trưởng GDP của nước ta trung bình sẽ xấp xỉ 7%.
    Về nguyên tắc, GDP tiềm năng được tính toán dựa trên các nguồn lực vật chất, nhân lực (chất và lượng nguồn nhân lực), trình độ công nghệ, trình độ quản lý và khả năng sáng tạo của nền kinh tế đó.

    GDP tiềm năng tạo thành một trục tăng trưởng dài hạn, nó là số không có thực mà chỉ do chúng ta tính toán, ước lượng ra. Giống như tỷ giá thực vậy, là số ước tính ra chứ không phải là số thực ta vẫn thấy như tỷ giá danh nghĩa. Còn con số GDP hàng năm là số thực, do Tổng cục thống kê tính toán ra trên cơ sở đo lường thành tựu kinh tế làm ra hàng năm.

    Con số tăng trưởng GDP thực 6, 7 hay 8% hàng năm mà chúng ta vẫn nghe sẽ biến động qua các năm chứ không cố định dài hạn, và nó biến động xoay quanh trục tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế, tức là xoay quanh tỷ lệ tăng trưởng GDP tiềm năng.

    Có nhiều cách ước lượng GDP tiềm năng, từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản nhất là lấy trung bình của những năm trong quá khứ rồi điều chỉnh để có cho thời gian tới. Ví dụ muốn dự báo GDP tiềm năng cho giai đoạn 2012-2020 (9 năm), thì nhìn lại giai đoạn 1990-2011 (21 năm, chưa đủ gấp 3 lần con số 9, nhưng vì giai đoạn trước 1990 nền kinh tế nước ta hoạt động theo mô hình khác bây giờ và nền kinh tế liên tục trong khủng hoảng.... nên không dùng số trước năm 1990 được); lấy trung bình, rồi nghiên cứu đặc điểm giai đoạn 2012-2020 để điều chỉnh tăng hay giảm...

    Cám ơn bạn quan tâm tới các vấn đề kinh tế vĩ mô.

    Trả lờiXóa
  3. bài này của bác rất hay ạ.Cháu đang rất không hiểu bài giảng trên lớp của thầy thì cháu tìm thấy bài này của bác!Cháu cám ơn bác rất nhìu
    Bác cho cháu hỏi là tại sao lại có sự chênh lêch giữa GDP tính theo tỉ giá thị trường và GDP theo ngang giá sức mua a?
    Cháu nghĩ là do giá trị của từng đồng tiền của mỗi nước là khác nhau! liệu cón ly do nào khác không ạ!
    Rất mong bác giúp cháu!

    Trả lờiXóa
  4. Chào bạn, chắc là bạn gái nên mới có cái tên xinh thế.
    Trong bài viết đã nêu các ví dụ rất rõ. Chúng ta đều biết cắt tóc là một loại dịch vụ nên được tính vào GDP. Giả định dịch vụ cắt tóc không tốn chí phí cũng như không phải đóng thuế; khi đó toàn bộ số tiền thu được sau khi thực hiện dịch vụ này sẽ là thu nhập của thợ cắt tóc và được tính vào GDP.
    Giả sử nền kinh tế Mỹ và Việt Nam chỉ có 1 hoạt động duy nhất là cắt tóc và một lần đi cắt tóc ở Mỹ hết 10 đô la, còn đi cắt tóc ở Việt Nam thì chỉ hết 10.000 đồng. Theo tỷ giá thị trường 20.000 đồng = 1 đô la Mỹ thì 1 lần cắt tóc ở Việt Nam tạo ra nửa đô la cho GDP. Khi đó GDP của Mỹ là 10 đô la Mỹ, còn GDP của Việt Nam là 0,5 đô la Mỹ. Như vậy, nếu theo tỷ giá thị trường, GDP của Mỹ cao hơn của Việt Nam 20 lần; nghe rất kinh khủng, nhưng trong thực tế GDP của hai nước phải như nhau vì xét về của cải hữu ích chỉ có 1 việc như nhau, đó là 1 lần cắt tóc.

    Trả lờiXóa
  5. Như vậy, nếu dùng tỷ giá thị trường, GDP sẽ không phản ánh đúng thu nhập thực tế và mức sống thực tế của dân cư hai nước. Hơn nữa, tỷ giá thị trường còn có nhiều điểm yếu khi sử dụng trong so sánh quốc tế như: (1) Thường xuyên biến động, kéo theo GDP tính sang đô là cũng thường xuyên biến động, mặc dù nền kinh tế của hai nước cũng như đời sống của người dân vẫn vậy; (2) Đồng tiền của nước nghèo luôn bị đánh giá thấp so với tiền của nước giầu (effect Balassa-Samuelson), làm hạ thấp GDP của nước nghèo; (3) Nhiều nước thực hiện chính sách cố định tỷ giá mặc dù các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã thay đổi nhiều; ví dụ liên tục lạm phát cao song tỷ giá lại được giữ nguyên. Đây đều là những nguyên nhân làm cho tỷ giá thị trường không phản ánh được giá trị hàng hóa và dịch vụ làm ra (tức là GDP) của một nước khi quy đổi sang đồng tiền khác (sang USD chẳng hạn).
    Chính vì những yếu điểm trên của tỷ giá thị trường, người ta mới nghĩ đến dùng tỷ giá so sánh sức mua (PPP). Tỷ giá này phản ánh số tiền cần thiết để mua cùng một số lượng hàng hóa và dịch cụ tại các nước so sánh. Trong ví dụ trên, để cắt tóc ở Việt Nam cần 10.000 đồng, còn ở Mỹ cần 10 đô la. Vì cắt tóc ở hai nước đều sinh ra một kết quả giống nhau nên tỷ giá theo sức mua phải là 10.000 đồng bằng 10 đô la hay 1000 đồng = 1 USD.
    Ngược lại, nếu một chiếc xe Toyota Camry ở Mỹ giá 20 ngàn USD, còn ở Việt Nam là 1,2 tỷ đồng (tương đương 60 nghìn USD theo tỷ giá thị trường), thì tỷ giá so sánh sức mua đối với chiếc xe này là 20.000 USD = 1,2 tỷ đồng hay 60.000 đồng = 1 USD, rất khác so với trường hợp cắt tóc ở trên…

    Trả lờiXóa
  6. Vì ở mỗi nước đều có hàng tỷ thứ hàng hóa và dịch vụ (giống nhau và khác nhau giữa các nước) được tính vào GDP và mỗi thứ hàng hóa và dịch vụ đó lại có tỷ giá theo sức mua khác nhau nên người ta phải chọn ra một giỏ hàng hóa và dịch vụ điển hình của hai nước để đưa vào tính toán 1 tỷ giá so sánh sức mua chung.
    Ví dụ hai nền kinh tế Mỹ và VN đều chỉ có hai loại hàng hóa và dịch vụ cắt tóc và bán xe Toyota; năm 2012 hai nước đều chỉ thực hiện 1 lần cắt tóc và 1 lần bán xe. Như vậy GDP của Mỹ là 10+20.000 = 20.010 USD, còn của VN là 1.200.010.000 đồng. Tỷ giá so sánh sức mua VND/USD sẽ là: 1.200.010.000 / 20.010 = 59970, tức 59970 đồng = 1 USD. Tỷ giá này khác hẳn tỷ giá thị trường (20.000 đồng = 1 đô la Mỹ).
    Tóm lại hai tỷ giá nêu trên khác nhau là mục tiêu sử dụng khác nhau. Nếu để so sánh sức cạnh tranh của các nền kinh tế thì phải dung tỷ giá thị trường; còn để so sánh mức sống và thu nhập thực tế của dân cư mỗi nước thì phải dung tỷ giá so sánh sức mua.
    Cám ơn sự quan tâm của bạn.

    Trả lờiXóa
  7. Bổ sung:
    Cách đơn giản nhất để tính GDP theo tỷ giá so sánh là dùng công thức: GDP theo PPP (USD) = GDP (tiền Việt) chia cho tỷ giá thị trường rồi nhân với tỷ giá PPP.

    Trong thực tế, người ta không làm như vậy, mà phải tính GDP của từng nước theo mặt bằng giá của nước so sánh thông qua một giỏ hàng hóa và dịch vụ giống nhau. Ví dụ tính GDP của VN xuất phát từ từng hàng hóa và dịch vụ theo giá của Mỹ chứ không theo giá của VN; sau khi có kết quả, sẽ đem GDP của VN tính theo tiền Việt chia cho nó và thu được tỷ giá PPP. Nói thì đơn giản nhưng cách làm khá phức tạp. Đã có dự án quốc tế chuyên thực hiện công việc này.
    Ngoài dùng đô la Mỹ làm chuẩn so sánh, người ta còn dùng một đồng tiền chung (không có thật, giống DSR của IMF) gọi là đô la quốc tế để so sánh.
    Xem thêm: Liste des pays par PIB (PPA) - http://fr.wikipedia.org/wiki/Liste_des_pays_par_PIB_(PPA)

    Programme de comparaison internationale http://pwt.econ.upenn.edu/icp.html

    Trả lờiXóa
  8. Cháu cám ơn bác! Cháu đã hiểu hơn về GDP theo PPP rồi a!

    Trả lờiXóa
  9. bác ơi cho cháu hỏi là trên thế giới, ngoài dùng để điều chỉnh lại GDP thì người ta còn dùng PPP động và tĩnh để tính các chỉ số gì nữa không ạ :D cháu xin cảm ơn bác ạ :D

    Trả lờiXóa
  10. Chào bạn. Mục tiêu sử dụng tỷ giá PPP là để so sánh mức sống và thu nhập thực sự của người dân giữa các nước với nhau. Nếu người dân 2 nước đều ăn 1 bát phở có chất lượng như nhau thì qua tỷ giá PPP sẽ thấy mức hưởng thụ phở của hai bên như nhau. Nhưng nếu sử dụng tỷ giá thị trường thì lại khác, ví dụ phở ở ta 30.000 đồng 1 bát, theo tỷ giá thị trường thì là 1,5 đô la Mỹ. Còn bên Mỹ bát phở đó giá 10 đô la. Như vậy nếu theo tỷ giá thị trường thì mức hưởng thụ phở của người Mỹ gấp gần 7 lần bên ta, nhưng thực ra không phải vì hai người đều hưởng thụ 1 bát phở như nhau.
    Mục tiêu tối hậu là vậy, còn tính GDP theo PPP chỉ là mục tiêu trung gian để gộp chung mức sống và thu nhập thực sự của mọi người dân.
    Do phương pháp PPP chỉ có mục tiêu so sánh như trên, đồng thời PPP lại không phản ánh được các quan hệ thị trường nên phạm vi sử dụng của nó rất hạn chế. Theo tôi biết đến nay nó chưa được sử dụng để tính nhiều thứ khác. Tuy nhiên, từ hàng chục năm nay, đã có đề xuất nên sử dụng GDP theo PPP để phân loại nước giầu, nghèo, từ đó xác định mức đóng góp của các nước giầu vào quỹ hộ trợ các nghèo, đồng thời cũng sử dụng nó để xác định mức viện trợ cho các nước nghèo...

    Trả lờiXóa
  11. Dạ vâng ạ cháu cảm ơn bác rất nhiều ạ!

    Trả lờiXóa