Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Một số bài viết năm 2009 của Paul Krugman (phần 1)

Tài liệu cũ:
 Một số bài viết năm 2009 của Paul Krugman

(bài của GS Paul Krugman đăng trên New York Times ngày 4/5/2009, do bạn đọc Dr. Trần dịch)
http://www.nytimes.com/2009/05/04/op…gman.html?_r=1
Lương bổng đang sụt giảm trên toàn Hoa kỳ.
Vài việc sụt giảm tiền lương, như tiền cung ứng cho công nhân Chrysler, là cái giá của trợ giúp liên bang. Nhiều việc khác, như sự đồng ý tạm thời về giảm lương ngay tại tòa báo New York Times, là kết quả của những thảo luận giữa ban lãnh đạo và các nhân viên trong công đoàn. Còn các việc giảm lương khác phản ảnh một sự thật trần trụi của một thị trường lao động yếu ớt: các nhân viên không dám chống đối việc giảm lương, vì họ không nghĩ rằng có thể tìm được các việc làm khác.

Cho dù các chi tiết ra sao đi nữa, tuy nhiên, các sự sụt giảm lương bổng là một triệu chứng của một nền kinh tế bệnh hoạn. Và chúng là một triệu chứng làm cho nền kinh tế thêm bệnh nặng hơn nữa.
Trước tiên, điều quan trọng nhất: các tin lẻ tẻ về sụt giảm lương bổng đang rao truyền đầy dẫy, nhưng hiện tượng này trải rộng đến mức nào? Câu trả lời: rất rộng.
Đúng là nhiều công nhân đang vẫn được tăng lương. Nhưng có đủ sụt giảm lương bổng trong nền kinh tế đến nổi mà, theo Văn phòng Thống kê Lao động, giá trung bình thuê mướn nhân viên trong lĩnh vực tư nhân chỉ tăng 0,2% trong quý 1 năm nay - tăng thấp nhất trong kỷ lục. Bởi vì thị trường việc làm vẫn đang tệ hại đi, điều sẽ không gây ngạc nhiên chút nào sẽ là nếu lương bổng nói chung bắt đầu sụt giảm vào cuối năm nay.
Nhưng tại sao đây lại là một việc tệ hại? Dù gì đi nữa, nhiều nhân viên đang chấp nhập sụt giảm lương bổng để giữ việc làm. Có gì sai quấy đâu?
Câu trả lời nằm tại một trong các nghịch lý đang gây tai họa cho nền kinh tế chúng ta hiện nay. Chúng ta đang chịu đau khổ bởi nghịch lý tiêu dùng tiện tặn: để dành tiền là một đức tính tốt, nhưng khi mọi người cố gắng tăng tiền để dành trong cùng một lúc, hậu quả sẽ là một nền kinh tế đình trệ. Chúng ta đang chịu đau khổ bởi nghịch lý trả nợ cùng lúc: giảm nợ và trong sạch hóa bản tổng kê tài sản là các điều tốt, nhưng khi mọi người cùng lúc cố gắng bán tài sản và trả các món nợ, thì hậu quả là một cuộc khủng hoảng tài chánh.
Và sắp tới đây chúng ta sẽ phải đối mặt với nghịch lý lương bổng: nhân viên tại một công ty nào đó có thể giúp giữ việc làm của họ bằng cách chấp nhận tiền lương thấp đi, nhưng khi các chủ nhân của toàn nền kinh tế cắt giảm lương bổng cùng lúc thì hậu quả sẽ là tăng nạn thất nghiệp.
Đây là phương cách nghịch lý này hoạt động: giả dụ rằng nhân viên tại tập đoàn XYZ chấp nhận giảm lương. Điều đó tạo điều kiện cho ban lãnh đạo XYZ giảm giá thành và làm cho sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn. Hàng bán được nhiều, và nhiều nhân viên có thể giữ việc làm của họ. Và bạn có thể nghĩ rằng giảm lương bổng làm tăng số việc làm - là điều đúng tại mức độ một công ty riêng lẻ nào đó.
Nhưng nếu mọi người đều chấp nhận giảm lương, thì không ai có được một lợi thế cạnh tranh nào. Vì vậy không có một lợi ích nào cho nền kinh tế từ việc giảm lương. Trong khi đó, sự sụt giảm lương bổng càng làm các vấn nạn trong nền kinh tế trở nên xấu đi trong các mặt khác.
Cụ thể, sụt giảm lương bổng, từ đó sụt giảm thu nhập, làm tệ hại đi vấn nạn nợ quá cao: tiền trả nợ bất động sản hàng tháng của bạn không giảm đi cùng lúc với lương bạn thụ hưởng. Hoa kỳ đi vào cuộc khủng hoảng lần này cũng vì tỉ lệ phần trăm số nợ của các hộ dân trên tổng số thu nhập ở vào mức độ cao nhất kể từ thập niên 1930. Các gia đình đang cố gắng giảm số nợ đó bằng việc để dành nhiều hơn họ đã từng làm trong một thập niên - nhưng khi lương bổng sụt giảm, họ sẽ phải theo đuổi một mục tiêu luôn di động. Và gánh nặng nợ nần tăng cao sẽ tạo ra áp lực đè nặng lên việc chi dụng của người tiêu thụ, làm nền kinh tế bị trì trệ, đình đốn.
Mọi việc càng trở nên tồi tệ nếu doanh nghiệp và người tiêu dùng trông đợi lương bổng càng sụt giảm thêm nữa trong tương lai. John Maynard Keynes nói một cách rõ ràng, hơn 70 năm trước: “Hậu quả của việc trông đợi lương bổng bị sụt giảm bởi, thí dụ, như 2% trong năm tới sẽ tương tự như hậu quả của 2% tăng cao trong số lãi suất phải trả trong cùng thời gian”. Và một sự tăng cao trong lãi suất thực là điều nền kinh tế hiện nay không muốn chút nào.
Việc lo ngại về sụt giảm lương bổng không chỉ là vấn đề lý thuyết. Nhật bản - nơi lương bổng trong lĩnh vực tư nhân sụt giảm trung bình 1% hàng năm trong các năm 1997-2003 - là một bài học thực tế cho việc bằng cách nào mà sụt giảm lương bổng góp phần tạo một nền kinh tế trì trệ.
Do đó, việc gì chúng ta có thể kết luận từ bằng chứng ngày một nhiều trong việc sụt giảm lương bổng tại Hoa kỳ? Chủ yếu, chỉ ổn định nền kinh tế sẽ không đủ: chúng ta cần một sự hồi phục thực sự.
Đã và đang có nhiều lời nói về việc mầm non đang chổi dậy và các điều cùng ý nghĩa, và thật ra đã có các chỉ số cho thấy rằng sự sụp đổ kinh tế bắt đầu từ mùa Thu năm ngoái nay đang diễn tiến theo chiều ngang. Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia còn có thể tuyên bố rằng suy giảm kinh tế có thể chấm dứt vào cuối năm nay.
Nhưng tỉ lệ thất nghiệp hầu như chắc chắn sẽ còn tăng cao. Và mọi dấu hiệu đều cho thấy một thị trường lao động vô cùng ảm đạm trong nhiều tháng nếu không là nhiều năm sau - và đây là bảng chỉ dẫn cho việc tiếp tục giảm lương, từ đó trì trệ nền kinh tế vốn đang yếu kém.
Để xóa bỏ vòng xoáy hiểm ác đó, về căn bản chúng ta cần tăng thêm: tăng việc kích thích kinh tế, tăng hành động dứt khoát vào các ngân hàng, tăng tạo dựng việc làm.
Ai có công phải được nêu công trạng: Tổng thống Obama và các cố vấn kinh tế của ông ta dường như đã dẫn đưa nền kinh tế ra khỏi vũng lầy sâu thẳm. Nhưng nguy cơ Hoa kỳ theo bước chân dĩ vãng của Nhật bản - rằng chúng ta sẽ đối mặt với nhiều năm thiểu phát và đình trệ - dường như đang ngày càng tăng cao.
Bài trong chủ đề Sưu Tầm và Dịch | 3 lời bình »
Bài Viết Của Bạn Đọc -- 28 tháng 04, 2009 -- Description: Bản để in Bản để in
(bài của GS Krugman đăng trên New York Times ngày 24/4/2009 — Do bạn đọc Dr. Trần dịch)
(xin nhắc lại, chỉ dịch theo ý chứ không theo từng chữ, từng cụm từ)
http://www.nytimes.com/2009/04/24/opinion/24krugman.html?_r=1
“Không lợi ích gì qua việc hao tốn thời gian và năng lượng của chúng ta để chỉ trích quá khứ”. Tổng thống Obama tuyên bố như vậy, sau quyết định đáng khen ngợi của ông nhằm giải mật các ghi chú về pháp luật mà người tiền nhiệm của ông đã dùng để biện minh cho tra tấn. Một số người quan trọng trong giới chính trị và truyền thông đã lập lại quan điểm này. Chúng ta cần nên nhìn về phía trước, không phải về phía sau, họ nói như vậy. Không truy tố, xin làm ơn, không điều tra, vì chúng ta quá bận rộn.
Và thật vậy đang có những thử thách lớn lao: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng về y tế công cộng, khủng hoảng về môi trường.
Phải chăng nếu xét lại các sự lạm quyền trong tám năm qua, cho dù có tồi tệ thế nào đi nữa, là một việc làm xa xỉ chúng ta không thể kham nổi?
Không, không phải vậy, bởi vì Hoa kỳ không chỉ bao gồm một tập hợp các chính sách. Chúng ta là, hoặc ít ra chúng ta từng là, một quốc gia với nhiều lý tưởng đạo đức. Trong quá khứ, chính phủ chúng ta đã thỉnh thoảng thực hiện một vài công việc không hoàn hảo để nêu cao các lý tưởng đó. Nhưng chưa bao giờ các lãnh đạo của chúng ta lại phản bội một cách vô cùng tuyệt đối mọi điều mà quốc gia chúng ta ủng hộ. “Chính phủ này không tra tấn ai hết”, cựu Tổng thống Bush tuyên bố, nhưng họ lại làm như vậy, và cả thế giới biết điều đó.
Và điều duy nhất chúng ta có thể tìm lại địa bàn đạo đức của chúng ta, không chỉ vì địa vị chúng ta trên thế giới, nhưng vì lương tâm quốc gia của chính chúng ta, là phải điều tra xem việc gì đã xảy ra, và, nếu cần thiết, truy tố những ai chịu trách nhiệm.
Nhưng còn các lý luận rằng điều tra các lạm quyền của chinh quyền Bush sẽ gây trở ngại cho các cố gắng giải quyết các khủng hoảng ngày nay? Cho dù đó là đúng sự thật - cho dù sự thật và công lý đến với giá cao - cũng có thể lý luận rằng đó là giá chúng ta phải trả: luật pháp không chỉ có thể có hiệu lực khi thuận tiện. Nhưng có lý do thực sự nào để tin rằng quốc gia sẽ phải trả một giá đắt cho việc giải trình trách nhiệm?
Thí dụ, điều tra các tội ác thời Tổng thống Bush sẽ thật sự làm giảm thời gian và năng lượng cần thiết tại các nơi khác? Hãy nói rõ một chút: chúng ta đang nói về thời gian và năng lượng của ai đây?
Tim Geithner, vị Bộ trưởng Ngân khố, sẽ không bị rút ra khỏi cố gắng của ông ta nhằm cứu vớt nền kinh tế. Peter Orszag, vị Chủ tịch Ngân sách, sẽ không bị rút ra khỏi cố gắng của ông ta nhằm cải cách y tế công cộng. Steven Chu, vị Bộ trưởng Năng lượng, sẽ không bị rút ra khỏi cố gắng của ông ta nhằm hạn chế thay đổi khí hậu. Ngay cả vị Tổng thống cũng không cần, và thật ra không nên, phải liên can đến. Tất cả điều ông ta sẽ phải làm chỉ là để cho Bộ Tư pháp làm việc của họ - là việc ông ta được trông đợi phải làm trong mọi trường hợp - và không cản đường mọi cuộc điều tra tại Quốc hội.
Tôi không hiểu quý vị nghĩ sao, nhưng tôi tin rằng Hoa kỳ đủ khả năng khám phá sự thật và thi hành luật pháp ngay cả khi quốc gia này phải làm nhiều việc khác cùng lúc.
Tuy vậy, quý vị có thể lý luận - và nhiều người làm như vậy - rằng xét lại các sự lạm quyền trong các năm dưới thời Tổng thống Bush sẽ bào mòn sự đồng thuận chính trị mà Tổng thống cần để theo đuổi chương trình nghị sự của ông.
Nhưng câu trả lời cho lý luận đó là, đồng thuận chính trị nào đây? Vẫn còn nhiều, trời ơi, một số đáng kể những người trong đời sống chính trị của chúng ta đang đứng cùng hàng ngũ với những người tra tấn. Nhưng đây chính là những người đã không ngừng nghỉ trong nổ lực của họ nhằm ngăn chận sự cố gắng của Tổng thống Obama đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và cũng sẽ không ngừng nghỉ trong sự chống đối của họ khi ông cố gắng đối phó với các vấn đề y tế công cộng và thay đổi khí hậu. Vị Tổng thống không thể mất thiện chí của họ, vì họ không bao giờ đưa ra một chút nào cả.
Đã nói như vậy, cũng có nhiều người tại Washington không cùng phe với các người tra tấn nhưng dù vậy cũng không muốn xét lại điều gì đã xảy ra trong các năm dưới thời Tổng thống Bush.
Vài người trong số họ có thể chỉ vì không muốn nhìn thấy một quang cảnh xấu xa, tôi đoán rằng vị Tổng thống, người rõ ràng thích viễn cảnh tăng tiến hơn là đối đầu, thuộc nhóm này. Nhưng các điều xấu xa đó đang hiện diện tại đây, và giả vờ như chúng không tồn tại sẽ không làm chúng thật sự tan biến đi.
Nhiều người khác, tôi nghi vấn, không muốn xét lại các năm đó vì họ không muốn bị nhắc nhở về các tội của chính họ đã bỏ sót các việc này.
Bởi vì sự thật là quan chức trong chính quyền Bush đã đặt để tra tấn như một chính sách, dẫn quốc gia lạc hướng vào một cuộc chiến tranh họ muốn đánh và, có thể, đã tra tấn người ta trong cố gắng thu lượm “lời thú tội” ngõ hầu để biện minh cho cuộc chiến. Và trong khi đi diễn hành đến cuộc chiến, phần đông các nhân vật quan trọng lâu năm trong chinh trị và truyền thông đã ngó đi chỗ khác.
Đó là một điều khó khăn, do vậy, không chỉ trích mạnh mẻ khi thấy một số người lẽ ra đã nên lên tiếng chống lại các điều đã xảy ra, nhưng không làm như vậy, nay lại tuyên bố chúng ta nên quên lãng toàn bộ thời kỳ đó - vì quyền lợi quốc gia.
Xin lỗi, nhưng điều chúng ta nên làm vì quyền lợi quốc gia là có các cuộc điều tra về cả hai mặt, tra tấn và các việc dẫn đến chiến tranh. Các cuộc điều tra đó nên, khi thích hợp, được theo sau bởi các sự truy tố - không phải vì tính không lượng thứ, nhưng vì đây là một quốc gia có luật pháp.
Chúng ta cần làm việc này vì tương lai chúng ta. Do đó đây không phải nhìn về quá khứ, nhưng về tương lai phía trước - đó là để phục hồi quốc hồn quốc túy của Hoa kỳ.
GS Paul Krugman
Bài trong chủ đề Sưu Tầm và Dịch | 3 lời bình »
Bài Viết Của Bạn Đọc -- 28 tháng 04, 2009 -- Description: Bản để in Bản để in
(bài của GS Krugman đăng trên New York Times ngày 20/4/2009 - Bạn đọc Dr. Trần Dịch)
(xin nhắc lại đây chỉ dịch theo ý, không theo từng chữ hoặc cụm từ)
http://www.nytimes.com/2009/04/20/op…gman.html?_r=1
“Viễn cảnh tồi tệ nhất”, một người đối thoại hỏi tôi [trên NPR - đài phát thanh công cộng toàn quốc], “của nền kinh tế toàn thế giới là như thế nào”? Cho đến ngày hôm sau tôi mới có thể có câu trả lời đúng: Hoa kỳ có thể trở thành Ái Nhĩ Lan.
Điều đó có gì là tệ hại đâu? Để xem, chính phủ Ái Nhĩ Lan nay dự đoán rằng Tổng Sản lượng Quốc gia năm nay sẽ sụt hơn 10% so với thời điểm cao nhất, qua khỏi mức độ đôi khi được dùng để phân biệt suy giảm [recession] kinh tế và suy thoái [depression].
Nhưng còn tệ hại hơn nữa: để thoả mãn các chủ nợ đang lo ngại, Ái Nhĩ Lan đang bị cưỡng ép phải tăng thuế và cắt giảm mạnh mẻ các chi tiêu chính phủ để đối mặt với một nền kinh tế tiêu điều - các chính sách lại càng làm lún sâu nền kinh tế vốn đã suy sụp.
Và chính sự khép kín các chọn lựa trong chính sách như vậy mà tôi lo sợ có thể xảy ra cho phần còn lại của thế giới. Câu khẩu hiệu “Erin go bragh” [một câu nói dân gian của Ái Nhĩ Lan] thông thường có nghĩa “Ái Nhĩ Lan muôn năm”, theo truyền thống được dùng để nói lên quốc thể Ái Nhĩ Lan. Nhưng câu này cũng có thể, tôi lo ngại, được nói lên để dự đoán nền kinh tế thế giới.
Làm thế nào mà Ái Nhĩ Lan bị rơi vào tình trạng bị trói chặt hiện nay? Bởi vì họ đã [điều hành nền kinh tế] giống chúng ta, chỉ là hơn như vậy. Gần giống như tục danh của họ, Ái Nhĩ Lan nhảy cẫng bằng cả hai chân vào thế giới mới, mạnh bạo, của các thị trường [tài chánh] thế giới không được quản lý. Năm ngoái, quỹ Heritage Foundation tuyên bố rằng Ái Nhĩ Lan là nền kinh tế vào hàng thứ ba tự do nhất trên thế giới, chỉ sau Hồng kông và Singapore.
Chỉ một phần tự do nhất của nền kinh tế Ái Nhĩ Lan thuộc ngành ngân hàng, và ngành này dùng sự phóng khoáng [không được chính phủ quản lý chặt chẽ] họ có được để tài trợ cho một bong bóng bất động sản khổng lồ. Ái Nhĩ Lan, kết quả, đã trở nên một hình thái tương tự như vùng biển Florida nhưng có khí hậu lạnh giá và không có rắn [Florida của Hoa kỳ có rắn và khí hậu nóng].
Và rồi bong bóng bị bể tan. Sự sụp đổ trong ngành xây dựng làm nền kinh tế đi vào vòng xoáy không thể bứt phá ra được, trong khi giá nhà đất sụp đổ làm nhiều người nợ [bất động sản] nhiều hơn giá trị các bất động sản họ có trong tay. Kết quả, cũng như tại Hoa kỳ, là một làn sóng dâng trào các việc quỵt nợ, lỗ lã nặng nề cho các ngân hàng.
Và như vậy, các vấn đề khó giải quyết của các ngân hàng phải chịu phần lớn trách nhiệm trong việc đặt chính phủ Ái Nhĩ Lan vào các chính sách khó xoay sở hiện nay.
Vừa ngay trước cuộc khủng hoảng, Ái Nhĩ Lan dường như có hình trạng rất tốt, về tài chánh mà nói, với, một ngân sách cân bằng và một mức độ nợ thấp trong công chúng. Nhưng thu nhập chính phủ - từng tùy thuộc mạnh mẻ vào giá trị bất động sản bị thổi phồng - đã sụp đổ theo bong bóng.
Quan trọng hơn nữa, chính phủ Ái Nhĩ Lan nhận ra họ còn buộc phải chịu trách nhiệm cho các sai lầm của các nhà tài phiệt ngân hàng. Tháng 9 vừa qua, Ái Nhĩ Lan làm gia tăng lòng tin cậy vào các ngân hàng của họ bằng cách bảo đảm cho các món nợ ngân hàng họ đang vay mượn - từ đó đặt người nộp thuế vào lưỡi câu cho sự lỗ lã tiềm tàng hơn gấp đôi Tổng Sản lượng Quốc gia, tương đương 30 ngàn tỉ USD tại Hoa kỳ.
Tổng hợp các thâm hụt ngân sách và rủi ro tổn thất cho các món nợ ngân hàng làm người ta nghi ngờ khả năng chi trả của Ái Nhĩ Lan, được phản ảnh qua việc gia tăng chỉ số rủi ro trên các món nợ, và gia tăng các lời cảnh báo có thể bị đánh sụt điểm tín dụng từ các cơ quan cho điểm tín dụng.
Từ đó mà ra các chính sách khắc nghiệt. Đầu tháng này, chính phủ Ái Nhĩ Lan đồng lúc công bố một kế hoạch mua lại các tài sản xấu từ các ngân hàng - đặt các người nộp thuế càng sâu hơn vào lưỡi câu cá - trong khi tăng thuế và giảm chi tiêu, để xoa dịu các chủ nợ.
Có phải chính phủ Ái Nhĩ Lan đang đi đúng hướng? Trong khi tôi đọc cuộc tranh luận của các chuyên gia Ái Nhĩ Lan, có một sự chỉ trích lan rộng về kế hoạch [giải cứu] ngân hàng, với nhiều kinh tế gia hàng đầu của quốc gia này kêu gọi thay vào đó nên là việc quốc hữu hóa tạm thời. (Ái Nhĩ Lan đã quốc hữu hóa một ngân hàng lớn). Các cuộc tranh luận của các kinh tế gia Ái Nhĩ Lan rất giống như của một số kinh tế gia Hoa kỳ, trong đó có tôi, về việc phải làm cách nào để đối phó với các đống rác ngân hàng của chính chúng ta.
Nhưng không có nhiều ý kiến bất đồng về việc cần phải có chính sách khắc nghiệt. Để chống lại tình trạng suy giảm, Ái Nhĩ Lan dường như thật ra không có sự chọn lựa, ngoài việc hy vọng hồi phục qua tăng trưởng xuất khẩu nếu và khi [nền kinh tế] phần còn lại của thế giới tăng trưởng trở lại.
Như vậy, các việc này nói lên điều gì với số chúng ta không phải người Ái Nhĩ Lan?
Vào lúc này, Hoa kỳ không bị trói buộc bởi các chính sách khó xoay sở như Ái Nhĩ Lan đang gặp phải, các thị trường tài chánh vẫn cho rằng nợ của chính phủ Hoa kỳ an toàn hơn bất cứ điều gì khác.
Nhưng chúng ta không thể cho rằng điều này sẽ luôn luôn đúng. Kém may mắn thay, chúng ta không để dành cho một ngày khó khăn có thể xảy ra: vì giảm thuế và chiến tranh Iraq, Hoa kỳ ra khỏi thời đại “tăng trưởng kiểu Bush” với tỉ lệ nợ quốc gia trên Tổng Sản lượng Quốc gia cao hơn là khi bắt đầu thời đại này. Và nếu chúng ta đẩy tỉ lệ này lên cao thêm 30-40% - không phải là không có thể nếu chính sách kinh tế bị đưa ra sai lầm trong vài năm tới - chúng ta có thể bắt đầu phải đối mặt với các vấn đề khó giải quyết trong thị trường công khố phiếu.
Không phải vạch lá tìm sâu, nhưng đây là lý do vi sao tôi lại rất quan ngại về kế hoạch [cứu trợ] ngân hàng của chính quyền Obama. Nếu, như một số chúng ta lo sợ, quỹ thuế được dùng để cung cấp lợi nhuận nhất thời cho các nhà quản lý tài chánh thay vì dùng để chỉnh sửa các điều nên được chỉnh sửa, chúng ta có thể không có tiền để quay trở lại và làm điều đúng hơn.
Và bài học từ Ái Nhĩ Lan là bạn thật sự, thật sự không muốn phải đặt chính bạn vào một tình trạng nơi đó bạn buộc phải trừng phạt nền kinh tế ngõ hầu để cứu trợ các ngân hàng.
GS Paul Krugman.
Bài trong chủ đề Sưu Tầm và Dịch | 0 lời bình »
Bài Viết Của Bạn Đọc -- 17 tháng 04, 2009 -- Description: Bản để in Bản để in
(bài của GS Krugman đăng trên New York Times ngày 17/4/2009 — Do Dr. Trần dịch)
(xin nhắc lại, đây chỉ dịch ý, không theo từng chữ, cụm từ)
http://www.nytimes.com/2009/04/17/opinion/17krugman.html?_r=1
Ông Ben Bernanke, Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang, nhìn thấy “các chồi non xanh tươi”. Tổng thống Obama thấy “các tia hy vọng yếu ớt”. Và thị trường chứng khoán đang tăng trưởng vô lý.
Như vậy có phải đã đến lúc cho rằng mọi việc đã được giải quyết? Sau đây là bốn lý do vì sao phải nên thận trọng về triển vọng kinh tế:
1. Mọi việc đều vẫn đang trở nên tệ hại. Sản xuất công nghiệp vừa sụt đến mức thấp nhất trong 10 năm qua. Các dự án bắt đầu xây nhà vẫn còn được triển khai chậm chạp đến mức khó tin nổi. Số bất động sản bị thu hồi nay lại tăng cao, sau khi các công ty cho mượn tiền mua nhà tạm dừng việc này để chờ đợi chi tiết từ các kế hoạch cứu bất động sản của chính quyền Obama.
Điều tốt nhất quý vị có thể nói, đó là có một vài dấu hiệu lẻ tẻ cho thấy mọi việc đang trở nên xấu đi một cách chậm chạp hơn - nền kinh tế không rơi rụng nhanh như trong thời gian vừa qua. Và tôi muốn nói “lẻ tẻ”: ấn phẩm Beige Book gần đây nhất, do Quỹ Dự Trữ Liên Bang [FED] xuất bản và công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận thường kỳ về các tình trạng kinh doanh, tường trình rằng “5 trong số 12 Vùng [Thương mại toàn quốc] nhận thấy mức độ sụt giảm đã dịu lại một chút”. Ôi chao!
2. Vài tin tốt không thuyết phục cho lắm. Tin tốt nhất trong vài ngày gần đây đến từ các ngân hàng, công bố rằng họ có lợi nhuận tốt đẹp đáng ngạc nhiên. Nhưng một số trong các bản tường trình lợi nhuận đó có chút gì khá … buồn cười.
Thí dụ như Wells Fargo công bố một quý có lợi nhuận cao chưa từng có của họ. Nhưng lợi nhuận được báo cáo của một ngân hàng thì không phải là một con số cứng nhắc, như về doanh số chẳng hạn, còn tùy thuộc rất nhiều vào số tiền ngân hàng để qua một bên để chi trả cho các sự lỗ lã được dự tính có thể xảy ra trong tương lai cho các món nợ cho vay này. Và một số nhà phân tích cho biết họ nghi ngờ rất nhiều về các dự tính về thất thoát, lỗ lã, cũng như lợi nhuận trong tương lai do Wells Fargo đưa ra, cũng như nhiều vấn đề hạch toán của ngân hàng này.
Trong khi đó, Goldman Sachs công bố lợi nhuận nhảy vọt từ Quý 4, 2008, đến Quý 1, 2009. Nhưng như các nhà phân tích lập tức nhận ra, Goldman thay đổi định nghĩa của họ về “Quý” (vì một sự thay đổi trong tình trạng hợp pháp của họ), ngõ hầu để - tôi không nói giỡn chơi - tháng 12, cũng là tháng tệ hại cho ngân hàng này - biến mất trong sự so sánh này.
Tôi không muốn đi quá đà tại đây. Có thể các ngân hàng thật sự đã đánh đu từ lỗ nặng sang lợi nhuận to lớn trong một thời gian kỷ lục. Nhưng các điều nghi ngại là tự nhiên trong thời đại Madoff hiện nay.
Ồ, và đối với số người trong đợi các “bài thi chịu lực” của Bộ Ngân khố sẽ làm mọi việc rõ ràng hơn: Phát ngôn Viên Nhà Trắng, ông Robert Gibbs, nói rằng “các bạn sẽ thấy, trong một phương cách có hệ thống và phối hợp chặt chẽ, việc đánh giá và trình bày một số kết quả các “bài thi chịu lực” [mà các ngân hàng phải trải qua] sẽ được minh bạch hóa và công bố cho tất cả những ai có liên quan”. Không, tôi không hiểu đó là nghĩa gì nữa.
3. Có thể còn các đôi giày khác chưa rơi rụng. Ngay cả trong cuộc Đại Khủng hoảng, mọi việc không diễn ra thẳng thừng. Khi đó, có một khoảng thời gian ngưng sụt giảm khoảng một năm rưỡi sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng - khoảng chừng thời gian hiện nay của chúng ta. Nhưng tiếp theo sau đó là một dãy ngân hàng sụp đổ trên cả hai bờ Đại Tây dương, cộng vào một số chính sách vô cùng tệ hại đang khi các quốc gia cố gắng bảo vệ bản vị vàng đang giẫy chết, và kinh tế toàn cầu té xuống một vực thẳm khác.
Điều này có thể xảy ra lần nữa hay không? Bất động sản trong các thương nghiệp đang vỡ vụn tại các vết nối [hợp tác kinh doanh], thua lổ trong các thẻ tín dụng đang tăng cao và cho đến lúc này không ai biết mọi việc sẽ trở nên tệ hại thế nào tại Nhật bản và Đông Âu. Chúng ta có thể sẽ không gặp thảm họa như năm 1931, nhưng còn quá xa đễ nói chắc chắn rằng thời kỳ tệ hại nhất đã qua đi.
4. Ngay cả khi mọi việc qua đi, chúng vẫn không kết thúc. Cuộc suy thoái năm 2001 chinh thức kéo dài chỉ 8 tháng, chấm dứt vao tháng 11 năm đó. Nhưng nạn thất nghiệp vẫn tăng cao một năm rưỡi sau đó. Các việc này cũng xảy ra sau kỳ suy thoái năm 1990-1991. Và có mọi lý do để tin rằng lần này cũng vậy. Đừng ai ngạc nhiên nếu nạn thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng trong trọn năm 2010.
Tại sao? Việc hồi phục “hình chữ V”, trong đó việc làm trở lại mạnh mẻ, chỉ xảy ra khi có sức cầu gia tăng mạnh mẻ. Thí dụ, năm 1982, kinh doanh nhà đất bị thiệt hại do lãi suất cao, vì vậy khi FED hạ lãi suất, số nhà bán gia tăng. Việc này sẽ không xảy ra lần này, ngày nay, nền kinh tế bị suy thoái, nói cách khác, bởi vì chúng ta có quá nhiều nợ và xây dựng quá nhiều thương xá, và không ai còn tinh thần nào để xài tiền ra thêm nữa.
Các công ăn việc làm cuối cùng sẽ trở lại, luôn luôn như vậy, chỉ là sẽ không xảy ra mau chóng.
Và như trên đây, tôi đã làm mọi người bị trầm cảm, vậy thì đâu là câu trả lời? Phải kiên định.
LỊch sử cho thấy rằng một trong các nguy hiểm lớn về chính sách, khi phải đối mặt với nền kinh tế sa sút nặng nề, là việc lạc quan quá sớm. F.D.R. [Tổng thống Franklin D. Roosevelt] đối phó với các dấu hiệu phục hồi bằng việc cắt Works Progress Administration* xuống còn phân nửa và tăng thuế; cuộc Đại Khủng hoảng lập tức trở lại với sức mạnh toàn diện. Nhật bản chậm chạp trong mọi cố gắng vào khoảng giữa “thập niên lãng phí” của họ, tạo thêm 5 năm trì trệ.
Các kinh tế gia trong chính quyền Obama hiểu rõ các điều này. Họ nói toàn các điều rất đúng về việc phải theo đuổi các việc đang thực hiện [để cứu nguy kinh tế]. Nhưng có một nguy cơ rõ ràng rằng các tuyên bố về chồi non xanh tươi và tia hy vọng sẽ tạo ra tính tự mãn nguy hiểm.
Và như vậy, điều tôi muốn dặn dò đến công chúng và các nhà lập pháp: Đừng ghi nhận các sự hồi phục trước khi chúng được hình thành.
GS Paul Krugman
——————————
* Một chương trình quy mô nhằm tạo việc làm vào thời đó.
Bài trong chủ đề Sưu Tầm và Dịch | 33 lời bình »
Bài Viết Của Bạn Đọc -- 10 tháng 04, 2009 -- Description: Bản để in Bản để in
(bài của GS Krugman đăng trên NY Times ngày 3/4/2009 — bạn đọc Dr. Trần dịch)
(xin nhắc lại đây chỉ là một bài dịch theo ý, không theo nghĩa từng chữ)
( http://www.nytimes.com/2009/04/10/opinion/10krugman.html?_r=1 )
Hơn ba mươi năm trước đây khi tôi còn là sinh viên cao đẳng môn kinh tế, chỉ những ai kém tham vọng nhất trong số các bạn đồng học mới theo đuổi nghề nghiệp trong ngành tài chánh. Ngay cả vào lúc đó, các ngân hàng đầu tư trả tiền lương cao hơn các công việc giảng dạy hoặc lương công chức - nhưng không cao hơn bao nhiêu và dù sao đi nữa mọi người biết rằng ngành ngân hàng quá xá tẻ nhạt.
Trong các năm sau đó, đương nhiên, ngành ngân hàng trở nên hết chán chường. Mua bán tấp nập, mau lẹ như gió, và tiền lương trong ngành tài chánh nhảy vọt, thu hút những bộ óc trẻ tuổi, tốt, và thông minh nhất quốc gia (OK, tôi không mấy gì chắc về phần “tốt” trên đây). Và chúng ta được bảo đảm rằng ngành tài chánh to đùng của chúng ta là chìa khóa cho sự thịnh vượng.
Thay vào đó, tuy nhiên, ngành tài chánh hóa thân thành con quái vật nuốt chửng kinh tế thế giới.
Gần đây, kinh tế gia Thomas Philippon và Ariell Reshef cho lưu hành một bài nghiên cứu đã có thể có tựa đề “Sự Tăng trưởng và Sụp đổ của Ngành Ngân hàng Tẻ nhạt” (tựa đề thật ra là “Lương bổng và Nguồn vốn Nhân lực trong Ngành Tài chánh Hoa kỳ, 1909-2006″). Họ chỉ ra rằng ngành ngân hàng tại Hoa kỳ đã trải qua ba thời kỳ trong thế kỷ qua.
Trước 1930, ngân hàng là một ngành có nhiều nhân vật nổi bật, họ tạo dựng nên các đế chế tài chánh khổng lồ (một số trong đó sau này hóa ra có căn bản lừa lọc). Ngành tài chánh bay bổng này quản trị một thời kỳ tăng nhanh nợ nần: nợ trong các hộ gia đình tăng gần gấp đôi, theo tỉ lệ GDP, trong thời gian từ Thế chiến I đến 1929.
Trong thời kỳ đầu tiên của ngành tài chánh cao kỳ này, tính trung bình các nhà tài phiệt ngân hàng được trả cao hơn các nhà tài phiệt trong các ngành kỹ nghệ khác. Nhưng ngành tài chánh mất đi sự quyến rũ khi hệ thống ngân hàng sụp đổ trong thời kỳ Đại Khủng hoảng.
Ngành ngân hàng trồi lên từ cuộc sụp đổ đó bị điều hành chặc chẽ, bớt đi vẻ thu hút màu mè như thời kỳ trước cuộc Đại Khủng hoảng, và sinh lợi ít đi cho những người trong ngành này. Ngành ngân hàng trở nên chán ngấy một phần bởi vì các nhà tài phiệt ngân hàng quá bảo thủ trong việc cho mượn tiền. Nợ các hộ gia đình, đã sụt giảm nghiêm trọng theo tỉ lệ GDP từ cuộc Đại Khủng hoảng cho đến Thế chiến II, tiếp tục thấp đi so với thời kỳ trước thập niên 1930.
Lạ lùng thật, thời kỳ ngành ngân hàng bị chán ngấy này lại cũng là thời kỳ kinh tế phát triển cực thịnh cho đa số dân Hoa kỳ.
Sau 1980, tuy vậy, trong khi các ngọn gió chính trị đổi chiều, nhiều quy định điều phối ngành ngân hàng được rút bỏ - và thế là ngành ngân hàng lại trở nên sôi động. Nợ nần bắt đầu tăng nhanh, cuối cùng đạt mức tương đương theo tỉ lệ GDP với thời kỳ 1929. Và thế là ngành tài chánh bùng nổ về quy mô. Trước giữa thập niên này, đầu tư tài chánh chiếm một phần ba lợi nhuận trong các công ty, tập đoàn.
Trong khi các sự thay đổi này xảy ra, ngành tài chánh lại một lần nữa trở nên một nghề nghiệp lương cao bổng hậu - càng cao cực độ cho những ai xây dựng các đế chế tài chánh mới mẻ. Thật vậy, thu nhập cao vọt trong ngành tài chánh đã đóng một vai trò rộng lớn trong việc tạo dựng Thời đại Phồn vinh lần hai cho Hoa kỳ.
Khỏi cần nói, các siêu sao mới nổi đều tin rằng họ xứng đáng với sự giàu có của họ, “Tôi nghĩ rằng kết quả công ty tôi đạt được, từ đó mà ra đa số tài sản giàu có của tôi, đã biện minh cho những gì tôi có được”, ông Sanford Weill nói năm 2007, một năm sau khi ông nghĩ hưu không còn làm tại Citigroup. Và nhiều kinh tế gia đồng ý.
Chỉ vài người cảnh báo rằng hệ thống tài chánh quá nóng hổi này có thể có kết thúc tệ hại. Có lẽ người làm tiên tri Cassandra* nổi tiếng nhất là ông Raghuram Rajan từ Đại học Chicago, cũng là nhà cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, từng tranh luận tại một cuộc hội thảo hồi năm 2005 rằng sự phát triển nhanh chóng của ngành tài chánh đã làm tăng cường nguy cơ xảy ra một “thảm họa tan rã toàn diện”. Nhưng những người tham gia cuội hội thảo đó, kể cả ông Lawrence Summers, hiện là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, chế giễu các sự lo ngại của ông Rajan.
Và sự tan rã đã thành sự thật.
Đa số các sự thành công bề ngoài của ngành ngân hàng hiện giờ đã bị vạch trần, hóa ra đó chỉ là những ảo tưởng. (Cổ phiếu Citigroup đã mất giá trên 90% kể từ khi ông Weill ca tụng bản thân). Tệ hại hon nữa, sự sụp đổ của các lá bài tài chánh đã phá hủy phần còn lại của nền kinh tế, với mậu dịch thế giới và sản lượng công nghiệp rơi rụng còn mau hơn thời kỳ Đại Khủng hoảng. Và thảm họa đã dẫn đến các lời kêu gọi phải có thêm nhiều luật lệ điều hành ngành tài chánh.
Nhưng tôi có cảm giác rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn đang chú tâm hơn vào việc sắp xếp lại các vị trí trong biểu đồ tổ chức quản trị ngân hàng. Họ không sẵn sàng chút nào để thực hiện điều cần được thực hiện - đó là làm hệ thống ngân hàng trở nên tẻ nhạt trở lại.
Một phần của vấn đề khó giải quyết là vì làm hệ thống ngân hàng bị tẻ nhạt đồng nghĩa với việc làm cho các nhà tài phiệt ngân hàng trở nên nghèo đi, và ngành tài chính vẫn còn nhiều bạn hữu trong các chức vị cao cấp. Nhưng đây cũng là một vấn đề tư tưởng: mặc kệ tất cả những gì đã xảy ra, phần đông những người trong địa vị có quyền hành vẫn còn cho rằng ngành tài chánh cầu kỳ có liên hệ đến tăng trưởng kinh tế.
Họ có thể nào được thuyết phục cách khác đi hay không? Chúng ta có sẽ tìm được đủ ý chí theo đuổi một cuộc cải cách nghiêm túc ngành tài chánh? Nếu không, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không chỉ xảy ra một lần, mà sẽ tạo hình cho các việc [tương tự] xảy ra sau này.
——————————————
* Theo truyền thuyết Hy lạp, là con gái đẹp nhất của Priam và Hecuba, vua và hoàng hậu thành Troy. Cô được thần Apollo ban cho khả năng tiên tri vì thần nay muốn theo đuổi cô. Cô nhận món quà tặng nhưng không chấp thuận việc trai gái, thần Apollo giận dữ rút lại quyền thuyết phục trong khả năng tiên tri, cô chỉ có thể nói đúng nhưng sẽ không có ai nghe.
Cuối trận đại chiến thành Troy, Cassandra thấy trước việc nguy hiểm của các con ngựa gỗ khổng lồ bề ngoài trông rất đẹp do quân Hy lạp tặng (sự tích các con ngựa thành Troy), dân thành Troy không nghe lời cô, cho các con ngựa đó vào, và quân Hy lạp trốn trong con các con ngựa đó nhảy ra mở cửa cho quân họ tràn vào chiếm thành. Trong cuộc hổn loạn, cô bị Locrian Ajax hãm hiếp và tặng vua Agamemnon làm chiến lợi phẩm.
Cô trở về Hy lạp với vua Agamemnon và cảnh báo về việc vợ vua, bà Clytemnestra, đã thông đồng với gian phu Aegisthus hại nhà vua. Lời cảnh báo không được nghe theo và quả thật vua Agamemnon bị hoàng hậu Clytemnestra và gian phu Aegisthus giết chết.
Bài trong chủ đề Sưu Tầm và Dịch | 7 lời bình »
Bài Viết Của Bạn Đọc -- 04 tháng 04, 2009 -- Description: Bản để in Bản để in
(bài của GS Krugman đăng trên NY Times ngày 3/4/2009 — bạn đọc Dr. Trần dịch)
(xin nhắc lại đây chỉ là một bài dịch theo ý, không theo nghĩa từng chữ)
http://www.nytimes.com/2009/04/03/op…03krugman.html
Trong các giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chánh, nhiều nhân vật hài hước từng nói đùa rằng thương mại giữa chúng ta và Trung quốc sau cùng đã trở nên công bằng và cân đối: họ bán cho chúng ta các món đồ chơi nhiễm độc và hải sản ô uế, chúng ta bán cho họ chứng khoán gian lận.
Nhưng trong hiện tại, cả hai phía của cuộc giao dịch đó đã đổ vỡ. Một mặt, sự ham chuộng của thế giới đối với hàng hóa Trung quốc đã sụt giảm nặng nề. Xuất khẩu của TQ đã bị rơi rụng trong vài tháng gần đây và hiện đang 26% thấp hơn so với cách đây một năm. Mặt khác, người Trung quốc rõ ràng đang trở nên hồi hộp lo ngại về các chứng khoán gian lận họ mua của chúng ta.
Nhưng cho dù vậy Trung quốc dường như vẫn còn nhiều trông đợi không thực tế. Và đó là một vấn đề nan giải cho tất cả chúng ta.
Một tin chấn động hồi tuần rồi là một bài diễn văn của Zhou Xiaochuan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung quốc, trong đó ông kêu gọi thành lập một “đơn vị dự trữ tiền tệ chung toàn thế giới”.
Nhóm lo sợ hoang tưởng của Đảng Cộng hòa lập tức cảnh báo một âm mưu đen tối nhằm làm Hoa kỳ buông rơi vị thế đồng đô la. Nhưng bài diễn văn của ông Zhou thật ra đã thú nhận vị thế yếu kém của Trung quốc. Trên thực tế, ông ta nói rằng Trung quốc đã tự đưa họ vào một cái bẫy đô la, và không thể tự giải thoát mà cũng không thể thay đổi các chính sách đã đưa họ vào cái bẫy đó từ lúc ban đầu.
Vài điều về quá trình sự việc. Trong những năm đầu tiên của thập niên hiện nay, Trung quốc bắt đầu tạo ra những món thặng dư mậu dịch lớn lao và cũng bắt đầu thu hút những món đầu tư vốn liếng đáng kể từ nước ngoài. Nếu Trung quốc đã cho phép thả nổi tỉ giá hối đoái - cũng như, Canada - thì việc này đã dẫn đến việc vinh thăng giá trị tiền tệ của họ, và từ đó đã làm chậm lại việc tăng trưởng xuất khẩu của Trung quốc.
Nhưng thay vào đó Trung quốc giữ giá trị đồng yuan ít nhiều bị gắn chặt với đồng đô la. Để làm như vậy, họ phải mua đô la khi đồng tiền này đổ vào như cơn thác lũ. Sau nhiều năm, các thặng dư mậu dịch này tiếp tục tăng cao - và cùng với đó là số lượng tài sản ngoại quốc Trung quốc thu gom được.
Còn câu chuyện hài hước về chứng khoán gian lận thật ra không công bằng. Ngoài việc không suy nghĩ chín chắn khi mua vào số lượng lớn tài sản địa ốc vào lúc giá đang cao chót vót, người Trung quốc mua dự trữ phần lớn chỉ là các tài sản rất an toàn, đó là các công khố phiếu Hoa kỳ - gọi tắt là T-bills - tạo nên phần lớn tổng số tài sản. Nhưng trong khi T-bills an toàn và không bị vỡ nợ, lại cho tiền lời rất thấp.
Có chăng một chiến lược sâu xa đằng sau việc dự trữ hàng đống tài sản thiểu lợi nhuận như vậy? Có lẽ không đâu. Trung quốc thu mua hai ngàn tỉ đô la T-bills, làm Cộng hòa Nhân dân trở thành Cộng hòa T-bills - cũng theo cách Anh quốc lập nên đế chế của họ: trong một lúc đãng trí, thiếu suy xét.
Và chỉ mới vài ngày nay, dường như lãnh đạo Trung quốc mới tỉnh thức và nhận ra rằng họ có một vấn đề nan giải.
Tiền lời thấp dường như không quấy rầy họ cho lắm, ngay cả hiện nay. Nhưng họ rõ ràng lo ngại sự thật là 70% các tài sản đó đều trên đơn vị đô la, do đó bất cứ sự sụt giảm giá trị đồng đô la nào trong tương lai cũng đều đồng nghĩa với một sự lỗ lã vốn liếng to lớn cho Trung quốc. Từ đó ông Zhou đề nghị rằng nên tạo dựng một đơn vị tiền tệ mới theo kiểu cách S.D.R, tức là quyền lợi rút tiền đặc biệt, trong đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế giữ các tài khoản của họ.
Nhưng cần chú ý nhiều vấn đề lớn nhỏ khác tại đây: S.D.R’s không phải là tiền thật sự. Đây chỉ là các đơn vị kế toán trong đó giá trị được đặt theo một rổ tiền tệ từ đô la, Euros, Yên Nhật, và Pounds Anh quốc. Và không có điều gì ngăn cản Trung quốc trong việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của họ và tránh xa đồng đô la.
Thật ra từ việc giữ một rổ dự trữ thích ứng theo các thành phần của S.D.R’s cũng sẽ không có gì khác ngoài sự thật là Trung quốc nay có quá nhiều đô la đến mức không thể bán ra mà không làm giảm giá trị đồng đô la và châm ngòi cho việc lỗ vốn liếng mà lãnh đạo Trung quốc đang sợ hãi.
Vì vậy, thật ra lời đề nghị của ông Zhou chỉ là một lời thỉnh cầu rằng ai đó làm ơn cứu Trung quốc khỏi các hậu quả của các sai lầm trong việc đầu tư. Điều này sẽ không xảy ra.
Và việc kêu gọi một phương pháp giải quyết thần kỳ nào đó cho vấn đề Trung quốc quá thặng dư đồng đô la chứng tỏ: các lãnh đạo Trung quốc không thể nắm được sự thật rằng luật lệ cuộc chơi đã thay đổi từ căn bản.
Cách đây hai năm, chúng ta sống trong một thế giới trong đó Trung quốc có thể để dành nhiều hơn họ đầu tư, và có thể tiêu thụ số thặng dư tiết kiệm đó tại Hoa kỳ. Thế giới đó nay đã không còn nữa.
Đã vậy, ngay hôm sau ngày đọc diễn văn về đơn vị tiền tệ dự trữ mới, ông Zhou đọc một bài diễn văn khác trong đó ông ta dường như xác quyết rằng tỉ lệ tiết kiệm cực cao của Trung quốc sẽ không thay đổi, vì đó là kết quả của Khổng tử Luận, đặt nặng giá trị “chống hoang phí”. Trong khi đó, “đây không phải lúc” Hoa kỳ tiết kiệm hơn. Nói cách khác, chúng ta hãy tiếp tục theo đuổi đường lối hiện tại.
Các điều này cũng sẽ không xảy ra.
Để kết luận, Trung quốc đã không thể đối mặt với các sự thay đổi khó khăn chúng ta cần đối phó trong cuộc khủng hoảng toàn cầu. Điều tương tự như vậy cũng xảy ra với người Nhật bản, Âu châu - và chính chúng ta.
Và sự thất bại trong việc đối mặt với các hiện thực mới là lý do chính mà, cho dù ló dạng vài tin tốt - cuộc hội nghị thượng đỉnh G-20 đã đem lại kết quả nhiều hơn tôi từng nghĩ sẽ đạt được - cuộc khủng hoảng lần này có thể sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét