Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Minh bạch các chỉ số vĩ mô: Sự trông đợi từ lâu

Minh bạch các chỉ số vĩ mô: Sự trông đợi từ lâu

Việc tăng cường công khai những số liệu vĩ mô về tài chính, ngân sách sẽ giúp Chính phủ tăng cường niềm tin của công chúng.

Vào những tháng cuối năm ngoái, đã có rất nhiều những đánh giá khác nhau từ các nhà kinh tế và hoạch định chính sách về chỉ số lạm phát. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức khẳng định: "Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát là mất cân đối tiền - hàng. Cứ lạm phát là biểu hiện của tiền ra, không còn có một giải thích nào khác cả".
Nhận xét của ông đưa ra trong buổi họp báo của Tổng cục Thống kê vào ngày cuối cùng của tháng 12. Tuy nhiên, ông đã không đưa ra hai con số cơ bản là tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng để chứng minh cho nhận định trên.
Đó là điều lạ, nhưng lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã làm theo luật. Hai con số này, và hàng loạt các con số khác chưa bao giờ thuộc danh mục các chỉ số thống kê được công bố hàng năm. Mặt khác, hai con số này luôn xuất hiện trong các báo cáo tổng kết năm đóng dấu mật của Ngân hàng Nhà nước.

Vào thời điểm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra nhận định, hai số này đã bắt đầu xuất hiện nhỏ giọt trên báo chí từ nguồn của Ngân hàng Nhà nước, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hay từ một vài cơ quan nghiên cứu. Dù là nguồn nào, hai chỉ số này nghe đều có vẻ an toàn: chỉ tăng 2-3 điểm phần trăm so với hạn định, tương ứng 20% và 25%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tháng 3 vừa qua, trong năm 2010 tổng phương tiện thanh toán tăng tới 29,8%, và tín dụng tăng 31,19%. Những con số sau cùng cho thấy mức tăng thực sự rất cao, chứng minh cho nhận định của tổng cục trưởng.
Ngoài hai chỉ số trên, những chỉ số khác như dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán hay những số liệu về tài khóa như nợ chính phủ, nợ của doanh nghiệp nhà nước, số tiền trả nợ... cũng không được Tổng cục Thống kê công bố (theo chức năng). Những con số đó thuộc trách nhiệm chính của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Trả nợ là một ví dụ. Trong năm 2010, Việt Nam phải tăng trả nợ thêm 10.000 tỉ đồng do biến động tỷ giá ngoại tệ và hoàn trả một phần các khoản vay ngắn hạn đến hạn thanh toán (nguồn: Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội khóa 12), đưa mức nợ đã trả lên tới 80.250 tỉ đồng. Đó là một lượng tiền lớn, nhưng nó chỉ xuất hiện một cách đơn giản trong bảng cân đối ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, còn trả cho ai, trả cho những khoản gì... vẫn chưa được công khai.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội khóa 12 Phùng Quốc Hiển thừa nhận khi tổng kết nhiệm kỳ là chế độ báo cáo, cung cấp thông tin về ngân sách nhà nước của các cơ quan hành pháp cho các cơ quan của Quốc hội còn "bất cập", "mang tính hình thức", "làm ảnh hưởng trực tiếp" đến chất lượng thẩm tra và quyết định ngân sách của Quốc hội. Ông rút kinh nghiệm: những thông tin đó phải được cung cấp "kịp thời", "chính xác", và "có hệ thống" cho Quốc hội.
Cho đến gần đây, Nhóm công tác thị trường vốn thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một diễn dàn dành cho các doanh nghiệp tư nhân đối thoại với Chính phủ, đã đưa sáng kiến về việc thiết lập Lịch sự kiện kinh tế được công khai hóa định kỳ. Bộ lịch này, theo đề xuất của nhóm, bao gồm hàng loạt các thông tin về chính sách tiền tệ, tài khóa và các chỉ số như chỉ số thất nghiệp, hàng tồn kho khu vực sản xuất, dữ liệu thị trường nhà đất, dự trữ ngoại hối, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp... Nhóm này cũng linh động khi đề xuất độ trễ 3-6 tháng cho một số thông tin nhạy cảm như dự trữ ngoại hối và tín dụng.
Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn Dominic Scriven nói trong phiên thảo luận trực tiếp với Chính phủ gần đây: "Chúng tôi kêu gọi sự trao đổi giữa các cơ quan Chính phủ và cộng đồng đầu tư về các chính sách tiền tệ và tài khóa quốc gia. Thiếu trao đổi về các chính sách điều hành có thể tạo ra sự bất ổn định và để thị trường sống với những tin đồn".
Thay mặt nhóm, ông Scriven đã kiên trì đưa ra đề xuất này trong những phiên đối thoại với Chính phủ suốt hai năm nay. Ông khẳng định: "Với một Lịch sự kiện kinh tế được thực hiện tốt, Chính phủ có thể chuyển tải đến cộng đồng đầu tư một hình ảnh chân thực về sức khỏe nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù sức khỏe nền kinh tế có lúc không thực sự tốt, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng chính sách minh bạch sẽ tạo ra giá trị cho Việt Nam".
Những đề xuất như trên, ở một góc độ nào đó, đã bắt đầu có tác dụng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước gần đây đã bắt đầu công bố một số chỉ số tài chính và tín dụng trong các cuộc họp báo tháng của Chính phủ. Bộ Tài chính cũng vậy. Đó là những dấu hiệu tốt hơn hướng tới minh bạch hóa. Hồi giữa tháng 5-2011, Tổng cục Thống kê cũng đã họp báo tuyên bố về việc áp dụng Hệ thống chỉ tiêu quốc gia mới bao gồm 350 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu. Những số liệu vĩ mô liên quan đến các nội dung mà người dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm như tài khoản quốc gia; tài chính công; tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; đầu tư và xây dựng,... dự kiến sẽ được công bố. Tuy nhiên, tổng cục này dự kiến sẽ chỉ công bố 297 chỉ tiêu ngay trong năm nay và toàn bộ 350 chỉ tiêu đến năm 2015.
Bình luận về điều này, ông Scriven nói: "Đây là một bước tiến lớn từ cơ quan nhà nước trong việc minh bạch hóa các thông tin kinh tế vĩ mô, tăng cường sự trao đổi giữa Chính phủ và cộng đồng kinh doanh". Trong khi đó, ông Ayumi Konish, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, bổ sung thêm, Chính phủ cần tăng cường công khai những số liệu vĩ mô về tài chính, ngân sách nhằm "lấy lại" và "tăng cường" niềm tin của công chúng. Ông nói: "Nếu người dân không biết những thông tin như vậy, họ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực".
Theo TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét