Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC CỦA CHẾ BỒNG NGA (phần 1)

Tài liệu cũ lưu trong máy tính:

LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC
CỦA CHẾ BỒNG NGA
Hồ Bạch Thảo
Một người bạn tại Hà Nội, anh N. B. D., biết tôi hiện đang dịch Minh Thực Lục nên có nhã ý gửi cho website bản dịch bằng Anh ngữ về Minh Thực Lục liên quan đến vùng Đông Nam Á (Southeast Asia in the Ming Shi-lu), do Singapore thực hiện. Xem xong, tôi trả lời anh D. rằng : Tài liệu rất có ích trong việc tham khảo để dịch các văn bản liên quan Việt Nam ; riêng về các nước khác như Chân Lạp, Chiêm Thành, Java, Tiêm La vv… thì hiện nay tôi chưa có ý định làm.
Anh D. có ý kiến : Nghiên cứu bộ sử Trung Quốc Minh Thực Lục, và đối chiếu với các bộ sử Việt Nam, tác giả Hồ Bạch Thảo  đã mang lại cho chúng ta nhiều thông tin về nước Chiêm Thành và về quan hệ giữa hai nước Đại Nam và Chiêm Thành, hai yếu tố cấu thành của quốc gia Việt Nam ngày nay. Chiêm Thành hiện nằm trong lãnh thổ nước ta, vậy sử Chiêm Thành là sử Việt Nam; anh không nên bỏ qua.
Nhận thấy đây là nói phải của một người bạn trẻ, tuy xa cách quan san nhưng gần gũi trong gang tấc, bởi cùng chung một tấm lòng yêu sử Việt ; nên tôi bắt tay vào việc sưu tầm bản gốc để dịch tiếp. Nhân tiện rút ra một vài sử liệu liên quan đến đấng anh hùng của Chiêm Thành để giới thiệu, qua nhan đề LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC CỦA CHẾ BỒNG NGA.


*

Không rõ năm sinh của Chế Bồng Nga, nhưng vào năm Hồng Vũ thứ 2 (1369) khi vua Thái Tổ nhà Minh sai sứ báo tin cho các nước về việc nhà Minh giành ngôi từ nhà Nguyên, thì Chế Bồng Nga đã làm vua (tên xưng với Trung Quốc là Ha Đáp Ha Giả) và sai sứ sang triều cống Trung Quốc. Chế Bồng Nga bị quân nhà Trần bắn chết tại sông Hoàng Giang vào năm Hồng Vũ thứ 23 (1390) như vậy thời gian trị vì của họ Chế cũng xấp xỉ với vua Minh Thái Tổ. Riêng các vua nhà Trần nước ta thì một phần yểu mệnh, một phần gặp biến cố nên trong thời gian này tính có đến 6 đời vua : Dụ Tông, Dương Nhật Lễ, Nghệ Tông, Duệ Tông, Phế Đế, Thuận Tông.
Nay thuận theo dòng lịch sử, sự việc được đề cập kể từ khi vua nhà Minh gửi chiếu thư đầu tiên liên lạc ngoại giao với Chiêm Thành và một số nước như Nhật Bản, Ja Va, Tây Dương vào tháng giêng năm Hồng Vũ thứ 2 :
NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM HỒNG VŨ THỨ 2 [26/2/1369]
Sai Sứ-giả mang tờ chiếu lên ngôi dụ các nước Nhật Bản, Chiêm Thành, Trảo Oa [Java ], và Tây Dương ( 1 ) ”. ( Minh Thực Lục v. 2 , t. 0775; Thái Tổ q. 38, t. 11a ).
Riêng đối với nước Chiêm Thành thì lúc Sứ-giả chuẩn bị ra đi, Chế Bồng Nga đã nhanh tay cho người đến trước ; triều cống cọp, voi và sản vật :
 
NGÀY 4 THÁNG 2 NĂM HỒNG VŨ THỨ 2 [12/3/1369]
Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] sai quan là Hổ Đô Man cống cọp, voi, và sản vật địa phương.” ( Minh Thực Lục v.2 q. 39 t. 0785; Thái Tổ q. 39, t. 2a ).
Sứ giả Trung Quốc đưa đi, đều mang thư có dấu ấn tỷ của Minh Thái Tổ gửi cho các nước. Nội dung tỷ thư nhà Minh tỏ ra ân cần với Chiêm Thành, Ja Va ; riêng đối với Nhật Bản thì có thái độ rất nghiêm khắc với lời đe doạ nặng nề, do bởi lúc bấy giờ đám cướp biển người Nhật thường ra vào cướp phá tại bờ biển Trung Hoa :
 
NGÀY 6 THÁNG 2 NĂM HỒNG VŨ THỨ 2 [14/3/1369]
Sai bọn Ngô Dụng, Nhan Tông Lỗ và Dương Tải đi sứ các nước Chiêm Thành, Trảo Oa [Java], Nhật bản.
Ban cho Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả
[Chế Bồng Nga] tỷ thư ( 2 ) như sau :
Ngày mồng 4 tháng 2 năm nay, Hổ Đô Man đến dâng cọp, voi ; lòng thành của Vương, Trẫm đã hiểu rõ. Tuy nhiên lúc Hổ Đô Man chưa tới, Sứ giả của Trẫm cũng sẵn sàng trên đường đi đến nước Quốc vương. Sứ giả của Trẫm đến để báo cho Quốc vương biết rằng trước đây nước Trung Quốc bị rợ Hồ [Mông Cổ] trộm chiếm hàng trăm năm, khiến tập tục man di đầy rẫy, phế bỏ Trung quốc phong hóa. Trẫm khởi binh trong vòng 20 năm, dẹp sạch bọn chúng, làm chủ Trung Quốc, thiên hạ bình an. Sợ các Di (3) trong bốn phương chưa biết, nên sai Sứ giả báo tin cho các nước. Không ngờ Sứ giả nước của Vương tới trước, lòng thành thể hiện vững vàng, khiến Trẫm rất vui. Nay ban một bản lịch Đại Thống, 40 bộ y phục lụa là, lụa ỷ (4) dệt kim tuyến ; sai người đưa Sứ giả về nước. Lại dụ vương về đạo [thờ nước lớn], Vương nên phụng thừa coi như đạo trời, khiến dân Chiêm Thành yên với nghề nghiệp, Vương giữ được lộc vị truyền đến con cháu ; trời đất soi xét sự cố gắng, Vương chớ xem thường. Hổ Lao Man và đám tùy tùng cũng được ban lụa là, lụa ỷ hoa văn, có phân biệt.
Ban tỷ thư cho Quốc-vương nước Trảo Oa [Java] như sau :
Rợ Hồ trộm chiếm nước Trung Hoa chính thống hơn một trăm năm, cương thường đọa lạc, mũ nón điên đảo. Trẫm khởi binh dẹp chúng suốt 20 năm, đất nước bình định, bèn phụng mệnh trời làm chủ Trung Quốc. Sợ nơi xa xôi chưa biết tin này, nên sai Đặc sứ báo cho Vương biết. Khi Sứ giả sẵn sàng ra đi ; lại được tin người của Vương là Niết Chỉ Mổ Đinh đến cống nhà Nguyên, lúc về đến Phúc Kiến thì được tin nhà Nguyên mất, bèn trở lại kinh sư. Trẫm nghĩ y xa Trảo Oa đã lâu ngày, tất nặng lòng tưởng nhớ, nên sai người đưa trở về. Lại cho một bản lịch Đại Thống để Vương nhớ ngày Chính Sóc (5) ban tại đây, tất phải chuyên tâm phụng thờ như đạo trời, để giúp dân Trảo Oa yên ổn trong cuộc sống, Vương được giữ lộc đời đời, truyền đến con cháu. Hãy gắng chăm lo, chớ coi thường.
Ban cho Quốc vương Nhật Bản tỷ thư như sau :
Thượng đế hiếu sinh, ghét kẻ bất nhân. Nhà Triệu Tống xưa (6) chế ngự sai lầm, để rợ Hồ phương Bắc tràn vào, truyền bá thói tục hôi tanh, đến nỗi phong hóa trung thổ suy sụp, lòng dạ muôn người ai mà không hưng phẩn ? Từ năm Tân Mão [1351] đến nay, Trung Quốc loạn lạc, bọn giặc Nụy (7) các ngươi đến cướp tại Sơn Đông, bất quá thừa dịp khi bọn Hồ [nhà Nguyên] suy đốn. Trẫm vốn thuộc gia đình Trung Quốc xưa, hổ thẹn vì vua trước chịu nhục, hưng binh quét sạch rợ Hồ ; ngày đêm quên ăn, lo tính đã hai mươi năm nay. Từ năm ngoái đến nay, bọn giặc phương bắc diệt hết, lên làm chủ Trung Quốc. Sự việc chưa báo rõ cho các Di bốn phương, thỉnh thoảng Sơn Đông lại tâu về rằng bọn Nụy mấy lần cướp phá vùng duyên hải, kẻ chết lìa vợ lìa con, làm tổn thương vật chất và mạng sống. Nay soạn đặc thư báo quyền chính thống và dụ về việc quân Nụy vượt biển quấy phá. Khi chiếu thư đến nơi, như muốn làm bề tôi thì hãy dâng biểu đến triều đình ; nếu không chịu thì hãy luyện binh để tự giữ, lo đời đời cho lãnh thổ được bình an để đối phó với uy trời. Nếu còn cướp phá, Trẫm sẽ mệnh các đạo thủy quân dương buồm truy bắt sạch tại các đảo, rồi tiến thẳng vào trói Vương nước này, há chẳng phải là thay trời phạt bất nhân đó ư ! Vương hãy lo tính lấy ! ” (Minh Thực Lục v. 2 q. 39 t.0785-0787; Thái Tổ q. 39,t. 2a-3a).
Lúc này chiến tranh xẩy ra giữa Việt Nam và Chiêm Thành. Chế Bồng Nga bèn sai sứ sang tố cáo với Trung Quốc, do đó vua nhà Minh sai sứ giả mang thư đến Việt Nam và Chiêm Thành để dàn hòa :
 
NGÀY MỒNG 1 THÁNG 12 NĂM HỒNG VŨ THỨ 2 [30/12/1369]
Sai Hàn Lâm Viện Biên tu La Phục Nhân, Chủ sự bộ binh Trương Phúc mang chiếu thư dụ An Nam và Chiêm Thành rằng :
Trẫm vốn xuất thân từ bình dân, nhân thiên hạ loạn bèn khởi binh để bảo vệ làng xóm, không ngờ hào kiệt theo rất đông. Trẫm cầm binh vài năm, đất đai mở rộng, quân lính cường thịnh, được thần dân tôn lên làm vua trị thiên hạ, nối dòng chính thống, đến nay đã được 3 năm. Các nước ngoài đến triều cống thì An Nam là nước đầu tiên, thứ đến Cao Ly, rồi Chiêm Thành ; tất cả đều dâng biểu xưng thần, hợp với chế độ xưa, khiến Trẫm rất vui lòng.
Mới đây Chiêm Thành sai Bình chương Bồ Đán Ma Đô đến cống, tâu rằng An Nam mang binh đến xâm nhiễu, Trẫm xem tờ trình tâm không được yên. Nghĩ rằng hai nước các ngươi từ xưa đến nay, cương vực đã định sẵn, đó là ý trời không thể cậy mạnh mà làm càn. Huống đất đai các ngươi, cách Trung Quốc hết núi đến biển, lời nói về sự xâm nhiễu nhất thời khó mà biết được để trình bày rõ ràng cho Trẫm hay. Các ngươi được truyền đời nối đời đã lâu, việc giữ đất an dân, trên phụng theo đạo trời, tôn kính Trung Quốc ; những việc này Vương trước của các ngươi chắc đã để lại lời dạy bảo, không đợi Trẫm dụ mới biết. Trẫm làm chủ thiên hạ, việc đáng làm là trị loạn dẹp nguy ; nay sai sứ đi quan sát sự việc, hiểu dụ các ngươi phải sợ trời, thủ phận. Nếu như cả hai dùng binh, năm này qua năm khác không ngừng, làm độc hại sinh linh, thượng đế hiếu sinh sẽ không bằng lòng ; e rằng trên thì trời ghét, dưới thì lòng dân oán hận, mối họa sẽ không tránh được. Vương hai nước hãy nghe lời Trẫm, tuân theo đạo lý, yên phận mình, để con cháu các ngươi được hưởng phúc lâu bền, há lại không tốt đẹp hơn ư ! Khi chiếu thư tới, hai nước hãy tuân mệnh bãi binh.” (Minh Thực Lục v. 3, q. 47, t. 0934-0935)
Tuy vua Minh đã cho Sứ giả đến hòa giải, nhưng sự việc không dừng tại đó. Vào tháng 3 năm Hồng Vũ thứ 4 (1371) Chiêm Thành đến cướp phá thành Thăng Long, vua Nghệ Tông phải đi thuyền sang lánh nạn tại Đông Ngàn, Bắc Ninh. Bấy giờ thái bình đã lâu, thành quách biên cương không phòng bị, giặc đến không có quân nào ngăn được. Chúng đốt trụi cung điện ; nhà cửa thư tịch, sổ sách do vậy sạch không. (8)
Vừa ăn cướp vừa la làng, 3 tháng sau biến cố này, vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga lại sai sứ sang Trung Quốc dâng biểu, văn bản được trân trọng viết trên vàng lá, tố cáo An Nam xâm lấn ; xin được viện trợ cho vũ khí, nhạc khí cùng dạy cho âm nhạc để An Nam không còn coi thường :
 
NGÀY 25 THÁNG 7 NĂM HỒNG VŨ THỨ 4 [ 5/9/1371 ]
Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] sai bầy tôi Đáp Ban Qua Bốc Nông đến triều đình dâng biểu về việc An Nam xâm lấn đất. Biểu viết trên vàng lá, dài hơn 1 xích (9), bề ngang 5 thốn (10), bằng chữ nước này, dịch giả dịch văn bản, ý như sau : “ Hoàng đế Đại Minh lên ngôi cao quý, chức vị coi sóc bốn biển, như trời đất che chở ; mặt trời, mặt trăng soi sáng. Ha Đáp Ha Giả chỉ đáng là một cây cỏ mà thôi, được ơn Hoàng đế ban cho ấn vàng, phong làm Quốc vương ; lòng trung thành hân hoan đội ơn vạn bội. Duy việc An Nam dùng binh xâm nhiễu bờ cõi, giết bắt quan lại nhân dân ; nguyện được Bệ hạ nghĩ đến ban cho binh khí, nhạc khí, chuyên viên về âm nhạc ; khiến An Nam biết Chiêm Thành được trang bị thanh giáo, là nước triều cống Trung Quốc, thì An Nam không dám khinh thường.”
Thiên tử cảm động bởi lòng mong muốn, nên khi Đáp Ban Qua Bốc Nông từ giã bệ rồng bèn ra lệnh cho Trung Thư Tỉnh chuyển văn thư cho viên Quốc vương như sau :
Lân quốc giao thiệp, đạo lý là phương sách hay để giữ đất, thờ nước lớn tận lòng thành để làm trọn lễ của bề tôi. Vả lại Chiêm Thành và An Nam đã là bề tôi thờ triều đình, cùng phụng thừa lịch Chính Sóc, lại gây việc binh khiến độc hại sinh linh, đã trái lễ phụng sự bề trên, lại sai đường giao hảo giữa lân bang. Đã báo cho Quốc vương An Nam bãi binh ngay, bản quốc cũng nên để hai bên tôn trọng giữ gìn cương thổ. Việc xin Thiên tử binh khí thì nào có tiếc gì, nhưng Chiêm Thành và An Nam đang tranh chấp, mà triều đình lại cho riêng Chiêm Thành, là giúp ngươi đánh nhau, rất trái với đạo chiêu an. Việc xin nhạc khí và chuyên viên âm nhạc, thì về thanh luật Trung Quốc và nước ngoài không khác, nhưng về ngữ âm thì có sự sai biệt giửa Hoa và Di, như vậy khó có thể điều khiển. Nếu nước ngươi có kẻ tập nói được tiếng Hoa, có thể dạy cho âm luật ; hãy tuyển chọn một số người đến kinh đô học tập. Lại dụ Hành tỉnh Phúc Kiến nếu thuyền bè Chiêm Thành ghé bờ thì cho miễn thuế, để tỏ ý mềm dẻo quyến luyến.” (Minh Thực Lục v. 3, q. 67, trang 1260-1261)
Quân đội Chiêm Thành kể từ thời Chế Bồng Nga, được cải cách rèn luyện nên khá hùng hậu. TOÀN THƯ nhận xét như sau :
Chiêm Thành từ thời Lê, Lý tới đây, quân lính hèn nhát, hễ quân ta đến là đem cả nhà chạy trốn hoặc họp nhau khóc lóc xin hàng. Đến đời Bồng Nga, La Ngai mới tập hợp dân họ lại bảo ban dạy dỗ, thay đổi dần thói cũ, trở nên can đảm, hăng hái, chịu được gian khổ, nên thường hay sang cướp, trở thành tai họa của nước ta.” (11)
Không chỉ cướp phá Việt Nam mà thôi, hải quân của Chiêm Thành còn vươn ra hoạt động tận biển Đông, bắt dùm bọn cướp biển cho Trung Quốc :
 
NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM HỒNG VŨ THỨ 6 [26/11/1373]
Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] sai bọn bầy tôi Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Duyệt Văn Đán dâng biểu, cống phương vật. Lại tâu rằng bọn giặc bể Trương Nhữ Hậu, Lâm Phúc tự xưng là Nguyên soái cướp phá trên biển, bị Quốc vương đánh bại. Bọn Nhữ Hậu bị chết trôi. Bắt được 20 chiếc thuyền biển, 7 vạn cân tô mộc, cùng tên giặc Ngô Đệ Tứ đem đến hiến. Thiên tử vui lòng, mệnh ban cho Vương nước này 40 tấm lụa là, văn ỷ ; cho Sứ giả 2 tấm lụa là, 4 tấm văn ỷ, 1 bộ y phục, 1 vạn 2000 đồng tiền ; những người đi theo được ban thưởng có phân biệt.” (Minh Thực Lục v. 4, q. 84, t. 1505)
Vết thương nhức nhối cho các triều đại nhà Minh là nạn cướp biển hoành hành, cầm đầu bởi người Nhật mà sử Trung Quốc gọi là “ giặc Nụy ”. Liên hệ đến văn học nước ta, ngay cuộc đời thực của anh hùng Từ Hải trong truyện Kiều cũng đã từng tham gia “ giặc Nụy”. Giặc Nụy hoành hành tại biển Đông và vùng duyên hải từ cuối đời Nguyên cho đến triều Minh, bởi vậy việc nước Chiêm Thành trực tiếp tham gia vào việc đánh cướp biển, phải được vua Minh Thái Tổ đặc biệt o bế :
 
NGÀY 4 THÁNG 8 NĂM HỒNG VŨ THỨ 7 [11/9/1374]
Thiên tử phán bảo quan Trung Thư Tỉnh rằng : “ Mùa thu năm ngoái Quốc vương Chiêm Thành sai sứ là Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Duyệt Văn Đán đến cống, chỉ ban cho lụa văn ỷ, lụa là đáp lại ; còn công bắt giặc thì chưa thưởng. Nay gần ngày sứ trở về nước, có thể sai người mang đồ vật đem cho. Liền sai Tuyên sứ Kim Cừ mang rượu Thượng Tôn, cùng 24 tấm lụa văn ỷ dệt kim tuyến, lụa là, đến Quảng Đông giao cho sứ nước này là Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Duyệt Văn Đán mang về để tặng Quốc vương. ” (Minh Thực Lục v. 4, t.1607-1608; Thái Tổ q. 92,t. 4a-4b)
Lúc này Quốc vương Chế Bồng Nga muốn Trung Quốc biết rõ hơn về sức mạnh của Chiêm Thành, nên đã sai sứ sang tâu về việc đánh thắng Việt Nam :
 
NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM HỒNG VŨ THỨ 6 [26/11/1373]
Nước Chiêm Thành sai sứ tâu : “ An Nam dùng binh xâm lăng, nước thần nhờ uy linh của thiên triều, đánh bại chúng tại biên giới. Nay kính cẩn sai sứ báo tin chiến thắng.” Thiên tử nói với các quan tại Trung Thư Tỉnh (12) rằng : “ Các nước hải ngoại cách trở núi biển, mỗi nước lo tự phòng thủ biên giới, lâu lâu mới đến triều đình. Năm ngoái An Nam dâng biểu tâu rằng Chiêm Thành xâm phạm biên giới, năm nay Chiêm Thành lại tâu tiếp là An Nam quấy nhiễu biên cương. Hai nước đều thờ triều đình, không xét được hai bên ai đúng ai sai. Nay sai người đến dụ hai bên nên bãi binh để yên dân, không được xâm lấn lẫn nhau. Vẫn ban cho Quốc vương Chiêm Thành cùng Sứ giả văn ỷ, rồi sai trở về nước.” (Minh Thực Lục v. 4, q. 86, t. 1524-1525)
Tình trạng quân Chiêm Thành quấy phá tại Việt Nam khá trầm trọng và lâu dài, đến nỗi bọn Sứ thần nhà Minh mượn đường nước ta đi sứ Miến Điện, phải kẹt lại đến 2 năm trời :
 
NGÀY 18 THÁNG 11 NHUẦN NĂM HỒNG VŨ THỨ 6 [1/1/1374]
Bọn Điền Nghiễm đi sứ nước Miến nhưng không đến nơi, bèn trở về.
Nước Miến tại vùng tây nam Vân Nam ; giáp giới với nước Bát Bách và nước Chiêm Thành, còn được gọi là Miến Điện. Đời Nguyên rất thịnh, sau khi bình Thịnh Lộc Xuyên, nước Miến bèn phụ thuộc.
Thiên tử nghe rằng nước này từng nạp cống cho nhà Nguyên, nên sai Điền Nghiễm, cùng Trình Đẩu Nam, Trương Vỉ, Tiền Cửu Cung mang chiếu thư đi sứ. Bọn Nghiễm đến An Nam, gặp lúc Chiêm Thành mang binh đến tấn công, đường trở ngại không lưu thông, phải lưu lại 2 năm tại đây, không tiến được. Ban chiếu gọi trở về, chỉ con Nghiễm về được còn những người khác chết trên đường.” (Minh Thực Lục v. 4, q. 1534)
Thời gian tương tự như sự kiện được ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Minh Thực Lục chép về việc vua Trần Duệ Tông nước ta tử trận tại Chiêm-Thành :
 
NGÀY 28 THÁNG GIÊNG NĂM HỒNG VŨ THỨ 10 [8/3/1377]
Trần Đoan [vua Trần Duệ Tông] nước An-Nam mang binh giao tranh với Chiêm-thành, bị đại bại tại đất Chiêm-Thành. Đoan tử trận.” (Minh Thực Lục v. 5, t. 1842)
Chiêm Thành chiến thắng càng lừng lẫy bao nhiêu, càng được vua nhà Minh o bế bấy nhiêu. Tuy Thiên tử Trung Quốc vẫn còn ban những lời hòa giải lấy lệ, nhưng đặc biệt tặng riêng cho vua Chế Bồng Nga y phục dát vàng, chứng tỏ sự sủng ái đặc biệt :
 
NGÀY 1 THÁNG 10 NĂM HỒNG VŨ THỨ 12 [10/11/1379]
Sai sứ ban cho Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] lịch Đại Thống, y phục văn ỷ dát vàng, lụa là ; lại ban tỷ thư dụ rằng :
Đạo của Đế Vương đối xử cùng chung một lòng nhân, nên cũng muốn nơi hải ngoại được yên ổn vô sự. Chiêm Thành vị trí tại phía tây nam, cách biển, cách núi ; nhưng biết lấy lễ bầy tôi phụng sự Trung Quốc, mấy lần cống phương vật. Mới đây sai sứ cống voi, lòng thành đáng khen. Trong tờ biểu tâu rằng vẫn còn giao tranh với An Nam, đến nay vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên Chiêm Thành và An Nam cương giới đã định từ xưa, mỗi nước nên giữ đất an dân, chớ nên tranh giành, đạo trời vốn ghét, không thể không lấy làm răn. Nay ban cho khanh y phục thêu rồng vàng, ngựa tốt. Khi vật đưa đến, hãy nhận lấy.” (Minh Thực Lục v. 5, t.2017)
Sự hợp tác giửa Trung Quốc và Chiêm Thành có phần chặt chẽ hơn, qua sự kiện vua Minh Thái Tổ ra lệnh cho Quảng Đông, Phúc Kiến chuẩn bị mấy trăm chiếc thuyền để đến Chiêm Thành bắt bọn “giặc Nụy”. Việc này chứng tỏ lúc bấy giờ Chế Bồng Nga ngoài việc xâm lăng nước ta, còn sử dụng thuỷ quân vươn ra ngoài Biển Đông gây hấn với cả Nhật Bản :
 
NGÀY 12 THÁNG 6 NHUẦN NĂM HỒNG VŨ THỨ 20 [27/7/1387]
Sắc cho Đô Chỉ huy Sứ ty Phúc Kiến tạo 100 chiếc thuyền đi biển; Quảng Đông chế tạo gấp bội số này, trang bị đầy đủ khí giới và lương thực tập trung tại Chiết Giang để chuẩn bị đến Chiêm Thành bắt bọn giặc Nụy [người Nhật-Bản] ”. (Minh Thực lục V. 6, t. 2752; Thái Tổ q. 182, t. 7b)
Sử dụng quân thuỷ, quân bộ, gặt hái được nhiều chiến thắng ; Chế Bồng Nga tỏ ra kiêu mạn “ dọc ngang nào biết trên đầu có ai ”, coi thường ngay cả Trung Quốc. Qua một sắc dụ nhắm uốn nắn đứa con kiêu của Thiên tử, Minh Thái Tổ vạch cho biết Chế Bồng Nga nói một đường làm một nẻo, giả làm đảng cướp ăn chặn số voi nước Chân Lạp cống Trung Quốc và cố tình lơ là trong việc triều cống :
 
NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM HỒNG VŨ THỨ 21 [14/5/1388]
Sai Hành nhân Đổng Thiệu đến dụ Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] rằng : “ Ngươi sống tại nơi hải đảo, hiệu lệnh cho dân Di dưới quyền, nếu không dùng ân và tín để cai tri nuôi dạy dân chúng, thì làm sao có thể làm chủ một phương, truyền cho con cháu, giữ được không có mối lo. Mới đây ngươi sai con đến triều đình, ta sai Trung sứ đưa về nước ; rồi viên sứ này trở về trình rằng hành động của ngươi trái với điển lệ. Lúc đầu Trẫm chưa tin, đến lúc Ma Lâm Cơ trình bày việc trong nước ngươi, đem so sánh thấy lời trên thật đáng tin, không phải là vu cáo.
Tháng 4 năm nay lại được An Nam tâu như sau : “ Hành Nhân Lưu Mẫn trên đường ra khỏi Chiêm Thành đưa 52 con voi do Chân Lạp cống ; Chiêm Thành sai người giả làm kẻ cướp đọat mất ¼ số voi cùng bắt 15 tên quản tượng.” Ta biết rằng ngươi là Di phương nam ; nhưng không nghĩ rằng ngươi vừa tôn kính Trung Quốc, lại lấy việc cướp cướp bóc làm nghề nghiệp. Dù rằng hàng ngày ngươi cướp bóc làm điều bất nghĩa, thì cũng phải biết kẻ lớn người nhỏ, kẻ trên người dưới ! Há lại đứng đầu một nước lại dám buông tuồng khinh lờn Thiên tử. Như năm ngoái ngươi dâng voi và 2 người quản tượng ; từ khi cho con ngươi trở về, thì trốn tránh không dâng tiếp ! Việc làm của ngươi cứ tiếp tục như vậy thì một đàng không có lòng thờ nước lớn, một đàng thì mất sự tín nghĩa để giao thiệp với lân quốc ; ngươi phải suy nghĩ sửa đổi, chớ để hối về sau.” (Minh Thực Lục v. 7, t. 2864-2865; Thái Tổ q. 190, t. 1b-2a)
 
*

Cuối đời, tuy Chế Bồng Nga chết trước họng súng của quân nhà Trần, nhưng người chỉ điểm là một viên quan nhỏ Chiêm Thành chạy sang trại quân ta, cho biết chiếc thuyền sơn xanh là thuyền của Quốc vương hắn. Rồi Thủ tướng La Ngai cho hỏa táng xác Chế Bồng Nga bên bờ sông, mang quân Chiêm Thành trở về chiếm nước, tự lên làm vua. Con và em Chế Bồng Nga sợ bị giết, phải chạy sang nước ta lánh nạn.
Tấn bi kịch này được dàn dựng bởi kẻ nội thù ; thủ phạm chính là La Ngai, tên xưng với nhà Minh là Các Thắng. Một văn bản trong Minh Thực Lục chép rằng sau khi lên làm vua Các Thắng sai sứ sang Trung Quốc dâng biểu bằng vàng tiến cống, nhưng bị vua Thái Tổ nhà Minh cự tuyệt bởi tội mưu giết vương nước này để lên làm vua :
 
NGÀY 7 THÁNG 11 NĂM HỒNG VŨ THỨ 24 [2/12/1391]
Nước Chiêm Thành sai viên Thái sư Đào Bảo Gia Trực dâng biểu bằng vàng, tiến cống tê giác, nô tỳ, vải vóc. Thiên tử bảo các quan bộ Lễ rằng : “ Đây do viên quan soán nghịch ! Đồ tiến cống đừng nhận. Trước đây viên quan Chiêm Thành là Các Thắng giết Vương nước này tự lập, nên cự tuyệt.” (Minh Thực Lục v. 7, t. 3157; Thái Tổ q.214, t. 1a)
 
CHÚ THÍCH :
1. Theo Từ Hải, nước thời Minh gọi là Tây Dương nay thuộc quần đảo Nam Dương.
2. Tỷ thư : thư của vua, có đóng dấu ấn tỷ.
3. Di : Trung Quốc gọi các nước lân bang bốn phương là “Tứ Di” ; nói chung các dân tộc không phải là Trung quốc gọi là Di.
4.  : Một loại lụa dệt sợi xiên, có hoa văn.
5. Chính Sóc tức ngày đầu năm, mồng 1 tháng giêng. Ngày xưa hàng năm Trung Quốc ban lịch Chính Sóc cho các nước lân bang, tượng trưng uy quyền Thiên tử.
6. Vua nhà Tống họ Triệu. Vua mở đầu triều đại là Tống Thái Tổ tức Triệu Khuông Dẫn.
7. Giặc Nụy tức giặc lùn, chỉ người Nhật.
8. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 2, trang 154 (Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998)
9. Xích = 0.32 mét
10. Thốn = 1/10 xích
11. Toàn thư, tập 2, trang 169
12. Trung thư tỉnh : Đổng lý văn phòng của nhà vua.
Lịch sử Chiêm Thành :
thời kỳ suy vong
Bảng tóm tắt các triều đại

Các đời vua
Thời gian trị vì
Chú thích
La Ngai
1390-1400
Sau khi Chế Bồng Nga chết bèn giành ngôi vua
Chiêm Ba Ðích Lại
1400-1441
Ðược truyền ngôi từ cha
Ma Ha Bí Cai
1441-1446
Cháu Chiêm Ba Ðích Lại, bị quân vua Lê Nhân Tông bắt trong cuộc tấn công vào thành Chà Bàn
Ma Ha Quí Lai
1446-1449
Cháu Chiêm Ba Ðích Lại, bị em là Ma Ha Quí Do cướp ngôi
Ma Ha Quí Do
1449-1458
Bị bầy tôi Bàn La Duyệt cướp ngôi
Bàn La Duyệt
1458-1460
Mất, em là Bàn La Trà Toàn kế vị
Bàn La Trà Toàn
1460-1471
Bị quân vua Lê Thánh Tông bắt tại thành Chà Bàn
Bàn La Trà Duyệt (Trà Toại)
1471-1475
Thay Trà toàn, bị quân vua Lê Thánh Tông bắt

Nước Chiêm Thành bị chia làm ba
 
Chiêm Thành
Vị trí tại phía nam Qui Nhơn cho đến Bình Thuận ngày nay, gồm 3 châu 2 huyện
Hoa Anh
Vị trí tại vùng Qui Nhơn, gồm 1 châu 3 huyện
Nam Bàn
Theo Cương Mục, vị trí tại vùng Hỏa Xá, Thủy Xá thuộc tỉnh Gia Lai, Kôn Tum, Ðắc Lắc hiện nay
Tề Á Ma Vật Yêm ( 1475-1481 ): Do nhà Lê đặt, sau khi chết em là Cổ Lai lên thay
Ðề Bà Ðài Giả (1475-1486 ): Do nhà Lê đặt, bị con Cổ Lai giết vào năm 1486

Cổ Lai ( 1481-1499 ): có thời lưu vong sang Trung Quốc, nhường ngôi cho con là Sa Cổ Bốc Lạc


Sa Cổ Bốc Lạc ( 1499- )


Công Sa - Nhật Ðể Tề ( ? – 1543 - ? )


Bà Thấm ( ? – 1653 - ? )


Bà Tranh ( ? – 1693 - ? )


Nước Chiêm Thành mất ( 1697 )


  Mãi cho đến nay, các bộ sử nước ta chép về lịch sử nước Chiêm Thành còn rất sơ lược ; ngay các đời vua kế tiếp trị vì, lý do thay đổi triều đại, lãnh thổ còn mất, cũng chưa đề cập được một cách rõ ràng. Bổ sung cho những thiếu sót đó, chúng tôi dùng những sử liệu trong Minh Thực Lục tham khảo với các bộ sử nước ta như Ðại Việt Sử ký Toàn Thư, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Việt Nam Sử Lược cùng bộ sách địa chí Ðại Nam Nhất Thống Chí, để trình bày thêm về giai đoan suy vi của Chiêm Thành sau khi vị vua anh hùng Chế Bồng Nga tử trận.
Vào tháng giêng năm Quang Thái thứ 3 [1390] sau khi Chế Bồng Nga bị quân nhà Trần giết tại sông Hải Triều (1), tướng La Ngai đưa tàn quân về Chiêm Thành, rồi tự lập lên làm vua. Năm sau La Ngai dùng tên là Các Thắng, sai sứ dâng biểu viết trên vàng lá tiến cống Trung Quốc, nhưng bị vua Thái Tông nhà Minh cự tuyệt vì cho rằng y đã giết vua để cướp ngôi .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét