Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC CỦA CHẾ BỒNG NGA (phần 2)

Tài liệu cũ lưu trong máy tính:

LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC
CỦA CHẾ BỒNG NGA
Hồ Bạch Thảo


Ngày 7 tháng 11 năm Hồng Vũ thứ 24 [2/12/1391]
Nước Chiêm Thành sai viên Thái sư Đào Bảo Gia Trực dâng biểu bằng vàng, tiến cống tê giác, nô tỳ, vải vóc. Thiên tử bảo các quan bộ Lễ rằng :
Đây do viên quan soán nghịch ! Đồ tiến cống đừng nhận.”
Trước đây viên quan Chiêm Thành là Các Thắng giết Vương nước này tự lập, nên cự tuyệt. (Minh Thực Lục v. 7, tr. 3157; Thái Tổ q.214, tr. 1a)
Phải chăng vua nhà Minh biết được sự việc tên tiểu thần Bà Lậu Kê chạy sang quân nhà Trần xin hàng, chỉ điểm chiếc thuyền sơn xanh của Chế Bồng Nga nên thuyền này bị bắn phá, là do âm mưu của La Ngai ?

Sau đó tại Trung Quốc vua Minh Thái Tổ mất, nước này trải qua thời gian nội chiến ; rồi Yên vương Ðệ giành được ngôi của cháu, lên làm vua tức Minh Thái Tông hay còn gọi là Thành Tổ. Vị vua này muốn gây ảnh hưởng với lân bang, bèn sai sứ đến báo tin lên ngôi và khuyến khích các nước đến triều cống.
Tại Chiêm Thành La Ngai đã mất vào năm 1400, con là Chiêm Ba Ðích Lại nối ngôi, vội sai sứ đến triều cống nhà Minh và tố cáo An Nam mấy lần đến xâm lăng. Việc này được sử nước ta chép (2) nội dung rằng năm Nhâm Ngọ (1402) vua nhà Hồ sai Ðô tướng Ðỗ Mãn sang đánh Chiêm Thành ; Chiêm Ba Ðích Lại sợ, sai cậu là Bồ Ðiền sang dâng đất Chiêm Ðộng để xin bãi binh. Hồ Quý Ly lại bắt dâng thêm đất Cổ Luỹ ; chia đất này thành 4 châu Thăng, Hoa (3) Tư, Nghĩa (4) rồi đặt quan cai trị :
 
Ngày 22 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 1 [9/8/1403]
Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại sai sứ là bọn Bà Phủ Tức dâng biểu văn viết trên vàng lá, triều cống phương vật. Lại nói rằng Chiêm Thành giáp giới với An Nam, mấy lần bị nước này xâm lược khổ sở ; xin giáng sắc dụ để răn đe. Thiên tử chấp thuận, lại ban cho Sứ giả tiền giấy, bộ y phục hoa văn. (Minh Thực Lục V.10,tr. 0400; Thái Tông q. 21,tr. 12b)
Về phần Minh Thái Tông, sau khi nhận được lời tâu, bèn gửi sắc mệnh sang nước ta can thiệp. Lúc này vua Hồ Hán Thương (tên xưng với Trung Quốc là Hồ Ðê) trị vì nước ta, hứa sẽ không mang quân sang xâm lấn Chiêm Thành nữa, Thái Tông bèn sai sứ sang trấn an nước này :
 
Ngày 15 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 2 [25/2/1404]
Sai sứ mang sắc dụ Quốc vương nước Chiêm Thành Chiêm Ba Đích lại rằng :
Ngươi tâu rằng mấy lần bị nước An Nam xâm lấn. Ta đã sai người đến dụ nước này phải bãi binh, an dân. Nay Vương An Nam là Hồ Đê ngỏ lời chịu tội, không dám vượt qua xâm lấn nữa. Người đã sửa sai thì không sai nữa, ngươi nên hòa mục với lân bang và bảo vệ người dưới.” (Minh Thực Lục quyển 27, v. 10, t. 0494-495; Thái Tổ q. 27, t.2b-3a)
Ðáp lời, Quốc vương nước Chiêm Thành lại tiếp tục tố cáo An Nam chiếm thêm đất và nặng nề hơn là tịch thu những đồ vật do sứ giả Chiêm Thành từ Trung Quốc mang về, và bắt phải dùng những phẩm phục do An Nam ban cho :
 
Ngày mồng 1 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 2 [5/9/1404]
Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại sai sứ Bộ Cai Tự Bãi Ni đến triều cống tê giác, sản phẩm địa phương, và tâu rằng :
Trước đây đã tâu việc An Nam đánh phá, cướp bóc người và súc vật ; ngưỡng ơn triều đình giáng sắc dụ bắt bãi binh. Nhưng Quốc vương Hồ Đê nước này không tuân lời giáo huấn của thánh Thiên tử ; tháng 4 năm nay lại mang thủy quân xâm nhập biên cảnh, dân chúng chịu độc hại. Gần đây sứ giả [đi Trung Quốc] mang đồ vật được ban cho trở về, đều bị tước đọat ; lại áp bức thần phải nhận mũ, y phục, ấn chương ; bắt làm thuộc quốc, chiếm cứ các xứ Sa Li Nha ; nay lại đánh cướp Mộc Dĩ. Thần sợ không thể tự tồn được, nên phải nạp đất đai để họ cho người cai trị.”
Thiên tử giận dữ, mệnh bộ Lễ mang sắc dụ Hồ Đê, cùng ban cho sứ Chiêm Thành tiền giấy. (Minh Thực Lục v. 10, t.0582-0583; Thái Tông q. 33, t. 4b-5a)
Lúc này Minh Thái Tông đang thực hiện chính sách kềm chế An Nam, nên trong chiếu thư hạch sách nặng nề, cùng nêu thêm cả những lời tố cáo về việc chiếm đất tại phủ Tư Minh :
 
Ngày mồng 3 tháng 8 năm Vĩnh Lạc Thứ 2 [7/9/1404]
Sai sứ mang sắc dụ Quốc vương An Nam Hồ Đê rằng :
Trước đây ngươi mấy lần xâm lăng Chiêm Thành, ta đã dụ ngươi phải thành khẩn hòa mục với lân bang. Rồi nhận được tờ tâu của ngươi hứa rằng từ nay trở về sau dám đâu không bãi binh ! Ta vui vì ngươi chịu sửa sai lầm, nên giáng sắc dụ khuyến khích. Gần đây Chiêm Thành tâu rằng ngươi lại cho thủy quân đánh phá biên cảnh, cướp đoạt dân chúng ; sứ triều cống trở về, mang những đồ vật ban cho, đều bị tước đoạt ; lại cưỡng bách phải nhận mũ, áo, ấn chương của ngươi để bắt làm thần thuộc. Trái lễ, ngược ngạo tăng thêm không ngớt !
Phủ Tư Minh Quảng Tây lại tâu ngươi chiếm đoạt châu Lộc, châu Tây Bình, trại Vĩnh Bình. Những vùng này là đất của Trung Quốc mà ngươi đoạt lấy, phóng túng không kiêng kỵ, việc làm như vậy thì nước mất sớm đó thôi. Trẫm không nỡ thảo phạt ngay bởi vậy lại dụ rõ ràng quỷ thần hoạ phúc. Ngươi phải sửa sai ngay đi, nếu không sẽ không có lợi cho An Nam nữa ! ” (Minh Thực Lục v. 10, t.0583; Thái Tông q. 33, t. 5a)
Rồi đến giai đoạn chuẩn bị đánh nước ta, vua nhà Minh cho điều một toán quân tinh nhuệ sang giúp Chiêm Ba Ðích Lại ngăn chặn tại vùng biên giới, sự kiện này chứng tỏ Chiêm Thành chính thức giúp nhà Minh trong việc xâm lăng :
 
Ngày 13 tháng 7 nhuần năm Vĩnh Lạc thứ 4 26/8/1406
Sắc ty Đô chỉ huy Quảng Đông tuyển 600 quân tinh nhuệ, cùng 2 Thiên hộ, 6 Bách hộ có khả năng đảm đang công tác ; lãnh lương thực, khí giới, binh giáp theo đường biển đến Chiêm Thành phối hợp với quân mã để phòng chặn giặc họ Lê. (Minh Thực Lục v. 11, tr. 839; Vĩnh Lạc q. 57, tr. 3a)
Nhờ vậy sau khi cuộc chiến kết thúc Chiêm Thành giành lại được vùng đất Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa đã bị mất trước kia ; Chiêm Ba Ðích Lại bèn dâng biểu tạ ơn nhà Minh, cùng giải giao một số tù binh người Việt bị nước này bắt được :
 
Ngày 18 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [19/9/1407]
Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại tấu :
Thần ngưỡng vọng thiên uy, tháng 5 năm nay đã lấy được đất bị xâm lấn, bắt đồ đảng giặc là bọn Hồ Liệt, Phan Ma Na, bèn sai Đầu mục Tế Mỵ đến kinh sư hiến tù và dâng biểu, tiến cống phương vật, tạ ân.
Thiên-tử khen, cho thu nạp. (Minh Thực Lục v.11, tr. 0982; Thái Tông q. 70, tr. 1b)
Ðáp lại Minh Thái Tông sai viên Thái giám Vương Quí Thông đến ủy lạo và ban thưởng :
 
Ngày 30 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [ 30/10/1407]
Sai Thái giám Vương Quý Thông mang sắc đến uỷ lạo Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại. Ban cho Vương 300 lạng bạch kim, 20 tấm lụa quyên; khen về việc từng mang binh giúp đánh An Nam. (Minh Thực Lục, v.11, t. 999; Thái Tông q. 71,t. 7a)
Sự việc không dừng lại tại đó ; sau khi Trương Phụ, Mộc Thạnh dẹp tan được nỗ lực kháng chiến của nhà hậu Trần tại đất Hoá Châu ; với binh uy sẵn có nhà Minh tiếp tục bành trướng, cho thiết lập phủ Thăng Hoa bao gồm 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi giao cho những người An Nam đã hàng nhà Minh cai trị :
 
Ngày 27 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [16/4/1414]
Ngày hôm nay lập 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa ; tất cả đều lệ thuộc phủ Thăng Hoa. Phủ này ở phía nam Hoá Châu, gồm 11 huyện bao gồm cả Lê Giang. Vì giặc họ Lê [Hồ Quí Ly] lấy đất này của Chiêm Thành, để cho bọn Nguyễn Suý, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung trông coi. Đến lúc bọn Nguyễn Suý làm phản, Chiêm Thành lại sai người cai quản. Nay bọn nổi loạn đã bị bắt, quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ cùng Kiềm quốc công Mộc Thạnh bàn lập lại 4 châu, theo thể chế giao cho những người xin hàng gồm Nguyễn Nhiêu, Dương Mộng Tùng, Phạm Công Nghị, Nguyễn Kiệm chức Tri châu ; Hồ Giao, Trương Nguyên Chú, Vũ Chinh, Phạm Phưởng chức Đồng tri ; lại gửi thư cho Sứ giả Chiêm Thành biết về việc xếp đặt này ; cùng tâu trình về triều. Hoàng thái tử chấp thuận. (Minh Thực Lục v. 13, t. 1742-1743; Thái Tông q. 149, t. 4b-5a)
Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí cho rằng dưới thời thuộc Minh các châu Thăng, Hoa [Quảng Nam] Tư Nghĩa [Quảng Ngãi] tuy được đặt tên, nhưng người Chiêm Thành vẫn còn cai trị (5). Ðiều này không đúng, bởi lẽ ngoài văn bản nêu trên đã đề cập đến việc dùng người nước ta làm Tri châu, Minh Thực Lục còn cho biết hệ thống hành chánh phủ Thăng Hoa được đặt xuống tận huyện và những người được bổ làm Tri Châu vào năm Vĩnh Lạc thứ 12 [1414] vẫn tiếp tục làm việc cho đến sau năm Tuyên Ðức thứ nhất [1426] :
 
Ngày 5 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 13 [13/5/1415]
... Quy định phủ Thăng Hoa gồm 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Châu Thăng lãnh 3 huyện : Lê Giang, Đô Hoà, An Bị. Châu Hoa lãnh 3 huyện : Vạn An, Cụ Hi, Lễ Đễ. Châu Tư lãnh 2 huyện Trì Bình, Bạch Ô. Châu Nghĩa lãnh 3 huyện : Nghĩa Thuần, Nga Bôi, Khê Cẩm. (Minh Thực Lục v 13, t. 1843-1844; Thái Tông q. 163, t. 1b-2a)
 
Ngày 15 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ nhất [23/3/1426]
Các thổ quan Giao Chỉ gồm những viên sau đây đến kinh đô khảo mãn, tiến cống y phục lụa quyên bản xứ, cùng hương liệu :
………………………………………………………………………….
Dương Mộng Tùng, Tri châu châu Hoa cùng Đồng tri Trương Nguyên Chú ;
Phạm Công Nghị, Tri châu châu Tư cùng Đồng tri Vũ Chinh ;
Phạm Phưởng Đồng tri châu Nghĩa ;
Nguyễn Sung, Tri châu châu Thăng ;
…………………………………………….
(Minh Thực Lục v. 16, t. 382; Tuyên Tông q. 14, t.5b)
Tại Chiêm Thành, Chiêm Ba Ðích Lại làm vua trong thời gian dài (41 năm) đến năm 1441 thì mất, người cháu là Ma Ha Bí Cai sai sứ sang triều Minh dâng biểu xin nối ngôi :
 
Ngày 14 tháng 6 năm Chính Thống thứ 6 [2/7/1441]
Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Bà Đích Lại mất ; cháu là Ma Ha Bí Cai lãnh di mệnh lên thay. Bèn sai người cháu của Vương là bọn Thuật Đề Côn dâng biểu, triều cống sản phẩm địa phương cùng xin được nối ngôi. (Minh Thực Lục v. 25, t. 1591; Anh Tông q.80, t. 6a)
Vua Anh Tông nhà Minh bèn sai bọn Chánh sứ Cấp sự trung Thư Ðồng đi cùng với sứ Chiêm Thành Thuật Ðề Côn đến phong cho Ma Ha Bí Cai :
  Ngày 12 tháng 7 năm Chính Thống thứ 6 [29/7/1441]
Chiếu dụ Quốc vương Chiêm Thành :
Trước đây tổ tiên ta được mệnh trời anh minh, cho làm chủ thiên hạ. Trong nước ngoài nước, bốn phương vạn quốc, không kể xa gần đều đối xử chung một lòng nhân. Muốn mọi nơi an phận, toại nguyện cuộc sống, bởi vậy bèn lập ra thống thuộc để cai trị mọi vùng. Trẫm thừa tiếp ngôi lớn, thể theo cựu chương ; bởi vậy Quốc vương Chiêm Ba Ðích Lại, kể từ thời tiền triều đến ngày hôm nay cung kính thờ triều đình, chăm lo chức cống, càng lâu càng bền chặt, trước sau một lòng thành. Nay hay tin mới mất, cần có người kế tục. Người cháu là Ma Ha Bí Cai, đôn hậu cẩn thận cung kính, có thể nối gót tổ tiên, trên biết thờ nước lớn, dưới biết bảo vệ nhân dân. Nay đặc cách sai Chánh sứ Cấp sự trung Thư Ðồng, Phó sứ Hành nhân Ngô Huệ mang sắc phong Ma Ha Bí Cai làm Quốc vương Chiêm Thành, để làm chủ việc nước. Các ngươi đầu mục lớn nhỏ hãy tuân theo Trẫm mệnh, tận tâm phù trợ, kính cẩn làm theo đường lành, để trong nước hưởng được phúc thái bình, đáp ứng lòng nhân của Trẫm muốn che chở sinh dân. Lại mệnh lai sứ là Thuật Ðề Côn Bô Sa mang sắc dụ Ma Ha Bí Cai cố gắng trong phận bề tôi, chăm lo chức cống, khéo vỗ về dân, hoà mục với lân bang. Lại ban cho Quốc vương, Vương phi các vật như lụa trữ dệt kim, tơ, lụa là. (Minh Thực Lục v. 25, t. 1618-1619; Anh Tông q. 81, t. 5b-6a)
Tuy được lời khuyên là hoà mục với lân bang, nhưng vua mới Ma Ha Bí Cai không muốn yên phận, gửi biểu văn sang Trung Quốc ngõ ý muốn khôi phục lại đất đai bị mất. Vua Anh Tông nhà Minh bèn ngăn cản :
 
Ngày 8 tháng 5 năm Chính Thống thứ 8 [5/6/1443]
Sắc dụ Quốc vương Chiêm Thành Ma Ha Bí Cai rằng :
Trước đây triều đình Vương được ban tế lễ, Vương được phong tước, bèn sai cháu là Dương Lạc Thôi dâng biểu và cống những sản phẩm địa phương tạ ân ; thấy được lòng thành kính cẩn, mệnh quan ban thưởng và cho trở về. Từ nay về sau Vương nên kính trời, thờ nước lớn, che chở người dưới, theo ý đối đãi chung một lòng nhân của Trẫm.
Lời tấu của Vương muốn khôi phục đất đai bị An Nam xâm lấn, nhưng từ hai đời trước cha ông Vương không đòi lại, là có lý do nào đó. Nay Vương mới lên ngôi nên lấy sự hòa mục với lân bang và giữ gìn cương vực làm đầu ; hai bên tranh giành không phải là điều phúc cho người trong nước. Trẫm lấy những điều ân, tín, an bình để khuyên các nước ; Vương hãy suy xét, cư xử thể theo ý Trẫm.
Mệnh Dương Lạc Thôi mang lụa là, ngựa tốt thể theo lời xin để ban cho Vương cùng Vương phi (Minh Thực Lục v. 27, tr. 2102-2103; Anh Tông q. 104, tr. 3b-4a)
Không nghe lời khuyên của vua Anh Tông, Ma Ha Bí Cai cho mang quân đánh phá các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Tại nước ta, vua Lê Nhân Tông bèn sai sứ thần Trình Chân sang nhà Minh trình bày sự việc Chiêm Thành gây hấn :
 
Ngày 27 tháng 6 năm Chính Thống thứ 11 [20/7/1446]
Sắc dụ Quốc vương Chiêm Thành Ma Ha Bí Cai rằng :
Gần đây Lê Tuấn Quốc vương An Nam sai Bồi thần bọn Trình Chân triều cống. Khi đến kinh đô tâu rằng Vương khinh lờn [Vương nước họ] nhỏ tuổi mồ côi, nên mang quân xâm lăng 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa ; nay lại đánh vây Hoá Châu mấy lần ; giết cướp người, súc vật, của cải. Vương và nước An Nam đều nhận triều mệnh, được phong đất đã lâu, cương vực hai bên đều có định giới, sao lại hưng binh gây oán, trái với ý nghĩa hòa mục giữa lân bang ! Người xưa nói rằng : “ Người quân tử không lấy lý do nuôi dưỡng người, để hại kẻ khác.” Vương từ nay hãy nghiền ngẫm ý này, giữ đúng lễ và bổn phận, nghiêm sức các Đầu mục giữ vững biên cương, nhưng không xâm nhiễu đất đai lân quốc, gây hoạn cho sinh linh rồi tự rước lấy hoạ. Đạo trời làm thiện gặp phước, làm ác gặp điều dữ ; đó là lẽ thường, Vương tuân theo lời Trẫm.
Lại dụ Quốc vương An Nam Lê Tuấn cũng nên cho phòng bị nghiêm hơn, nhưng chớ ôm lòng báo thù, để hai bên được yên ổn, thể hiện ý cùng đối xử chung một lòng nhân của Trẫm. (Minh Thực Lục v. 28, t. 2818-2819; Anh Tông q. 142, t.7b-8a)
Việc gửi sứ sang nhà Minh là chỉ muốn làm sáng tỏ điều chính nghĩa, thực ra vua Lê Nhân Tông [tên xưng với nhà Minh là Lê Tuấn] nước ta không mong chờ được giải quyết ; vì ngày 6 tháng 2 năm Bính Dần [1446] Sứ thần Trình Chân khởi hành sang Trung Quốc, thì ngày 23 cùng tháng nhà vua sai Lê Thụ mang quân đi đánh Chiêm Thành. Quân ta tấn công thành Chà Bàn, bắt sống Ma Ha Bí Cai. Người cháu là Ma Ha Quí Lai đầu hàng, được triều đình ta chấp nhận cho làm vua ; sau đó y dâng biểu sang nhà Minh xin cầu phong và trình bày sự việc :
 
Ngày 9 tháng 7 năm Chính Thống thứ 12 [20/8/1447]
Cháu của cố Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Ðích Lại là Ma Ha Quí Lai sai bọn Sứ thần Bô Sa Phạ Chiêm Trì tâu rằng :
Khi tiên Vương thần ốm bệnh, đã phong thần làm Thế tử, muốn cho nối ngôi. Lúc bấy giờ thần tuổi còn nhỏ, chưa có thể trị nước được, nên nhường cho người cậu là Ma Ha Bí Cai. Sau đó Ma ha Bí Cai mấy lần mang binh đánh nước An Nam ; Quốc vương An Nam sai tướng đến các xứ Cựu Châu, Cổ Luỹ bắt giết trăm họ gần hết, Ma Ha Bí Cai cũng bị bắt. Thần dân trong nước cho rằng thần là cháu của tiên Vương, từ xưa đã có di mệnh, nên xin thần lên thay thế để coi việc nước. Thần từ chối, bị ép ba bốn lần đành phải làm việc tại phủ thần, riêng Vương vị thì không dám tự chuyên, cúi xin Thiên tử giáng chiếu rõ ràng để an ủi lòng ước vọng của kẻ xa xôi.”
Thiên tử chấp nhận lời thỉnh cầu, sai Cấp sự trung Trần Nghi làm Chánh sứ, Hành nhân Tiết Cán làm Phó-sứ, mang phù tiết sách phong Ma Ha Quí Lai làm Quốc vương Chiêm Thành. Ban sắc dụ phải cẩn thận giữ tiết bề tôi, chăm lo chức cống, khéo vỗ về người trong nước, hoà mục với lân bang, ngõ hầu vĩnh viễn hưởng phúc trạch, cùng vui thái bình. Ban cho Ma Ha Quí Lai cùng Vương phi các vật như nhung dệt kim thêu hoa, gấm, trữ, lụa là. Lại chiếu dụ Ðầu mục lớn nhỏ, người trong nước lo phụ trợ Quốc vương. (Minh Thực Lục v. 29, t. 3040; Anh Tông q. 156, t. 2b)
Sau khi phong Vương cho Ma Ha Quí Lai, vua nhà Minh lại một lần nữa đưa chỉ dụ hòa giải và yêu cầu vua nước ta thả Ma Ha Bí Cai về nước :
 
Ngày 15 tháng 5 năm Chính Thống thứ 13 [15/6/1448]
………………………………………………………..
Lúc này An Nam và Chiêm Thành cùng đánh phá lẫn nhau, Tuấn thường sai tướng xâm lược đất đai Chiêm Thành đến cửa Châu Cảng [cảng tại Thị Nại], giết dân, bắt Quốc vương Ma Ha Bí Cai đem về nước. Thiên tử đã sai sứ sang lập cháu Vương cũ là Ma Ha Quí Lai làm Vương để trông coi việc nước. Nên đã dụ Tuấn rằng nên làm ơn bỏ oán, sai người đưa Ma Ha Bí Cai trở về. Đừng kết oán khiến di hại đến sinh linh. (Minh Thực Lục v.29, t.3212-3214; Anh Tông q. 166, t. 3b-4b)
Kể từ khi thua trận dưới thời Tuyên Ðức [1426], uy lực nhà Minh đối với nước ta hoàn toàn sa sút ; giải quyết việc Chiêm Thành chỉ hoà giải lấy lệ, không trực tiếp sai sứ sang nước ta sách hạch, nên chỉ gửi sắc qua Sứ gỉả Chiêm thành để trong trường hợp Sứ giả nước ta đến thì trao lại :
 
Ngày 22 tháng 3 năm Cảnh Thái thứ nhất [3/5/1450]
Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Tuấn :
Trẫm nhận mệnh trời chúa tể Hoa Di, đối xử chung một lòng nhân, không phân biệt xa gần. Vì rằng trời có phép tắc, không dám trái nghịch ; đạo trời hết sức công bằng, không chút tơ tóc sai lệch. Phàm yên phận theo lẽ phải được khuyến khích bằng phúc thiện ; nếu cậy mạnh hiếp yếu, sự trừng phạt sẽ đến nơi bằng hoạ hoạn.
Mới đây nước Chiêm Thành tố cáo Vương mấy lần xâm hại, bắt người nước này kể cả nam lẫn nữ đến 33.500 ; lại dạy bảo Chiêm Thành không thuận theo đạo trời, chỉ theo điều lợi mà thôi. Có thể lừa Chiêm Thành, nhưng đối với trời thì lừa sao được !
Những điều tố cáo Vương như vậy, đúng hay sai Trẫm không đáng tin hết. Khi sắc đến, Vương hãy yên phận giữ lễ, hoà mục với lân bang ; việc trước nếu đã xảy ra thì sửa đổi, nếu không xảy ra thì cố gắng làm tốt thêm. Nếu quả có bắt số người Chiêm Thành kể trên, nên trả tất cả về nước, khiến mọi người đều an sinh lạc nghiệp ; ngõ hầu trên thì thuận với đạo trời, dưới thì thuận lòng người ; hai điều vẹn toàn, vĩnh viễn hưởng phúc thái bình.
Nay nhân Sứ giả Chiêm Thành về nước, bèn trao sắc này, đợi khi Sứ giả Vương tới nước này, sẽ nhận sắc mang về cho Vương. Vương nhớ tuân theo mệnh của Trẫm, chớ quên !
Lại dụ Quốc vương Chiêm-Thành Ma Ha Qui Lai :
Nhận được lời tâu của Vương rằng Quốc vương An Nam mấy lần sai quân đến xâm lăng, cướp 33.500 người, lại dạy Vương đừng thuận theo đạo trời, đừng kính trọng triều đình, việc gì có lợi thì làm. Thật sự chống trời, chống lẽ phải không gì lớn hơn ! Nhưng Vương vẫn giữ vững tiết bề tôi, không bị mê hoặc bởi lời dụ dỗ, vẫn đến triều cống như cũ ; Thấy rõ Vương trung thành, biết thuận theo lẽ phải. Phàm lẽ phải tức đạo trời , người xưa nói : “ Thuận với trời thì thịnh vượng, nghịch với trời thì tiêu vong ” ; kết quả đúng như vậy, không mảy may xê dịch !
Khi sắc đến, Vương càng thêm thuận đạo trời hơn, để bảo tồn sự thịnh vương. Riêng sắc dụ Vương nước An Nam, lệnh cho Sứ thần của Vương mang về, đợi Sứ An Nam đến Chiêm Thành thì trao cho họ và cũng luôn thể để Vương biết qua. (Minh Thực Lục v.31, t.3920-3921; Anh Tông q. 190, t.12b-13a)
Rồi trong nước Chiêm Thành có biến, người em là Ma Ha Quý Do dành ngôi của anh ; vua nước ta gửi thư khiển trách nặng nề (6) “ Các ngươi xin lập Quý Lai làm vua, chưa quay xong gót đã lại phế đi và lập Quý Do. Các ngươi là bọn phản phúc bất trung, xem vua như con cờ, thế là đạo gì vậy ? ”; riêng vua Anh Tông nhà Minh thì coi như không biết, khen lao người nối ngôi và sắc phong như thường lệ :
 
Ngày 1 tháng 7 năm Cảnh Thái thứ 3 [17/7/1452]
Mệnh Cấp sự trung Phan Bản Ngu, Hành nhân Biên Vĩnh làm Chánh Phó sứ đến điếu tế cố Quốc vương Chiêm Thành Ma Ha Quí Lai, lại phong cho người em là Ma Ha Quí Do làm Quốc vương Chiêm Thành. Chiếu rằng :
Trẫm ứng mệnh trời, chủ tể Hoa Di, phong các chư hầu xa gần như một ; đó là đại điển của quốc gia, hiến ước của tổ tông đã có sẵn.
Huống nước Chiêm Thành ở nơi góc biển chân trời xa xôi, để sai khiến dân này há lẽ không có người quân trưởng ! Vì vậy Quốc vương Ma Ha Quý Lai được thế tập phong tước, kính trời thờ nước lớn, trước sau một lòng thành, cai trị nhân dân, chăm lo chức cống ; nay mất cần có kẻ thừa kế. Người em Ma Ha Quí Do tính vốn trung thuần, dân trong nước hướng theo, nay đặc cách phong làm Quốc vương Chiêm Thành, kế thừa làm chủ nước. Phàm dân chúng tước vị lớn nhỏ trong nước, ngày đêm lo tận tâm khuông phò, không được lấn người trên, giữ tấm lòng trung thuận để hưỏng phúc thái bình mãi. (Minh Thực Lục v. 33, t. 4695; Anh Tông q.218, t. 1a)
Tiếp đến việc Bàn La Duyệt (7) (sử nước ta chép là Bàn La Trà Duyệt) con nguời vú nuôi giết chúa cướp lấy nước. Thời xưa vua thông dâm với thị tỳ là chuyện thường, ở đây có thể hiểu là Bàn La Duyệt con riêng của Ma Ha Quý Lai cướp ngôi. Rồi viên Quốc vương này sai sứ dâng biểu triều cống, cũng được vua nhà Minh chấp nhận :
 
Ngày 11 tháng 6 năm Thiên Thuận thứ 2 [21/7/1458]
Quốc vương Chiêm Thành Bàn La Duyệt sai bọn Bồi thần Bô Sa Phạ Bà Lợi Thủy đến triều đình dâng biểu, cống các sản vật địa phương như tê giác, ngà voi. Ban yến, cùng mũ, dây đai, y phục bằng lụa ; lại sai Bô Sa Phạ Bà Lợi Thủy mang sắc cùng lụa nõn trong ngoài ban cho Quốc vương và Vương phi (Minh Thực Lục v. 36, t. 6238; Anh Tông q. 292, t. 4b)
Bàn La Duyệt làm vua chưa được 4 năm thì mất, sứ giả Chiêm Thành lại đến Trung Quốc xin phong cho người em là Bàn La Trà Toàn :
 
Ngày 13 tháng 9 năm Thiên Thuận thứ tư [27/9/1460]
Chiếu dụ nước Chiêm Thành :
Từ xưa đến nay các Ðế Vương ngự trị thiên hạ, không ai là không cư xử chung với một lòng nhân ; vì vậy chốn hoang vu cõi ngoài được phổ cập giáo hóa. Nước Chiêm Thành các ngươi, vị trí nơi góc biển hoang tịch, đất riêng một phương tất phải lập người đứng đầu để thống trị dân chúng. Bởi vậy Quốc vương Ma Ha Bàn La Duyệt mới đây được phong tước Vương, nối nghiệp quản lý việc nước, chưa được 4 năm đã vội mất, cái lý kế thừa không thể thiếu. Người em là Bàn La Trà Toàn, tính tình đôn hậu, biết giữ lễ khiêm cung ; nên đặc cách sai Cấp sự trung Vương Nhữ Lâm làm Chánh sứ, Hành nhân Lưu Thứ làm Phó sứ mang chiếu thư phong chức Quốc vương Chiêm Thành. Phàm dân chúng trong nước đều phải thần phục, tuân theo lẽ phải sống yên ổn, không được tranh giành phạm pháp. Tất cả một lòng giúp dập, khiến đất nước hòa bình anh ninh, thấm nhuần phong tục nhân hậu, vĩnh viễn hưởng phúc thái bình.
Lại sắc dụ Bàn La Trà Toàn rằng :
Vương các ngươi đời trước, có nước nơi góc biển xa xôi, hết lòng trung kính, thuận theo trời thờ nước lớn, càng lâu càng bền. Nay Vương lại biết thừa kế, sai người trong họ là Thả Dật Ðà Bằng mang sản vật địa phương đến cống, lòng thành khẩn đáng khen. Sứ trở về đặc cách ban cho Vương cùng Vương phi gấm lụa để đáp lại ý tốt ; Vương càng kiên định, vĩnh viễn giữ tiết bề tôi, để đáp ứng sự ưu đãi.” (Minh Thực Lục v. 37, t. 6648; Anh Tông q.319, t. 4b)
Vua mới Bàn La Trà Toàn lại dẫm vào vết chân của Quốc vương Ma Ha Bí Cai, vị vua Chiêm Thành bị quân vua Lê Nhân Tông bắt vào năm 1446. Trà Toàn sai sứ gia tăng liên lạc ngoại giao với Trung Quốc, tố cáo An Nam xâm nhiễu, xin Trung Quốc can thiệp, rồi đích thân mang quân đánh úp châu Hóa :
 
Ngày 5 tháng 3 năm Thiên Thuận thứ 8 [11/4/1464]
Quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn sai Sứ thần dâng biểu viết trên vàng lá ; cống voi thuần và các sản vật địa phương. Ban cho Chánh Phó sứ dây đai vàng có hoa văn, y phục dệt vàng, các loại lụa là, lụa đoạn có phân biệt. Nhân Thiên tử mới lên ngôi, bộ Lễ thỉnh cầu ban cho Vương và Phi nước này 2 tấm gấm ; 10 tấm lụa đoạn ; lụa thường và lụa thượng hạng mỗi thứ 7 tấm. Giao cho Sứ thần mang về. (Minh Thực Lục v. 39, t. 75; Hiến Tông q. 3, t. 8a)
 
Ngày 7 tháng 3 năm Thiên Thuận thứ 8 [13/4/1464]
Quốc-vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn sai sứ tâu rằng nước An Nam xâm lăng quấy nhiễu để đòi hỏi voi trắng. Xin căn cứ theo việc làm dưới thời Vĩnh Lạc [1403-1424] cử Sứ giả đến chiêu an, lập bia đá tại biên giới để khỏi xâm phạm ; chấm dứt thù hằn gây hấn. Lời xin được đưa xuống bộ Binh bàn, rồi phúc tấu :
Xin Thông sự bảo Sứ thần trở về nói với Quốc vương rằng hãy cẩn thận giữ lễ pháp, giữ vững biên cảnh chống lại ngoại xâm, đừng nông nỗi gây họa.
Thiên-tử chấp thuận. (Minh Thực Lục v. 39, t. 76-77; Hiến Tông q. 3, t. 8b-9a)
Theo Toàn Thư (8) vào tháng 8 năm Canh Dần [1470] Quốc vương Chiêm Thành Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ tại châu Hóa là Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn dân vào thành rồi chạy thư cáo cấp.
Sự việc diễn tiến tiếp theo cũng giống như cuộc chuẩn bị tấn công Chiêm Thành thời vua Lê Nhân Tông ; để dành lấy chính nghĩa, trước khi ra quân vua Lê Thánh Tông [tên xưng với nhà Minh là Lê Hạo] sai sứ sang nhà Minh tâu việc Chiêm Thành quấy phá biên giới. Nhưng triều đình nhà Minh không tin, cho rằng vua nước ta bề ngoài đặt lời là bị xâm lăng, nhưng bên trong muốn thôn tính Chiêm Thành, nên ra sắc dụ ngăn cản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét