Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

(8) Phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô đến năm 2010

Bài viết cũ của tôi năm 2004:
Phân tích, dự báo một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010
CHƯƠNG II
CÁC PHƯƠNG TRÌNH CƠ BẢN CỦA MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG VĨ MÔ VMEM-2004 MÔ TẢ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA TRONG THỜI KỲ TỪ KHI BẮT ĐẦU CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẾN NAY (1986-2004)
MỤC 1: MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG LÝ THUYẾT VĨ MÔ MÔ TẢ HOẠT ĐỘNG TRUNG HẠN CỦA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
Như đã phân tích trong chương I, quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam từ sau cải cách 1986 đến nay là quá trình chuyển đổi dần từ nền kinh tế cơ bản hoạt động theo phương thức kế hoạch hoá tập trung sang hoạt động theo kinh tế thị trường. Đến nay, về cơ bản nền kinh tế Việt Nam đã hoạt động theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, trong đó các nhân tố thị trường gồm cả cung và cầu đều thực sự đóng vai trò quyết định tới tăng trưởng.
Đặc biệt, những phân tích chi tiết hơn trong chương I đã cho thấy một mặt, xét về trung và dài hạn, các  nhân tố cung làm đầu vào của quá trình tăng trưởng (vốn, lao động, trình độ công nghệ...) vẫn đóng vai trò quyết định với quá trình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Mặt khác, trong những năm gần đây nền kinh tế Việt nam liên tục ở trong tình trạng cung lớn hơn cầu, sản xuất tăng trưởng chậm lại và giá cả trì trệ so với giai đoạn tăng trưởng cao 1992-1997; điều này phản ánh một sự thật là vai trò của các nhân tố cầu đang càng ngày càng đóng vai trò quan trọng với quá trình tăng trưởng của nền kinh tế Việt nam và trong giai đoạn ngắn hạn hiện nay, các hoạt động của nền kinh tế đã và đang đi theo lập luận kinh tế của lý thuyết Keynes. Kết hợp các phân tích trên, có thể kết luận về trung hạn đến năm 2010, các hoạt động của nền kinh tế sẽ tiếp tục đi theo lập luận kinh tế của lý thuyết tân cổ điển hiện đại, nhưng bên cạnh những nhân tố truyền thống giải thích quá trình tăng trưởng của thuyết tân cổ điển hiện đại, còn có vai trò không nhỏ của những nhân tố cầu của thuyết cơ cấu như đã được phân tích trong chương mở đầu của báo cáo này.
Từ kết luận trên, chúng tôi cho rằng mô hình kinh tế lượng xây dựng cho nền kinh tế Việt Nam nhằm mục tiêu phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo ngắn hạn sẽ là mô hình kiểu tân cổ điển là cơ bản kết hợp với một số yếu tố của lý thuyết Keynes hiện đại, tức là yếu tố cung đóng vai trò trung tâm trong mô hình nhưng có bổ sung một số nhân tố cầu. Kinh nghiệm thực tế trong quản lý kinh tế ở nước ta cho thấy trong các khoảng thời gian ngắn hạn,  vốn đầu tư mới thường chưa kịp phát huy ảnh hưởng, hoặc tạo ra những ảnh hưởng rất thấp tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, nên việc chọn bổ sung một số nhân tố cầu theo thuyết cơ cấu sẽ rất cần thiết và thích hợp đối với mục tiêu phân tích và dự báo trung hạn đến năm 2010.
          Trên cơ sở mục tiêu đề ra là phân tích và dự báo khoảng 20-30 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chính trên cơ sở khai thác tối đa những nguồn thông tin, số liệu quý tin cậy có thể thu thập được, đồng thời để thuận tiện cho việc xứ lý các quan hệ trong mô hình, dự kiến mô hình VMEM-2004 gồm các khối lớn sau:
        - Khối thực để xác định các chỉ tiêu vĩ mô của khu vực thực;
        - Khối tài chính, tiền tệ và giá cả để xác định các chỉ tiêu của khu vực tài chính;
        - Khối ngoại thương để xác định các chỉ tiêu xuất nhập khẩu và quan hệ kinh tế quốc tế.
          Quan hệ giữa các khối cũng như giữa các biến trong từng phương trình của mô hình về cơ bản được xác định trên cơ sở những phân tích vĩ mô nêu trong chương I. Tuy nhiên những quan hệ vĩ mô trong chương I chỉ là những quan hệ đơn giữa hai biến kinh tế trong khi đối với cùng một hiện tượng kinh tế xảy ra, có thể còn nhiều biến khác tác động tới và giải thích quá trình diễn ra của nó. Do vậy, khi xây dựng các phương trình trong mô hình dưới đây, bên cạnh biến giải thích chính, sẽ có nhiều biến khác cũng được tham gia vào giải thích biến động của biến cần được giải thích trong mỗi phương trình.
          Dưới đây là nội dung các phương trình lý thuyết trong mô hình kinh tế lượng VMEM-2004 dự kiến.
          I- KHỐI THỰC (PHẢN ÁNH KHU VỰC THỰC CỦA NỀN KINH TẾ)
          Khối thực bao gồm năm khối con là: (i) Dân số vào lao động; (ii) đầu tư; (iii) Sản xuất; (iv) Tiêu dùng trong nước; (v) Cân bằng kinh tế vĩ mô. Căn cứ theo lý thuyết kinh tế đề xuất nêu trên, căn cứ vào kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế lượng đã xây dựng ở nước ta trước đây và dựa trên các quan hệ cơ bản trong nền kinh tế Việt Nam như đã được phân tích trong chương I, các biến trong các khối con của khối thực được xác định như sau:
          1) Dân số vào lao động:
          (1) Dân số POPU:
          Dân số thường được dự báo theo các phương pháp không kinh tế lượng, trong đó phương pháp khoa học nhất là phương pháp chuyển tuổi. Do đó, dân số thường không được dự báo trong các mô hình kinh tế lượng, được lấy từ các mô hình khác đưa vào làm đầu vào cho mô hình kinh tế lượng. Tuy nhiên, do dự báo theo phương pháp chuyển tuổi phức tạp nên chưa được sử dụng nhiều ở nước ta. Đến nay chúng ta cũng chưa có các dự báo chi tiết và thống nhất về dân số đến năm 2010. Vì vậy, để làm đầu vào cho mô hình này, chúng tôi sẽ xây dựng phương trình dự báo dân số theo phương pháp kinh tế lượng. Thực tế cho thấy trong trường hợp các nước đang phát triển không có hiện tượng di dân ra nước ngoài hoặc nhập cư nhiều, kết quả  dự báo qua mô hình kinh tế lượng cũng rất khớp với kết quả dự báo bằng phương pháp chuyển tuổi. Phương trình được sử dụng trong mô hình VMEM-2004 như sau:
          POPU = f (POPU(-1))
          (2) Cung lao động (số người trong độ tuổi lao động) LABOS:
Dự báo nguồn cung lao động, tức là số người có khả năng tham gia làm việc trong nền kinh tế quốc dân, thường gồm hai loại dự báo: (i) Dự báo số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động; (ii) Dự báo số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động có nhu cầu việc làm. Tuy nhiên, trong điều kiện thông tin khan hiếm ở nước ta, chúng tôi chỉ thực hiện dự báo một chỉ tiêu là số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. Ngoài những phương pháp phức tạp (như phương pháp chuyển tuổi) cần có những mô hình riêng, theo kinh nghiệm thế giới, trong các mô hình kinh tế lượng vĩ mô, có thể dự báo nhanh số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động bằng cách sử dụng phương trình dự báo đơn giản sau đây:
LABOS = f (POPU, POPU(-1))
          (3) Cầu lao động toàn nền kinh tế LABOD:
Dự báo nhu cầu lao động của nền kinh tế quốc dân và của các ngành thường được xây dựng dựa trên các căn cứ sau: (i) Khối lượng công việc thể hiện bằng quy mô, tốc độ hoặc cơ cấu của nền kinh tế (thông qua tổng sản phẩm trong nước GDP, kết quả sản xuất GO) hoặc của các ngành, các lĩnh vực, các vùng... (thông qua chỉ tiêu giá trị gia tăng VA); (ii) Hệ thống các định mức phục vụ, mức định biên và yêu cầu cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân (chủ yếu được áp dụng trong các ngành và lĩnh vực cụ thể khi không tính chính xác được GDP); (iii) Nhu cầu tăng năng suất lao động xã hội, năng suất lao động trong các ngành và vùng kinh tế...
Trong điều kiện nước ta, chúng tôi đề xuất phương pháp dự báo nhu cầu lao động cho thời kỳ kế hoạch căn cứ vào 2 yếu tố sau: (i) Quy mô và cơ cấu của nền kinh tế theo phương án đã được dự báo và lựa chọn cho thời kỳ kế hoạch; (ii) Năng suất lao động và khả năng tăng năng suất lao động đã được dự báo và lựa chọn cho thời kỳ kế hoạch. Do vậy, phương trình kinh tế lượng cơ bản sẽ được sử dụng trong mô hình là:
          log (LABOD/GDP) = a + b * t
trong đó t là biến thời gian và tham số b < 0 phản ánh xu hướng tiết kiệm lao động
          (4) Cầu lao động khu vực công nghiệp và xây dựng LABIN:
          Phương pháp dự báo nhu cầu lao động của khu vực công nghiệp và xây dựng cũng tương tự như đối với toàn nền kinh tế; cụ thể phương trình sử dụng như sau:
          log (LABIN/GDPIN) = a + b * t
trong đó b < 0.
          (5) Cầu lao động khu vực dịch vụ LABSE:
          Phương pháp dự báo nhu cầu lao động của khu vực dịch cũng tương tự như đối với toàn nền kinh tế; cụ thể phương trình sử dụng như sau:
          log (LABSE/GDPSE) = a + b * t
trong đó b < 0.
          (6) Cầu lao động khu vực nông nghiệp LABAG:
          Trong thời kỳ phát triển theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, chúng ta coi nước ta không có thất nghiệp đồng thời tất cả những người trong độ tuổi lao động đều có nghĩa vụ tham gia lao động; khi đó nông nghiệp thường là khu vực chứa đựng tất cả những người trong độ tuổi lao động nhưng không được sử dụng trong các khu vực công nghiệp và dịch vụ.
          Khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, đã phát sinh hiện tượng thất nghiệp. Mặc dù vậy, sức ép giải quyết việc làm cho xã hội rất lớn buộc khu vực nông nghiệp tiếp tục phải chịu giải quyết việc làm cho những người trong độ tuổi lao động nhưng các khu vực công nghiệp và dịch vụ không thể sử dụng được. Điều này xuất phát từ đặc điểm cơ bản của khu vực nông nghiệp là lao động giản đơn, trình độ kỹ thuật rất thấp, nhu cầu đầu tư giải quyết việc làm cho 1 đơn vị lao động thấp... Do vậy, sau khi xác định được nhu cầu sử dụng lao động của  các khu vực công nghiệp và dịch vụ, có thể xác định được số lao động mà khu vực nông nghiệp phải giải quyết việc làm như sau:
          LABAG = LABOD - LABIN - LABSE
          (7) Số người trong độ tuổi lao động nhưng chưa có việc làm UNLAB:
          Đây là phương trình kế toán, theo đó số người chưa có việc làm bằng chênh lệch giữa số người cần việc làm và số người được giải quyết việc làm:
          UNLAB = LABOS  - LABOD
          (8) Tỷ lệ chưa có việc làm so với nguồn lao động UNRAT:
Đây là phương trình kế toán. Để thuận tiện đối với xử lý các biến trong mô hình, chúng tôi nhân thêm 100 để phản ánh tỷ lệ theo phần trăm.
          UNRAT  =  UNLAB *100 / LABOS
          2) Đầu tư phát triển:
          2.1) Tín dụng cho nền kinh tế:
(9) Tổng vốn tín dụng nội địa CREDO:
Về nguồn, vốn tín dụng nội địa được hình thành từ hai nguồn chính: một là tín dụng của các ngân hàng thương mại và hai là tín dụng trực tiếp của Ngân hàng trung ương. Trên thực tế, trong các nền kinh tế thị trường, nguồn vốn thứ hai thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Đối với nước ta, trước cải cách 1989, nguồn vốn tín dụng trực tiếp của Ngân hàng trung ương đã đóng vai trò rất quan trọng để bù đắp thâm hụt ngân sách của Chính phủ và cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, sau năm 1989, khi hệ thống ngân hàng hai cấp được thành lập (12/1988) và các Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước và Các tổ chức tín dụng được áp dụng (6/1990), tỷ trọng của nguồn tín dụng này giảm rất nhanh. Đến tháng 12/1998, nguồn vốn tín dụng này chỉ còn chiếm 8% trong khi tín dụng của các ngân hàng thương mại chiếm tới 92% tổng tín dụng nội địa. Đặc biệt, từ năm 1993 đến nay, toàn bộ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (không kể phần tín dụng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay lại) đều được dành để phục vụ hoạt động ngân sách dưới dạng tạm ứng, không cấp trực tiếp cho khu vực doanh nghiệp.
Về sử dụng, nguồn vốn tín dụng nội địa được sử dụng để tài trợ cho hoạt động của khu vực Nhà nước (gồm Chính phủ và các DNNN) và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Ở tầm trung và dài hạn, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tổng cung tín dụng, trong khi tổng cung tín dụng lại phụ thuộc vào khả năng huy động vốn của hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, ở tầm trung và ngắn hạn, việc xác định tổng giá trị tín dụng nội địa thường rất khác nhau do đặc điểm kinh tế trong mỗi thời kỳ. Nếu như nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, nhu cầu tín dụng cao, thì tổng cung tín dụng sẽ là chiếc van điều tiết tốc độ tăng trưởng kinh tế, và đây chính là vai trò tác động của chính sách tiền tệ. Quan hệ nhân quả đi từ tổng cung tín dụng đến tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, trong giai đoạn kinh tế trì trệ, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sẽ thấp; quan hệ nhân quả sẽ đi theo chiều từ tăng trưởng kinh tế đến cầu tín dụng, tức là cầu tín dụng là hàm của tăng trưởng kinh tế.
          Theo kinh nghiệm thế giới, trong các nền kinh tế thị trường phát triển, hàm cầu tín dụng thường được xây dựng dựa theo tiếp cận tân Keynes, trong đó các quyết định đầu tư, tiêu dùng và vay nợ được xác định đồng thời qua lời giải của bài toán cực đại hoá hàm lợi ích cuả từng tác nhân kinh tế. Đối với các doanh nghiệp, giá trị tổng tài sản quốc gia tích luỹ thường được xem là năng lực chính của các doanh nghiệp. Trong điều kiện nước ta, vì tổng tài sản quốc gia nhỏ và chúng ta chưa có những số liệu thống kê điều tra về tổng tài sản quốc gia nên tạm thời nên sử dụng chỉ tiêu thu nhập hàng năm (đại diện bằng GDP) làm ràng buộc chính đối với các doanh nghiệp khi muốn mở rộng sản xuất. Tăng thu nhập sẽ làm tăng cầu đầu tư qua đó sẽ làm tăng nhu cầu vay tín dụng ngân hàng.
          Kết hợp hai cách tiếp cận cung và cầu nêu trên, chúng tôi đã lựa chọn phương trình tín dụng cho nền kinh tế nước ta như sau:
          CREDO = f (GDP, PRICE, CAMOBI)
trong đó GDP là tổng sản phẩm trong nước, tính theo giá cố định; PRICE là chỉ số giá tiêu dùng, CAMOBI là huy động vốn của hệ thống ngân hàng. Các biến GDP và PRICE có thể được thay bằng biến GDP tính theo giá hiện hành, viết tắt là GDPCU. Trong trường hợp quán tính cho vay tín dụng còn lớn, có thể bổ sung biến trễ; phương trình cụ thể như sau:
CREDO = f (GDPCU, CAMOBI CREDO(-1))
          (10) Tín dụng cho khu vực Nhà nước CREPU:
          Tín dụng cho khu vực Nhà nước gồm tín dụng cho các doanh nghiệp Nhà nước và tín dụng cho Chính phủ. Trên thực tế, việc phân bổ tổng nguồn vốn tín dụng cho các thành phần kinh tế phụ thuộc rất lớn vào chính sách tín dụng của chính phủ. Trong thập kỷ 90, khoảng 80% nguồn vốn tín dụng quốc gia được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại quốc doanh, trong khi Ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý nhà nước thường có những chính sách, cơ chế tác động mạnh tới cơ cấu cho vay của các ngân hàng này. Vì vậy, trong mô hình, việc phân bổ vốn tín dụng cho các đối tượng kinh tế được thực hiện qua hệ số chính sách (alfa) như sau:
          CREPU = alfa * CREDO
trong đó CREPU là tín dụng ngân hàng dành cho khu vực Nhà nước, tính theo giá hiện hành; alfa là tỷ trong vốn tín dụng dành cho khu vực ngoài quốc doanh. Việc sử dụng hệ số alfa trong phương trình trên sẽ cho phép đánh giá hiệu quả của chính sách can thiệp thông qua tín dụng ngân hàng cũng như ảnh hưởng của việc thay đổi cơ cấu tín dụng giữa các thành phần kinh tế tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Trên thực tế, trong thập kỷ 90, tỷ trọng tín dụng ngân hàng dành cho khu vực Nhà nước đã giảm khá nhanh, từ 90% vào cuối năm 1991 xuống còn khoảng 45% năm 2000. Tuy nhiên, quá trình này không phải đã diễn ra liên tục, tỷ trọng tín dụng trong khu vực Nhà nước đã tăng lên qua các quý trong suốt năm 1998 và quý 1 năm 1999 do nền kinh tế phát triển chậm lại dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á.
          (11) Tín dụng cho khu vực ngoài quốc doanh CREPRI:
          Trong thập kỷ 90, do những tồn tại của cơ chế cũ còn khá nặng nề và đặc trưng của quá trình chuyển đổi theo định hướng XHCN nên nguồn vốn tín dụng ngân hàng vẫn thường được ưu tiên trước hết để thoả mãn nhu cầu của Chính phủ và khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhằm đảm bảo định hướng phát triển dài hạn của nền kinh tế. Phần còn lại mới được dành cho khu vực ngoài quốc doanh (tư nhân và đầu tư nước ngoài). Do vậy, phương trình xác định vốn cho khu vực ngoài quốc doanh như sau:
          CREPRI = (1-alfa) * CREDO
trong đó CREPRI là tín dụng ngân hàng dành cho khu vực ngoài quốc doanh, tính theo giá hiện hành.
          2.2) Hình thành vốn đầu tư:
          Theo phân loại trong các Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, đầu tư ở nước ta bao gồm ba thành phần: đầu tư của khu vực nhà nước, đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh và đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, do trong cách phân loại tín dụng nêu trên, nguồn vốn tín dụng ngoài quốc doanh được hiểu là bao gồm tín dụng cho khu vực tư nhân và cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên ở đây, chúng tôi thay tên phần đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh thành đầu tư của khu vực tư nhân.
          Do tính chất của mô hình là nửa cung nửa cầu và bản thân đầu tư cũng là một nhân tố đặc biệt vừa mang tính cung, vừa mang tính cầu nên trước hết chúng ta sẽ xác định tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế để đảm bảo tính cân đối cung cầu của nền kinh tế, sao đó sẽ xác định nguồn vốn huy động từ khu vực kinh tế nhà nước và nguồn vốn huy động từ khu vực kinh tế tư nhân. Vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ được tính toán bằng cách lấy tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế trừ đi hai nguồn vốn trên.
Tổng nguồn vốn đầu tư và các thành phần đầu tư lần lượt được xác định như sau:
          (12) Tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế (đầu tư xã hội, giá cố định) INVES:
          Vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn nền kinh tế theo mô hình cung thường được xác định từ các nhân tố hình thành nên nó, gồm quỹ tích luỹ từ năm trước chuyển sang (có trễ) hoặc quỹ tích luỹ năm nay (không có trễ) được chuyển thành vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng do hệ thống ngân hàng huy động được và lãi suất nhà đầu tư phải trả để có được số vốn đưa vào đầu tư. Phương trình xác định tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn nền kinh tế như sau:
          INVES = f (CREDO / PRICE, ACCUM, INTOUT)
trong đó ACCUM là quỹ tích luỹ tính theo giá cố định; CREDO được chia cho chỉ số giá tiêu dùng để quy đổi tương đương thành giá cố định.
          (13) Đầu tư của khu vực tư nhân IP:
          Theo lý thuyết gia tăng đầu tư trong học thuyết cầu của Keynes, đầu tư của khu vực tư nhân phụ thuộc chủ yếu vào tình hình sản xuất (GDP), nhưng đồng thời trong mỗi thời kỳ cũng có thể phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vào lãi suất tín dụng và vào sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô (đại diện bằng tỷ lệ lạm phát). Những biến thường được đưa vào mô hình xác định đầu tư tư nhân của các nước đang phát triển là thu nhập của dân cư (đại diện bằng GDP, hoặc GDP trừ đi thuế nộp chính phủ), tín dụng ngân hàng (dành cho khu vực tư nhân), lãi suất, và tỷ suất lợi nhuận. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm một số biến khác như chênh lệch tăng trưởng GDP so với xu thế hoặc biến đầu tư của khu vực Nhà nước nếu đầu tư của khu vực Nhà nước có tác dụng lôi cuốn đầu tư tư nhân thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và những ngành kinh tế mà khu vực tư nhân không đảm đương được.
Theo quan điểm Keynes, những thay đổi trong tổng cung tiền tệ thường ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh trung gian là lãi suất và chi tiêu của khu vực tư nhân cho đầu tư. Chính vì vậy, trong mô hình vĩ mô, chúng ta không thấy rõ vai trò trực tiếp của chính sách tiền tệ tới tổng cung và tổng cầu, mà qua biến trung gian là lãi suất. Trong chương I, chúng ta đã phân tích và chỉ ra một quan hệ khá rõ giữa lãi suất và đầu tư trong nền kinh tế nước ta. Do vậy, kết hợp với phân tích ở trên, phương trình đầu tư dự kiến được đưa vào mô hình lý thuyết như sau:
          IP = f (GDP, INTOUT, CREPRI, IP(-1))
trong đó IP là giá trị vốn đầu tư của khu vực tư nhân; INTOUT là lãi suất cho vay ngắn hạn kỳ hạn 3 tháng. Biến IP(-1) được đưa vào phương trình để phản ánh ảnh hưởng của đầu tư quá khứ tới hiện tại vì thông thường đối với đầu tư, đã đầu tư năm trước thì phải tiếp tục đầu tư cho năm sau để đảm bảo duy trì và phát triển sản xuất.
          (14) Đầu tư của Nhà nước IG:
          Đầu tư của khu vực Nhà nước, ký hiệu là IG, gồm đầu tư chính phủ (vốn ngân sách và vốn tín dụng nhà nước) và đầu tư từ nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp Nhà nước; trong đó đầu tư chính phủ chiếm tới trên 70% tổng giá trị đầu tư của khu vực Nhà nước. Đặc trưng của nguồn vốn này là phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Nhà nước vì một mặt, chính phủ (trung ương và các chính quyền địa phương) vẫn giữ quyền tự quyết định các dự án đầu tư dựa trên các nguồn vốn ngân sách và tín dụng chính phủ, và mặt khác, chính phủ còn có quyền can thiệp khá mạnh tới các dự án đầu tư lớn của các DNNN. Do đó trong một số mô hình tại các nước đang phát triển, đầu tư của khu vực Nhà nước có thể được xem là biến ngoại sinh.
Tuy nhiên, về bản chất IG vẫn là biến nội sinh. Mặt khác, ở nước ta, đầu tư nhà nước còn phụ thuộc rất lớn vào chi ngân sách của chính phủ cho đầu tư. Điều này càng đặc biệt rõ trong các năm từ 1999 đến nay và có thể sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, vì đây là giai đoạn chính phủ đã và sẽ tiếp chủ động triển khai những chương trình kích cầu đầu tư rộng lớn trên cơ sở chấp nhận tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP cao nhằm chống suy thoái và kích thích tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chúng tôi sử dụng phương trình sau để dự báo:
          IG = f (INVGO/PRICE, INTEOUT, CREPU/PRICE)
trong đó INVGO là chi ngân sách của Chính phủ cho đầu tư.
          (15) Đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDICU:
          Việc dự báo nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường khó khăn vì biến này không chỉ phụ thuộc vào môi trường đầu tư tại nước ta mà còn phụ thuộc vào các nhân tố quốc tế; trong đó nhóm nhân tố thứ hai thường đóng vai trò quyết định. Do đó, trong mô hình này, chúng ta sẽ xác định nhu cầu vốn đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để có chính sách huy động; công thức xác định như sau:
          FDI = INVES - IP - IG
trong đó FDI là vốn đầu tư FDI thực hiện của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, gồm cả nguồn vốn đưa từ nước ngoài vào và nguồn vốn đối ứng của các doanh nghiệp trong nước.
          2.3) Sử dụng vốn đầu tư:
          Vốn đầu tư được sử dụng cho các khu vực được xác định theo cơ cấu, thể hiện khả năng can thiệp của chính phủ vào bố trí cơ cấu đầu tư toàn nền kinh tê do đầu tư chính phủ thường chiếm tới 55-60% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Cụ thể đầu tư của các khu vực được xác định như sau:
          (16) Vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp:
          IAG = alfa1 * INVES
trong đó alfa1 là tham số phản ánh tỷ trọng đầu tư nông nghiệp trong tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Đây là biến công cụ của Chính phủ để hướng dẫn, định hướng cơ cấu đầu tư toàn nền kinh tế.
          (17) Vốn đầu tư cho khu vực công nghiệp:
          IIN = alfa2 * INVES
trong đó alfa2 là tham số phản ánh tỷ trọng đầu tư của khu vực công nghiệp trong tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế.
          (18) Vốn đầu tư cho khu vực dịch vụ:
          ISE = alfa3 * INVES  = INVES  -  IAG  - IIN
trong đó alfa3 là tham số phản ánh tỷ trọng đầu tư của khu vực dịch vụ trong tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế.
          3) Sản xuất:
Theo các phân tích trong chương I, sản xuất của các khu vực chủ yếu dựa vào các nhân tố đầu vào gồm vốn, lao động, và các nhân tố đặc trưng cho từng khu vực... Các phương trình để dự báo giá trị gia tăng tính theo giá cố định của các khu vực cụ thể như sau:
          (19) Giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp GDPIN:
          Theo kinh nghiệm thế giới đối với mô hình cung trong điều kiện số liệu về tài sản cố định chưa thu thập được, chỉ tiêu tổng cộng dồn vốn đầu tư cho các khu vực kinh tế từ năm bắt đầu có số liệu quan sát đến năm tính toán thường được chọn để đại diện cho chỉ tiêu tài sản cố định. Vận dụng vào điều kiện Việt Nam, chúng ta có phương trình lựa chọn sau đối với khu vực công nghiệp:
          GDPIN = f (LABIN, TIIN, IMUS)
trong đó tại năm t, TIIN là tổng cộng dồn vốn đầu tư cho khu vực công nghiệp từ khi bắt đầu đổi mới đến năm t, IMUS là tổng nhập khẩu toàn nền kinh tế năm t tính theo đô la Mỹ. Thực tế, sản xuất của khu vực công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu tư liệu sản xuất nhưng vì một mặt mô hình không dự báo chi tiết các thành phần nhập khẩu, mặt khác trên 90% kim ngạch nhập khẩu hàng năm là tư liệu sản xuất gồm máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và vật tư; do đó có thể sử dụng trực tiếp biến IMUS trong phương trình xác định giá trị gia tăng khu vực công nghiệp.
          (20) Giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ GDPSE:
          Tương tự như đối với công nghiệp, giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ phụ thuộc vào vốn đầu tư và lao động làm việc trong khu vực này. Ngoài ra trong một số thời kỳ, nhân tố tieu dùng cũng ảnh hưởng mạnh tới sản xuất của khu vực dịch vụ. Do vậy, chúng ta sử dụng phương trình:
          GDPSE = f (LABSE, TISE, GDP)
trong đó tại năm t, TISE là tổng vốn đầu tư cho khu vực dịch vụ từ khi bắt đầu đổi mới đến năm t; chỉ tiêu GDP được đưa vào để phản ánh nhu cầu tiêu dùng toàn nền kinh tế tăng lên.
          (21) Giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp GDPAG:
          Giá trị gia tăng của khu vực nông nghiệp cũng được tính toán từ vốn và lao động. Tuy nhiên, có nhiều khả năng là khu vực này bị ép phải sử dụng lực lượng dư thừa của nền kinh tế nên nhân tố lao động không đóng vai trò quan trọng. Một chỉ tiêu quan trọng khác thường ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nông nghiệp là thời tiết, ví dụ như lượng mưa trong năm. Phương trình như sau:
          GDPAG = f(LABAG, TIAG, RAIN)
trong đó tại năm t, TIAG là tổng vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp từ khi bắt đầu đổi mới đến năm t; RAIN là chỉ số phản ánh lượng mưa trong năm.
          (22) Tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh GDP:
          Tổng sản phẩm theo giá so sánh (cố định) được xác định bằng tổng của tổng giá trị gia tăng của tất cả các khu vực trong nền kinh tế; đây là phương trình định nghĩa, tức là:
          GDP = GDPIN + GDPAG + GDPSE
          (23) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng trưởng GDP) so với cùng kỳ năm trước GGDP:
          Đây cũng là phương trình định nghĩa, công thức như sau:
GGDP = (GDP / GDP(-1) -1) * 100
trong đó GGDP là tốc độ tăng trưởng GDP năm sau so với năm trước.
          4) Tiêu dùng cuối cùng:
          Tiêu dùng cuối cùng gồm hai bộ phân cấu thành: tiêu dùng của Nhà nước và tiêu dùng cá nhân. Phương thức xác định các loại tiêu dùng này rất khác nhau: trong khi tiêu dùng cuối cùng của các cá nhân bao giờ cũng được xem là biến nội sinh thì tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ hầu như luôn luôn được coi là biến ngoại sinh, cụ thể như sau:
          (24) Tiêu dùng cuối cùng cá nhân:
Phân tích hành vi của tiêu dùng cuối cùng cá nhân (tiêu dùng cá nhân) ở tầm kinh tế vĩ mô thường dựa vào học thuyết cầu của Keynes, trong đó tiêu dùng cá nhân phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập sẵn có hiện tại; về mặt toán học điều này có nghĩa là:
CONPRI = a + b * RNDrp
trong đó CONPRI là tiêu dùng cuối cùng của khu vực tư nhân (hộ gia đình); RNDrp là thu nhập sẵn có của khu vực cá nhân. Trong phương trình trên, luôn luôn có giả định:     a > 0 và 0 < b < 1
          Tiết kiệm tư nhân Srp được xác định như sau:
          Srp = RNDrp - CONPRI
Bằng cách thay CONPRI trong phương trình trên vào, chúng ta có:
          Srp = RNDrp - (a + b RNDrp)  = (1-b) * RNDrp - a
          Phương trình nguyên gốc trên thường được sử dụng trong các mô hình kinh tế vĩ mô rất gộp. Đối với những mô hình chi tiết hơn, nó đã được biến đổi cho phù hợp với những phân tích, nghiên cứu thực nghiệm về tiêu dùng và sự phát triển gần đây của lý thuyết về hành vi của tiêu dùng và tiết kiệm tư nhân. Hai lý thuyết chính có tác động lớn tới phương trình dự báo tiêu dùng tư nhân là lý thuyết chu kỳ sống và lý thuyết thu nhập thường xuyên. Theo các lý thuyết này, tăng tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tới tiết kiệm tư nhân, từ đó ảnh hưởng tới tiêu dùng tương lai. Phương trình của lý thuyết chu kỳ sống do Modigliani, Brumberg và Ando đưa ra như sau:
CONPRI = a * RNDrp + b * PATrp
trong đó PATrp là giá trị của tổng tài sản của khu vực tư nhân. Theo lý thuyết này, người dân luôn luôn muốn ổn định chi tiêu trong toàn bộ cuộc đời, kể cả khi về hưu, do đó tiêu dùng tư nhân không chỉ phụ thuộc vào thu nhập hiện tại mà còn vào cả tổng giá trị tài sản tích luỹ của họ.
Lý thuyết thu nhập thường xuyên do Milton Friedman khởi xướng lại cho rằng gia đình có mong muốn tiêu dùng ổn định, nhưng thu nhập không ổn định. Hậu quả là tiêu dùng không chỉ là hàm của thu nhập hiện tại mà còn là hàm của thu nhập trung bình mong đợi trên một khoảng thời gian dài; chỉ tiêu đại diện cho thu nhập này là thu nhập thường xuyên. Căn cứ vào quá trình thích nghi trong dự báo kinh tế, có thể thấy thu nhập thường xuyên là trung bình trọng số của thu nhập sẵn có quá khứ với trọng số giảm dần. Sau một số phép tính, chúng ta sẽ đi đến mô hình sau:
CONPRI(t) = a * RNDrp(t) + b * CONPRI(t-1)
trong đó CONPRI(t-1) là tiêu dùng tư nhân của năm trước. Hệ số a là giá trị cận biên của tiêu dùng ngắn hạn; còn a/(1-b) là giá trị cận biên của tiêu dùng dài hạn.
          Trong các mô hình kinh tế lượng vĩ mô ở các nước đang phát triển, do việc xác định chỉ tiêu thu nhập sẵn có của khu vực cá nhân rất khó khăn nên người ta thay thế chỉ tiêu này bằng chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước với hàm ý rằng thu nhập sẵn có của khu vực cá nhân có quan hệ tỷ lệ thuận với tổng sản phẩm trong nước. Do đó, ngoài 2 phương trình trên, còn một phương trình dạng khác cũng được sử dụng khá phổ biến, được xây dựng theo cách đơn giản hoá từ phân tích thuế và thoả mãn một phần những đòi hỏi của hai lý thuyết trên. Đó là:
CONPRI(t) = a * (GDP - TAX)
trong đó TAX là thuế nộp vào ngân sách nhà nước. Theo tiếp cận này, sẽ không phải tính thu nhập thường xuyên hoặc hiện tại, cho phép đơn giản hoá quá trình tính toán vì việc thu thập số liệu tính hai chỉ tiêu này thường rất khó khăn.
          Đối với trường hợp mô hình VEM ở đây, chúng ta sẽ đi theo tiếp cận của Keynes, trong đó tiêu dùng cá nhân được xác định từ thu nhập và thuế. Tuy nhiên, vì các số liệu  thống kê về thu nhập của ta còn chưa rõ ràng và đủ độ tin cậy nên ở đây sẽ sử dụng chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước đã trừ đi phần đóng thuế cho chính phủ làm chỉ tiêu thay thế. Cách làm này cũng được sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển trong xây dựng các mô hình gộp lớn như trường hợp mô hình đang xây dựng ở đây. Do đó chúng ta sử dụng phương trình sau trong mô hình:
          CONPRI = f (GDP - REVGO/PRICE*100; CONPRI(-1))
trong đó CONPRI là tiêu dùng cá nhân, tính theo giá cố định; REVGO là tổng thu ngân sách của chính phủ tính theo giá hiện hành. Phương trình trên thể hiện quan điểm của lý thuyết Keynes cho rằng tiêu dùng của các hộ gia đình thuộc khu vực tư nhân được xác định bởi thu nhập sẵn có của họ, tức là từ tổng GDP trừ đi phần thuế đã nộp cho Nhà nước. Trong trường hợp các nước công nghiệp, người ta còn bổ sung các biến đại diện cho tín dụng tiêu dùng, nghĩa là các ngân hàng ứng trước tiền cho khu vực tư nhân để người dân tiêu dùng.
          Như vậy, trong mô hình VMEM, khi nền kinh tế chưa sử dụng hết khả năng sản xuất, tổng cầu sẽ xác định mức sản xuất trong khi sản xuất xác định mức đầu tư và tạo ra thu nhập sẵn có của dân cư. Đến lượt mình, thu nhập sẽ xác định tiêu dùng cá nhân, và đây chính là một trong những thành phần quan trọng nhất của tổng cầu. Chính quan hệ chu trình này là nguồn gốc của khái niệm nhân tử trong học thuyết trọng cầu của Keynes.
          (25) Tổng quỹ tiêu dùng cuối cùng:
          Trong mô hình của các nước đang phát triển, tiêu dùng chính phủ thường là biến ngoại sinh vì đây là một công cụ chính sách vào loại quan trọng nhất của Chính phủ để tác động vào nền kinh tế. Theo lập luận của trường phái Keynes và một số nhà kinh tế thuộc trường phái tân cổ điển, do nắm trong tay chính sách tiền tệ và chính sách ngân sách, chính phủ có thể quyết định mức chi tiêu ngân sách cho đầu tư và tiêu dùng căn cứ vào dự báo những biến động của tình hình kinh tế nhằm đưa nền kinh tế trở về thế phát triển ổn định, bền vững và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng. Vì vậy, các chính sách tiền tệ và tài khoá còn được gọi là những chính sách điều chỉnh kinh tế ngắn hạn, có tác dụng rất mạnh trong việc chống tính chu kỳ nóng, lạnh của các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
          Trên thực tế, tại các nước đang phát triển, bên cạnh nguồn tài chính trong nước, các chính phủ còn có thể huy động nguồn tài chính bên ngoài để đầu tư và tiêu dùng, nhất là nguồn vốn ODA và các loại viện trợ không hoàn lại; do đó, Chính phủ có thể chủ động trong chi tiêu theo mục tiêu của mình.
Trong mô hình ở đây, chúng ta sẽ để tiêu dùng chính phủ là biến ngoại sinh. Điều này là phù hợp với phương thức quản lý kinh tế của Nhà nước ta. Với việc để biến tiêu dùng chính phủ làm biến ngoại sinh, chúng ta có thể mô phỏng và đánh giá được vai trò của chính sách kích cầu của chính phủ trong những năm gần đây.
          Vì tiêu dùng chính phủ là biến ngoại sinh, quỹ tiêu dùng cuối cùng toàn xã hội sẽ được xác định trực tiếp từ tính tổng tiêu dùng cuối cùng cá nhân và tiêu dùng cuối cùng  của chính phủ:
          CONSO = CONPRI + CONGO
trong đó CONGO là tiêu dùng cuối cùng của chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét