Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

(13) Phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô đến năm 2010

Bài viết cũ của tôi năm 2004:
Phân tích, dự báo một số khả năng phát triển kinh tế đến năm 2010
CHƯƠNG III
SỬ DỤNG MÔ HÌNH VMEM-2004 ĐỂ DỰ BÁO MỘT SỐ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA ĐẾN NĂM 2010
          Trong chương II, chúng ta đã xây dựng xong mô hình kinh tế lượng quý VMEM đảm bảo những tiêu chuẩn về mặt thống kê toán và có thể được sử dụng để phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo phát triển. Thông thường sau khi xây dựng, mô hình kinh tế lượng sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích trong đó có ba mục đích sau:
          - Phân tích một số cơ chế kinh tế thông qua mô hình;
          - Mô phỏng ảnh hưởng của một số biến ngoại sinh và biến chính sách chính tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô (mô phỏng nhân tử);
          - Thử nghiệm dự báo tăng trưởng và phát triển.
          Do mục tiêu của đề tài này chỉ tập trung vào dự báo một số chỉ tiêu vĩ mô chính đến năm 2010 và thời gian thực hiện đề tài rất hạn chế nên dưới  đây chỉ xin trình bày một số kết quả dự báo đến năm 2010 trên cơ sở sử dụng mô hình VMEM-2004.
MỤC I: CHUẨN BỊ THÔNG TIN CHO QUÁ TRÌNH DỰ BÁO
          Khâu chuẩn bị các thông tin cho quá trình dự báo bao gồm 2 bước đầu của quy trình dự báo: Dự báo các biến ngoại sinh và dự báo các sai số. Yêu cầu đặt ra là các dự báo biến ngoại sinh phải khớp nhau; gồm khớp về xu hướng (cùng mở rộng hay cùng co hẹp) và khớp với xu thế trong quá khứ (không tạo ra những đột biến quá lớn).
1) Phương pháp dự báo các biến ngoại sinh:
          Dự báo các biến ngoại sinh bao gồm dự báo các biến ngoại sinh thuần tuý và dự báo các biến ngoại sinh chính sách. Có nhiều phương pháp để dự báo các biến ngoại sinh, trong đó những phương pháp được sử dụng rộng rãi là dự báo theo các mô hình toán học khác, dự báo theo ý kiến chuyên gia và ngoại suy theo xu thế; trong đó dự báo theo hai phương pháp đầu được coi là có độ tin cậy cao nhất và thường được ưu tiên sử dụng tại các nước có trình độ mô hình hoá tương đối cao. Phương pháp thứ ba thường chỉ được sử dụng đối với các biến ngoại sinh không quan trọng.
Trong thực tế, việc sử dụng phương pháp đầu rất ít được sử dụng ở nước ta vì ở nước ta, số mô hình kinh tế lượng còn rất ít; hơn nữa tất cả các mô hình đến nay đều không được chạy thường xuyên để đưa ra và công bố những dự báo mới nhất. Như vậy cần xây dựng các mô hình khác mà điều này rất phức tạp đối với người lập mô hình kinh tế lượng vĩ mô. Ở các nước khác, tồn tại sẵn nhiều mô hình dự báo cho các lĩnh vực khác nhau nên có thể trực tiếp sử dụng kết quả dự báo của các mô hình khác (ví dụ dự báo lãi suất được lấy từ mô hình của Ngân hàng Nhà nước, dự báo dân số và nguồn lao động được lấy từ mô hình dự báo của Bộ Lao động, dự báo giá xuất nhập khẩu được lấy từ mô hình của Bộ Thương mại...).
Việc sử dụng phương pháp chuyên gia cũng rất hạn chế vì thông thường kinh phí dành cho mục tiêu xây dựng mô hình đều rất hạn hẹp nên không có đủ kinh phí trả cho các chuyên gia; hơn nữa thông tin dự báo thay đổi rất nhanh nên cần có sự phối hợp rất tốt giữa các chuyên gia và đội ngũ làm mô hình, mà điều này đến nay ở nước ta việc thực hiện còn rất kém.
Do đặc điểm công tác mô hình hoá kinh tế lượng ở nước ta, chúng tôi sẽ chủ yếu sử dụng các phương pháp thứ hai và thứ ba trong dự báo các biến ngoại sinh cho mô hình VMEM-200004. Đối với một số chỉ tiêu quan trọng, chúng tôi kết hợp dự báo xu thế với sử dụng ý kiến chuyên gia, trong đó coi trọng ý kiến chuyên gia. Đố với các chỉ tiêu khác, chúng tôi chọn kỹ thuật kinh tế lượng làm công cụ chính căn cứ vào độ tốt của các phương trình xác định các biến ngoại sinh.
2) Dự báo các biến ngoại sinh thuần tuý (biến ngoại sinh không phải là chính sách của Chính phủ)
Trong mô hình VMEM-2004, có coi một số biến sau đây là biến ngoại sinh thuần tuý (tức là các biến mà khả năng can thiệp của Nhà nước làm thay đổi giá trị của chúng rất thấp): thay đổi giá nhập khẩu năm sau so với năm trước (INPIM), thay đổi giá xuất khẩu năm sau so với năm trước (INPEX), tốc độ tăng trưởng GDP của 21 nước bạn hàng chính, sai số trong cân đối sử dụng GDP theo giá cố định (SAI), chi ngân sách khác ngoài 3 khoản chi lớn, giá hiện hành (EXOTH), thu ngân sách từ các nguồn khác ngoài 3 nguồn chính (ROTH), chi ngân sách để trả nợ và viện trợ (PAYIN).
Nhìn vào danh sách các biến được coi là ngoại sinh thuần tuý ở trên, có thể thấy phần lớn chúng đều phụ thuộc vào môi trường kinh tế quốc tế, do đó việc dự báo chúng phải căn cứ vào dự báo biến động của kinh tế thế giới. Vì mô hình được xây dựng với chuỗi số liệu đến năm 2004 nên để dự báo cho các năm đến năm 2010, cần phải dự báo triển vọng kinh tế thế giới các năm 2005-2010.
2.1) Dự báo triển vọng kinh tế thế giới đến năm 2010
a) Triển vọng kinh tế các nước công nghiệp
Theo tính toán của phần đông các nhà kinh tế thế giới, mặc dù phải chịu sức ép của nguy cơ khủng bố nhưng nước Mỹ vừa qua đã có những thay đổi lớn làm cho quá trình phục hồi kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới diễn ra nhanh hơn. Có thể nói năm 2004 la một năm thành công vượt bậc của nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế thế giới, trong đó nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tới 4,3%, thuộc loại cao nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ, và nền kinh tế thế giới tăng trưởng 4,8-5%, cao nhất kể từ khoảng 40 năm trở lại đây.
Điều đáng nhấn mạnh là nếu như các dự báo trước đây cho rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi rất chậm chạp thì thực tế đã diễn ra không phải như vậy. Hơn nữa, nhiều chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến khả năng tự thích nghi với tình hình khó khăn trong nước và quốc tế của nền kinh tế Mỹ cũng khả năng của các chính quyền Mỹ trong việc điều tiết nền kinh tế Mỹ hiện đại, vốn đang tăng trưởng dựa trên những cơ sở khá bền vững là dựa vào tri thức và công nghệ tin học. Điều này cũng có nghĩa là tính tự thích nghi của nền kinh tế và của chính quyền Mỹ rất cao.
Từ các nhận định trên, nếu như không có những tác động xấu bất ngờ khác trong khi chính sách kích cầu và khôi phục lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư được thực hiện tốt thì kinh tế Mỹ và thế giới có thể sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2005 như đã từng xảy ra tiếp theo các cuộc suy thoái kinh tế đã diễn ra trong lịch sử.
Bảng 11: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của các đối tác thương mại chính (%), phương án đưa vào dự báo cơ bản
NƯỚC (TÊN BIẾN)
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG 2005-2010
Nhật (JAP)
2.30
Pháp (FRA)
2.30
Singapo (SING)
4.50
Trung Quốc (CHI)
7.80
Hồng Kông (HON)
4.60
Mã lai xia (MAL)
6.00
Philippin (PHIL)
4.50
Thái Lan (THA)
5.80
In đô nê xia (INDO)
5.40
Đài Loan (TAIW)
4.30
Hàn Quốc (CORE)
4.40
Hoa Kỳ (USA)
3.50
Cam Phu Chia (CAM)
2.40
Nga (RUS)
6.60
Anh (ENG)
2.50
Bỉ (BEL)
2.30
Đức (GERM)
1.80
Hà Lan (HOLAN)
1.80
I ta lia (ITA)
1.90
Thuỵ Sĩ (SUIZ)
2.20
Ôxtrâylia (OXTR)
3.40

Mặt khác, có thể thấy tiềm năng duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao của nền kinh tế Mỹ còn rất lớn. Thứ nhất, chính phủ Mỹ còn rất nhiều khả năng để khôi phục lòng tin, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư vì hiện nay phạm vi sử dụng lãi suất, thuế, chi tiêu công cộng còn rất lớn; trên thực tế, chính phủ Mỹ và các nước công nghiệp phát triển đã liên tục có nhiều phản ứng tích cực để khôi phục lòng tin. Thứ hai, theo phân tích của các tổ chức chuyên về cạnh tranh quốc tế, nền kinh tế Mỹ vẫn rất năng động và duy trì được sức cạnh tranh cao, do đó sau khi bị suy thoái nước Mỹ đã đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế tạo thêm những xung lực để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, bản chất của người Mỹ là lạc quan, do đó trong điều kiện thuận lợi hiện nay, họ càng chú trọng đầu tư phát triển; thực tế năm 2003 và năm 2004 đã cho thấy ngay trong điều kiện rất khó khăn, kinh tế Mỹ vẫn phục hồi rất nhanh và tăng trưởng mạnh. Thứ ba, kinh tế Mỹ là đầu tầu của kinh tế thế giới, do đó các quốc gia giàu có khác sẽ phải hợp sức giúp đỡ chính phủ Mỹ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao để tạo đà phát triển chung cho toàn thế giới.
Trên cơ sở những nhận định trên, chúng tôi đã lựa chọn phương án dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2005 trên cơ sở các tài liệu tháng 11/2004 của Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới và một số nguồn khác. Phương án cơ bản về tăng trưởng kinh tế của các nước công nghiệp cho giai đoạn 2006-2010 được giữ ở mức bằng năm 2005, cụ thể như sau (xem bảng 11).
b) Triển vọng kinh tế khu vực Đông á
Sau khủng hoảng kinh tế gay gắt vào năm 1997 và 1998, các nền kinh tế Đông Á đã có sự phục hồi đáng kể trong hai năm 1999 và 2000. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của khu vực Đông Nam á đạt gần 6% năm 2000, vượt xa các dự báo, trong đó ấn tượng nhất là Malaixia 8,8%, Singapo 9,9%, Hàn quốc 8,8%, Trung quốc 8,0% và Việt Nam 6,7%. Nguyên nhân chính của quá trình phục hồi đầy ấn tượng trên là môi trường bên ngoài thuận lợi và kết quả của những biện pháp cải cách kinh tế mạnh trong mỗi nước. Môi trường bên ngoài thuận lợi thể hiện ở sự tăng lên rất nhanh của thương mại thế giới và nhu cầu nhập khẩu của các nước công nghiệp, trước hết là Mỹ và khối Tây âu. Những biện pháp cải cách chủ yếu trong nước gồm kích cầu nội địa, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và khu vực doanh nghiệp, đổi mới các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài...
Đáng tiếc là sau khi đạt được tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong hai năm 1999-2000 nhờ những điều kiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu đặc biệt tốt và kết quả của những cải cách cơ cấu sau khủng hoảng, khu vực này đã phải đối mặt với suy giảm nhanh tốc độ tăng trưởng từ cuối năm 2000 và kéo dài suốt trong năm 2001. Những nguyên nhân chính của bước suy giảm trên là: (1) Hệ thống ngân hàng Châu á đang yếu đi nhanh trong khi nợ công cộng lại tăng nhanh trong quá trình cơ cấu lại khu vực tài chính và công ty; vấn đề nợ sẽ càng trở nên nghiêm trọng khi tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng trong khu vực kéo dài; (2) Xuất khẩu, nhân tố đóng vai trò quyết định trong quá trình phục hồi kinh tế tại khu vực, đã phát triển chậm lại; (3) Tiêu dùng nội địa cũng chậm lại do các nước lo ngại nguy cơ tái lạm phát; (4) Tình hình chính trị tại nhiều nước trong khu vực không ổn định.
Những biến động trên thị trường quốc tế thập kỷ vừa qua đã chứng tỏ kinh tế châu á, nhất là công nghiệp châu á phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ. Mặc dù buôn bán liên khu vực châu á chiếm từ 38-42% tổng khối lượng hàng hoá trao đổi, nhưng thị trường khu vực đã đến mức bão hoà. Do hậu quả của khủng hoảng tài chính vừa qua, tình trạng cung vượt cầu đã và đang diễn ra gay gắt trong thị trường các nước châu á. Ngân hàng Phát triển châu á còn cho rằng khu vực này chưa đạt đến độ chín về hoạt động kinh tế nên cần phải có người đõ đầu, và người đó phải là Mỹ. Khi kinh tế Mỹ gặp khó khăn thì tăng trưởng của hệ thống kinh tế châu á sẽ chậm lại rất mạnh.
Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây của Liên hợp quốc và các tổ chức tài chính quốc tế cho rằng các nước khu vực đông Nam á đang tiến dần tới có thể phản ứng tốt hơn so với giai đoạn khủng hoảng 1997-98, tức là khả năng phục hồi lại sẽ nhanh hơn. Thực tế cho thấy từ năm 2002 và nhất là trong năm 2004, các nền kinh tế này mới dần dần lấy lại đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước Đông á đã tăng lên rất mạnh trong năm 2004, kể cả kinh tế Nhật vốn rất ì ạch trước đây (tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật năm 2001 là 0,4%, năm 2002 là -0,3%, năm 2003 là 2,7% và năm 2004 là 4,3%).
Khả năng phát triển trung hạn từ nay đến năm 2010 của các nước khu vực Đông á phụ thuộc rất lớn vào tăng cầu nội địa và khả năng phát triển kinh tế Mỹ, Nhật Bản và một số nước công nghiệp khác. Thực tế, phục hồi kinh tế Hàn quốc đã diễn ra mạnh từ năm 1999 đến nay chủ yếu dựa trên xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng dệt may; nhưng từ nay quá trình phục hồi này sẽ chỉ được tiếp tục nếu cầu nội địa phát triển do xuất khẩu không thể tiếp tục tăng nhanh như trước. Tăng trưởng các năm 2005-2010 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tính động của các thành phần cung nội địa, nhất là thương mại và dịch vụ; nhờ sự năng động của khu vực này, tốc độ tăng trưởng có thể tiếp tục được duy trì bất chấp các hoạt động công nghiệp giảm dần.
Một số ý kiến cho rằng quá trình tăng trưởng kinh tế thế giới từ giữa năm 2003 đến nay phụ thuộc rất lớn vào biến động giá thế giới (nhất là giá dầu thô) theo hướng tăng lên do hậu quả của chiến tranh do Mỹ phát động. Việc tăng giá này sẽ kéo theo tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, làm giảm cầu nước ngoài và cầu nội địa ở các nước Đông á, gây ảnh hưởng bất lợi tới quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, nguy cơ này không nhiều vì ngay trong 2 năm giá dầu mỏ cao nhất (năm 2003 và 2004), tốc độ tăng trưởng kinh tế châu á vẫn rất khả quan. Nhìn về tương lai, Ngân hàng thế giới dự báo giá dầu thô sau đỉnh cao vào năm 2004 sẽ giảm dần qua các năm trong 2 năm 2005-2006 và ổn định trong năm 2007.
Triển vọng kinh tế các năm tới của khu vực còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đồng đô la. Trong những năm qua, các đồng tiền trong khu vực đã yếu đi, vừa do đồng đô la mạnh lên, vừa do những bất ổn về chính trị tại nhiều nước. Tuy nhiên so với thời điểm năm 1997, hiện nay các đồng tiền này đã lên giá trở lại, nhất là sau cuộc khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001. Hiện nay, các đồng tiền trên thế giới trong đó có các đồng tiền trong khu vực Đông á đang lên giá mạnh so với đồng USD.
Do các đồng tiền châu á đang được đánh giá cao nên những căng thẳng lạm phát do giá thế giới tăng đang được kiểm soát. Dự trữ ngoại tệ cũng đang được duy trì ở mức cao và liên tục tăng lên. Tỷ lệ lạm phát giảm, cho phép hạ dần lãi suất về mức bình thường. Nhìn chung, tỷ giá tiếp tục là chiếc neo duy trì sự ổn định của hệ thống tiền tệ và giá cả. Mặt tiêu cực của việc các đồng tiền trong khu vực lên giá so với đô la Mỹ là xuất khẩu có nguy cơ giảm mạnh trong 2 năm tới. Mặc dù vậy, nhìn chung, môi trường kinh tế vĩ mô khu vực có khả năng ổn định, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển.
          Trong bối cảnh quốc tế và khu vực như vậy, có thể dự đoán tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực năm 2005 sẽ giảm nhẹ so với năm 2004 để trở về tốc độ tăng trưởng tiềm năng; sau đó, kể từ năm 2006, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực sẽ phát triển ổn định dựa trên các nhân tố tăng trưởng trung hạn, trong đó nổi lên là: Đông á đã trở nên cởi mở hơn cả về chính trị và kinh tế, trong đó các chính phủ đều cam kết phát triển hướng vào khu vực tư nhân, những nhân tố này sẽ làm cho các nước trong khu vực ổn định hơn và có khả năng phát triển bền vững hơn. Nhiều cải cách tiếp tục được tiến hành trong bối cảnh là khu vực có truyền thống về duy trì được những tỷ lệ cao về tiết kiệm tư nhân, đầu tư nội địa, đầu tư cho y tế, giáo dục, con người, phát triển hướng ngoại và quyết tâm xoá đói giảm nghèo. Căn cứ vào những diễn biến kinh tế đến cuối năm 2004, có thể dự báo kinh tế khu vực châu á năm 2005 sẽ tăng trưởng thấp hơn một chút so với năm 2004 và sẽ tăng trưởng ổn định ở mức tiềm năng đó kể từ năm 2006 đến năm 2010. Số liệu về khả năng tăng trưởng này của các nền kinh tế châu á được nêu trong bảng 12 ở trên.
2.2) Dự báo giá trị của các biến ngoại sinh thuần tuý khác
Từ các dự báo triển vọng kinh tế thế giới theo năm nêu trên, sẽ xác định được chỉ số trung bình trọng số của chỉ số tăng trưởng GDP của các nước bạn hàng chính (biến QE). Các chỉ tiêu khác như chi ngân sách để trả nợ và viện trợ, chỉ số giá nhập (INPIM), chỉ số giá xuất (INPEX)... được xác định dựa theo xu thế phát triển quá khứ có tính đến những đặc trưng tiến triển gần đây của chúng. Các kết quả này được dùng làm đầu vào để mô phỏng các dự báo (xem phụ lục số liệu).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét