Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Vòng đời

Vòng đời
FB Nguyễn Quốc Văn • Hai đứa hý hoáy xé lá mít, bẻ các gai tre làm được sáu bảy con trâu. Trẻ mục đồng thì tôi nặn bằng đất sét. Con gái, con trai cưỡi trâu đi đám cưới, việc này xưa nay chưa từng xảy ra ở làng. Cứ gọi là nhất!

Ngồi vắt vẻo trên mình trâu, chợt nhớ lời hẹn, tôi vội nhảy xuống đất, sà vào vườn nhà thằng Nhự ngắt một nắm lá mít, với tay bẻ một cành tre gai. Cái Đào tay cầm sợi dây thừng, lò cò nhảy qua các bậc thang trên đường. Con trâu cái nhà nó chậm rãi thả từng bước ngắn ở phía sau.

Tới cồn Tròn, mặc cho đôi trâu quấn quýt gặm cỏ bên nhau, tôi và Đào ngồi khuất sau cái sinh phần của cụ tằng tổ làng bày trò chơi đám cưới trâu.

- Thế ta phải làm đám như thế nào hả anh? Đào băn khoăn.

Tôi ngớ ra:

- Ơ, vậy mà anh cứ ngỡ là em biết hết cả rồi kia đấy!

Thấy Đào lộ rõ vẻ thất vọng, tôi an ủi:

- Hay là ta bắt chước đám cưới anh Cu lấy chị Xoan? Được không?

Đào cúi mặt xuống, giọng buồn buồn:

- Không được! Vì mỗi lần nhớ lại mấy cái roi, em đã muốn khóc rồi!

Nhớ hôm đám cưới anh Cu, nhà trai bị trẻ trâu ngăn ngõ bằng một ngọn rào tre. Anh Cu đã đưa một cọc tiền xu, nhưng thằng Nhự bảo chưa đủ, nhất định không chịu mở lối đi. Láu cá hơn, nó đẩy cái Đào ra phía trước, rồi đứng ở phía sau, leo lẻo đòi thêm. Anh Cu nằn nì thế nào nó cũng không nghe. Vốn cục tính, lại sợ quá giờ tốt thì không đón được dâu, anh Cu mặt đỏ bừng bừng, tay bẻ rắc một cành rào, quật tới tấp xuống đất. Ý của anh chỉ để hù dọa, ai ngờ tôi và Đào không chịu chạy, mỗi đứa bị một roi, vừa chạy về nhà vừa hu hu khóc. Giận anh Cu, lúc đón dâu, cái Đào cứ níu lấy áo chị nó. Đám cưới mất cả vui.

Còn đang chưa biết phải làm như thế nào thì Đào đã reo lên:

- Em nhớ ra rồi! Ở trên tường nhà em có bức họa đám cưới chuột.

Hiểu ý Đào, tôi cười:

- Ờ nhỉ, có thế mà anh không nghĩ ra được! Phải rồi, trâu với chuột bốn chân. Hay đấy! Hì hì...

Hai đứa hý hoáy xé lá mít, bẻ các gai tre làm được sáu bảy con trâu. Trẻ mục đồng thì tôi nặn bằng đất sét. Con gái, con trai cưỡi trâu đi đám cưới, việc này xưa nay chưa từng xảy ra ở làng. Cứ gọi là nhất!

- Ô hay, thế thì thành đám cưới người rồi anh ạ! Đào chun mũi cười.

- Ừ, em xem cô dâu chú rể giống những ai nào?

Đào cười rúc rích:

- Hao hao dáng em. Bé như cái kẹo ấy!

Lấy tay che miệng, liếc nhanh về phía tôi, Đào khẽ nói:

- Mà chú rể thì... giống anh quá.

Rồi Đào bảo:

- Anh giả anh Cu, em làm chị Xoan thì cứ gọi là y hệt!

- Ừ - Tôi nói và nắm lấy tay Đào -Trưa rồi, u em vo gạo nấu cơm đi chứ. Xong thì chạy sang nhà ông Nhự mua cho tôi cút rượu nhé!

- Hết gạo rồi bố nó ạ! Hay là để tôi vác rá sang vay u?

- Vay? Vợ chồng mới cưới đã đi vay! Đẹp cái mặt nhỉ!

- Thôi thì bố em đợi tôi một lát. Tôi ra đồng kiếm mớ cá. Mấy hôm nay con nước cạn, gì mà chẳng kiếm nổi bữa bún?

Tưởng đùa, không ngờ Đào đi mò cá thật. Được một xâu, cô xuống chợ Phố đổi bún và mắm tôm. Chấm chấm mút mút xong, hai đứa nằm bên nhau, ngửa mặt lên trời đánh một giấc dài. Đôi trâu không có người trông, thung dung lội xuống ruộng nhà Đào, ăn trụị một đám lúa to bằng ba cái chiếu.

Những ngày sau, tự nhiên Đào cố ý lánh mặt tôi. Tìm gặp, hỏi thì Đào bảo:

- Em ngượng lắm! Chả chơi nữa! Nhỡ về sau phải lấy anh thì khổ!

- Sao vậy? - Tôi dồn.

- Anh chưa biết chuyện chị Xoan bỏ anh Cu về nhà rồi à? Anh Cu ác lắm, tối nào anh ấy cũng đánh vợ hai ba lượt! Chị Xoan sợ...

- Nhưng anh không giống anh Cu! Anh thề sẽ không động đến lông chân em! Tôi quả quyết hứa.

Đào im lặng một lát rồi buồn buồn bảo:

- Thế thì anh sẽ chẳng bao giờ lấy em...

Sau cái lần nói chuyện chẳng đâu vào đâu ấy, chúng tôi càng ngày càng thân nhau hơn. Như một đôi bạn trai vậy. Chuyện cũ chưa ai quên. Nhưng ai nấy đều cố tỏ ra mình không nhớ những gì đã xảy ra vào cái đám cưới trâu hôm nào.

Lớn lên, đúng vào lúc chiến tranh bùng nổ, cùng với bao trai tráng trong làng, tôi lên đường ra mặt trận. Những năm tháng hào hùng của đời tôi vụt trôi qua như một giấc mơ. Tôi bị sốt rét trọc cả đầu, lại bị thương, nên được đưa về hậu phương điều trị. Ít lâu sau đó, tôi trở về làng với tấm thẻ thương binh hạng hai. Vào thời gian này, Đào hầu như ngày nào cũng có mặt ở nhà tôi. Cô chăm sóc tôi như một người em gái. Về phía tôi, tôi cũng coi Đào như em vậy. Chuyện ngày xưa coi như đã trở thành dĩ vãng. Xa lắc...

Năm hai mươi chín tuổi, tôi yêu một người con gái làng bên kém tôi tám tuổi. Tôi đem chuyện hệ trọng ấy hỏi ý kiến Đào. Cô khen người yêu tôi đẹp người đẹp nết, và khuyên tôi nên cưới cô ấy làm vợ. Tôi chỉ không hiểu nổi vì sao sau khi khuyến khích tôi lấy vợ, Đào lại khóc. Hỏi, cô cứ nằng nặc nói là mừng quá!

"Ờ, mừng quá, người ta cũng có thể khóc được lắm chứ !" - tôi vô tình nghĩ.

Còn Đào, mặc cho Nhự theo đuổi đã mấy năm trời, mặc cho tôi tốn không biết bao nhiêu lời vun vào cho họ, cô vẫn cứ dấm da dấm dẳng chưa dứt khoát.

Mãi đến khi vợ chồng tôi có hai mặt con, Đào và Nhự mới cưới nhau. Họ sinh được một bé gái rất kháu khỉnh, đặt tên là Mít. Hai thằng con trai của tôi quý em bé như vàng. Có đồ chơi đẹp hay quà bánh ngon, chúng đều nhắc nhau để phần cho con bé.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Mấy đứa trẻ lớn bổng lên từ lúc nào. Cũng như chúng tôi ngày xưa, chúng lại í ới rủ nhau đi chăn trâu giúp bố mẹ. Dĩ nhiên, ở độ tuổi thơ ngây ấy, chúng chẳng thiếu các trò chơi.

Nhà tôi và nhà vợ chồng Nhự chỉ cách nhau một cái ao nhỏ; thế mà, đã nửa năm nay, tôi chưa có dịp nào để gặp gỡ, nói chuyện riêng với Đào.

Vào buổi sáng nay, đang cuốc vườn, bỗng thấy Đào cắp rổ đi ngang qua, tôi mừng lắm. Không để tôi kịp ngỏ lời thăm hỏi, Đào đứng ngoài dậu, nói với vào:

- Em nói bác đừng giận! Em đã cấm cái Mít chơi với anh em thằng Cún nhà bác rồi đấy! Bác nhớ đe nẹt các cháu cho em nhờ!

Tôi bỏ cuốc, tròn mắt vì ngạc nhiên, bối rối xoa xoa tay:

- Cô buồn cười thật! Trẻ con chúng nó chơi với nhau, sao lại cấm?

Đào đến sát dậu, bảo:

- Bác xem đây này! Khổ chưa?

Rồi, cô ngồi xuống, bỏ vội mấy bó rau muống ra bên cạnh, úp nhanh cái rổ xuống đất. Bao nhiêu là trâu bò lá mít, trẻ mục đồng đất sét tung tóe trên vạt cỏ xanh.

Tôi chợt hiểu, đứng ớ người ra. Thì ra, cho đến bây giờ, Đào vẫn còn bị cái đám cưới trâu năm xưa ám ảnh. Và, cô sợ! Sợ cái vòng đời luẩn quẩn kia! Biết đâu đấy, nó sẽ còn quay lại? Có lẽ vì thế chăng mà cô hốt hoảng đến nỗi quên cả mấy bó rau, cắp vội cái rổ rỗng không lên, vùn vụt chạy như bị ma đuổi?

Nguyễn Quốc Văn

https://sputniknews.vn/20230927/tu-vu-dan-to-scb-cau-ket-manulife-lua-dao-viet-nam-bat-dau-manh-tay-25516385.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét