Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Rất dễ gặp phiền toái khi hộ chiếu không có nơi sinh

Đồng tình với bài này.
Người Việt Nam rất dễ gặp phiền toái khi hộ chiếu không có nơi sinh
30/07/2022 - PNO - Chỉ có tên họ dễ trùng hợp người này với người kia. Có thêm ngày sinh và nơi sinh thì xác suất trùng hợp chắc là dẫn đến bằng không.
Ở miền Nam do lịch sử để lại nên một người có 3, 4 giấy khai sinh, với nhiều tên khác nhau không hiếm. Ngày sinh thật sự của nhiều người không chính xác. Khi hỏi tuổi người nào đó (tầm 40-50 trở lên) người ta thường hỏi tuổi thiệt hay tuối giấy tờ. Chênh lệch giữa 2 loại tuổi này, lúc cao hơn lúc thấp hơn, đến 4, 5 năm là chuyện thường. Chiến tranh mà, chuyện có thể hiểu được.

Theo thông báo của Đức, hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam bị thiếu thông tin nơi sinh

Giấy khai sinh phải có nơi sinh. Thường là ghi tên nhà bảo sinh như Bảo sinh viện Gò Công, nhà hộ sinh Huỳnh Thị A…. Ở đất nước xem trọng lý lịch xuất thân như ở Việt Nam người ta phân biệt sinh quán là nơi mình sinh ra, nguyên quán, nơi cha mình sinh ra và trú quán là nơi mình hiện đăng ký hộ khẩu thường trú. 

Thuở xa xưa con nhà nghèo ít ai có giấy khai sinh. Chỉ khi nào đi học trường công, nhà trường yêu cầu thì mới buộc phải có. Lúc đó gia đình mới đi làm giấy khai sinh. Giấy khai sinh của ba tôi, nơi sinh ở tận Sóc Trăng, nơi mà bà nội tôi chưa hề đặt chân đến. Chẳng qua ông ngoại của ba tôi khi ấy đi làm và có người quen ở đó, mới nhờ làm giấy khai sinh cho ba tôi để ông được đi học. May là cả đời ông, không ai yêu cầu xác minh nơi sinh trong giấy khai sinh của ông. Ông khai lý lịch nguyên, sinh và trú quán như nhau.

Thế giới hiện giờ phẳng hơn nhiều rồi. Tưởng rằng lý lịch không quan trọng mấy. Mới đây nước Đức không đồng ý cấp visa cho người Việt Nam mang hộ chiếu không ghi nơi sinh. Chẳng lẽ họ có nhu cầu về quê xác minh lý lịch? Tôi nghĩ lả không.

Có lần ra nước ngoài du lịch, đến sân bay, một số anh, em trong đoàn không được cảnh sát cửa khẩu cho qua, phải vào trong để xác minh thêm gì đó. Rồi cũng nhập cảnh được. Bây giờ nhớ lại mấy anh có tên Nguyễn Văn bị giữ lại để xác minh thêm. Người Việt Nam có nhiều người tên có chữ Nguyễn Văn thêm có dấu nữa (như tên Ba, Bá, Bả đều na ná như nhau), cảnh sát nước ngoài phân vân, buộc lòng phải xem xét thêm để khẳng định có nằm trong danh sách người bị cấm nhập cảnh hay không. Cho nên chỉ có tên họ dễ trùng hợp người này với người kia. Có thêm ngày sinh và nơi sinh thì xác suất trùng hợp chắc là dẫn đến bằng không. Mấy anh/chị cán bộ hộ tịch xã/phường cần chú ý rút kinh nghiệm khi làm thủ tục cấp giấy khai sinh, không được để 2 đứa bé giống nhau cả họ tên, ngày sinh và nơi sinh (sau này lớn lên dễ gặp rắc rối).

Trên đất nước Việt Nam này trong cùng một ngày có 2 người mới sinh ra được đặt tên giống nhau là hoàn toàn có thể. Tiếc rằng lúc ban hành mẫu hộ chiếu mới, Bộ Công an sao không chú ý đến đặc điểm tên người Việt Nam rất dễ trùng hợp này, đến đặc điểm tiếng Việt có dấu, người nước ngoài khó khăn trong việc đọc, phân biệt tên của người Việt Nam. 

Dù rằng có nhiều biện pháp để xác định có quyền nhập cảnh hợp pháp, nhưng để người Việt mất nhiều thời gian ở sân bay, bị đưa vào phòng riêng để làm rõ thêm không phải là hình ảnh tốt trong mắt người nước khác đang cùng chờ làm thủ tục nhập cảnh.

Nguyễn Huỳnh Đạt
https://www.phunuonline.com.vn/nguoi-viet-nam-rat-de-gap-phien-toai-khi-ho-chieu-khong-co-noi-sinh-a1469399.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét