Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Chuyện “Ngô Văn Dụ - Người Làng Rau”

Ông Ngô Văn Dụ (sinh năm 1947) nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Đảng... Giai đoạn ông có quyền lực cao nhất là từ khi vào Ban bí thư (năm 2009) và nhất là từ khi nắm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (năm 2011). Thời làm cán bộ nhà nước, tôi thỉnh thoảng có họp với ông Dụ, qua đó có một số ấn tượng tốt về ông như thông minh, khiêm tốn, rất kín đáo, giữ mình, nói năng nhẹ nhàng, chiết khúc, đúng trọng tâm trọng điểm, tôn trọng anh em dưới quyền. Trong bài này, tác giả viết ông vẫn giữ được những quyển nhật ký, những lá thư và những bài thơ, với bao nhiêu lời tâm sự chân thành, bao nhiêu nguồn cảm hứng và nỗi suy tư, kể từ khi còn học phổ thông, học đại học, ra công tác đến khi vào quân ngũ..., chứng tỏ ông là một quan chức điển hành của thế hệ thời bao cấp. Giá ông có bằng tiến sĩ và thỉnh thoảng xuất hiện trên diễn đàn thì có thể coi là một nhân sĩ trí thức. Tiếc thay đấy là những ấn tượng tốt về thời ông làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Còn thời ông làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì ông quá giữ gìn nên để phe cánh Nguyễn Tấn Dũng mặc sức tung hoành, coi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chì là tượng đất..., thì tôi thật buồn cho ông. Điều này dễ hiểu vì thế lực của Dũng lúc đó mạnh quá, đến bác Trọng và bác Sang còn phải bất lực, gạt lệ đau xót đứng nhìn, thì ông chả là cái đinh gì. Thế nên có thể coi ông Dụ là nhân sĩ không gặp thời. Cũng buồn là các bác, các ông đều có phốt, tham lam và không đoàn kết nên mới khiếp sợ Dũng như thế. Tuy nhiên, từ năm 2015 tôi nghe người ta nói về việc ông lo cho con rể làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam (2014, khi 39 tuổi), Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng (2016) và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018); tiếp đến lại nghe anh em bàn tán chuyện cha con ông có liên quan chặt chẽ với BOT Cai Lậy (Tiền Giang) bẩn thỉu (bị đình chỉ thu phí từ ngày 14/12/2017 đến nay vì bị người dân phản đối dữ dội)... thì tôi thấy không còn cảm tình gì với ông nữa. Giờ ông lại ra hồi ký, dù là để nhà báo viết hộ cho "khách quan", nhưng với một người như ông, không có gai góc như người khác, tức là ít chuyện, ít sinh sự, không dám đấu tranh, không dám nói thẳng nói thật, tư cách lại như thế, thì chẳng hiểu hồi ký của ông có gì hấp dẫn mà phải dày tới 500 trang ? Chắc sách ra chỉ để ông tặng các ông bạn bè già !!!
Sách mới: “Ngô Văn Dụ - Người Làng Rau”
LĐO | 06/10/2019 | Hãy sống sao cho mỗi ngày ta đã sống trở thành quá khứ của ngày mai, cái quá khứ nếu không phải là điều tự hào thì ít nhất cũng không phải là điều làm ta ân hận” – nhật ký ngày 1.8.1965 của Ngô Văn Dụ. Trong ảnh: Đồng chí Ngô Văn Dụ phát biểu tại buổi ra mắt tập ký.

Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt tập ký Ngô Văn Dụ – Người Làng Rau, cuốn sách dày ngót 500 trang viết về cuộc đời thời tuổi trẻ của đồng chí Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Dưới ngòi bút tài hoa của một nhà văn lão luyện trong nghề, chân dung trong quá khứ của một cán bộ lớn của Đảng hiện lên sinh động, chân xác, đẹp đẽ nhưng vẫn vô cùng bình dị, gần gũi.

1. NXB Hội Nhà Văn nhận định, văn học Việt Nam trong vài thập niên gần đây xuất hiện một mảng sách hồi ký, nhật ký, tự truyện, ký chân dung... khá rầm rộ và thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của bạn đọc. Nhiều cuốn hồi ký thực sự là nguồn sử liệu quan trọng cho các thế hệ mai sau khi tìm hiểu về cuộc đấu tranh oanh liệt của cha anh. Không ít cuốn hồi ký đã mang đến cho bạn đọc sự hiểu biết sâu rộng về thời cuộc, lịch sử và đất nước. Đóng góp của mảng sách này cho văn học nói riêng và cuộc sống nói chung là điều rất đáng được ghi nhận.

NXB Hội Nhà Văn, với sứ mệnh của một nhà xuất bản lớn luôn tiên phong giới thiệu các tác phẩm văn học có giá trị, trong nhiều năm qua, cũng đã cho ra đời những cuốn hồi ký, tự truyện có tác động lớn đến xã hội. Đó là Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật ký chiến trường của Chu Cẩm Phong, Tôi nghe tôi hát của nữ thương binh Trần Duy Phương, Để gió cuốn đi của nữ ca sĩ nổi tiếng Ái Vân, Nơi ấy là chiến trường của Phạm Quang Nghị... Và bây giờ là tác phẩm Ngô Văn Dụ – Người Làng Rau của Trần Quang Quý.

2. Tác giả cuốn sách, nhà thơ Trần Quang Quý chia sẻ:

Mãi tới đầu năm 2017 tôi mới gặp anh Ngô Văn Dụ, lúc anh đã “trút áo từ quan” được gần một năm. Là nói kiểu văn nghệ, anh nghỉ hưu như bao công chức bình thường khác sau khi làm tròn bổn phận “người nhà nước”, tư cách công dân, sau mấy chục năm học hành, làm việc, trải qua chiến tranh và lao động cống hiến của mình. Có chăng, anh là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Còn trước đó, anh Dụ cũng mới để ý đến tên tôi sau khi đọc một số tập thơ do bạn bè đề tặng. Và đặc biệt là sau khi đọc cuốn Sống vì nghĩa lớn của tác giả Phạm Hoài Thủy, thầy giáo dạy cấp III của anh, do NXB Hội Nhà Văn xuất bản mà tôi là người chịu trách nhiệm bản thảo.

Chúng tôi gặp nhau là do một người bạn học cùng quê cùng lớp, hồi phổ thông cấp III Thanh Thủy, Phú Thọ – Kiều Xuân Đường. Tôi và Đường cùng nhập ngũ năm 1972, năm chiến tranh phá hoại lần hai của Mỹ ở miền Bắc khốc liệt nhất, đỉnh điểm là 12 ngày đêm máy bay B52 đánh bom rải thảm xuống Hà Nội. Năm ấy, tôi đóng quân gần túi bom mà Mỹ rải xuống Bến Thủy, thành phố Vinh. Sau chiến tranh, Đường về học Đại học Giao thông và ở lại trường. Đường gọi anh Dụ là anh họ, mẹ anh Dụ họ Kiều, con gái cụ Kiều Văn Thức. Gia đình Đường di cư từ gốc tổ họ Kiều ở Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc lên Thanh Thủy, Phú Thọ, huyện ven hạ lưu sông Đà dễ đến hơn 100 năm, anh Dụ bảo thế?

Một sáng cuối tuần, Đường rủ tôi đến nhà anh Dụ uống cà phê và thưởng trà. Tất nhiên, trà ở đây phải ngon rồi. Tại lần gặp này, như gặp được những người “cùng kênh” chia sẻ, anh Dụ hào hứng kể về quê, về tuổi thơ và những năm trai trẻ nhọc nhằn nhưng giàu ước mơ và nhiệt huyết của mình và thế hệ mình. Hóa ra anh Dụ cũng có khiếu văn chương ra phết. Bằng chứng là hồi học cấp III Trần Phú, Vĩnh Yên anh đã đoạt giải Nhất cuộc thi giỏi văn toàn tỉnh, đã từng làm thơ, khá nhiều thơ, viết nhật ký qua các giai đoạn học hành, vào quân đội, công tác... mà bạn học hồi cấp III đã ngưỡng mộ gọi anh là “nhà văn tương lai”. Khi học Đại học Kinh tế Quốc dân, thơ anh còn nở rộ hơn, lãng mạn cách mạng hơn, ở miền rừng sơ tán. Đó là thời sinh viên trong trẻo, thuần chính kiến và tư tưởng cách mạng, “sản phẩm tinh thần” rất đặc biệt của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ, khi vận mệnh của đất nước, của dân tộc đặt lên hàng đầu. Hồi đó nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.

Anh Dụ có bài thơ ghi lại cuộc đưa tiễn một cô gái ngành y, thân “trên mức bạn” ra trận thời đó khá da diết, sau này được đưa vào phim nhiều tập về Bộ đội Trường Sơn, phát sóng Truyền hình Việt Nam.

3. Tôi hỏi anh, sao anh không viết hồi ký? Có một cuốn hồi ký về những năm tháng đáng nhớ để lại cho con cháu như một “căn cước” về bản thân, căn cước văn hóa gia đình, dòng tộc, về tri kiến cuộc đời cũng thật đáng quý! Một cuốn hồi ký của một cán bộ cao cấp, có tới hơn 20 năm công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, nếu dám nói những chuyện thâm cung bí sử thời đương chức thì hót chứ chẳng chơi. 


Anh Dụ cười cười, vẻ bí hiểm. Rồi anh thành thật, rằng “mình cũng có máu văn”, cũng có tuổi trẻ lãng mạn nhưng nghề nghiệp, công việc cứ cuốn đi... Vả lại, tự viết về mình cũng ngài ngại. Còn tôi thì nghĩ, hồi ký, hồi ức, tự truyện là thể loại văn xuôi khá rộ những thập niên gần đây, nhất là hồi ký về chiến tranh. Nhưng Hồi ký cũng rất nhạy cảm, vì nó đụng đến người thật việc thật mà cách làm văn, làm báo, làm xuất bản như bọn tôi hay đùa, hồi ký, nếu không cân nhắc kỹ (chủ quan và khách quan) là hay mắc chứng “tranh công đổ tội”. Bao nhiêu cái ức chế, hậm hực, bị đố kỵ, cánh hẩu, thậm chí bị giật dây hãm hại, vu oan giá họa trong thời còn làm việc, còn hăng hái hoạt động... giờ nghỉ ngơi, chả lo lắng chức tước, đụng chạm gì nữa là lúc “đấu tố” nhau bằng bút văn, trận trường sách báo cho hả giận, hả cái tức khí ngâm lâu u uẩn. “Đổ tội” vào người còn đang sống thì rất dễ bị kiện cáo. Đã có nhiều cuốn sách rầy rà như thế rồi. Mà nếu nhân vật “phản diện” không còn nữa thì con cháu họ cũng có để yên cho không, nhìn cái mặt nhau như thế nào? Các cụ ta bảo: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” là thế. Mà viết hiền lành, trơn tru, vo tròn thì dễ nhạt, nhàm chán... thế mới khó! Tôi hiểu nụ cười tế nhị của anh Dụ.

Đường bảo tôi, hay ông viết, ghi chép giúp anh Dụ cho nó “khách quan”. Lúc đầu anh Dụ ngần ngại và bảo “viết như thế nào thì phải tính đã nhé”. Qua trao đi đổi lại, anh thấy việc này cũng là cần thiết, nhất là để cho con cháu sau này hiểu đầy đủ hơn về mình và thế hệ mình.

4. Sau khi nhận lời, thú thực, bấy giờ chính tôi mới là người băn khoăn, vì anh bảo cuộc sống của anh không có gai góc như người khác, tức là ít “chuyện”, ít sinh sự. Mà nếu có chuyện, với một người khá kín đáo, gìn giữ như anh, có chức sắc to như anh, liệu khai thác được gì đây? Đường cũng hiểu. Đường biết tính tôi, sống không cầu cạnh, lợi dụng; với quan chức lớn lại càng không. Tôi cũng chơi với một số người này nọ, ngày xưa là trưởng phòng, phó giám đốc sở nọ kia... nay trong số họ có người lên cao hơn, rất cao là khác, nhưng họ cứ lên rất cao là mình lại tự lảng ra. Mình cũng biết nhiều chuyện thâm cung bí sử, những mối quan hệ này nọ... của họ, vì thế mà chủ động xa cho lành, lại giữ được “khí tiết kẻ sĩ”. Tuy nhiên, tôi thấy cũng có thuận lợi là những quyển nhật ký, những lá thư và những bài thơ, với bao nhiêu lời tâm sự chân thành, bao nhiêu nguồn cảm hứng và nỗi suy tư, kể từ khi anh Dụ còn học phổ thông, học đại học, ra công tác đến khi vào quân ngũ đến nay còn giữ được. Tôi đã dựa vào đó làm tư liệu chính, kết hợp với những buổi nói chuyện, những chuyến đi “về lại ngày xưa” của anh Dụ và một số bạn bè khác để viết cuốn sách này.

Khi bàn về tên sách, anh Dụ thích một cái tên giản dị, dân gian, gần gũi: Người Làng Rau (Làng Rau là tên nôm na của làng Nhật Chiêu, xã Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Bởi cái tên Làng Rau được hình thành từ một huyền tích dân gian cả ngàn năm trước; một cô gái con gia đình chài lưới xinh đẹp, nết na, thông minh từ vùng sông Lô, Bạch Hạc về khai khẩn đất bãi phù sa ở đây để trồng rau và thành nghề truyền thống của làng cho đến thời hiện đại.

Câu chuyện về anh Ngô Văn Dụ khởi thủy là thế, khởi thủy của một người trọng tình nghĩa và nguồn cội, trong một cuộc bạn bè gặp nhau cà phê, hoàn toàn ngẫu hứng. Có thể gọi là ghi chép, là ký... hay là gì cũng được, điều ấy chẳng quan trọng. Trong cuốn sách này, tôi ghi lại những nét chính về cuộc đời của một Người Làng Rau Ngô Văn Dụ, kể từ khi còn nhỏ đến khi hoàn thành trọng trách của một người lính trong Quân đội Nhân dân Việt Nam – năm 36 tuổi...

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của văn học tư liệu. Nếu các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị tướng lĩnh cùng làm sách tư liệu của mỗi người thì văn học nước nhà sẽ thêm phần đầy đặn và vô cùng phong phú.

NGUYỄN HUY MINH

1 nhận xét: