Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Vụ đánh bạc: Đưa hối lộ 100 tỷ được miễn truy cứu hình sự?

Bị cáo Vũ Văn Dũng đã khai: “... có các thế lực rất lớn ở trên bảo kê nên tất cả các bị cáo đều yên tâm làm”. Trên Blog này tôi vẫn bình luận khi chúng ta ở đỉnh cao quyền lực và không biết sợ ai nữa thì là lúc chúng ta bắt đầu chết. Các bị cáo này chưa ở đỉnh cao quyền lực, mới dựa hơi, nghe đồn là "có các thế lực rất lớn ở trên bảo kê" thì ngay lập tức "tất cả các bị cáo đều yên tâm làm”. Chúng chết là hoàn toàn xứng đáng; rất nhiều người đã bị như thế. Tuy nhiên, thể chế này có bắt nhóm tổ chức đường dây đánh bạc nghìn tỷ chết hay không lại là chuyện khác.
Vụ đánh bạc triệu đô: Tại sao đưa hối lộ 100 tỷ lại miễn truy cứu hình sự?
Kami - Với tội danh hối lộ với số lượng lớn, có tổ chức thì cac bị cáo như Nguyễn Văn Dương, Phan Văn Vĩnh hay nguyễn Thanh Hóa v.v... sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Có nghĩa là, nếu Các cơ quan tố tụng không "dập" ngay tội danh “Đưa hối lộ” đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương thì họ sẽ phải coi chừng bị cáo này sẽ phản phé, khai lung tung giữa tòa thì mất mặt hàng loạt lãnh đạo. Biết đâu có cả tên của ông Nguyễn (...)?
Hình minh họa
Ngày đầu tiên của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc triệu USD, tại phần công bố quyền và nghĩa vụ các bị cáo tại phiên tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát đã đề nghị HĐXX không công bố bản án đối với mình lên cổng thông tin điện tử của tòa án. Lập tức chủ tọa phiên tòa đồng ý với đề nghị của bị cáo Phan Văn Vĩnh. Dư luận đặt dấu hỏi: "Vì sao bị cáo lại có quyền ấy?" giữa lúc giới làm luật thì cho rằng, việc HĐXX chấp nhận ngay yêu cầu của cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh không công bố bản án lên mạng là không đúng luật.

Đã có nhiều nhận xét hoài nghi về sự công minh về phiên tòa tổ chức đánh bạc triệu đô, một vụ phạm tội với quy mô lớn có nhiều tướng lĩnh công an trực tiếp tham gia tổ chức và điều hành. Đã có nhiều biểu hiện cho thấy, việc xét xử đã được dàn dựng theo một kich bản có lợi cho những kẻ phạm tội. Đặc biệt là 02 cựu tướng Công An là Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa. Cụ thể, mặc dù Nguyễn Văn Dương – “ông trùm” của đường dây đánh bạc nghìn tỷ khai cho Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng và hơn 1,7 triệu USD, cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng, song quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra chưa đủ căn cứ để xác định Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân.


Đã có bình luận của báo chí nhà nước nhận định cho rằng "Phiên tòa đã phá vỡ nhiều kỷ lục về tố tụng, buộc tòa án và những người liên quan thống nhất phải bỏ qua một số thủ tục đã được làm rõ. Đáng chú ý, vụ án đánh bạc cũng ghi nhận một số bị cáo được miễn truy cứu tội đưa hối lộ vì lý do khoan hồng."

Trong giai đoạn điều tra, ngày 31/8/2018, với lý do thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước..., VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 02/KSĐT-P2, đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội “Đưa hối lộ”. Cho dù căn cứ vào Cáo trạng cho biết "Nguyễn Văn Dương đã đưa Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỉ đồng, 1.750.000 USD, 1 chiếc áo sơmi, 1 lọ thuốc bổ gan. Đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, Dương khai cho cựu cục trưởng C50 22 tỉ đồng.Ngoài ra Dương còn khai cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm 700 triệu đồng, 1 phần mềm diệt virut trị giá 30.000 USD.". Theo đánh giá, giá trị tài sản mà Nguyễn Văn Dương dùng để hối lộ cho hai viên cựu tướng Công An là Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa có giá trị tương đương với 100 tỷ VND. 

Song Phan Văn Vĩnh không thừa nhận lời khai của Dương đã cho Vĩnh 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD. Ngoài ra, Dương còn khai tặng Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ đeo tay trị giá 7.000 USD, nhưng Vĩnh lại khai đã trả mua đồng hồ cho Dương 1,1 tỷ đồng, sau đó đã làm mất đồng hồ. Tương tự, Nguyễn Thanh Hóa chỉ thừa nhận Nguyễn Văn Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt vius Symantec trị giá 30.000 USD, nhưng không thừa nhận Dương cho 22 tỷ đồng.

Tương tự, bị cáo Lưu Thị Hồng - TGĐ Cty CNC cũng được miễn truy cứu về tội “Đưa hối lộ” vì lý do thực hiện chính sách khoan hồng. Được biết, bị cáo Lưu Thị Hồng đã khai từng tặng 600 triệu đồng tiền tiêu Tết cho C50, người nhận là ông Võ Tuấn Dũng - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu, xây dựng các thủ tục thành lập Cty bình phong. Lưu Thị Hồng đã chủ động khai báo việc này tại CQĐT.

Cho dù theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Thọ khẳng định, "... khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), ông Phan Văn Vĩnh đã cho phép thành lập công ty bình phong - Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), trái với quy định. Đồng thời, cho phép CNC thí điểm các trò chơi trực tuyến qua mạng internet, mà đây thực chất là hoạt động đánh bạc". Theo cáo trạng cũng đã chỉ rõ, "... hành vi của bị cáo Phan Văn Vĩnh đã được các cơ quan tố tụng nhận định là có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ, trong đó, ông Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), là người thực hành tích cực. Hai bị cáo này được xác định là người quyết định sự “sống còn” của đường dây đánh bạc Rikvip/Tip.club."

Cáo trạng nêu rất rõ, “... xét về bản chất thì hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa là người thưc hành tích cực.”. Tuy vậy vẫn theo cáo trạng cho biết, "Đến nay, CQĐT chỉ khẳng định việc bị cáo Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, không có căn cứ làm rõ việc các ông Vĩnh, Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương nên đã tách tài liệu để làm rõ, xử lý sau".

Câu hỏi được đặt ra là, "Tại sao lại miễn truy cứu hình sự tội đưa hối lộ trong vụ vụ đánh bạc triệu đô?".

Cứ tạm cho là cơ quan điều tra không có căn cứ làm rõ việc các ông Phan Văn Vĩnh Vĩnh và Nguyễn Thanh  Hóa nhận tiền hối lộ từ từ bị can Nguyễn Văn Dương, ông trùm của đường dây tổ chức đánh bạc này. Nhưng họ không thể không xem xét việc bị áo Nguyễn Thanh Hóa khai nhận, thời gian Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C.50) hợp tác với Công ty CNC, Nguyễn Văn Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt vius Symantec trị giá 30.000 USD, cũng như việc bị cáo Lưu Thị Hồng đã khai từng tặng 600 triệu đồng tiền tiêu Tết cho C50? 

Đó là chưa kể đến việc, trong thời gian cho C50 hợp tác với Công ty CNC, Phan Văn Vĩnh thừa nhận được Nguyễn Văn Dương cho 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách tại Tổng cục Cảnh sát Dương có mặt (theo Dương khai, các bữa ăn Dương có mặt đều mang rượu đến, tổng trị giá khoảng hơn 10 tỷ đồng). 

Được biết, bị cáo Nguyễn Văn Dương còn có biệt danh là Dương "phò mã", có biệt danh này cũng bởi Nguyễn Văn Dương là con rể của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ông Phạm Quang Nghị. Chính vì thế dư luận xã hội trong nhũng ngày này vẫn thắc mắc rằng, "Phải chăng, các bị cáo được miễn truy cứu tội đưa hối lộ, vì lý do liên quan đến việc ông Phạm Quang Nghị bố vợ của bị cáo Nguyễn Văn Dương". 

Tại Tòa, bị cáo Vũ Văn Dũng một nhân vật làm Rik trong đường dây tổ chức đánh bạc đã khai, “... có các thế lực rất lớn ở trên bảo kê nên tất cả các bị cáo đều yên tâm làm”. Sau khi nghe lời khai của bị cáo Dũng, Luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Phan Sào Nam) lập tức xin xét hỏi bị cáo Dũng. Bà Phúc đã chất vấn, "Vì sao với một tình tiết quan trọng thế mà bị cáo không khai báo với cơ quan điều tra, bây giờ tại tòa mới khai?". Một câu hỏi nữa được đặt ra rằng, Cơ quan điều tra có biết  (điều mà ai cũng biết) như trong lời khai của bị cáo Vũ Văn Dũng hay không và tại sao không làm rõ?

Nguồn tin cao cấp từ Hà Nội cho biết, không chỉ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị biết rất rõ việc con rể của mình là Nguyễn Văn Dương là người trực tiếp tổ chức hệ thống đánh bạc triệu USD. Thậm chí Phạm Quang Nghị còn là người trực tiếp gặp gỡ trao đổi nhằm lobby các quan chức cao cấp để làm ngơ cho cả đường dây đánh bạc triệu đô của con rể mình. Việc cơ quan điều tra tiến hành thu giữ chiếc xe hơi cá nhân của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, tại sân golf phía tây Hà Nội đây là tài sản phạm tội của bị can Dương "phò mã" có được đã cho thấy điều đó.

Ai cũng biết trước đây, vụ án đánh bạc triệu đô là một trong 12 đại án điểm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xử lý nghiêm minh, trong quá trình chấn chỉnh và cải tổ Bộ Công An. Với mục đích xử lý các tay chân thân tín của cố Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, mà các tướng Phan Văn Vĩnh, Bùi Văn Thành... là những ví dụ. Cũng như việc nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ông Phạm Quang Nghị là tay chân thân tín của ông Trọng thời ông này còn ở Hà Nội. Có lẽ đến nay, sau khi nhổ được "cái gai" có tên Trần Đại Quang để đoạt được chức Chủ tịch nên ông Nguyễn Phú Trọng đã đổi ý?

Theo lẽ thường thì, ông Phạm Quang Nghị một khi đi nhờ vả cầu cạnh cho một kế hoạch kiếm triệu USD thì không thể không có các khoản lót tay nặng ký. Với tội danh hối lộ với số lượng lớn, có tổ chức thì cac bị cáo như  Nguyễn Văn Dương, Phan Văn Vĩnh hay Nguyễn Thanh Hóa v.v... sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Có nghĩa là, nếu Các cơ quan tố tụng không "dập" ngay tội danh “Đưa hối lộ” đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương thì họ sẽ phải coi chừng bị cáo này sẽ phản phé, khai lung tung giữa tòa thì mất mặt hàng loạt lãnh đạo. Biết đâu có cả tên của ông Nguyễn (...)?

Theo đánh giá, giá trị tài sản mà Nguyễn Văn Dương dùng để hối lộ cho hai viên cựu tướng Công An là Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa có giá trị tương đương với 100 tỷ VND. Nếu so với vụ án 02 nông dân ở Bình Thuận, ông Nguyễn Thanh Tuấn và ông Nguyễn Thành Nam, đã từng bị xử tổng cộng 15 năm tù vì đã can tội đã nhận khoảng 17 triệu đồng của 12 hộ dân đã tự nguyện để chi cho xăng xe, điện thoại, thời gian công sức làm thủ tục vay vốn thì mới thấy hết sự kỳ lạ của ngành tư pháp Việt Nam.

Ngày 17 tháng 11 năm 2018
© Kami
(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét