Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

(7) Sai lầm của ông Chung: Điều chỉnh QH Khu ĐNG


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
––––––––––––––––
Hà nội, ngày 28 tháng 9 năm 2017





ĐƠN THƯ ĐỀ NGHỊ ĐƯA TIN, ẢNH VỀ VIỆC
PHÁ VỠ QUY HOẠCH VÀ KHÔNG CÓ ĐƯỜNG
VÀO NỘI ĐÔ CHO CƯ DÂN KHU ĐOÀN NGOẠI GIAO,
PHƯỜNG XUÂN TẢO, QUẬN BẮC TỪ LIÊM, HÀ NỘI
  
Kính gửi:     Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam
             Ban biên tập Chương trình chuyển động 365
           Kính thưa các anh chị Ban biên tập,
Trước tiên, tôi xin thay mặt toàn thể cư dân khu đô thị Đoàn ngoại giao (ĐNG), phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, gửi đến các anh chị những lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất.
Xni tự giới thiệu tôi là ..., đang ở tại căn số 2010, tòa nhà N03T8, khu Đoàn ngoại giao, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, ĐT: 0917 733 173, email: laitranmai@gmail.com. Tôi vừa là Trưởng ban quản trị tòa nhà N03T8, vừa tham gia các hoạt động tập thể bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của 750 hộ gia đình với khoảng 3000 cư dân đang sống trong khu đô thị ĐNG.

Trong các ngày 13/7/2017 và 18/9/2017, tôi đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tp Hà Nội các đơn thư kiến nghị về việc Chủ tịch UBND tp Hà Nội ra Quyết định số 2905/QĐ-QHKT ngày 22/5/2017 phá vỡ quy hoạch chi tiết khu Đoàn ngoại giao đã được phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 22/01/2010 của Chủ tịch UBND tp Hà Nội và việc không có đường thông vào trung tâm thủ đô cùng với một số vấn đề rất bức xúc khác có liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của cư dân khu Đoàn ngoại giao và các thế hệ con cháu mai sau. Đến nay, tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tp Hà Nội, trong khi tâm lý bất bình của người dân ở đây đang rất cao; nhiều lời kêu gọi tụ tập mít tinh, biểu tình trước trụ sở UBND tp Hà Nội đã được nêu ra, có nguy cơ gây bất ổn xã hội.
Được biết Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam vừa có chức năng truyền tải thông tin về hoạt động của Quốc hội đến các cử tri trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, vừa có chức năng tập hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, đưa tin rộng rãi đồng thời chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương để giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật, nên tôi quyết định gửi tới các anh chị Ban biên tập đơn thư kiến nghị này để trình bày những vấn đề cộng đồng cư dân khu ĐNG đang vô cùng bức xúc hiện nay và đề nghị các anh chị đưa tin, bài, ảnh lên Chương trình truyền hình Quốc hội Việt Nam và Chương trình chuyển động 365 để dư luận cả nước biết và các cấp chính quyền quan tâm, xử lý.


I- QUYẾT ĐỊNH SỐ 2905/QĐ-QHKT NGÀY 22/5/2017 CỦA CHỦ TỊCH UBND TP HÀ NỘI VỪA TRÁI VỚI LÒNG DÂN, VỪA VI PHẠM CAM KẾT VỚI KHÁCH HÀNG ĐÃ MUA NHÀ TẠI KHU ĐNG
1) Một quyết định thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm cam kết với khách hàng, trái với lòng dân
Như các anh chị đã biết, dự án khu đô thị ĐNG nằm ở phía Tây hồ Tây được chính quyền Hà Nội giao cho Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư. Đây là một dự án rất lớn với quy mô 62,8 héc-ta, trong đó có khoảng 13,5 héc-ta xây dựng nhà ở cao tầng, 20,3 héc ta đất cơ quan, trụ sở đại sứ quán và các tổ chức quốc tế và gần 29 héc-ta đất các công trình xã hội. Theo quy hoạch được duyệt, khu chung cư cao tầng gồm 36 tòa nhà cao tầng, là nơi ở và làm việc của không dưới 20 nghìn dân, trong đó có hàng nghìn người nước ngoài…
Cơ sở pháp lý đầu tiên của dự án ĐNG là Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 11/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu ĐNG tại thành phố Hà Nội. Trên cơ sở Quyết định này, Chủ tịch UBND tp Hà Nội đã có Quyết định số 46/2006/QĐ-UB ngày 10/4/2006 phê duyệt quy hoạch chi tiết khu ĐNG. Ngày 22/01/2010, Chủ tịch UBND tp Hà Nội đã có Quyết định số 368/2006/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu ĐNG.
Theo quy hoạch điều chỉnh tại Quyết định số 368, ô đất CC2 là đất công cộng dịch vụ, mật độ xây dựng 20,5%, nhà cao tối đa 5 tầng, dự kiến sẽ xây 6 sân tennis và nhà thi đấu thể thao. Ô đất CC3-4 là đất công cộng dịch vụ, nằm trong công viên ĐNG, mật độ xây dựng 20,5%, nhà cao tối đa 5 tầng, dự kiến sẽ xây bể bơi ngoài trời. Ô đất CC5 là đất công cộng dịch vụ thương mại, mật độ xây dựng 30%, nhà cao tối đa 7 tầng, dự kiến sẽ xây 6 sân tennis và trung tâm thương mại dịch vụ. Ô đất ĐMKT1 có chức năng đầu mối kỹ thuật, dự kiến sẽ xây dựng trạm biến thế điện cho cả khu...
Có thể nói gần như 100% cư dân khu ĐNG khi quyết định mua nhà tại đây đều căn cứ theo quy hoạch điều chỉnh trên. Khi mua nhà, người dân đã được chủ đầu tư, nhà môi giới của các trung tâm bất động sản thuộc chủ đầu tư... giới thiệu chi tiết quy hoạch trên cùng với nhiều tiện ích khác vô cùng hấp dẫn khác. Đây chính là cam kết của chính quyền và chủ đầu tư với khách hàng, là cơ sở pháp lý để người dân quyết định bỏ tiền ra mua nhà.
Đến nay, sau 7 năm xây dựng và bán nhà (2010-2017), có thể nói tuyệt đại đa số các căn hộ đã được chủ đầu tư bán hết cho khách hàng. Người dân về ở mặc dù còn nhiều bức xúc, nhưng vẫn tạm yên lòng vì tin tưởng sẽ được hưởng những tiện ích nêu trên.
Tuy nhiên, đùng một cái, toàn thể cư dân ĐNG đã bị chấn động vì xuất hiện thông tin Chủ tịch UBND tp Hà Nội đã có Quyết định số 2905/2017/QĐ-QHKT ngày 22/5/2017 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu ĐNG, trong đó tất cả các tiện ích nêu trên bị hủy bỏ. Cụ thể, ô đất CC2 được chuyển thành đất xây nhà cao tầng, mật độ xây dựng tăng vọt lên 40%. Ô đất CC3-4 được chuyển thành đất xây nhà cao 15 tầng + 3 tầng hầm, mật độ xây dựng tăng vọt lên 35%. Đặc biệt nghiêm trọng là ô đất CC5 được chuyển thành đất xây nhà cao 27 tầng + 3 tầng hầm, mật độ xây dựng tăng vọt lên 41%. Riêng với các tòa 27 tầng này, dân số khu ĐNG sẽ tăng thêm 1.505 người. Cuối cùng, ô đất ĐMKT1 được điều chỉnh thành đất công cộng đô thị, mật độ xây dựng tăng vọt lên 40%; hiện nay đang thi công xây dựng bệnh viện U bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản cao 12 tầng + 2 tầng hầm.
Như vậy, việc ban hành Quyết định số 2905/2017/QĐ-QHKT đã vi phạm cam kết với người dân vì đã bán các căn hộ cho dân mà không kèm theo các công trình tiện ích đã nêu trong Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 22/01/2010. Rõ ràng đây là một quyết định không được lòng dân. Nếu thực hiện Quyết định này, mật độ dân cư trên địa bàn ĐNG sẽ tăng vọt, lên khoảng 43.000 người/km2, so với trung bình của quận Bắc Từ Liêm là 7.400 người/km2 và toàn tp Hà Nội là 2.200 người/km2.
Điều cần phải khẳng định là Quyết định số 2905/2017/QĐ-QHKT được xây dựng thiếu cơ sở pháp lý. Điều 16 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 quy định, cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Việc lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng là nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch. Do đó, ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch thì việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ.
Về vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, khoản 4 Điều 34 quy định “Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi quy hoạch này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”.
Ngoài ra, Điều 42 quy định hình thức bắt buộc công bố thông tin quy hoạch xây dựng được duyệt trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và tùy theo điều kiện, tình hình thực tế lựa chọn thêm các hình thức công bố khác như thông qua hội nghị, trưng bày tại nơi công cộng, tại cơ quan quản lý nhà nước, in ấn phát hành rộng rãi...
Trên thực tế, tất cả các cơ sở pháp lý nêu trên hầu như không được UBND tp Hà Nội thực hiện hoặc chỉ thực hiện một cách hình thức để đảm bảo đúng “quy trình”. Ví dụ ngày 14/11/2016, UBND phường Xuân Tảo đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng cư dân về việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc các ô đất ĐMKT1, CC2, CC3-4 và CC5. Tham dự chỉ có 10 người dân và khoảng 15 quan chức trong bộ máy chính quyền, tổ dân phố. Tất cả những người này đều không phải cư dân khu ĐNG vì họ sống tại các tổ dân phố nằm dọc phố Xuân Đỉnh, không liên quan gì tới khu ĐNG. Chính quyền đứng ra làm chứ không phải đại diện cộng đồng dân cư đứng ra tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các Hội đồng nhân dân không được hỏi ý kiến. Quyết định số 2905/2017/QĐ-QHKT và hàng loạt văn bản pháp lý liên quan không được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng (UBND tp Hà Nội, sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND phường Xuân Tảo...).
2) Kiến nghị
Một là, đề nghị Chương trình truyền hình Quốc hội Việt Nam và Chương trình chuyển động 365 kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tp Hà Nội báo cáo, giải trình việc ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT ngày 22/5/2017 của Chủ tịch UBND tp Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu ĐNG tại phường Xuân Tảo, trong đó đã chuyển tất cả các ô đất công cộng thành các tòa nhà cao tầng và khu đầu mối kỹ thuật thành Bệnh viện U bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản. Với Quyết định này, khu đô thị ĐNG sẽ trở thành một khu đầy ắp các tòa nhà cao tầng, mất hoàn toàn giá trị của một đô thị văn minh, hiện đại nằm ngay cửa ngõ ra vào thủ đô Hà Nội, đồng thời chính quyền Hà Nội vi phạm cam kết với người dân vì đã bán các căn hộ cho dân mà không kèm theo các công trình tiện ích đã nêu trong Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 22/01/2010 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu ĐNG Xuân Đỉnh, Hà Nội.
Hai là, đề nghị Chương trình truyền hình Quốc hội Việt Nam và Chương trình chuyển động 365 kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tp Hà Nội và đề nghị Chủ tịch UBND tp Hà Nội tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng cư dân ĐNG về Quyết định số 2905/QĐ-QHKT. Nếu đa số cư dân ĐNG phản đối Quyết định trên thì yêu cầu Chủ tịch tp Hà Nội thu hồi lại Quyết định trên.
Ba là, đề nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Hà Nội và đề nghị Chủ tịch UBND tp Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện công tác xây dựng và quản lý khu ĐNG, đặc biệt thanh tra tập trung vào việc lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.
II- BỨC XÚC TRƯỚC THỰC TRẠNG KHÔNG CÓ ĐƯỜNG VÀO NỘI ĐÔ CHO CƯ DÂN KHU ĐOÀN NGOẠI GIAO
1) Không làm đường cho dân là vi phạm pháp luật
Như các anh chị Ban biên tập đã biết, trong khoảng 1 tháng gần đây, Đài truyền hình trung ương VTV, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội HTV, các báo Pháp luật, Tiền phong, Cafef và rất nhiều báo khác, trang mạng toithichdoc.blogspot.com và nhiều trang facebook đã liên tục đưa tin về những bất cập giao thông tại khu ĐNG, đặc biệt là tình trạng không có đường nối vào nội đô cho cư dân ĐNG.
Theo cam kết khi ký hợp đồng bán nhà cho cư dân, đối với những tòa nhà đầu tiên, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho các cư dân từ năm 2011-2012, nhưng thực tế những cư dân đầu tiên được về ở bắt đầu từ tháng 7/2015.
Mặc dù tính đến nay, nhiều cư dân đã sống ở khu ĐNG được hơn 2 năm, nhưng khu ĐNG vẫn chưa có đường giao thông thuận tiện kết nối với nội đô để đảm bảo cuộc sống và lao động hàng ngày. Toàn khu ĐNG chỉ có một tuyến đi duy nhất là ra đường Đỗ Nhuận rồi ra tiếp đường Phạm Văn Đồng. Tuyến đường này chạy ngược chiều so với hướng vào trung tâm thành phố nên để đi làm, đưa con đi học, đi mua sắm, đi khám chữa bệnh, đi thăm người thân và bạn bè... đều phải đi vòng thêm hàng chục km (ra đường Phạm Văn Đồng rồi đi tiếp theo đường Hoàng Quốc Việt). Mặt khác, từ lâu đường Phạm Văn Đồng đã nổi tiếng là quá chật hẹp, mật độ giao thông rất đông; thường xuyên ách tắc và nhiều tai nạn nghiêm trọng. Đặc biệt, dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng đã triển khai được khoảng 1 năm, nay đang bắt đầu sang giai đoạn thi công quyết liệt, nên ách tắc giao thông trước lối ra duy nhất của khu ĐNG đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Ách tắc, thiếu đường giao thông không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của trên 3000 cư dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho toàn khu ĐNG.
Mặt khác, bao quanh khu ĐNG là hàng loạt công trình xây dựng nhà cao tầng và nhà ở quy mô lớn khác như khu đô thị Tây Hồ Tây, khu đô thị Kosmo Tây Hồ và các tòa nhà của Tổng công ty 789 quân đội... Tất cả các khu đang xây dựng này đều liên thông với khu ĐNG, cùng sử dụng chung cơ sở hạ tầng giao thông trong khu ĐNG và đều chưa có kết cấu hạ tầng kết nói với hệ thống hạ tầng chung của quận Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ. Do đó giao thông trong khu ĐNG rất chồng chéo, cư dân phải giao thông chung với các đoàn xe chở máy móc, đất đá, rác thải và vật liệu xây dựng; đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong và xung quanh khu ĐNG.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 về Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản, Chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.
Trong chỉ đạo điều hành, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm tới vấn đề này. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhấn mạnh “phải làm hạ tầng thì mới làm nhà cao tầng. Quy hoạch phải theo đúng tiêu chí quy hoạch. Không phải cứ làm nhà cao tầng là không có đường đi” (phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu năm 2017) hoặc “không cấm xây dựng nhà cao tầng, nhưng trước hết phải có hạ tầng kết nối đồng bộ”, “việc khai thác quỹ đất tại số 148 Giảng Võ cần phải đạt mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển một khu đô thị hiện đại có điểm nhấn kiến trúc, đặc biệt có hệ thống kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, nhất là phải có các công trình hạ tầng kết nối thống nhất” (kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc quy hoạch chi tiết xây dựng tại số 148 Giảng Võ, Hà Nội)...
Mặc dù vậy, đến nay, tất cả các đường của khu ĐNG đều chưa được kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, trừ hướng Tây nối ra đường Phạm Văn Đồng. Thực tế, tuyến ra đường Phạm Văn Đồng đã được thành phố đầu tư xây dựng từ trước cùng với khu công viên Hòa Bình, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội chưa đầu tư làm bất kỳ tuyến đường nào nối khu ĐNG với các tuyến đường cư dân cần sử dụng hàng ngày là Võ Chí Công và Xuân La.
Trước nhu cầu cực kỳ cấp bách của cư dân, từ tháng 9/2016 đến nay, chúng tôi đã liên tục gửi nhiều đơn thư kiến nghị UBND tp Hà Nội và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đề nghị khẩn trương đầu tư các tuyến đường nối khu ĐNG với các đường Võ Chí Công và Xuân La. Bất hạnh thay, chúng tôi đã không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các cơ quan, doanh nghiệp này.
Thiết nghĩ, những việc đầu tiên Chủ đầu tư phải thu xếp xong trước khi đưa cư dân về ở là đảm bảo đời sống sinh hoạt an toàn và đường giao thông được kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực. Đưa dân về ở, sống chung giữa một đại công trường đang thi công từ 2 năm nay mà thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn đồng thời chưa có đường giao thông kết nối với khu vực chắc chắn vi phạm Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo cư dân, việc làm đường kết nối với đường Xuân La là trách nhiệm và nằm trong tầm tay của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội. Đoạn kết nối này chỉ dài khoảng 170m, không phải làm cống ngầm phức tạp... nên nếu thực sự cầu thị, thực sự quan tâm đến đời sống và quyền lợi của dân, thì chính quyền Hà Nội và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có thể hoàn thành rất nhanh.
Mặt khác, chúng ta đều thấy đoạn kết nối từ ĐNG ra đường Võ Chí Công đã được chủ đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây thi công xong giai đoạn I; mặt bằng rộng khoảng 12m. Đến nay đã rải nhựa hoàn chỉnh, đã có phân làn cứng cho xe cơ giới và người đi bộ, đã cắm các cọc tiêu hai bên đường, chỉ thiếu hệ thống chiếu sáng... Do đó, về cơ bản đã có thể đưa đoạn này vào sử dụng. Tuy nhiên, đoạn đường này nằm hoàn toàn trong khu đô thị Tây Hồ Tây nên nếu cư dân ĐNG muốn sử dụng thì phải được sự đồng ý của chủ đầu tư khu đô thị này.
2) Kiến nghị
Một là, đề nghị Chương trình truyền hình Quốc hội Việt Nam và Chương trình chuyển động 365 kiến nghị Chủ tịch UBND tp Hà Nội yêu cầu Chủ đầu tư khu đô thị Ngoại giao đoàn là Tổng công ty xây dựng Hà Nội phải khẩn trương làm khoảng 170 mét đường nối khu NGĐ với đường Xuân La,
Hai là, đề nghị Chương trình truyền hình Quốc hội Việt Nam và Chương trình chuyển động 365 kiến nghị Chủ tịch UBND tp Hà Nội yêu cầu yêu cầu Chủ đầu tư dự án Starlake khẩn trương tháo rào tôn, mở con đường đã hoàn thành thông từ khu ĐNG ra đường Võ Chí Công để cư dân ĐNG có lối đi thuận tiện và an toàn vào trung tâm thủ đô. Đã đến lúc chính quyền và chủ đầu tư không thể để 3000 dân cư khu ĐNG không có đường vào nội đô như hiện nay.
III- BỨC XÚC TRƯỚC THỰC TRẠNG THIẾU AN TOÀN, AN NINH, VỆ SINH... TRONG KHU ĐOÀN NGOẠI GIAO
1) Tình trạng thiếu an toàn, an ninh, vệ sinh đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng
Từ khi những cư dân đầu tiên về sống trong khu ĐNG, vấn đề an toàn, an ninh, vệ sinh đã ngay lập tức được đặt ra. Nhiều kiến nghị đã được cư dân gửi cho Chủ đầu tư là Tổng công ty xây dựng Hà Nội, nhưng đáp lại luôn luôn là một sự im lặng đáng sợ. Chưa bao giờ Tổng công ty xây dựng Hà Nội tiếp xúc, trả lời các kiến nghị của cư dân. Mặc dù chủ đầu tư có âm thầm thực hiện một số giải pháp tháo gỡ như hạn chế công nhân sống trong khu ĐNG; lắp đặt, che đậy một số hố ga; mở thêm cổng phụ thông ra ngõ 205 Xuân Đỉnh, nhưng những vấn đề cơ bản người dân bức xúc nhất vẫn chưa được quan tâm, giải quyết, thậm chí nhiều mặt đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Trên thực tế, hiện nay toàn bộ khu vực vẫn là một đại công trường đang thi công rầm rộ, nhưng Chủ đầu tư vẫn không hề có các biện pháp an ninh, an toàn, vệ sinh cho người dân… Hàng ngày cư dân vẫn phải sống chung với các xe siêu trường, siêu trọng; đi dưới các giàn giáo, cần cẩu khổng lồ và các tòa nhà cao 2-3 chục tầng không được phủ bạt ngăn bụi, đi ngay bên cạnh những hố ga và hố đào không được che đậy, những bãi rác và vật liệu xây dựng lộ thiên rộng mênh mông, ngổn ngang bừa bãi; đi ban đêm không có đèn chiếu sáng; tiếng khoan tiếng đục, tiếng xe chạy rất ồn ào; khắp nơi đều có rác thải và bụi xây dựng; các lán trại cho công nhân xây dựng ở đều là những điểm cực kỳ ô nhiễm khiến cư dân rất bức xúc. Tình trạng bể nước không che đậy, ruồi muỗi khắp nơi gây nguy cơ sốt xuất huyết khiến cư dân rất bức xúc (bản thân tôi đã phải nằm bệnh viện Hữu Nghị 11 ngày trong tháng 8 vừa qua vì sốt sau khi đi tập thể dục trong công viên về). Đường tối, phải đi chung với công nhân và những phần tử bất hảo, với những thanh niên mình trần chỉ mặc quần cộc vào công viên ĐNG câu cá hoặc tán gẫu... nên hầu hết những người già, phụ nữ và trẻ em đều không dám ra khỏi nhà khi màn đêm buông xuống. Thậm chí rất nhiều cư dân đã nhận nhà nhưng không dám về ở vì không được đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh.
Đặc biệt, đã có hàng loạt vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong khu ĐNG. Gần đây nhất, khoảng 19h tối 15/9/2017 đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngay điểm chính giữa khu ĐNG (giao điểm đường 60m và đường NVH kéo dài). Người bị nạn là một cư dân đứng tuổi của tòa nhà N03T8, bị xe ô tô siêu trường siêu trọng chở xi măng chạy sai luật đâm phải. Đến thời điểm nay, người bị nạn vẫn hôn mê bất tỉnh, nằm trong phòng hồi sức tích cực bệnh viện E.
Khu ĐNG đang và sẽ tiếp tục là đại công trường, hàng chục tòa nhà cao tầng; các biệt thự, tòa nhà ngoại giao sẽ tiếp tục được khởi công xây mới nên nếu như Tổng công ty xây dựng Hà Nội và các chủ đầu tư thứ cấp vẫn không quan tâm tới tình trạng an toàn, an ninh, vệ sinh đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng như hiện nay, thì không biết tương lai của người dân sẽ ra sao. Đặc biệt, tới đây, nếu Quyết định số 2905/QĐ-QHKT không được hủy bỏ mà vẫn được triển khai thực hiện, tình hình chắc chắn sẽ càng nghiêm trọng hơn, có thể vượt ngoài khả năng tưởng tượng của tất cả chúng ta.
2) Kiến nghị
Căn cứ vào tình hình trên, thay mặt rất nhiều cư dân ĐNG đang bức xúc, chúng tôi kiến nghị các quý vị lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND phường Xuân Tảo, với tư cách là đại diện Chính phủ trực tiếp quản lý xây dựng, giao thông, vệ sinh, an toàn, an ninh, trật tự và kinh doanh bất động sản,… trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời kiến nghị Tổng công ty xây dựng Hà Nội thực hiện ngay một số biện pháp chỉ đạo cấp bách nhằm:
Một là, đôn đốc, yêu cầu Tổng công ty xây dựng Hà Nội kiên quyết, nhanh chóng thực hiện các biện pháp an ninh, an toàn, vệ sinh… trong toàn thể khu Ngoại giao đoàn. Đặc biệt, Tổng công ty xây dựng Hà Nội cần khẩn trương quy định các tuyến đường dành riêng cho cư dân đi lại trong nội bộ khu ĐNG, đồng thời cần nghiêm cấm các xe máy thồ hàng chục công nhân rất thiếu an toàn và gây nguy hiểm trực tiếp cho cư dân khi lưu thông trên cùng tuyến.
Hai là, đôn đốc, yêu cầu Tổng công ty xây dựng Hà Nội thường xuyên gặp gỡ, thông báo tình hình và tiến độ thực hiện, giải quyết các công việc chung của khu, nhất là tình hình mở đường giao thông, an toàn, an ninh, vệ sinh; lắng nghe và nghiêm túc giải quyết những đề nghị chính đáng của cư dân, đồng thời bàn bạc với cư dân, tiến tới đồng thuận về các vấn đề hai bên đặt ra và cách xử lý, từ đó có kế hoạch chung để phối hợp thực hiện. Đáng tiếc là đến nay, Tổng công ty xây dựng Hà Nội vẫn chưa quan tâm tới đề nghị chính đáng này của cư dân. Do đó cư dân rất mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các quý vị lãnh đạo chính quyền để yêu cầu Tổng công ty xây dựng Hà Nội sớm quan tâm tới mong muốn này.
Kính thưa các anh chị Ban biên tập,
Trên đây là một số thông tin về tình hình hiện nay của khu ĐNG và những bất bình, bức xúc và kiến nghị lớn nhất của cư dân. Kính đề nghị các anh chị Ban biên tập xem xét, đưa tin, bài, ảnh lên Chương trình truyền hình Quốc hội Việt Nam và Chương trình chuyển động 365 để dư luận cả nước biết và các cấp chính quyền quan tâm, xử lý.
Ngoài những điểm lớn trên, còn cư dân còn có nhiều vấn đề bức xúc khác như bảo hành các tòa nhà, quỹ bảo trì, các loại phí dịch vụ, điện nước, làm sổ đỏ, tổ chức hội nghị nhà chung cư và thành lập các ban quản trị tòa nhà và toàn khu ĐNG... Tuy nhiên, đơn thư đã quá dài; vì không muốn mất thời gian của các anh chị, tôi xin dừng ở đây.
Với niềm tin vào sự quan tâm, ủng hộ của các anh chị, tôi hy vọng các anh chị khi nhận được thư này, sẽ có những hành động thiết thực và hiệu quả giúp cộng đồng cư dân ĐNG giải tỏa được những bức xúc nêu trên.
Thay mặt cộng đồng cư dân ĐNG, tôi xin chân thành cám ơn sự cảm thông, thấu hiểu của các anh chị Ban biên tập.
Chúc các anh chị Ban biên tập luôn luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và thực hiện xuất sắc các mục tiêu cao cả đã đề ra.

Xin trân trọng cám ơn các anh chị Ban biên tập.

1 nhận xét: