Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Coi tin (để) tức!

Coi tin (để) tức!
Du Uyên - Dân Việt mình có câu cửa miệng thường nghe: “Đứa nào tao không ưa coi như hết xài!” Vậy mà rất nhiều khi tôi cảm thấy không ưa… cả thế giới. Thiệt tình không biết lúc đó thì cả thế giới hay là tôi “hết xài”!
“Ghét của nào trời trao của đó”, nên dẫu ghét thế giới này đến đâu tôi cũng đã lỡ quen biết nó rồi. Người ta thường nói, những con quỷ thường có một quá khứ đầy tốt đẹp, nhưng theo thời gian, do bị tác động bởi nhiều yếu tố nên chúng bị “biến tướng” và hóa thành một sinh vật đáng sợ. Trước khi không ưa cả thế giới thì đối với tôi cả thế giới này đáng yêu dữ lắm. Do không ưa cả thế giới nên càng ngày tôi càng ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. 

Trừ những lúc ra ngoài thì tôi dành mọi thời gian ở nhà. Ở nhà thì làm gì? Mở laptop lên là hàng vạn tin tức xấu; để khách quan, những khi muốn đỡ ghét thế giới, tôi phải tắt luôn laptop, smartphone. Tôi mở tivi lên coi, và biết ra, tôi vẫn ghét thế giới! Ðể tôi kể mọi người nghe, lần này câu chuyện tôi kể không phải là một câu chuyện buồn như mọi lần, nó chỉ không dzui mà thôi.

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”. Tôi bị đánh thức bởi con mèo mập (như heo) nhà hàng xóm. Nó liên tục la hét, cào cấu trước cửa đòi dzô nhà. Cái con này ngộ, cứ sáng qua gào, tôi vừa mở cửa nó chạy mất tiêu như chưa hề có cuộc chia ly luôn. Dĩ nhiên lần này tôi không thèm mở cửa, đâu phải muốn ngang nào là được ngang đó. Tôi mở tivi lên với ý định báo cho nó biết:

– Tao dậy rồi!

Hình như nó cũng hiểu nên càng gào và cào cấu mạnh bạo hơn. Tôi mặc kệ, đứng dậy pha ly ca phê và ngồi xuống, bắt đầu công cuộc “cải cách tâm lý”. Không biết do hên hay sao mà chương trình đầu tiên tôi được xem sáng hôm nay trúng ngay chương trình cho trẻ em. Chương trình này có tên là “ngụ ngôn cuộc sống” gì gì đó (hông nhớ tên chính xác vì tên nó khá dài), câu chuyện được kể bằng kiểu hoạt họa, nhưng các hình ảnh chuyển khá chậm, không “đã” như phim hoạt họa nước ngoài. Theo bút pháp và lồng tiếng thì đây là sản phẩm “ma dê in Việt Nôm” nên tôi không thể cứ “được voi đòi Hai bà Trưng”, không chê bai gì về chất lượng hình ảnh, âm thanh nữa. Lẳng lặng xem hết câu chuyện. Mười lăm phút trôi qua với hơn 6 lần kìm chế “tham vọng” chuyển kênh, tắt tivi đi… ngủ tiếp. 

Cuối cùng tôi cũng có thể tóm tắt như sau: nội dung câu chuyện kể về một chàng béo và một chàng không béo (theo cách gọi trong chương trình) dẫn lạc đà đi trong sa mạc. Chàng béo uống nhiều nước nên hết nước sớm, cuối phim chàng không béo còn dư nước nên đi tiếp được trong sa mạc bỏ lại chàng béo hết nước một mình trong sa mạc với vẻ mặt đáng thương. Và câu kết hiện ra “bài học”: khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Tôi ngồi “chết lặng” mấy giây để tự kiểm điểm lại bản thân có phải đã quá bớt ngây thơ hay chăng mà chỉ thấy thông điệp của câu chuyện kia là: Phải giảm cân và không được giúp đứa mập hơn mình!

Tân bí thơ Sài Thành tha thiết vận động sanh sản – Chụp từ báo cách mạng

Nói tới ngụ ngôn, tôi nhớ hôm rồi có nghe truyện một người bạn “live stream” trên facebook do chính con bạn đọc từ sách giáo khoa hay sách thiếu nhi gì đó, truyện này cũng khá quen thuộc với thế hệ trẻ VN.

– Truyện có tên là “Chú Quạ Thông Minh”. Ngày xửa ngày xưa, có một con quạ đang khát nước. Nó bay rất lâu để tìm nước nhưng chẳng thấy một giọt nước nào. Mệt quá, nó đậu xuống cành cây nghỉ. Rồi nó nhìn thấy cái bình có chứa rất ít nước, nhưng nó không thể chạm mỏ đến gần đáy mà uống được. Sau một hồi suy nghĩ, thử mọi cách nó nghĩ ra cách gắp sỏi bỏ vào bình thì nước sẽ dâng lên. Thế là nó chạy ra… bờ sông gần đó kiếm những viên sỏi khác và tiếp tục thả vào bình. Chẳng bao lâu, nước đã dâng lên đến miệng bình. Giờ thì nó có thể thò mỏ vào để uống. Bài học là: “có công mài sắt có ngày nên kim”

Trong video “live stream” đó, sau khi cô bé đọc, bạn tôi, cũng là phụ huynh của cô bé hỏi:

– Tại sao con quạ không ra bờ sông uống nước luôn mà phải đem sỏi bỏ vô bình chi cực vậy con?

Cô bé trả lời:

– Tại con quạ đó ngu đó mẹ.

Rõ ràng là tên truyện “Chú Quạ Thông Minh” mà sao sau khi phân tích lại thành chú quạ ngu thế này? Vậy câu “có công mài sắt có ngày nên kim” kia có phải nên đổi lại thành “Cần cù bù thông minh” hay chăng? Mà nói tới live stream lại thấy ngộ, dạo này người ta cái gì cũng live stream, riết rồi thấy ngán. Nhưng mà những live stream như của mẹ con nhà bạn ở trên thì tôi lại thấy… thích, điều này làm tôi bớt không ưa thế giới hơn. Hông cần còn bé bỏng vẫn có thể nghe kể chuyện, vui vẻ gì bằng?


“Nghe bác sĩ nói mẹ mình có nguy cơ loãng xương nên mình phải uống Anlene ngay” – báo Giáo Dục

Dĩ nhiên sau chương trình “ngụ ngôn cuộc sống” thì sẽ có quảng cáo rồi mới tới chương trình khác. Vì nhà đài cũng cần kinh phí để tiếp tục truyền hình còn các công ty mỗi phút phải bỏ bạc triệu để lên tivi nên các quảng cáo chen chân nhau lăn dài trên tivi một các khá khó hiểu và gây hiểu lầm (Cũng có thể là hiểu thiệt). Nói chứ coi chương trình ngụ ngôn gì gì đó tôi thấy mình bớt trong sáng một chứ coi các chương trình quảng cáo trên tivi tôi thấy mình mất sạch trong sáng luôn! Ví dụ, tự dưng đang ngủ gục cái thấy trong tivi gào lên: CÓ THAI RỒI!! Tôi giựt mình ngó lên, ai ngờ “thai ở đây là Tide bột giặt chứ không phải “có thai”. Rồi cái khi không trong mấy quảng cáo về dược phẩm tăng cường sinh lực, không hiểu sao cứ nhắc đi nhắc lại câu “Một người khoẻ hai người vui” mà trong quảng cáo có cả đại gia đình.

Mà để ý thấy hầu như tất cả những quảng cáo về thuốc đều chung kịch bản. Ðó là ban đầu, có mấy người nhăn nhó vật vã, đi ra đường được người quen hỏi thăm. Người đau kể cho nghe, thế là người quen đó nói hồi xưa cũng bị, rồi đọc một tràng như súng liên thanh về các thể loại triệu chứng, tiếp đến là đọc tên sản phẩm được quảng cáo. Cuối cùng, những người có mụn thì mặt hết mụn, giơ thuốc lên cười, người bị đau hết đau và giơ thuốc lên cười, hoặc cả gia đình khen lấy khen để rồi cùng giơ thuốc lên cười. 

Trong các đoạn quảng cáo về thuốc có một quảng cáo rất kinh dị. Ðầu dzô là một cô gái xinh đẹp đang đi ăn với một chàng trai. Nhưng đang ăn thì cô gái… nhổ luôn cục thịt vào đầu chàng trai rồi nhăn nhó, vạch miệng mình cho người yêu coi mình bị nhiệt. Sau một tràng liên thanh về thuốc, như thường lệ, cô gái và người yêu đọc tên sản phẩm, cùng cầm chai thuốc giơ lên cười. Vừa coi vừa tức anh ách, con nhỏ dzô dzuyên vậy cũng có người yêu, mình đáng yêu dzuyên dzáng xinh đẹp ngây thơ vậy mà vẫn ế. Chẳng lẽ phải bị nhiệt miệng mới có người yêu?

Nói tới quảng cáo ở Việt Nam thì nói đến vài… chế độ không hết. Càng coi càng thấy… hết xài. Có cái quảng cáo được nhiều người nhắc đến là quảng cáo sữa Anlene, cô người mẫu cầm ly sữa, nhìn người mẹ đang đứng gõ gõ lưng mặt nhăn nhó. Nói: “Nghe bác sĩ nói mẹ mình có nguy cơ loãng xương nên mình phải uống Anlene ngay”. Tôi mà nói với ngoại tôi kiểu đó chắc tôi ăn chổi chà quá!

Có người bạn tôi còn nói:

– Tao thấy tidi quảng cáo cái gì là nghỉ xài cái đó!


Chừng nào lãnh đạo Việt Nam học tập theo gương bác Pu dám đối thoại trực tiếp với dân như vầy? – báo mới

Tôi chuyển kênh, hy vọng mình có thể chủ động được chọn sự “hành hạ” trí óc vì coi tới đâu tôi suy diễn tới đó thiệt sự không mấy khả quan. Tôi chọn một đài đang phát dở chương trình thời sự quốc tế. Có tin là lần thứ 15 Tổng thống Nga giao lưu trực tiếp với dân suốt hơn 4 giờ đồng hồ. Tôi thầm nghĩ, không biết mấy câu hỏi ổng trả lời đã được “sàng lọc” kỹ càng chưa? Việt Nam mình bao chừ mới có một ông lãnh đạo bự bự dám đứng ra đối thoại trực tiếp với dân mà không cầm giấy đọc? Không cần 4 giờ đâu, 40 phút thôi cũng được. 

Thôi bỏ đi, tin tiếp theo là Châu Âu bãi bỏ cước chuyển vùng điện thoại. Ây dza, hàng triệu người Việt Nam không cần bãi bỏ cước chuyển vùng, chỉ cần bãi bỏ thủ tục giấy tờ Visa đi Châu Âu là được, cước bao nhiêu cũng trả! Hứa mà… 

Và tiếp theo là tin trong nước. Ðầu tiên vẫn là tiền đâu: Nhà máy in tiền Quốc gia – Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, vừa công bố báo cáo tài chính năm 2016 với doanh thu thuần 2,195 tỷ đồng – tăng 53%; Lợi nhuận sau thuế 42 tỷ đồng – tăng 79% so với năm trước đó. Ôi chu cha, nước mình giàu quá trời quá đất. Tôi vừa xem vừa khóc thét trong lòng. 

Hôm rồi đọc bài anh luật sư kia nói ngân sách đã chi ra 3,600 tỉ đồng cho cuộc bầu cử tiến hành hồi giữa năm ngoái. Từng đồng từng cắc đều là tiền thuế của dân. Số tiền ấy tương đương với 200,000 tấn heo hơi những ngày qua. Nghĩa là, nhân dân phải mất tới 2,500,000 con lợn mới bầu ra được hội đồng nhân dân các cấp và đặc biệt là gần 500 đại biểu Quốc hội đang họp hiện giờ. Vậy tiền thuế của dân với tiền của nhà máy in tiền quốc gia không biết có liên quan không nữa.

Hổm tôi cũng ngồi “hóng” chương trình trực tiếp của Quốc Hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói sẽ chi 7,300 tỷ cho những người có công với cách mạng, không biết số tiền này lấy từ khoản nào đây? Nói chứ nhắc tới tiền là mắt tôi sáng, tay tôi run rồi. Ước gì mỗi ngày có vài tỷ đếm cho dzui nhà dzui cửa, tôi hứa sẽ không còn cảm thấy thế giới khó ưa nữa.

Như thường lệ, tin cướp hiếp giết người và tai nạn giao thông lại chiếm trọn “tin trong nước”. An toàn là nhu cầu căn bản của con người, nhưng càng coi tivi càng thấy không an toàn. Người ta nói tin tức quả không sai! Tôi chán nản định chuyển kênh thì nghe được tin thú vị là đến năm 2050 Việt Nam sẽ dư từ 2.3 đến 4.3 triệu nam giới. Có nghĩa là đến 2050 Việt Nam sẽ thiếu nữ giới trầm trọng, nói cách khác lúc đó nữ giới sẽ là tinh hoa, “một người nữ đạp trên vạn người nam”. Lòng tôi reo vui mặc kệ những cảnh báo của mấy ông tiến sĩ, nhà nghiên cứu đang được phỏng vấn trên kia.

Việt Nam sẽ phải nhập khẩu cô dâu như Trung Quốc.

Tôi vui mừng quá đỗi với hy vọng sẽ không còn bị ế dù lúc đó trở thành bà lão!

DU
( Báo Trẻ )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét