Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Một tác phẩm đồ sộ về triết gia Trần Đức Thảo

Một tác phẩm đồ sộ về sự nghiệp và cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo
14/05/2017 - Cuốn sách “Hành trình Trần Đức Thảo - Hiện tượng học và chuyển giao văn hoá” vừa được dịch tại Việt Nam. Thế hệ 8X trở lại đây, ít người biết rằng Việt Nam có một triết gia được thế giới công nhận. Đó là Trần Đức Thảo, người có cuộc tranh luận nổi tiếng và nhuốm màu huyền thoại với triết gia hiện sinh người Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980) – người từ chối giải Nobel Văn học năm 1964.
Tập sách Hành trình Trần Đức Thảo
Triết gia Việt Nam duy nhất
Cuốn sách Hành trình Trần Đức Thảo - Hiện tượng học và chuyển giao văn hoá (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: L’itinéraire de Tran Duc Thao. Phénoménologie et transferts culturels) là kết quả của cuộc hội thảo khoa học về triết gia Trần Đức Thảo trong hai ngày 22 và 23/6/2012 tại Trường Sư phạm Cao cấp, phố Ulm, Paris (École Normale Supérieure, Rue d’Ulm/ENS).

Đây là ngôi trường lừng danh của nước Pháp và cũng là nơi đào tạo Trần Đức Thảo vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước. Cuộc hội thảo này do chính nhà trường phối hợp với Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và Kho lưu trữ Husserl tổ chức.

Cuốn sách được coi là tác phẩm nghiêm túc và mới nhất ở Việt Nam phản ánh toàn diện, sâu sắc, có giá trị học thuật cao, là kết quả nghiên cứu của các nhà triết học, các học giả uy tín, các giáo sư danh tiếng của Pháp, Bỉ, Canada...

Công trình đồ sộ này đã tiếp tục khẳng định tầm vóc của triết gia Trần Đức Thảo và vai trò của triết học Trần Đức Thảo đối với sự chuyển giao giữa các nền triết học trong thế giới đương đại. Cuốn sách do Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn chủ trì dịch, hiệu đính và giới thiệu, các dịch giả uy tín: Bùi Văn Nam Sơn, Đinh Hồng Phúc, Phạm Anh Tuấn, Phạm Văn Quang.


Một hành trình lưu đày đáng ngẫm ngợi

Cuốn sách gồm hai phần chính. Phần thứ nhất tuyển chọn các bài nghiên cứu của học giả quốc tế về triết gia Trần Đức Thảo. Phần thứ hai là tác phẩm quan trọng nhất, nổi tiếng nhất của ông được nhà Minh Tân xuất bản tại Pháp năm 1951 – Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Phénoménologie et matérialisme dialectique).

Trong Phần thứ nhất, đáng chú ý là bài viết của sử gia người Pháp Philippe Papin (được độc giả trong nước biết tới với cuốn Lịch sử Hà Nội hàm súc, chân thực). Bằng lối văn mộc mạc và hàm triết, sử gia này đã kể cho chúng ta nghe về một hành trình “lưu đày nội tại” của triết gia trong thời gian ở Việt Nam, đặc biệt là sau thời kỳ Nhân văn Giai Phẩm (1956-1991).

Lắng dưới trầm tích của câu chữ là một nỗi đau khôn nguôi không chỉ của triết gia duy nhất người Việt mà còn là niềm cảm thông sâu sắc của một sử gia người Pháp hậu sinh với bậc tiền bối.

Ở phần hai, các dịch giả cũng đã tiếp thu một số thuật ngữ từ bản dịch của Đinh Chân năm 2004 khi dịch lại tác phẩm kinh điển Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng của Trần Đức Thảo. Tác phẩm này cho thấy một Trần Đức Thảo sâu sắc khi phân tích các khía cạnh khác nhau của tư tưởng Hegel và Hurssel, đặt nền móng cho những hiểu biết về triết học duy vật biện chứng, đặc biệt trong khía cạnh hiện tượng học.

Đọc sách triết, không phải đắm chìm nơi phần nổi của miên man câu chữ mà cần lắng lại những chỗ câu chữ không hề nói đến và vấp vào những việc trên thực tế đời sống mỗi người.

Lưu ý rằng, vào năm 1955, triết gia Trần Đức Thảo từng là Phó giám đốc Đại học Văn khoa, tiền thân của Đại học Sư phạm Hà Nội, cơ quan chủ quản NXB Sư phạm. Ngẫm kỹ, đây là điều đáng mừng và cũng là tấm lòng đáng trân trọng của lớp hậu sinh với triết gia Trần Đức Thảo.

Triết gia Trần Đức Thảo (1917-1993), quê quán tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ tú tài Pháp năm 1935. Năm 1936, ông nhận học bổng của Phủ toàn quyền Đông Dương sang Paris (Pháp), và thi đậu vào trường École Normale Supériere-ÉN (Paris) năm 1939. Năm 1942, ông đậu thủ khoa thạc sĩ triết học lúc mới 26 tuổi, thành người Việt Nam đầu tiên trúng tuyển kỳ thi thạc sĩ triết học. Năm 1952, ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông mất năm 1993 tại Pháp.

'Bàn về chính quyền' - tác phẩm chính trị quan trọng của Cicero

"Bàn về chính quyền" của Cicero luôn được coi là một trong những nền tảng tư tưởng quan trọng của phương Tây.


Phạm Quang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét