Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Cứu du lịch biển miền Trung: Để Đảng và NN lo ?

Hãy cứu du lịch biển miền Trung
LĐ - 12/05/2016 Thông tin cá biển chết nhiều, dạt vào bờ thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch miền Trung. Hàng loạt điểm du lịch trọng điểm của biển Nghệ An - Hà Tĩnh đến Quảng Trị giảm, vắng khách, thậm chí tê liệt, hàng trăm lao động phải nghỉ việc, hàng nghìn lao động gián tiếp bị mất thu nhập, nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, có nguy cơ phá sản.

Bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) vắng ngắt mặc dù đã vào mùa du lịch.
Du lịch biển xứ Nghệ thất thu
Có mặt tại biển Thiên Cầm chiều 11.5, chúng tôi ngỡ ngàng trước khung cảnh quá đỗi vắng lặng đến tái tê. Một dãy bờ biển dài mênh mông cát trắng chỉ có lác đác vài khách đi dạo, chụp ảnh, không có ai tắm biển. Những dãy ô che, ghế nghỉ không có người ngồi, phao bơi chất đống bên bờ. Hàng trăm kiốt, nhà hàng dọc biển vắng tanh vắng ngắt. “Năm ngoái, vào dịp này biển Thiên Cầm chật cứng, năm nay thì chú coi đó, không có ai cả. Đây là dịp làm ăn chính của chúng tôi, nhưng năm nay không có khách” - chị Mai - một chủ nhà hàng ở biển Thiên Cầm - rầu rĩ.

Bà Thân Thị Nghị - Giám đốc khách sạn Thiên Ý - liên tục nhắc đến từ “thảm họa kinh tế” khi trao đổi với PV về tình hình kinh doanh năm nay. Với ưu thế khách sạn 3 sao, 100 phòng, vị trí đẹp, hằng năm vào mùa du lịch, Thiên Ý luôn trong tình trạng “cháy” phòng, giá phòng lên đến 1,2 - 1,5 triệu/đêm, nhưng năm nay khách sạn vắng tanh, giá phòng hạ xuống rất thấp mà cũng không có khách. “Tháng 5, có đoàn đã đặt phòng tại đây, kín hết phòng trong 3 ngày, nhưng nay họ đã hủy, dù có rất nhiều ưu đãi” - bà Nghị nói. Khách sạn cũng đã phải cho 60 lao động hợp đồng nghỉ việc.

Ông Nguyễn Hữu Thăng - Giám đốc khách sạn Du lịch Công đoàn Thiên Cầm - buồn thiu khi nhắc đến tình hình kinh doanh: “Không có khách, không có việc làm, không có thu nhập cho người lao động”. Theo ông Đặng Thế Tân - Phó Ban Quản lý khu du lịch Thiên Cầm - hiện cả 12 nhà nghỉ, khách sạn tại đây với 750 phòng hầu như không có khách, trong khi đó, vào những năm trước, phòng nghỉ ở đây luôn trong tình trạng cầu vượt cung. “Lượng khách giảm 90% so với năm trước, thậm chí là không còn, kéo theo hàng loạt hệ lụy, tình hình rất gay go. Có nhà hàng từ đầu mùa đến nay chưa mở hàng được” - ông Tân buồn bã. 


Tại Thiên Cầm có 70 hộ kinh doanh dọc bờ biển, khoảng 400 lao động, số lao động tại các khách sạn, nhà nghỉ khoảng 300, 60 lái xe ôtô điện, ngoài ra có hàng nghìn lao động theo chuỗi dây chuyền phục vụ du lịch. Lượng khách sụt giảm thê thảm do thông tin “cá chết” lan truyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, thu nhập, đời sống của đội ngũ lao động nói trên. Bãi tắm Xuân Thành, điểm du lịch nổi tiếng khác của Hà Tĩnh lượng khách cũng giảm nhiều so với năm trước, lượng khách giảm khoảng 50% so với năm trước (năm 2015, có 350.000 khách đến Xuân Thành).

Tại Nghệ An, ngành du lịch biển cũng bị hảnh hưởng nặng vì thông tin “cá chết”. Một số doanh nghiệp (DN), người dân Cửa Lò cho biết, năm nay phố biển vắng khách nhiều so với năm trước. “Đêm 30.4 bắn pháo hoa, mà đường vẫn vắng, còn năm ngoái thì như nêm. Ngày thường, ngày nghỉ Cửa Lò cũng giảm khách, thất thu lớn” - một DN cho hay. Tại bãi tắm Diễn Thành (Diễn Châu), lượng khách giảm khoảng 70-80% so với năm ngoái. Tại các bãi tắm Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), theo thông tin từ chính quyền địa phương và người dân, lượng khách giảm 30-50% so với năm 2015. “Khách giảm 70-80%, người tắm, ăn hải sản rất ít” - ông Hồ Minh Mẫn - chủ DN du lịch tại Quỳnh Nghĩa nói.

Khách giảm 50%, du lịch “tê liệt”

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó GĐ Sở VHTTDL tỉnh Quảng Bình - cho biết, việc trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra tình trạng thủy sản chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch địa phương. Số lượng khách hủy các tour đến Quảng Bình trong thời gian qua chiếm từ 35-40%, bên cạnh đó tỉ lệ khách du lịch không đi theo tour hủy chương trình đến Quảng Bình rất cao, chiếm trên 50%.


Hàng quán tại các khu du lịch ở tỉnh Quảng Trị đìu hiu.

Trong dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, tổng số lượt khách đến Quảng Bình ước tính chỉ đạt 82.000 lượt, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách chủ yếu đến du lịch tại khu vực VQG Phong Nha - Kẻ Bàng như động Phong Nha, động Thiên Đường, suối nước Moọc, sông Chày - hang Tối và mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Du khách gần như quay lưng hoàn toàn với du lịch biển. Theo thống kê, công suất sử dụng buồng tại các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn chỉ đạt 58% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 92%. Tại Quảng Trị, theo Sở VHTTDL, tình hình cá chết bất thường hàng loạt xảy ra trên địa bàn đã khiến ngành du lịch biển của tỉnh rơi vào trạng thái “tê liệt”. Trong kỳ nghỉ vừa qua, lượng khách du lịch về tham quan các di tích lịch sử giảm mạnh. Đặc biệt, các tour du lịch biển bị “tê liệt”, kéo theo 70% các chương trình du lịch đã bị hủy. Tính riêng trong 2 ngày lễ 30.4 và 1.5, tại các điểm du lịch trên địa bàn chỉ đón được hơn 3.200 lượt khách, giảm 75% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, công suất phòng tại các nhà nghỉ và khách sạn lưu trú chỉ đạt 45% tập trung tại TP.Đông Hà, riêng tại các khu vực ven biển hầu như không có khách.

Anh Nguyễn Minh Ngọc - Trưởng phòng Kinh doanh Khu du lịch Sepon Boutique Resort, Tổng Cty thương mại Quảng Trị - cho biết: So với thời điểm này của năm trước thì lượng khách du lịch đặt phòng đã kín, nhưng bây giờ chỉ đạt khoảng 60%. Nhiều người đã đặt tour nhưng bất ngờ lại hủy. Ghi nhận tại các bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt… thời gian gần đây, không có khách về tắm biển. Hàng trăm quán hàng kinh doanh hải sản cũng đìu hiu, ít người sử dụng hải sản do tâm lý lo ngại thực phẩm không an toàn.

Gần 100 mẫu hải sản miền Trung đạt chỉ số an toàn

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công bố kết quả xét nghiệm các mẫu hải sản tại các khu vực có hiện tượng cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung. Theo đó, kết quả xét nghiệm cho thấy trong 139 mẫu hải sản tươi sống, mẫu nước sử dụng và rau ăn tại khu vực xuất hiện hiện tượng cá chết, có 97 mẫu hải sản tươi sống đạt chỉ số an toàn. Còn lại là các mẫu rau và nước sử dụng cũng đều nằm trong ngưỡng cho phép. Trong số các mẫu hải sản tươi sống được lấy xét nghiệm, hầu hết là hải sản đánh bắt xa bờ.

Các mẫu hải sản này do Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã cử các đoàn công tác vào bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế để lấy mẫu và xét nghiệm từ ngày 28.4 - 6.5. 

Đức Vân
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/hay-cuu-du-lich-bien-mien-trung-550511.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét