Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Đánh giá luận án tiến sĩ như thế nào ?

Đánh giá luận án tiến sĩ như thế nào ?
Trần Văn Thọ - "Giáo sư hướng dẫn chịu trách nhiệm đầu tiên về việc đánh giá. Không một giáo sư chân chính nào thấy luận án của học trò mình chưa đạt tiêu chuẩn khách quan về học thuật và độc sáng mà dám đưa ra hội đồng bảo vệ", GS Trần Văn Thọ viết.
Đề tài luận án tiến sĩ của bạn là gì? 
"Kiểm tra độ đàn hồi của Bao Cao Su" ?
Bài này GS Trần Văn Thọ viết để đóng góp vào Đề án cải cách giáo dục Việt Nam do một số trí thức trong và ngoài nước thực hiện vào năm 2008. Toàn bộ nội dung của Đề án được đăng trên Thời đại mới số 13, tháng 3/2008.

Về giáo sư hướng dẫn và cơ sở đào tạo tiến sĩ

Với bối cảnh hỗn loạn, vàng thau lẫn lộn, về học hàm học vị trong thời gian qua, những tiêu chí cứng để định tư cách của giáo sư hướng dẫn (số công trình nghiên cứu, kinh nghiệm hướng dẫn nghiên cứu sinh...) hoặc tư cách của cơ sở đào tạo (số người có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư, số người có học vị tiến sĩ…) có lẽ không hoàn toàn thích hợp. Tốt nhất là nhà nước thành lập các ban thẩm định chuyên ngành gồm những nhà khoa học có thành tích nổi bật (mà xã hội đã biết đến), những nhà nghiên cứu đã lấy bằng tiến sĩ tại các đại học có uy tín ở nước ngoài, hoặc những trí thức người Việt đã có kinh nghiệm, hoặc đang hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài.

Các ban này sẽ đánh giá tư cách tham gia đào tạo tiến sĩ của những giáo sư, hoặc phó giáo sư trong danh mục người có nguyện vọng, và đánh giá tư cách tham gia đào tạo của các viện nghiên cứu hoặc các khoa ở đại học. Những cơ sở đào tạo tiến sĩ đã có cũng phải được thẩm định trở lại. Trước mắt tạm ngừng các chương trình đào tạo tiến sĩ tại các viện, các trường này cho đến khi có kết quả thẩm định nói trên.

Sau chừng nửa năm hoặc một năm hoạt động, các hội đồng thẩm định công bố danh sách trường, viện và tên các giáo sư đã qua thẩm định và được thừa nhận có tư cách đào tạo tiến sĩ. Những nghiên cứu sinh đã được nhận vào các viện, các trường không đủ tư cách đào tạo tiến sĩ phải thi lại vào các viện, các trường có tư cách đó. Ngoài ra, cần khuyến khích những “tiến sĩ” đã lấy bằng tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn mạnh dạn xin bảo vệ lại tại những viện, những truờng có đủ tiêu chuẩn đào tạo.

Cơ chế, phương pháp đánh giá luận án tiến sĩ

Khi các vấn đề về chuẩn mực của luận án, về cơ chế nghiên cứu học tập của sinh viên và về tư cách giáo sư hướng dẫn được giải quyết đúng đắn thì việc đánh giá luận án không còn là vấn đề khó khăn. Hơn nữa, giáo sư hướng dẫn là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc đánh giá. Không một giáo sư chân chính nào thấy luận án của học trò mình chưa đạt tiêu chuẩn khách quan về học thuật và độc sáng mà dám đưa ra hội đồng bảo vệ.

Có thể còn nhiều dư địa để cải thiện hơn nữa mà giáo sư hướng dẫn không thấy hết nhưng ít nhất 2 tiêu chí nói trên của luận án tiến sĩ được xem là đạt rồi mới cho bảo vệ. Trên cơ sở đó, các giáo sư khác trong hội đồng, cũng trên uy tín của mình, phải đánh giá thẳng thắn. Ở đây không cần bảo vệ kín mà vẫn giữ được sự khách quan là vì vậy. Cần nói thêm nữa là trong quá trình chuẩn bị luận án, nên để nghiên cứu sinh được báo cáo trước hội đồng chấm luận án một hoặc hai lần trước khi bảo vệ cuối cùng ít nhất là một năm để nhận các ý kiến hướng dẫn cho giai đoạn tới.

Ngoài ra, để bảo đảm tối đa sự khách quan của việc đánh giá, ở Nhật đặt cơ chế xã hội hoá việc đánh giá trước khi cho nghiên cứu sinh bảo vệ. Có hai hình thức xã hội hoá. Một là để được bảo vệ cuối cùng, nghiên cứu sinh phải có ít nhất từ một đến ba (tuỳ trường đại học) công trình liên quan đến luận án đăng ở các tạp chí có thẩm định độc lập (referee). Tạp chí có thẩm định độc lập là tạp chí khi ban biên tập nhận bài xin gửi đăng sẽ gửi bài đó (sau khi che giấu tên người viết) đến ít nhất 2 nhà nghiên cứu cùng ngành để nhờ thẩm định. Tên tuổi của những người thẩm định dĩ nhiên không được công bố. Người thẩm định sẽ dựa trên tiêu chuẩn học thuật và tính độc sáng của bài viết khi đưa ra quyết định đăng hay không.

Hai là, cho nghiên cứu sinh báo cáo trước đại hội toàn quốc hàng năm của ngành chuyên môn. Ở Nhật nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ có thể trở thành thành viên của các hội khoa học. Để được báo cáo, nội dung tóm tắt của luận án phải được thông qua ở ban tổ chức đại hội. Điều quan trọng là trước mặt các nhà khoa học trên toàn quốc, luận án của học trò mình bị chê là không độc sáng hoặc thiếu sót lớn về mặt khoa học thì người chịu tai tiếng đầu tiên là giáo sư hướng dẫn.

Dự thảo của Bộ Giáo dục về quy chế đào tạo tiến sĩ cũng đưa ra quy định là nghiên cứu sinh phải có ít nhất một bài viết đăng ở một tạp chí uy tín thế giới. Tạp chí uy tín thế giới là khái niệm mang tính chủ quan nên có thể bị giải thích tùy tiện và do đó điều kiện có ít nhất một bài viết trên một tạp chí như vậy không phải là khó, hoặc ngược lại nếu đưa ra một định nghĩa khắc khe thì khó có nghiên cứu sinh nào thỏa mãn điều kiện này. Theo tôi nên thay cụm từ “tạp chí uy tín thế giới” bằng cụm từ tạp chí khoa học chuyên ngành có thẩm định độc lập. Trước mắt hầu hết tạp chí này đều ở nước ngoài nhưng tùy theo ngành, trong nước cũng có thể từng bước xây dựng những tạp chí như vậy, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu nước ngoài (hoặc người Việt Nam ở nước ngoài) trong ban biên tập.

Việc tuyển chọn nghiên cứu sinh có thể linh hoạt nhưng phải có cơ chế kiểm tra năng lực. Ở Nhật nhiều đại học chú trọng kiểm tra đầu vào qua kỳ thi ngoại ngữ và chuyên môn và quy định phải lấy đủ các tín chỉ cần thiết. Có đại học, nhất là những nơi có khoa tổng hợp nhiều ngành, thì chú trọng thi ngoại ngữ và đánh giá luận án thạc sĩ thay cho kiểm tra năng lực chuyên môn. Nhiều đại học ở Mỹ thì dễ dãi đầu vào nhưng có chế độ kiểm tra gay gắt về chuyên môn và đề cương luận án trươc khi cho nghiên cứu sinh tiếp tục nghiên cứu để hòan thành và bảo vệ luận án.

Ở giai đoạn này (đầu năm 2008), nhận thức của nhà nước về vấn đề đào tạo bậc tiến sĩ đã có vài mặt tiến bộ. Tuy nhiên một số vấn đề cơ bản chưa được hiểu một cách đúng đắn. Trên đây là 4 vấn đề tôi thấy cần bàn thêm ở giai đoạn này.

Ông Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam, năm 1967 sang Nhật Bản du học. Ông lấy được bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin, Tokyo. Từ năm 2000 đến nay, ông làm giáo sư kinh tế Đại học Waseda, Tokyo.
Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin lần đầu tiên có ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của thủ tướng Nhật, ông Thọ là một trong ba người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời thủ tướng Nhật.

>>Trăn trở về đào tạo tiến sĩ của GS Trần Văn Thọ 19 năm trước
>>GS Trần Văn Thọ: Quá nhiều nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ

GS Trần Văn Thọ
Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/danh-gia-luan-an-tien-si-the-nao-3396593.html

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa