Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Lào

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Lào
Việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại Lào, có thể có những tính toán sâu xa hơn, đóng vai trò bước đệm trong tổng thể kế hoạch chi phối toàn bộ khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc trong tương lai.
Mới đây, Lào và Trung Quốc đã thống nhất phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế Boten-Mohan. Đây là khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới đầu tiên mà Trung Quốc thành lập ở Lào, với mục đích là mở rộng quan hệ kinh tế với các nước láng giềng phương Nam. Boten, một ngôi làng hẻo lánh ở biên giới Lào-Trung, nằm ở vị trí chiến lược có thể giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Đông Nam Á.

Boten kết nối hai tuyến đường giao thông huyết mạch từ Trung Quốc đến Đông Nam Á. Thứ nhất là đường cao tốc Côn Minh-Bangkok, bắt đầu từ Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đi qua Boten, sau đó qua cầu Hữu nghị Thái Lan-Lào, và cuối cùng đến thủ đô Bangkok. Thứ hai là đường sắt Trung Quốc- Lào, chạy từ Côn Minh đến thủ đô Viêng Chăn, một vị trí chiến lược dọc hành lang Đông-Tây nối liền Đà Nẵng (Việt Nam) với Phitsanulok ở miền trung Thái Lan và Mawlamyine (Myanmar). Trong khi đường cao tốc Côn Minh-Bangkok đã được hoàn thành vào tháng 12/2013, việc xây dựng đường sắt gây tranh cãi Trung-Lào có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường ở miền Bắc nước Lào. Dự án đường sắt này chỉ mới bắt đầu được triển khai vào tháng 12/2015.

Khu hợp tác kinh tế Boten-Mohan không phải là mới. Năm 2007, tiền thân của Khu hợp tác kinh tế này là Đặc khu kinh tế Boten (BSEZ), sau đó chuyển thành Khu hợp tác kinh tế Boten-Mohan. BSEZ được cấp vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Từ khi thành lập BSEZ, khách sạn, sòng bạc, nhà hàng và trung tâm mua sắm đã xuất hiện ở khu vực Boten xa xôi và chưa phát triển.

Nhờ chính sách miễn thị thực nhập cảnh của Lào và việc hoàn thành đường cao tốc Côn Minh-Mohan, một phần của đường cao tốc Côn Minh-Bangkok, vào cuối năm 2006, khách du lịch và các băng đảng tội phạm thuộc Trung Quốc đã tràn ngập BSEZ. Người dân Trung Quốc là khách hàng chủ yếu của Boten, còn nhiều người dân địa phương đã chuyển đến một ngôi làng gần đó để tiếp tục duy trì lối sống canh tác truyền thống của họ. Tuy nhiên, BSEZ buộc phải đóng cửa vào năm 2009 do hoạt động tội phạm gia tăng. Một chủ cửa hàng nhỏ ở địa phương nói: “Boten giờ đây giống như một thị trấn ma bởi vì tất cả khách sạn, sòng bạc và nhà hàng đã đóng cửa, chỉ còn một vài cửa hàng nhỏ”.

Mặc dù Boten tại thời điểm này hầu như không có hoạt động kinh doanh, nhưng ngôi làng xa xôi này có thể dễ dàng được hồi sinh khi Khu hợp tác kinh tế Boten-Mohan mở ra. Khách sạn Sheng Chang, được mở cửa vào đầu năm 2014, là trung tâm hoạt động lớn nhất ở Muang Xay (Lào), bao gồm một siêu thị lớn, một sòng bạc và một nhà hàng. Khi được hỏi về lý do đầu tư lớn như vậy ở thành phố miền núi chỉ có chưa đầy 150.000 dân này, người quản lý khách sạn nói rằng ông nhìn thấy tiềm năng kinh doanh đầy hứa hẹn nơi đây trong tương lai nhờ có đường cao tốc Côn Minh-Mohan và hoạt động kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Lào.

Mặc dù khu kinh doanh ở Muang Xay chỉ kéo dài 1 km dọc theo tuyến đường chính, nhưng các cửa hàng và biển quảng cáo của người Trung Quốc tràn ngập hai bên đường. Người ta có thể nhìn thấy cửa hiệu sửa chữa ô tô, cửa hàng tạp hóa, điện tử, nhà trọ và cả nhà hàng ở đó. Khơ Mú từng là nhóm dân tộc lớn nhất ở Muang Xay, nhưng bây giờ người di cư Trung Quốc đã chiếm lĩnh kinh tế địa phương, đẩy người Khơ Mú ra rìa. Ngay cả tại các trạm xe buýt ở Muang Xay, người ta cũng có thể nhìn thấy những bảng hiệu chỉ dẫn bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và tiếng Lào. Người ta thường nhìn thấy các chữ viết Trung Quốc ở các thành phố lớn như Luang Prabang, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi chữ viết Trung Quốc lại xuất hiện ở các thị trấn nhỏ như Phongsaly, Muang La, Nông Khiaw và Luang Namtha.

Với việc Trung Quốc gần đây tăng cường đầu tư vào miền Bắc nước Lào, có vẻ như mục đích chính của khu hợp tác kinh tế Boten-Mohan không hẳn đơn thuần là để “thúc đẩy đề xuất Sáng kiến Một vành đai, một con đường” hay “nâng cấp quan hệ hợp tác song phương”, như tuyên bố của các quan chức Trung Quốc, mà còn là nhằm tạo điều kiện mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của Trung Quốc tại Lào và các khu vực khác của Đông Nam Á.

Tác giả là Giáo sư và Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Sun Yat-sen. Bài viết đăng trên "Diễn đàn Đông Á".

Viết Tuấn (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét