Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Nhiều trường đại học khoác áo “phi lợi nhuận” để kiếm lời

Nhiều trường đại học khoác áo “phi lợi nhuận” để kiếm lời
17-03-2016 - Gần đây, câu chuyện giáo dục phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận ở Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt trong cộng đồng những người làm giáo dục. Đây không phải là một vấn đề mới ở các nước đã phát triển, nhưng ở Việt Nam thì nó mới mẻ hơn, và cũng có những đặc thù khác xa các nước đã phát triển. Các trường phi lợi nhuận như Duy Tân, Thăng Long, Đại học Kinh doanh công nghệ... làm rất tốt. Chính vì vậy, chủ yếu là cái tâm của người làm giáo dục cũng như những văn bản của nhà nước quy định đừng để cho các đơn vị "lách luật".
Nhiều trường đại học khoác áo "phi lợi nhuận" kiếm lời
Giáo dục phi lợi nhuận là gì?
Năm 2012, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học, lần đầu tiên phân biệt “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”. Thế nhưng đến tận bây giờ thì lằn ranh giữa hai khái niệm này vẫn còn chưa rõ ràng. Từ đó xuất hiện những chiêu bài “núp bóng” phi lợi nhuận để chuộc lợi cá nhân. Một số người ủng hộ giáo dục vì lợi nhuận, một số thì lại cho rằng "giáo dục không phải là nơi kiếm lợi". Và mới đây, những lùm xùm xung quanh các trường đại học trong cách quản lý, mở rộng quy mô, không quan tâm chất lượng... đã làm dấy lên ý kiến lo ngại rằng đây sẽ là giai đoạn khủng hoảng của giáo dục đại học.

Thực tế, hệ thống văn bản hiện hành có dùng cụm từ “không vì lợi nhuận” và định nghĩa là “phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ”. Điều này có nghĩa là trường tư do các cá nhân hay nhóm góp tiền vốn để lập ra và sau đó được chia một phần lợi nhuận của trường, vẫn được tự xưng là “không vì lợi nhuận”.Giáo dục là một ngành siêu lợi nhuận, do vậy nếu không kiểm soát một cách chặt chẽ thì sẽ rất dễ bị lợi dụng để các doanh nghiệp núp bóng kinh doanh giáo dục với vỏ bọc được lăng xê ầm ĩ là “phi lợi nhuận”.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích: Hiện nay mình có khoảng 450 các trường đại học, cao đẳng, chưa kể các trường dạy nghề, số trường ngoài công lập chỉ có 90 trường thôi, còn ngoài ra là trên 350 trường của nhà nước. Nhưng nhà nước lại không có đủ tiền để cung ứng cho tất cả các trường nên các trường ngoài công lập họ phải tìm mọi cách để kiếm tiền. Vậy nên đối với các trường ngoài công lập, nhà nước cũng cần một chế độ chính sách riêng.
Đối với các nước khác, họ làm phi lợi nhuận rất triệt để. Người ta có rất nhiều tiền, nên việc đầu tư vào giáo dục người ta bỏ tiền ra không phải suy nghĩ. Nhưng ở Việt Nam, việc phi lợi nhuận là hơi khó vì điều kiện không cho phép. Họ có tiền dành dụm bỏ vào ngân hàng kiếm chút lãi, nếu không bỏ vào ngân hàng thì họ bỏ vào trường học. Thì họ cũng sẽ thu lại được tương tự như bỏ tiền vào ngân hàng hoặc cao hơn chút ít. Còn tiền dư ra, họ sẽ đầu tư vào trường, xây dựng cơ sở vật chất, mua trang thiết bị...

Nói thế để mọi người hiểu, những trường phi lợi nhuận họ lợi nhuận rất nhiều nhưng không bỏ vào trong túi nó mà lợi nhuận này dành để đầu tư ngược lại phục vụ cho học sinh.

Mặc dù hành lang pháp lý đã có trong Luật Giáo dục, trong Nghị định 61 nhưng quan trọng hiểu như thế nào là "vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận"? Mấu chốt của trường không vì lợi nhuận là gì và trường có lợi nhuận là như thế nào? Các câu hỏi này cần phải làm rõ hơn.


Các sinh viên chính là "mấu chốt" để các đơn vị tổ chức ra các hoạt động trường đại học "phi lợi nhuận" nhưng thực chất là có mức siêu lợi nhuận

Việt Nam thật sự có trường đại học phi lợi nhuận hay không?

Nền giáo dục Việt Nam từ khi thống nhất đất nước năm 1975, toàn hệ thống chỉ rập theo khuôn mẫu giáo dục từ Liên Xô, nghĩa là chỉ có trường công. Khi đất nước buộc phải “đổi mới” sau năm 1986, nhà nước mới nói lỏng các chính sách kinh tế, cho phép lập thương mại tư, gây vốn tư... Đến năm 1993, mảng giáo dục được ban hành quy chế về đại học tư thục.

Trong khi đó, theo luật giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay thì: Cổ đông là chủ sở hữu, và hội đồng quản trị do cổ đông bầu hay chỉ định, có toàn quyền điều hành nhà trường qua trung gian là hiệu trưởng và ban giám hiệu. Để phân biệt được một trường đại học có phải là trường phi lợi nhuận hay không thì cần căn cứ vào báo cáo tài chính của trường đó đối với các cơ quan thuế hằng năm. Tuy vậy, với kiểu báo cáo tài chính gian dối cũng rất dễ để cho các trường đại học tư nhân núp bóng "phi lợi nhuận". 

Ví dụ, một trường đại học tư thục tự gọi mình là “phi lợi nhuận” trả lương cho giảng viên (đồng thời là cổ đông của trường) với mức lương cao gấp hàng chục, hàng trăm lần mức lương trung bình của một giảng viên đại học ở Việt Nam làm cho chi phí trả lương của trường rất cao. Do chi phí cao nên lợi nhuận của trường hoặc là âm (không phải đóng thuế do báo lỗ) hoặc là rất ít để không cần phải chia sau khi đóng thuế nữa. Nói cách khác một đại học tư thục hiện nay ở Việt Nam hành xử như một “doanh nghiệp vì lợi nhuận”, dù đại học đó có tự xưng là “phi lợi nhuận”,và các giảng viên, nhân viên từ cấp hiệu trưởng trở xuống đều là nhân viên của doanh nghiệp, như ở bất cứ một doanh nghiệp nào khác. Chính vì còn nhiều điều chưa được rõ ràng nên lãnh đạo nhiều trường ngang nhiên lách luật, tự phong “trường đại học tư thục không vì lợi nhuận” để trục lợi. 

Thực tế, trên thế giới thì mô hình giáo dục phi lợi nhuận là tốt nhưng nó khó xuất hiện ở Việt Nam bởi nhiều chuyên gia giáo dục đã nhận định điều kiện chưa cho phép.

Thông thường dấu hiệu cơ bản của mô hình trường không vì lợi nhuận là những người đầu tư vào trường mà không lấy lãi. Tiêu chí để phân biệt là những người góp vốn không được hưởng cổ tức cao hơn trái phiếu chính phủ. Lúc này đồng tiền cũng giống như gửi tiết kiệm, tiền lãi sẽ được đầu tư để phát triển đội ngũ và cơ sở vật chất, quan tâm tới lợi ích của sinh viên. 

Phân tích về điều này, GS Phạm Phụ từng cho rằng: Ngay cả đối với một công ty có lãi suất hằng năm đạt khoảng 30%, nhưng chỉ chia 5%, còn lại 25% tái cấu trúc và như vậy công ty vẫn là siêu lợi nhuận. Thế mà nhiều trường tuyên bố hoạt động giáo dục không vì lợi nhuận nhưng trên thực tế lại chia cổ tức cao ở mức ngất ngưởng, ban điều hành nhận lương thưởng rất cao và điều đặc biệt là không có sự minh bạch trong điều hành quản lý, chi tiêu tài chính...

Đến nay, Việt Nam chưa có trường tư thục không vì lợi nhuận đúng nghĩa theo cách hiểu phổ biến trên thế giới hay theo quy định của pháp luật hiện hành. Và nói như PGS-TS Trần Xuân Nhĩ: Hiện nay ở Việt Nam có cả hàng trăm trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thì có tới 10% các trường có vấn đề như: Hùng Vương, Hoa Sen... Tuy nhiên các trường khác như Duy Tân, Thăng Long, Đại học Kinh doanh công nghệ... làm rất tốt. Chính vì vậy, chủ yếu là cái tâm của người làm giáo dục cũng như những văn bản của nhà nước quy định đừng để cho các đơn vị "lách luật". Nếu không sửa đổi thì thực trạng này vẫn còn kéo dài và cũng chẳng có gì lạ nếu như một số trường vẫn cho rằng mình hoạt động phi lợi nhuận nhưng thực tế thì có mức siêu lợi nhuận mà ai nhìn vào cũng thấy rõ điều đó.

Dạ Thảo
http://motthegioi.vn/khoa-hoc-giao-duc/nhieu-truong-dai-hoc-khoac-ao-phi-loi-nhuan-de-kiem-loi-298227.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét