Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Nhà báo không thể 'hai mặt' trên mạng xã hội

Nhà báo không thể 'hai mặt' trên mạng xã hội
21/03/2016 - Nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ kiến nghị cấm nhà báo sử dụng mạng xã hội tuyên truyền trái với chính sách thông tin của cơ quan báo chí. "Hiện có nhiều nhà báo sử dụng mạng xã hội tuyên truyền khác với thông tin chính thống trên chính cơ quan báo chí của mình. Các cơ quan báo chí nước ngoài cũng cấm, đây là chuyện đạo đức nghề nghiệp", ông Hà Minh Huệ nói khi thảo luận dự thảo luật Báo chí sửa đổi hôm nay tại QH. "Anh không thể hai mặt, nói ở cơ quan chính thống thế này, lên mạng xã hội lại nói khác. Theo tôi nên cấm luôn điều này".
ĐBQH Hà Minh Huệ: Nhiều nhà báo sử dụng mạng
xã hội tuyên truyền khác với thông tin chính thống
Nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN cũng cảnh báo một số tổ chức nhân danh các nhà báo, cũng là các tổ chức chính trị - xã hội và không loại trừ có những tổ chức phản động. Do đó cần quy định rõ hơn địa vị pháp lý của Hội Nhà báo VN trong luật.

Ông Hà Minh Huệ cũng đặt vấn đề muốn Nhà nước có sự ưu tiên đối với các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị.

"Các cơ quan báo chí đang rất khó khăn, sống dở chết dở, quảng cáo giờ đâu có dễ xin doanh nghiệp. Có chính sách gì về đầu tư, ưu đãi không, trong dự thảo luật chưa thể hiện", ông Huệ nói.

Cũng trăn trở về mạng xã hội, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) lưu ý việc báo chí đang gặp sự phải cạnh tranh gay gắt về thông tin và tài chính.


ĐB Đoàn Nguyễn Thúy Trang

"Nhà nước sẽ tiếp sức cho báo chí như thế nào trong cuộc cạnh tranh này? Có cơ chế thế nào để báo chí tự chủ, năng động?", bà Trang đặt vấn đề.

Khó khăn tiếp cận thông tin
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) kiến nghị làm rõ hơn quyền tự dó báo chí, tự do ngôn luận của công dân trên báo chí: "Công dân được có ý kiến phê bình, kiến nghị... với các tổ chức Đảng, nhà nước, đoàn thể... là chưa đủ. Công dân còn có quyền này đối với các cán bộ, công chức trong các cơ quan đó. Dự thảo cần bổ sung thêm".

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng chỉ ra những khó khăn của báo chí trong tiếp cận thông tin.

"Đã có quy định về người phát ngôn nhưng nhiều cơ quan vẫn cử người không có thẩm quyền phát ngôn, thông tin chậm, né tránh những vụ việc tiêu cực, hoặc đòi hỏi xuất trình giấy tờ...", bà kiến nghị luật cần bổ sung chế độ trách nhiệm trả lời các vấn đề trên báo chí, tránh để các vụ việc rơi vào im lặng.


ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy: Báo chí khó khăn tiếp cận thông tin

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đồng tình cấm các hành vi như không không tiếp, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật..., cho báo chí.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) yêu cầu làm rõ những nội dung cấm còn quá mông lung, rộng.

"Những khái niệm như 'xuyên tạc lịch sử', 'xúc phạm nhân phẩm', 'ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ em', 'kích động chiến tranh, xâm lược, chống lại độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ'..., đều cần được làm rõ", ông Nghĩa nói.


ĐB Trương Trọng Nghĩa: Nội dung cấm còn mông lung

Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc muốn cơ cấu lại các quy định về bảo vệ nhà báo do đây là nghề rủi ro, thực tế có những nhà báo đã hy sinh, bị xâm phạm về thân thể.

Cùng với đó là bảo vệ quyền riêng tư về bản thân và gia đình của những người là đối tượng khai thác thông tin của báo chí.

Chung Hoàng
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/295302/nha-bao-khong-the-hai-mat-tren-mang-xa-hoi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét