Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Không dân chủ, Bí thư, Bộ trưởng xin lỗi sao xuể?

Lại có cơ hội tăng biên chế: "để tiến tới chuyên nghiệp hóa việc xin lỗi, mỗi tỉnh, thành phố nên đặt ra một ban riêng, gọi là Ban xin lỗi tỉnh (hoặc thành phố) chỉ để chuyên đi lo việc xin lỗi mỗi khi ngành nọ ngành kia gặp sự cố. Có như vậy thì các ngành mới có thời gian mà làm việc chứ"Đọc thấy xót xa. Ở nước ngoài, Bí thư, Bộ trưởng cúi rạp người xuống để xin lỗi, rồi đứng thẳng lên và xin từ chức ngay, từ chức để người có năng lực lên thay, để các Bí thư, Bộ trưởng tiếp theo làm việc tốt hơn và chính quyền không phải tiếp tục xin lỗi dân nữa. Nhưng để có được điều đó, đất nước phải dân chủ, các đảng phái phải cạnh tranh với nhau bằng cách phục vụ người dân tốt hơn các đối thủ cạnh tranh.
Bí thư thành phố, Bộ trưởng... xin lỗi sao cho xuể?
Sau màn xin lỗi nữ du khách Ai Cập khóc do bị cướp giật ở TP Hồ Chí Minh, lại có 2 du khách người Ba Lan bị cướp mất iphone6. “Khó xử quá đi”, cư dân mạng ồn ào bình luận. Giờ phải làm sao đây? Bởi không lẽ nữ du khách Ai Cập vừa được xin lỗi xong, đến du khách Ba Lan bị cướp tiếp mà đại diện thành phố không đứng ra xin lỗi thì chẳng hóa ra chúng ta đối xử không công bằng với du khách quốc tế? Mà cứ đi tổ chức xin lỗi rồi chụp ảnh ì xèo đăng báo thế này, các sở ban ngành còn làm được việc gì ngoài việc tối ngày đi xin lỗi? Nạn cướp giật ngoài đường chưa biết phải giải quyết làm sao.
Nữ du khách Ai Cập trong buổi xin lỗi do Sở 
Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức. Ảnh: Lao động
Tin trên báo cho biết: “Vụ cướp xảy ra vào chiều 17.3, gần khu vực cầu Kênh Xáng thuộc xã Bình Hưng, H. Bình Chánh. Khi 2 du khách Ba Lan đang tản bộ ở chân cầu thì một thanh niên đi xe máy màu đỏ, bịt khẩu trang chạy từ phía sau giật điện thoại của nữ du khách đang cầm trên tay. Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến hai du khách thất thần và không kịp phản ứng gì.

“Bạn gái tôi rất buồn, hoảng loạn và cô ấy khóc nên tôi không muốn nói thêm về sự việc này nữa”- du khách nam cho phóng viên biết như vậy”.

Quả thật là một tin tức không mấy dễ chịu gì, vì trước đó đúng 24 giờ, chiều 16.3, cơ quan chức năng ở TP.HCM đã tổ chức buổi xin lỗi công khai chị Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh - du khách Ai Cập - vừa bị cướp ở phường Phạm Ngũ Lão, Q.1 (TP.HCM). Yêu cầu xin lỗi du khách bị cướp này được Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng chỉ đạo vài ngày trước đó.

“Khó xử quá đi”, cư dân mạng ồn ào bình luận. Giờ phải làm sao đây? Bởi không lẽ nữ du khách Ai Cập vừa được xin lỗi xong, đến du khách Ba Lan bị cướp tiếp mà đại diện thành phố không đứng ra xin lỗi thì chẳng hóa ra chúng ta đối xử không công bằng với du khách quốc tế? Mà cứ đi tổ chức xin lỗi rồi chụp ảnh ì xèo đăng báo thế này, các sở ban ngành còn làm được việc gì ngoài việc tối ngày đi xin lỗi? Nạn cướp giật ngoài đường chưa biết phải giải quyết làm sao.

Đúng là một điệp vụ bất khả thi, thưa bạn đọc.

Người nhà đau buồn trước cái chết bất ngờ của bệnh nhân. Ảnh: vnexpress

Mà tôi trộm nghĩ, có lẽ không chỉ có lãnh đạo thành phố HCM bối rối, cả Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đang lâm vào tình cảnh trớ trêu không kém. Ấy là sáng qua, ngày 18.3, bà đích thân đến nhà nữ sinh Lê Thị Hà Vi, cô bé 15 tuổi bị cưa chân vì sự yếu kém chuyên môn của ê kíp y bác sĩ ở bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Thế nhưng cùng ngày hôm qua, tại Đà Nẵng, bà Trần Thị Là (SN 1969, ngụ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tử vong sau khi phẫu thuật gãy chân tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.

Cho dù phía bệnh viện khẳng định mọi thứ đều đúng quy trình, bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ và thuyên tắc phổi, rằng đây là sự cố ngoài ý muốn nhưng gia đình bệnh nhân vẫn không hài lòng với giải thích này. Cũng có thể thông cảm được, một người nhập viện để mổ cứu chữa cái chân gãy, mà cuối cùng lại tử vong, thì gia đình hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về trình độ của kíp mổ.

Giờ Bộ trưởng Y tế sẽ phải làm sao? Lại đến chia buồn, xin lỗi, nhận trách nhiệm với gia đình nạn nhân nữa hay sao? Công việc của một chính khách bận rộn, còn bao nhiêu đầu việc cần giải quyết, nỗ lực bày tỏ sự chia sẻ cảm thông với gia đình nạn nhân của bà Bộ trưởng đáng được ghi nhận, nhưng bà không thể suốt ngày bay đi tỉnh nọ tỉnh kia mà xin lỗi các nạn nhân. Xin lỗi làm sao cho xuể?

Chính bản thân mạng xã hội cũng cảm thấy… bối rối lây vì những vụ xin lỗi này. Tuy nhiên đã có người hiến kế: để tiến tới chuyên nghiệp hóa việc xin lỗi, mỗi tỉnh, thành phố nên đặt ra một ban riêng, gọi là Ban xin lỗi tỉnh (hoặc thành phố) chỉ để chuyên đi lo việc xin lỗi mỗi khi ngành nọ ngành kia gặp sự cố. Có như vậy thì các ngành mới có thời gian mà làm việc chứ.

Nghe cũng không phải là không có lý, phải không thưa bạn đọc? Trong khi chúng ta chưa giải quyết được cái gốc vấn đề, như TP Hồ Chí Minh chưa dẹp được nạn trộm cắp cướp giật như cơm bữa ngoài đường, thì chi bằng nên có ban xin lỗi chuyên đi xin lỗi du khách. Trong khi ngành y còn rất nhiều vấn đề như quá tải tuyến trên, trình độ y bác sĩ tuyến dưới chưa giải quyết được nhiều chục năm nay rồi, thì việc có một ban chuyên đi xin lỗi các nạn nhân cũng là vô cùng cần thiết.

Rồi ngành công an nữa, hôm qua lại có tin một phạm nhân đang thụ án tại Phân trại tạm giam thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương có địa chỉ tại xã Đồng Lạc, thị xã Chí Linh, Hải Dương vì tội đánh bạc lại được phát hiện chết do treo cổ tại nhà riêng. Thật là không thể tin được. Phạm nhân đang thụ án, nhưng bằng cách nào đó đã có mặt tại nhà riêng, và treo cổ tự vẫn tại nhà.

Tuy nhiên, có lẽ vì đang bối rối nên chưa thấy ngành công an tỉnh Hải Dương đưa ra phương án xin lỗi nào.

Mi An
(Đất Việt)
http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/bi-thu-thanh-pho-bo-truongxin-loi-sao-cho-xue-3303253/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét