Điều kiện để làm người… tử tế ?
Làm thế nào để mỗi cá nhân dễ dàng trở thành "người tử tế" hoặc khuyến khích, động viên mỗi người có trách nhiệm hơn với cộng đồng ? Cán bộ, đảng viên là người phải đi đầu, gương mẫu trong mọi việc, trong đạo đức, lối sống, thì lại đang là đối tượng bị chỉ trích bởi có những kẻ tha hóa biến chất, có những kẻ tham nhũng… Chính bọn này làm cho người dân thấy rằng, "việc gì phải… tử tế", khi mà những kẻ tham nhũng, thoái hóa, biến chất vẫn đang sống sờ sờ, vẫn đang ăn trên ngồi chốc và vô cảm với nỗi đau khổ của người dân.Đang đi với tốc độ chậm. Chợt ông giật bắn người khi thấy từ trong ngõ một chiếc xe máy lao ra… ông vội vàng phanh gấp. Chiếc xe quay ngang và quật đổ xuống đường. Từ phía sau, một chiếc ôtô lao tới và cũng phanh đến cháy đường. Nhưng vụ va chạm vẫn xảy ra… Ông đập đầu vào thành xe, văng ra đường, bất tỉnh luôn. Còn gã lái xe, sau mấy giây chần chừ, ngó trước trông sau không thấy ai, gã vù xe đi luôn.
Vài phút sau, có một chiếc xe con lao tới. Thấy ông nằm sóng sượt trên đường, người lái xe nhảy xuống và với vẻ thành thạo, anh kiểm tra mạch đập ở cổ người bị nạn. Thấy mạch vẫn đập, anh vội nhẹ nhàng bế ông ta vào vệ đường và gọi điện thoại cho cảnh sát. Không hiểu người đầu giây đằng kia trả lời thế nào, chỉ thấy anh gào lên : "Tôi chỉ có một mình… Làm sao đưa được ông ấy đi viện… Còn xe máy ông ấy ở đây, cả thùng hàng nữa…". Vừa lúc đó có mấy người dân trong xóm chạy ra. Lập tức, có người tru tréo lên : "Ối giời ơi ! Ôtô đè chết người… bắt thằng này lại…". Người lái xe vội vàng phân bua : "Tôi đi tới đây, thấy ông ấy đang nằm… Tôi xuống cứu !". "Mày đừng có mà già mồm. Tao vừa đi qua đây, mới vài ba phút… có thấy ông này đâu ?".
Thế là một cuộc cãi vã nổ ra. Một gã trai làng, xách ngay đoạn gốc tre ra, hùng hổ : "Mày mà chối tội, ông ghè vỡ đầu… Bắt thằng này lại đã, kẻo nó trốn". Vừa lúc đó, một chiếc xe cảnh sát tới… Anh lái xe như vớ được cứu tinh và vội vàng trình bày với các cảnh sát. Nhưng cũng chẳng ai tin anh và cảnh sát giao thông thu luôn giấy tờ của anh, rồi yêu cầu anh khẩn trương đưa người bị nạn đi viện. Quá choáng váng, nhưng may mắn, trong đầu anh lóe lên suy nghĩ. Anh vội vàng lấy điện thoại ra và nói với một cảnh sát rằng, anh là người đã gọi điện báo cảnh sát theo đường dây nóng… Rồi anh tường thuật lại cuộc gọi. Với vẻ thận trọng, một cảnh sát giao thông gọi điện xác minh ngay. Và thật may mắn cho anh, khi người sĩ quan trực ban xác nhận với cảnh sát giao thông là vào giờ ấy, phút ấy, có số máy như thế… gọi tới, báo về một vụ tai nạn giao thông và xin trợ giúp…
Nghe thủng câu chuyện, anh Đại úy Cảnh sát giao thông nói : "Xin lỗi anh nhé. Suýt nữa làm khổ anh". Rồi anh lớn tiếng giải thích với đám đông đang vây quanh. Mọi người có vẻ hiểu ra và hăng hái giúp đưa người bị nạn lên ôtô đi cấp cứu. Nhưng khi anh lái xe đề nghị có ai đó đi cùng thì cả đám đông lảng ngay. Thế là một cảnh sát giao thông phải đi cùng anh, đưa người bị nạn vào một bệnh viện ở Hà Nội.
Trên đường đi, anh lái xe bị vợ gọi điện chửi té tát vì "rúc vào xó nào mà giờ chưa về". Anh giải thích là cứu người bị nạn, lập tức, cô vợ gào lên : "Ông hâm à. Người ta bị nạn thì có chính quyền lo… Ai mượn cái mặt ông là người tử tế. Không khéo mang họa vào thân đấy !".
Vào bệnh viện, nhân viên phòng cấp cứu yêu cầu anh lái xe phải nộp tiền thì mới tiếp nhận và tiến hành cấp cứu… Giời ạ. Tiền thì không có, anh cảnh sát vét túi nọ, túi kia cũng chẳng được trăm ngàn. Nhưng khi anh cảnh sát nói về vụ tai nạn, lập tức các nhân viên cấp cứu hiểu ra và mau mắn đưa người bị nạn đi chụp não và làm các biện pháp cấp cứu khác.
Mọi việc tưởng thế là xong và chỉ còn chờ người nhà đến nhận. Nhưng chợt có tiếng hò hét: "Thằng nào hại bố tao… Thằng nào hại bố tao ? Tao phải chém… Phải chém".
Một tốp bốn gã đầu trọc, kẻ tóc nhuộm vàng như lông bò, xăm trổ vằn vện, cầm mã tấu lao vào phòng cấp cứu. Nhân viên bệnh viện vội ù té chạy… Một gã lao vào, túm cổ anh lái xe, gầm lên : "Mày gây tai nạn cho bố tao phải không ?". Anh cảnh sát phải lăn xả vào cứu anh lái xe và bị chúng chém trượt. Đang lúc nguy khốn thì bảo vệ bệnh viện cùng công an phường ập vào… Hóa ra kẻ cầm mã tấu là con trai người bị nạn. Gã nhận được điện thoại của ai đó, báo là lái xe gây tai nạn đang đưa bố anh ta vào cấp cứu…
Và anh lái xe chưa kịp hoàn hồn về việc suýt bị ăn đòn, thì đã thấy bộ mặt sưng như bị ong đốt của cô vợ… lại mất một hồi giải thích và có sự làm chứng của anh cảnh sát, mặt cô ta mới "nhẹ" đi tí chút.
***
Đọc câu chuyện trên, hẳn bạn đọc sẽ nghĩ đây là "sáng tác" của nhà báo. Vâng, đúng là chuyện sáng tác, nhưng "tổng hợp" từ không ít vụ có thật, chính vì thế mới có chuyện rằng, bây giờ người ta vô cảm, không chịu cứu giúp người bị nạn.
Những ngày qua, dư luận khá bức xúc về vụ tai nạn ôtô ở Ái Mộ (Gia Lâm, Hà Nội). Điều làm dư luận "nổi sóng" chính là việc không có lái xe taxi nào dừng lại để đưa cháu bé đi cấp cứu… Mọi người cho đây là thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và cho rằng đây là biểu hiện của đạo đức xuống cấp nghiêm trọng.
Đài Truyền hình Việt Nam, trong chuyên mục Vấn đề hôm nay cũng đã mời ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tới đối thoại và ông Hùng cũng đã giải thích khá cặn kẽ cách xử lý khi xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt là việc phải khẩn trương đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Thực ra, ngày xưa, việc cứu giúp người bị nạn là chuyện bình thường. Nhưng mấy năm gần đây, tại sao lại có tình trạng "chạy trốn, né tránh" không chịu cứu giúp người bị nạn - đặc biệt là khi không có mặt cảnh sát.
Những chuyện dở khóc, dở cười như câu chuyện kể trên là rất không hiếm và thực tế, đang là "rào cản" cho những người tử tế. Đúng là không giúp người bị nạn thì lương tâm cắn rứt. Nhưng nếu ra tay cứu giúp và lại bị mang… vạ vào thân, thì ai đền bù, ai minh oan và chờ đến bao giờ mới được giải quyết, nếu như bị "nghi" là người gây ra tai nạn ?
Nói rằng người Việt ta đang "sống trong vô cảm", đang "thiếu trách nhiệm với cộng đồng" ; đang "thờ ơ trên sự đau khổ của người khác"… thì không đúng. Thực tế cho thấy, ý thức "lá lành đùm lá rách" ; "bầu ơi thương lấy bí cùng" vẫn đang được phát huy và trân trọng. Như ngày hiến máu nhân đạo cách đây mấy hôm là một ví dụ. 9.000 đơn vị máu có được trong một ngày, vượt kế hoạch 1.000 đơn vị là minh chứng rõ nhất cho những giá trị đạo đức tốt dẹp của người Việt vẫn đang được giữ gìn và tôn vinh.
Vậy làm thế nào để mỗi cá nhân dễ dàng trở thành "người tử tế" hoặc khuyến khích, động viên mỗi người có trách nhiệm hơn với cộng đồng ?
Đây quả là vấn đề không đơn giản, nhất là trong bối cảnh xã hội ta đang có những vấn đề. Đó sự lẫn lộn của những quan điểm sống, quan điểm kiếm tiền, quan điểm của "xã hội chủ nghĩa" và "tư bản chủ nghĩa"… Chả biết thế nào là đúng, thế nào là sai và nhiều lúc, nhiều nơi, ở nhiều vụ việc, trắng - đen ; phải - trái đang lộn tùng phèo. Cán bộ, đảng viên là người phải đi đầu, gương mẫu trong mọi việc, trong đạo đức, lối sống, thì lại đang là đối tượng bị chỉ trích bởi có những kẻ tha hóa biến chất, có những kẻ tham nhũng… Chính bọn này làm cho người dân thấy rằng, "việc gì phải… tử tế", khi mà những kẻ tham nhũng, thoái hóa, biến chất vẫn đang sống sờ sờ, vẫn đang ăn trên ngồi chốc và vô cảm với nỗi đau khổ của người dân.
Cho nên, nếu cán bộ, đảng viên không tử tế thì đừng mong gì người dân tử tế. Bởi lẽ, cán bộ còn vô cảm với dân, thì "hà cớ gì" người dân phải "xúc động" và ra tay cứu giúp người khác.
Như Thổ
PetroTimes
http://petrotimes.vn/dieu-kien-de-lam-nguoi-tu-te-395061.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét