Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Sài Gòn: Những người mê nhậu... rẻ tiền

Những người mê nhậu
Nhậu để được những gói thầu béo bở; nhậu để giết thời gian; nhậu để mở rộng mối quan hệ; nhậu là “thuốc” để chống cô đơn; nhậu trong ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp… Đủ lý do để người Việt rủ nhau nhậu. Trong các quán nhậu, phụ nữ cũng chiếm không ít. Sau khi hô “dzô dzô 100%” cùng nhóm bạn nữ tại một quán bò tơ trên đường Võ Văn Kiệt (TP Cần Thơ), chị Ng.T.N (nhân viên hành chính ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nói vui: “Nhóm này nhậu để quên cái sự “ống chề”, anh ơi
Những quán nhậu trên đường Trường Sa (quận Tân Bình)
 đêm nào cũng đông kháchẢnh: Hoàng Triều
“Chúng tôi nhờ quý báo xuống tác nghiệp, phản ánh nỗi khổ của bà con khi sống gần các quán nhậu ở đường Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình. Không chỉ lấn chiếm lòng đường, những quán này hoạt động rất ồn ào khiến chúng tôi không thể nghỉ ngơi. Một điều nữa là không biết tiền ở đâu mà người ta nhậu dữ vậy?”; “Báo Người Lao Động hãy đi thực tế ở đường Phạm Văn Đồng để biết dân mình tiêu tiền vào ăn nhậu như thế nào. Xót lắm…”.

Tiền triệu, tiền tỉ đổ vào cuộc nhậu

Từ những phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ tại đường Phạm Văn Đồng (đi qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh và Gò Vấp, TP HCM) để rồi không khỏi rùng mình về khoản chi cho ăn nhậu quá lớn của người Việt. Đường Phạm Văn Đồng có gần trăm quán nhậu mọc sát nhau. Chỉ tính từ đoạn giao với đường Nguyễn Xí tới đường Phan Văn Trị, dài chưa tới 1 km nhưng có hàng chục quán nhậu và quán nào cũng đông nghẹt khách, ngồi tràn ra cả vỉa hè. Nhiều quán còn cử nhân viên xuống lòng đường vẫy khách khiến nhiều người đi xe máy phải vất vả né tránh.

Các quán nhậu ở khu vực này có giá bán bình dân, khoảng 40.000 - 120.000 đồng/đĩa thức ăn, bia thì tùy loại, trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/chai. Theo chủ một quán nhậu nơi đây, quán mở cửa từ 16 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau, tiếp trung bình khoảng 200 khách. Như vậy cũng đủ hình dung một đêm ở cung đường này với cả trăm quán, số tiền khách bỏ ra ăn nhậu kinh khủng như thế nào. Đó là chưa nói đến chuyện kết thúc các cuộc nhậu, thức ăn còn ê hề, nhiều ly còn đầy bia do không ai uống hoặc không uống nổi, phải đổ đi. Sự lãng phí không hề nhỏ.

Đến một quán bia trên đường Lê Lai (quận 1, TP HCM), trước bàn chúng tôi là nhóm 4 bạn trẻ đang dùng loại bia nhập từ Bỉ có giá khoảng 70.000 đồng/chai. Sau khi uống được khoảng 2 chai/người, khách đề nghị đổi bia Tiệp để thưởng thức hương vị mới, với giá khoảng 130.000 đồng/chai. Mỗi người uống xong 1 chai, họ lại tiếp tục đề nghị đổi bia, lần này là bia có giá lên đến gần 300.000 đồng/chai. Các bạn trẻ kêu mồi là củ kiệu, gan ngỗng, xúc xích Nga, bánh mì đen. Kết thúc buổi nhậu, họ phải trả trên 3 triệu đồng.

1.001 lý do để nhậu

Trời đã khuya, tiếng “dzô dzô… trăm phần trăm” và tiếng cụng ly vẫn không ngớt ở một quán nhậu trên đường Thành Thái (quận 10). Anh Trần Văn T., khách quen của quán, vui vẻ cho biết ngày nào anh cũng nhậu. Lý do anh T. đưa ra là buổi chiều xong công việc, đón con thì không biết làm gì nên tìm bạn bè lai rai, tâm sự cho vui. Riết rồi quen, hễ đến chiều là trong người thấy “rạo rực”, “chiến hữu” không gọi thì anh cũng gọi, miễn sao có nhậu. “Nhiều lúc sức khỏe “biểu tình”, cũng định bụng mệt thì uống ít nhưng sau khi uống được vài chai, rượu vào lời ra, cứ vậy mà theo bạn đến hết cuộc nhậu bao giờ không biết” - anh T. nói.

Ngồi cạnh anh T., anh Nguyễn Minh H. đã hơi say, cười góp thêm: “Không có lý do gì hết, đơn giản là muốn ngồi với nhau, uống bia để dễ nói chuyện. Cả tuần làm việc mệt, chỉ mong tới cuối tuần để cùng bạn bè tụm năm tụm ba trên bàn nhậu, nói với nhau vài ba câu chuyện, tâm trạng thoải mái hẳn”.

Bàn cạnh bên, 6 thanh niên hình như là thợ xây dựng vừa cụng ly vừa tranh luận về bản án tù sẽ được dành cho cô gái lừa vé máy bay du học sinh tại Úc. Dưới gầm bàn, vỏ bia la liệt. “Từ chiều tới giờ, tụi em nói chán chuyện xã hội thì sang chuyện thể thao, người mẫu, hoa hậu. Hết chuyện thì giải tán. Có khi đến tận 1-2 giờ sáng” - một thành viên trong bàn nhậu cười hề hề nói. Tàn cuộc nhậu tính tiền, mỗi người góp 150.000 đồng. Số tiền đó so với tiền công làm việc một ngày của họ chắc chắn không nhỏ nhưng dường như không thấy ai để tâm.

Nói về lý do nhậu, hầu hết những người chúng tôi gặp đều đưa ra lý do “chính đáng”. Có người cho rằng nhậu cũng là lý do chính góp phần để công ty trúng được những gói thầu béo bở; có người nhậu để giết thời gian trong khi chờ xin việc làm; có người xem nhậu như là “thuốc” để không cảm thấy cô đơn khi đã đến tuổi cập kê mà còn độc thân; có nhiều người được mời đám giỗ, đám cưới, thôi nôi thì nhậu…. Cứ vậy, “nhậu riết thành quen. Bữa nào không nhậu thì đêm đó khó ngủ, đầu óc bần thần, day dứt, thức cả đêm” - một người tiết lộ.

Phụ nữ cũng “dzô dzô” 100%

Trong các quán nhậu, phụ nữ cũng chiếm không ít. Sau khi hô “dzô dzô 100%” cùng nhóm bạn nữ tại một quán bò tơ trên đường Võ Văn Kiệt (TP Cần Thơ), chị Ng.T.N (nhân viên hành chính ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nói vui: “Nhóm này nhậu để quên cái sự “ống chề”, anh ơi”.

Nhiều phụ nữ khác mà chúng tôi gặp lại cho biết họ đến quán nhậu chỉ để dùng thử những món ngon, lạ. “Mỗi khi ngán cơm ở nhà, chúng tôi kéo ra quán nhậu. Đấy cũng là cách để chúng tôi thư giãn” - chị Ph.Th.V chân thành chia sẻ.

Nhóm phóng viên
http://nld.com.vn/ban-doc/nhung-nguoi-me-nhau-20160118224445975.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét