Năm 2015: Năm thực hiện những cam kết
Năm 2015, Việt Nam nỗ lực thực hiện những cam kết chính trị và chính sách về hội nhập, cải cách, tái cấu trúc, cải thiện môi trường kinh doanh, giữ vững các thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, giúp nền kinh tế nắm bắt các cơ hội và vượt qua thách thức từ tình hình mới. Đó là quan điểm của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong cuộc trao đổi với nhóm phóng viên Tia Sáng.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
- Những năm gần đây, tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu mà Nhà nước ta đặt ra nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Về cơ bản chúng ta đã làm được những gì?
- Từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu có những chuyển hướng chính sách rất cơ bản nhằm nâng cao ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính bền vững và hiệu quả trong cách thức tăng trưởng và phát triển kinh tế bằng cách phân bổ lại các nguồn lực cơ bản như vốn, lao động, tài nguyên, đất đai, v.v. trong đó tập trung vào ba vấn đề lớn là doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng và đầu tư công.
Đến nay, chúng ta đã tái cơ cấu ngân hàng gắn liền với quá trình ổn định kinh tế vĩ mô, bước đầu lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng như xử lý một số ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu qua VAMC (công ty quản lý tài sản có chức năng tái cơ cấu nợ xấu ngân hàng, mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại), hạn chế dần vấn đề sở hữu chéo gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp, v.v.
Bên cạnh đó, lộ trình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã rõ hơn và gắn lộ trình này với một cơ chế thưởng phạt mạnh mẽ, ít nhiều đã cải thiện được tính minh bạch của nó. Đối với đầu tư công thì bên cạnh Chỉ thị 1792/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, Việt Nam đã thông qua được Luật Đầu tư công, bắt tay xây dựng đầu tư công gắn liền với kế hoạch trung hạn chứ không phải từng năm, nâng cao hiệu quả, tính khả thi, minh bạch trong phân bổ, sử dụng nguồn vốn, và trách nhiệm của các bên liên quan.
- Theo ông tiến độ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế như vậy liệu đã đạt yêu cầu?
- Nhìn chung quá trình tái cấu trúc nền kinh tế diễn ra chậm. Khi thực hiện mới thấy đây là những vấn đề phức tạp và khó khăn đan xen lẫn nhau, đòi hỏi một phí tổn không nhỏ cả về tài chính và xã hội để xử lý, và đặc biệt cần sự đổi mới sâu sắc về tư duy.
Ví dụ như vấn đề vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế vẫn đang vướng mắc vì khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa hoàn thiện, chúng ta chưa giải quyết được những phức tạp lịch sử để lại về định giá đất, rồi vấn đề tìm đối tác chiến lược, thay đổi cung cách quản trị, thay đổi công nghệ, thu hẹp lực lượng lao động, v.v. Những chậm trễ này nếu để kéo dài sẽ làm giảm lòng tin từ các nhà đầu tư. Liên quan đến cải cách khu vực DNNN, không ít nhà đầu tư, nghiên cứu nước ngoài khi gặp tôi vẫn hỏi dò ‘các ông có chơi thật không?’, ‘có thật sự muốn làm không” và ‘có làm được hay không?’
- Sự chuyển đổi trọng tâm chính sách kể từ năm 2011 đã đem lại kết quả tích cực gì trong năm 2014, tạo đà thuận lợi cho nền kinh tế năm 2015?
- Sau ba năm đi vào ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế và chú trọng ổn định vĩ mô, đã có những dấu hiệu cải thiện đáng kể như lạm phát thấp (năm 2014 chỉ hơn 1,8 %), cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế lành mạnh hơn, dự trữ ngoại tệ tăng, đồng tiền Việt Nam ít nhiều ổn định, đem lại niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đặc biệt đánh giá nhìn nhận này còn thể hiện qua các chỉ số định mức tín nhiệm của các tổ chức quốc tế.
Liên quan đến sản xuất kinh doanh, có thể thấy mức độ phục hồi của nền kinh tế khá lên ít nhiều, đặc biệt ở hai chỉ số: chỉ số PMI (purchasing manufacturing index) từ tháng 9/2013 đến tháng 12/2014 đều trên 50, thể hiện nền sản xuất công nghiệp chế biến đang có chuyển biến tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP (index industry products) theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng có xu hướng tăng dần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng kinh tế còn thể hiện ở mức tăng xuất khẩu- năm 2012-2013 tăng 14-15%, năm 2014 tăng khoảng 13,6%. Đáng lưu ý là tăng xuất khẩu năm 2012 -2013 chủ yếu dựa vào khu vực FDI, nhất là xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động của Samsung, còn xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng dưới 3%. Nhưng năm 2014, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã tăng khoảng 10%.
- Các dấu hiệu nào cho thấy những tồn tại và thách thức cho kinh tế Việt Nam năm 2015?
- Đó là cơ hội kinh doanh chưa cải thiện nhiều do tổng cầu vẫn khó “hứng khởi” mạnh trở lại. Chỉ số tiêu dùng dù vẫn tăng nhưng chỉ bằng một nửa so với những năm sau gia nhập WTO - trước đây tăng trưởng tiêu dùng sau khi trừ yếu tố giá cả trên 10%, hai-ba năm trở lại đây chỉ còn 5 hoặc 6%, năm 2014 vào khoảng 6,5 hoặc 6,6 %. Kinh tế thế giới phục hồi yếu và năng lực cạnh tranh, uy tín doanh nghiệp Việt Nam chưa cải thiện. Một số mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu giảm cả về giá cả và số lượng (tuy trong năm 2014, tổng xuất khẩu nông nghiệp đã có tiến bộ, nhất là hàng thủy sản). Việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, dù ngân hàng nỗ lực tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ khá lớn. Nguyên nhân khó tiếp cận vốn là do bên cạnh cơ hội kinh doanh hạn chế, nhiều dự án có tính khả thi chưa cao, và đặc biệt là vấn đề nợ xấu vẫn nhức nhối.
Lòng tin của doanh nghiệp là yếu tố quyết định đầu tiên ảnh hưởng đến dòng tiền đổ vào sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân. Nếu có lòng tin thì nhà đầu tư sẽ bớt đầu cơ, bớt găm giữ tài sản để tập trung vào sản xuất kinh doanh, vào nền kinh tế thực. Lòng tin này phụ thuộc nhiều vào cam kết chính trị và thực thi chính sách trên thực tế của Nhà nước. Việt Nam có nhiều cam kết chính trị mạnh mẽ, ví dụ về ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập, trong đó đặt các mục tiêu khá rõ ràng cho năm nay. Vì vậy, năm 2015 là năm Nhà nước cần hiện thực hóa những cam kết này để củng cố lòng tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
|
- Những xu hướng biến động hiện nay của tình hình thế giới và khu vực sẽ tác động ra sao tới kinh tế Việt Nam?
- Chủ trương hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta biết nắm bắt, tuy nhiên việc hội nhập cũng khiến bất kỳ chuyển động nào của thế giới đều ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý nhất là tình hình địa chính trị một số khu vực trên thế giới hiện đang trong giai đoạn bất ổn và rủi ro cao, như ở Ukraina, khu vực Trung Đông, biển Hoa Đông, và đặc biệt là biển Đông, nơi tác động trực tiếp nhất đến Việt Nam. Bên cạnh đó, cú sốc về giá dầu với tác động đa chiều đối với mỗi nền kinh tế, tùy thuộc là nước xuất hay nhập (ròng) dầu và sự phụ thuộc ngân sách vào nguồn tài nguyên này.
Đối với Việt Nam, tác động của giá dầu giảm khiến ngân sách nhà nước gặp khó khăn nhưng lại có lợi cho đa số các doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhìn chung là mặt tích cực nhiều hơn mặt tiêu cực. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua nguy cơ rủi ro tài chính, trong bối cảnh các nước phát triển như EU và Nhật Bản vẫn đang vật lộn với khó khăn, và việc Mỹ thay đổi chính sách tiền tệ, dừng gói QE3 (quantitative easing) đẩy đồng USD lên giá (cùng với tăng trưởng phục hồi khá mạnh của kinh tế Mỹ) có thể dẫn đến sự dịch chuyển khó lường của các dòng vốn, ảnh hưởng đến quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đang phát triển.
- Chính sách kinh tế vĩ mô nào cần được chú trọng để giúp kinh tế Việt Nam tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức trong năm nay?
- Trong bối cảnh lạm phát thấp, chính sách kinh tế vĩ mô có thể được linh hoạt hóa để hỗ trợ quá trình phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, vì vậy đối với chính sách tiền tệ, có thể để mức tăng tín dụng cao hơn những năm trước. Nhưng cần kiên trì quan điểm nhất quán là giữ cho được thành quả mà chúng ta đã đạt được về ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là một trong những tiền đề quan trọng cho quá trình phân bổ nguồn lực hiệu quả, bởi kinh tế vĩ mô bất ổn thì hoạt động đầu cơ sẽ được khuyến khích hơn là đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, về hệ thống ngân hàng, cần xử lý hai vấn đề nợ xấu và tương quan lãi suất với tỷ giá; về chính sách tài khóa, cần giải quyết vấn đề khó khăn về ngân sách. Và điều luôn cần chú trọng là nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
- Xin ông làm rõ hơn hai vấn đề về nợ xấu và tương quan lãi suất với tỷ giá?
- Việc xử lý nợ xấu đã được bắt đầu thông qua việc thành lập VAMC và hiện đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp lý cho xử lý tài sản đảm bảo, vận hành thị trường mua bán nợ để các giao dịch diễn ra suôn sẻ, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia. Ứng xử lãi suất và tỷ giá năm 2015 phức tạp hơn. Trong bối cảnh đồng USD lên giá, tỷ giá cũng cần độ linh hoạt nhất định, thì việc xử lý không khéo chính sách lãi suất và tỷ giá sẽ xảy ra hiện tượng tái đô la hóa, hoặc có sự chuyển dịch quá mức tiền đầu tư vào các tài sản tài chính khác hơn là gửi tiết kiệm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng có thông điệp giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10% song đây là nhiệm vụ không đơn giản, rất cần sự phối hợp giữa hai chính sách tiền tệ và tài khóa, nhất là khi Bộ Tài chính cần phát hành giá trị trái phiếu năm 2015 lớn hơn năm 2014.
- Thâm hụt ngân sách nhà nước là vấn đề tồn tại từ vài năm nay và năm 2015 sẽ càng thêm khó khăn do xu hướng giảm giá dầu, vậy đâu là giải pháp khả thi?
- Trong ngắn hạn thì xu hướng giảm mạnh giá dầu ảnh hưởng lớn đến ngân sách nhà nước nhưng đồng thời nó giúp giảm chi phí đầu tư sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, góp phần tích cực vào đà phục hồi kinh tế. Vì vậy chúng ta phải có cách ứng xử phù hợp với tầm nhìn chung đối với nền kinh tế, bên cạnh cách xử lý tác động tiêu cực ngắn hạn đối với ngân sách.
Không nên giải quyết vấn đề ngân sách bằng cách tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu dầu bởi nó vắt kiệt thêm tài nguyên, vả lại đây là cách không căn cơ. Cũng không nên lạm dụng việc tăng thuế (vào mặt hàng xăng) bởi chính sách này không làm giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh một cách tương ứng, và do vậy làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Vì vậy, giải pháp tốt hơn cả là cải thiện môi trường kinh doanh, tận dụng lợi thế giá xăng dầu giảm và thực hiện những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp để nền kinh tế phục hồi tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn, qua đó tăng khả năng đóng thuế của doanh nghiệp.
- Như đã nói, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển là điều rất quan trọng. Vậy cụ thể hơn Nhà nước cần làm gì?
- Để thực sự có bước đột phá tiếp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2015 rất cần làm ba việc.
Một là hiện thực hóa nhanh các luật như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua năm 2014. Cùng với đó là tạo điều kiện pháp lý đủ để góp phần xử lý nhanh hơn vấn đề nợ xấu.
Hai là đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP nhằm giảm thiểu chi phí giao dịch và chi phí cơ hội cho doanh nghiệp. Cùng với đó là gắn trách nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp.
Ba là tăng cường sự minh bạch, khả năng giải trình cao của chính sách cũng như sự tương tác có trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Năm 2015 cũng là năm chuẩn bị Đại hội Đảng. Quyết tâm, nguồn lực cũng có thể bị sẻ chia. Hy vọng, nỗ lực cải cách và phát triển sẽ đồng hành cùng quá trình này để đem lại những tín hiệu tích cực hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Nhóm PV thực hiện
Nhóm phóng viên Tia Sáng
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&News=8369&CategoryID=7
Ba mặt hạn chế có thể ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam
1. Tình trạng thâm thụt ngân sách vẫn còn ở mức rất lớn. Việt Nam từng mong muốn sẽ giảm dần tình trạng thâm thụt ngân sách nhưng trên thực tế, hai năm gần đây vẫn phải chấp nhận mức thâm thụt cao. Năm 2014, con số thâm thụt ngân sách là 5,3% GDP còn năm 2015 sẽ cố gắng duy trì ở mức 5% GDP. Thâm hụt ngân sách càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh áp lực chi (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) rất lớn, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, và nguồn thu vẫn lệ thuộc không ít vào khai thác và xuất khẩu dầu, dù mức độ phụ thuộc đã giảm nhiều – như trong những năm 1990, dầu mỏ có thể chiếm tới 25% thu ngân sách, nay còn trên dưới 10%.
Tính trung bình, giá dầu giảm 1 USD thì hụt thu ngân sách giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Lưu ý là ngân sách gần đây gần như không còn tiết kiệm, nghĩa là thu cơ bản chỉ đủ bù chi thường xuyên (lương, trả nợ), trong đó chi thường xuyên không thể giảm nhanh, cho dù chúng ta có nhiều nỗ lực cắt giảm một số khoản liên quan đến chi đảm bảo hoạt động hành chính.
Gắn liền với thâm hụt ngân sách là vấn đề an toàn nợ công: mặc dù nợ công vẫn dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, vào quãng 65% GDP năm 2014, nhưng tốc độ tăng của nợ công trong những năm gần đây là cao, dòng tiền chi trả nợ nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
2. Hệ thống tài chính ngân hàng tuy đã trải qua quá trình cải cách và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tránh được sự đổ vỡ của hệ thống nhưng vẫn chưa thực sự lành mạnh. Vấn đề nợ xấu còn nhức nhối, sở hữu chéo vẫn tương đối nghiêm trọng, hệ thống ngân hàng chưa đáp ứng được những yêu cầu, thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro, hệ thống giám sát tài chính hữu hiệu hơn.
3. Sau nhiều giai đoạn bất ổn, lòng tin vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa vững chắc, dễ bị biến động. Điều này thể hiện qua một số thời điểm của năm 2014, như khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển chủ quyền của Việt Nam, chúng ta thấy sự rung lắc đáng kể của thị trường chứng khoán, thị trường ngoại tệ, tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có sức dư chấn rất mạnh.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét