Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Gia đình thần thánh và “tứ gia đồng đường”

Gia trưởng bảo, con cháu phải nghe; thủ trưởng lệnh, nhân viên phải nghe; cấp trên bảo, cấp dưới phải nghe… Nếu “bề trên” là bậc anh minh thì việc tuân theo chỉ thị không cần bàn luận. Nhưng khi “bề trên” có vấn đề về trí tuệ mà con cháu không được “cãi” thì đó là sự bắt đầu của quá trình thoái hóa. Trí tuệ của "bề trên" thì không cần phải bàn; ở đâu cũng đều là những ngừơi ưu tú cả. Chỉ có điều trong khi ở Ở Trung Quốc và các nước khác, "bề trên" tranh đọat quyền lực để khi có rồi thì làm việc sao cho ích nước là chính lợi nhà là phục, thì ở ta thì "bề trên" chỉ nhăm nhăm mưu cầu lợi ích cho riêng bản thân và bè cánh.
Gia đình thần thánh và “tứ gia đồng đường”
XUÂN DƯƠNG (GDVN) - Gia đình từ chỗ là một tế bào xã hội đã dần dần trở thành “Gia đình thần thánh” theo nghĩa nó nằm trên cả luật pháp và đạo lý. Khi cùng nhau viết tác phẩm “Gia đình thần thánh” F. Engels và C. Marx chưa biết đến định nghĩa “gia đình là tế bào xã hội” của Việt Nam bởi lẽ “Gia đình thần thánh” ra đời vào năm 1884, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập tới gần 50 năm. Chủ đề “Gia đình” còn được F. Engels đề cập trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước”.
Việc vận dụng luận thuyết gia đình của F. Engels vào Việt Nam đã nâng khái niệm gia đình thành một thứ giống như là “Chủ nghĩa Gia đình”.

Có thể thấy “Chủ nghĩa Gia đình” hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng… Nét đặc trưng của gia đình thế kỷ qua có gì thay đổi? Vẫn là gia đình phong kiến với một người được gọi là “gia trưởng”. Suy cho cùng, gia đình vẫn chưa vượt được cái ngưỡng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, chính bởi thế trong nhiều trường hợp Gia trưởng chỉ mang tính tượng trưng bởi lẽ người đó không nắm quyền chi phối về kinh tế. Những vị Gia trưởng đó có thể tha hồ quát tháo con cháu, ai cũng im lặng lắng nghe song chẳng ai làm theo ý ông ta bởi ông ta thực chất chẳng có quyền hành gì ngoài ý nghĩa là một biểu tượng.

Chủ nghĩa Gia đình phát triển đến mức nó khiến cho người ta xem đó là lý tưởng sống duy nhất. Gia đình từ chỗ là một tế bào xã hội đã dần dần trở thành “Gia đình thần thánh” theo nghĩa nó nằm trên cả luật pháp và đạo lý.

Để gia đình mình giàu có, để của cải dự trữ có thể nuôi sống nhiều thế hệ, người ta sẵn sàng bán rẻ lý tưởng, bán rẻ nhân cách, trong con mắt các thành viên “Gia đình thần thánh” không có đồng bào, đồng chí.

Chủ nghĩa Gia đình tạo nên sự phân hóa giai cấp

Có một thời, muốn vào đại học, muốn được làm việc trong cơ quan, thậm chí muốn được nhập ngũ, lý lịch gia đình phải trong sạch. Theo thời gian, khi nhiều thế hệ đã sống cùng một thể chế thì khái niệm “trong sạch” được thay bằng khái niệm “rõ ràng” nhưng bản chất của gia đình vẫn không thay đổi.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, học hết cấp 3, những học sinh được tuyển chọn gửi sang các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu hoặc Trung Quốc đào tạo tiêu chí đầu tiên không hẳn là những người giỏi nhất, mà phải là những người có lý lịch “trong sạch” nhất, nghĩa là gia đình họ phải được xếp hạng cao hơn các gia đình khác.

Ngày nay, việc gửi con em ra nước ngoài đào tạo bằng ngân sách nhà nước bị hạn chế nhiều, ngược lại những gia đình giàu có, những người không ai kiểm tra được tài khoản của họ thì nhiều người không cho con cái họ học trong nước.

Những gia đình ấy vẫn như ngày xưa, không cùng “đẳng cấp” với các gia đình “thị dân” khác. Sở dĩ chỉ nói đến “thị dân” mà không nói “thôn dân” vì thôn dân còn mải lo bữa cơm hàng ngày, tiền đâu lo cho con du học nước ngoài.

Nhiều quốc gia, Chủ nghĩa Gia đình phát triển đến mức đất nước bị phân chia thành các ốc đảo, chẳng hạn ở Hàn Quốc mỗi Chaebol (tập đoàn kinh tế gia đình) là một vương quốc giữ quyền chi phối không chỉ kinh tế mà còn cả chính trị. Người Hàn Quốc vừa khao khát được làm việc trong các Chaebol nhưng không khỏi phẫn uất về sự khuynh đảo của các tập đoàn gia đình này đối với cuộc sống của gia đình họ và nền chính trị đất nước.

Dẫu thế các Chaebol vẫn là niềm tự hào của Hàn Quốc vì nó đã khiến cho đất nước này trở thành một con rồng kinh tế thực sự.

Chủ nghĩa Gia đình tạo nên sự xuống cấp văn hóa

Ở chiều ngược lại “Chủ nghĩa Gia đình cò con” mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày lại là một sự sa đọa về đạo đức và một thảm họa về kinh tế, xã hội.

Đời cha vơ vét, đời con vơ vét rồi đến đời cháu cũng vơ vét, vơ vét tất cả những gì có thể vơ vét chỉ cho cái “gia đình cò con” của mình.

Không ít người hợp thức hóa của cải vơ vét không phải bằng cách rửa tiền mà bằng cách “rửa thế hệ”, thế hệ cha chịu “bẩn” một chút, chịu khó “nghe chửi” một chút miễn là thế hệ con cháu được “rửa” thật sạch.

Việc “rửa thế hệ” này được tiếp sức bởi những việc làm rất hình thức mà các cơ quan quản lý đang tiến hành, ví dụ trong số gần một triệu người (944.000) được yêu cầu kê khai tài sản thu nhập, chỉ có 5 người phải xác minh lại và chỉ một người bị xử lý kỷ luật (bằng hình thức cảnh cáo) do kê khai không trung thực.

Những người ngây thơ nhất cũng thấy con số một phần triệu (người bị kỷ luật) là một con số hoang đường, vô nghĩa nhưng vì kỷ luật đã được công bố nghĩa là đã xử lý, đã kết luận nên không thể nói rằng còn đang điều tra, đang xác minh.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhận định: “Vẫn còn cán bộ, lãnh đạo chủ chốt, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp vẫn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống”. [1]

Tuy không có số liệu công bố chính thức song có thể cho rằng 99.9% những “cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cao cấp thiếu gương mẫu …” mà ông Lượng đề cập chẳng có ai không thuộc diện một triệu người phải kê khai tài sản, và chắc chắn số người này cũng không chỉ là một người, vậy thì kết quả chỉ có 1/1.000.000 người (phải kê khai tài sản) bị kỷ luật chỉ góp phần làm lãng phí về thời gian, của cải vật chất của cả người kê khai và người thẩm tra? Trong quân sự, tên lửa bắn từ khoảng cách 1.000.000 mét (1.000 km) chỉ sai lệch mục tiêu 1 mét là mơ ước chưa khó thành hiện thực. Trong khoa học thống kê sai số một phần triệu có thể được xem là bằng không, nghĩa là không có sai số.

Chủ nghĩa Gia đình thủ tiêu đấu tranh

Cách thức kê khai tài sản và cách thức mà chúng ta chấp nhận sự kê khai ấy đã hình thành nên một gia đình kiểu khác, đó là “Gia đình cá mè” trong gia đình ấy tất cả đều “trong sáng như nhau”, còn tất cả có “tối” như nhau hay không thì chưa thể kết luận.

Nếu “Gia đình cá mè” tạo cho người ta cảm giác theo chiều ngang, kiểu phẳng thì lại cũng có một kiểu gia đình khác theo trục vuông góc ấy là “Gia đình ngành dọc”. Gia đình kiểu này ưu tiên thu nhận “con em trong ngành”, mọi lợi ích chỉ dành cho ngành mình bất chấp ngành khác có thua lỗ, có bị tổn hại cũng không cần biết. Chẳng hạn vừa qua ngành dệt may xả bừa bãi nước thải chưa qua xử lý ra môi trường không cần biết người dân, ruộng đồng, gia súc… có bị nhiễm độc hay không!...

Chủ nghĩa Gia đình chính là rào cản thủ tiêu đấu tranh bởi lẽ ít nhiều nó cũng mang lại lợi ích “cho các thành viên trong gia đình. Chủ nghĩa Gia đình có nguồn gốc từ truyền thống làng xã, truyền thống “ăn cây nào, rào cây ấy”. Một mặt nó góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, tạo nên sức mạnh cho cộng đồng làng xã trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa song mặt khác, khi sự vị kỷ trở thành tư tưởng chỉ đạo thì chính nó lại là nguyên nhân đánh mất sức mạnh tập thể của quốc gia, dân tộc.

Khi quyền lực bị phân tán cho các gia đình, các tập thể nhỏ, khi sự tập trung quyền lực bị mất thì sự đoàn kết toàn dân sẽ khó thực hiện, hệ quả là sức phản kháng của dân tộc trước các nguy cơ bị giảm sút.

Mỗi thời kỳ như vậy trong lịch sử đều tạo điều kiện cho ngoại bang đem quân xâm chiếm lãnh thổ, dày xéo non sông, gần nhất là thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp.

Chủ nghĩa Gia đình triệt tiêu sáng tạo

Gia trưởng bảo, con cháu phải nghe; thủ trưởng lệnh, nhân viên phải nghe; cấp trên bảo, cấp dưới phải nghe… Nếu “bề trên” là bậc anh minh thì việc tuân theo chỉ thị không cần bàn luận. Nhưng khi “bề trên” có vấn đề về trí tuệ mà con cháu không được “cãi” thì đó là sự bắt đầu của quá trình thoái hóa.

Chỉ cần một tiếng nói của ai đó là tàu ngầm không được ra biển thử, máy bay không được bay thử, xe bọc thép không cần chế tạo nữa. Đó không phải là chủ nghĩa khoa học, đó là cách sống của “gia đình thần thánh”, ở đó không cần sáng tạo mà cần vâng lời.

Đến giảng đường đại học, chỉ có một người được nói là thầy giáo, nhiệm vụ của sinh viên là lắng nghe, miễn thảo luận, miễn góp ý. Thế nên không có gì quá khi nói nền Giáo dục của chúng ta cũng chỉ là nền giáo dục kiểu “gia đình cò con” định hướng thế nào thì làm thế vậy, không cần sáng tạo.

Thực ra cần phải nói chính xác là liệu có ai đủ khả năng “sáng tạo” ra các ý tưởng mới vượt qua các ý kiến chỉ đạo? Trong thực tế đã có những con người như thế, điển hình là ông Kim Ngọc, tuy vậy khi đó sự sáng tạo của ông không được hoan nghênh dù nó mang lại lợi ích cho hàng vạn người nghèo.

Còn những “sáng tạo” mà nhờ nó hàng nghìn người trở thành giáo sư, tiến sĩ thì cuối cùng chỉ là những cuốn luận án, cuộn giấy phủ bụi nơi nóc tủ.

Người xưa có câu “tứ đại đồng đường” để chỉ bốn thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Xét trên phương diện vĩ mô, tuy chưa thật chuẩn nhưng cũng có thể nói chúng ta đang sống kiểu sống “tứ gia đồng đường”, gồm Gia đình lập pháp, Gia đình hành pháp, Gia đình tư pháp và Gia đình thôn dân/thị dân.

Muốn dân tộc phát triển, muốn quốc gia cường thịnh phải dần dần loại bỏ những tiêu cực của Chủ nghĩa Gia đình kiểu cũ, phải đưa gia đình bước vào thời kỳ thay đổi về chất.

Để làm được điều này, gia trưởng không phải chỉ nói được mà còn phải làm được. Muốn nói được và làm được thì ngoài sự thông minh trời cho, gia trưởng cũng cần phải tự học, phải lắng nghe, cũng cần coi trọng sự sáng tạo của các “gia viên”, dù là những “gia viên” trẻ nhất.

Nguyện vọng của mọi thành viên trong đại gia đình là như vậy, nghe hay không lại là quyền của gia trưởng./.

http://www.giaoducvietnam.vn/Goc-nhin/Gia-dinh-than-thanh-va-tu-gia-dong-duong-post155236.gd

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/gan-mot-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-mot-nguoi-bi-ky-luat-3080427.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét