2014 - Năm khởi sắc hay lụi tàn của Trung Quốc ?
Tham nhũng, ô nhiễm môi trường, nợ công là 3 trong số những thách thức lớn nhất mà giới lãnh đạo Trung Quốc cần khắc phục trước khi bong bóng phát triển tan vỡ. Năm 2014 được xem là một năm sẽ đánh dấu những thay đổi mang tính bước ngoặt lịch sử của Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tăng nhanh nhưng không bền vững
Liệu rằng những chính sách cải cách trên nhiều lĩnh vực như hệ thống kinh tế, bất ổn xã hội, ô nhiễm môi trường cùng việc xây dựng những mục tiêu tăng trưởng ổn định, sẽ giúp Trung Quốc giành vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, 2014 có thể là năm mà những kỳ tích lâu nay của Trung Quốc sẽ tan thành mây khói cùng với những hậu quả chấn động.
Trong hàng thập niên, hàng năm qua, những dự báo tương tự đã được các chuyên gia công bố song kịch bản tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Mặc dù, phải đối mặt với những thách thức lớn như hình thành một nền kinh tế thị trường từ chỗ phát triển vô định hình, xây dựng cấu trúc hạ tầng mang đẳng cấp thế giới, đô thị hóa hàng trăm triệu nông dân, song những chính sách mà Bắc Kinh đang thi hành lại đang phát huy hiệu quả và tiếp tục gặt hái thành công lớn hơn nhiều so với kỳ vọng.
Tuy nhiên, mọi thứ giờ đã khác. Trong vài năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển thiếu cân bằng và thiếu tính ổn định. Đây cũng là vấn đề nan giải trong gần một thập niên qua khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sống dựa vào chính sách tiền tệ giá rẻ và chi tiêu công.
Thậm chí, trước cả thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng phát, giới quan chức hàng đầu Bắc Kinh từng thừa nhận mà theo ngôn từ của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo là "nền kinh tế bất ổn, thiếu cân bằng, không thống nhất và không phù hợp".
Theo đó, chính phủ Trung Quốc cần ngừng việc chi tiền dễ dãi cho công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng, hay đổ vốn vào các công ty nhà nước và bất động sản.
Tuy nhiên, quyết định này lại gặp vô vàn khó khăn trong việc thi hành bởi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã dựa quá lớn vào thói quen chi tiền "vung tay" của chính phủ. Ngoài ra, sự can thiệp của các thế lực chính trị lớn như các công ty nhà nước và lãnh đạo Đảng Cộng sản cũng khiến việc thi hành chính sách trên trở nên bất khả thi.
Nền kinh tế Trung Quốc chuyển dịch sang cơ chế thị trường
Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm. Song, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có một quyết định táo bạo khi chi 10% GDP để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia. May mắn, chính sách này đã phát huy hiệu quả. Điển hình, tăng trưởng của Trung Quốc giữ ở mức trung bình hơn 9% trong những năm qua.
Nhưng Trung Quốc đã phải trả một cái giá khá đắt. Theo Ruchir Sharma - chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm Quản trị Đầu tư Morgan Stanley tại New York, tổng nợ công và tư nhân của Trung Quốc hiện đang chiếm hơn 200% GDP - tỷ lệ lớn chưa từng có tại các nước đang phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương Trung Quốc đang ngập chìm trong núi nợ công khổng lồ.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khác như nạn ô nhiễm môi trường và tham nhũng.
Phần lớn người dân trên khắp lãnh thổ Trung Quốc đang chịu cảnh sống chung với nạn ô nhiễm nguồn nước và không khí, buộc dư luận phải lên tiếng.
Vấn nạn tham nhũng cũng đang trở thành đề tài gây bức xúc trong dư luận bởi lâu nay, chính phủ Trung Quốc áp đặt kiểm soát chặt chẽ đối với giới truyền thông trong việc đưa tin về các tham quan.
Song hiện nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận thấy rõ vấn đề và tiến hành thanh lọc quan chức cũng như siết chặt kỷ luật đảng nhằm buộc giới lãnh đạo tránh xa tham nhũng cũng như chuyển sự tập trung sang khắc phục những ảnh hưởng sinh thái thay vì chỉ quan tâm tới tăng trưởng kinh tế như trước đây.
Không thể phủ nhận, những thay đổi này lại đang vấp phải sự phản đối từ chính các chính trị gia ngay trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như một số lĩnh vực chiếm ưu thế trong xã hội.
Mặc dù, trong thời gian qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng song nhiều người Trung Quốc tin rằng phạm vi thi hành chỉ nằm trong một giới hạn nhất định.
Chủ tịch Tập Cận Bình quyết tâm loại bỏ nạn tham nhũng
trong hàng ngũ lãnh đạo
Ngoài ra, ông Tập còn phải tìm cách ổn định năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản bằng cách thắt chặt kiểm soát những lời chỉ trích từ giới truyền thông, giới học giả và các ông chủ tư nhân.
Đây chính là lý do khiến ông Tập cho xây dựng một hội đồng an ninh quốc gia chuyên trách các vấn đề an ninh nội địa. Động thái này cho thấy ông Tập đã nhìn thấy trước những thách thức lớn lao mà mình phải đối mặt.
Theo các chuyên gia, nếu giới lãnh đạo Trung Quốc thực hiện công cuộc chuyển dịch thành công, quốc gia này sẽ ngày càng lớn mạnh và ổn định hơn cũng như vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Song, nếu thất bại, Trung Quốc sẽ sa vào vũng lầy giống như các quốc gia đang phát triển như Hàn Quốc và Đài Loan một thời. Trong trường hợp này, Bắc Kinh sẽ phải chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm cùng với sự xuất hiện của các cuộc biểu tình quy mô lớn và hệ thống chính trị bị phá vỡ. Đây chính là bài toán thử thách tài điều hành của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Minh Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét