Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

(1) Russia 2013 (cập nhật)

Tôi đã viết nhận xét này trong trang của bác Giang: "Cám ơn TS. Giang. Tôi rất thích những bài viết của TS. Xin được phép chép bài của TS về Blog của tôi vì tôi cũng có nhiều kỷ niệm với nước Nga. Hồi Boris Yeltsin nã pháo vào Nhà Trắng, tôi cũng ở đó. Tôi nhớ trước đây Mockba có quảng trường mang tên Lê Duẩn. Hình như sau vụ này, rồi Liên bang tan rã thì người ta đã đổi tên quảng trường đó nên giờ anh em cán bộ sứ quán cũng không biết là đã từng có một quảng trưởng mang tên Lê Duẩn. Anh Giang có biết không ? Trân trọng".

Russia 2013

Blog Giangle


Ảnh do chủ Blog bổ sung để minh họa.
1.
Tôi quay lại Nga đúng 20 năm sau ngày rời đất nước này. Lúc đó Nga đang rơi vào một trong những giai đoạn đen tối và hỗn loạn nhất thế kỷ 20, khi Boris Yeltsin chuẩn bị nã pháo vào Nhà Trắng, vào những đồng đội mà chỉ 2 năm trước đã cùng ông đập tan cuộc đảo chính của nhóm hardliner cộng sản dẫn đến sự tan rã Liên bang Xô viết. Nước Nga dưới thời Yeltsin đã rơi vào suy thoá nặng nề, GDP giảm hơn 40% từ năm 1990 đến 1999. Thực ra kinh tế Nga đã bắt đầu suy sụp từ mấy năm trước, chế độ tem phiếu đã quay trở lại từ năm 1988 dưới thời Gorbachev. Đến năm 1991-1992 nhiều nhà máy, công xưởng đã đóng cửa hoặc nợ lương công nhân triền miên. Tôi vẫn còn nhớ những bà cụ run rẩy đứng dưới trời tuyết trước cửa các bến metro cố chèo kéo bán những chiếc khăn len, khung ảnh, đôi giày cũ. Tôi cũng không thể quên cảnh một số giáo sư trường tôi phải bày bán sách ở cổng trường để có tiền sống qua những năm tháng khó khăn đó.


Sau này nhìn lại tôi cho rằng sai lầm của Yeltsin không phải đã làm kinh tế Nga sụp đổ, đây là điều không thể hoặc rất khó tránh khỏi trong hoàn cảnh lúc đó. Cái tội lớn nhất của Yeltsin đối với dân tộc Nga là đã để một tầng lớp oligarch tranh thủ lúc hỗn loạn trộm cướp một phần rất lớn tài sản quốc gia đáng ra phải thuộc về nhân dân[*]. Ngược lại với Yeltsin, tôi không nghĩ Putin là người đã phục hồi lại kinh tế của nước này mà công lớn nhất của ông với nước Nga là phá tan tầng lớp oligarch, dù hệ thống chính trị dưới thời Putin không hẳn tốt hơn.

Không thể phủ nhận tài năng lãnh đạo của Putin, nhưng vị tổng thống/thủ tướng/tổng thống này đã rất may mắn lên nắm quyền khi giá dầu và khoáng sản thế giới tăng mạnh, dòng vốn rẻ quốc tế đổ về các nước đang phát triển, đặc biệt vào các nước BRIC mà Nga là một thành viên. Hãy đợi xem cặp bài trùng Putin/Medvedev xoay sở thế nào trong vài năm tới khi tình hình kinh tế thế giới không còn nhiều thuận lợi cho Nga.


[*]: Ngay sau khi LX tan rã Yeltsin được những phụ tá như Yavlinski, Chubai, Gaidar ráo riết thực thi những cải cách kinh tế như chương trình 500 ngày nhằm tư hữu hoá và tự do hoá nền kinh tế. Dưới sự tư vấn của các chuyên gia phương Tây như Jeffrey Sachs, quá trình tư hữu hoá đã được thực hiện hết sức vội vàng với một niềm tin ngây thơ vào "vulgar Coaseism". Thuật ngữ này xuất phát từ Coase Theorem của Ronald Coase, một trong những nhà kinh tế lớn nhất thế kỷ 20 vừa qua đời tuần rồi. Coase Theorem cho rằng một khi property right được xác định rõ ràng thì nền kinh tế sẽ đạt được tối ưu bất kể của cải trong xã hội được phân bổ ban đầu như thế nào. Từ tư tưởng này những người đề xướng "shock therapy" ở Nga hi vọng ngay cả nếu của cải trong xã hội Nga rơi hết vào tay một vài oligarch, nền kinh tế sẽ vẫn vận hành hiệu quả. Mặc dù Ronald Coase được biết đến chủ yếu với Coase Theorem, chính ông cho rằng cách hiểu như vậy chứ đừng nói gì áp dụng vào chính sách thực tế là không chính xác.


2.
Rất tiếc chuyến bay của tôi đến Moscow hạ cánh ở sân bay Domodedovo chứ không phải Sheremetyevo, nơi tôi có quá nhiều kỷ niệm buồn vui. Hè năm 1991 khi những chiếc xe tăng của nhóm đảo chính GKChP lăn bánh trên đường phố Moscow, tôi đưa một người bạn ra sân bay Sheremetyevo gần 10 lần cố chen lên máy bay về phép thăm nhà mà không thành. Hứng những trận dùi cui lên đầu và những lời quát mắng, chửi rủa của cảnh sát Nga, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu VN (tôi đã nhắc lại sự kiện này cho ông Trần Đăng Tuấn, người cũng ở Nga thời điểm đó, khi ông này đả kích Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt). Đến tận năm 1993 khi tôi về nước, người cầm hộ chiếu VN vẫn không được vào Sheremetyevo tiễn bạn trong khi công dân tất cả các nước khác được ra vào thoải mái, kể cả người Lào và Cam-pu-chia. Trong suốt 20 năm sau đó, người Việt ở Nga vẫn bị ác cảm và "look down", bằng chứng là những vụ bố ráp, cướp chợ VN công khai của cảnh sát và đặc nhiệm Nga. Nhưng nước Nga trong suốt thời gian đó vẫn là cục nan châm hút người Việt.

Thời tôi đi học trên toàn Liên xô có khoản 5-10k sinh viên và nghiên cứu sinh, khoảng 100k công nhân hợp tác lao động. Đến năm 2013 thống kê không chính thức chỉ riêng Moscow đã có gần 200k người Việt sinh sống, làm ăn. Trên toàn lãnh thổ LX trước đây con số này có thể lên đến 500-700k, phần lớn sang sau khi LX sụp đổ rồi ở lại bất hợp pháp. Năm 1993, vài ngày trước khi về nước, tôi ở cùng một nhóm khoảng 20 người vừa "vượt biên" sang Moscow. Nhiều người trong số họ khuyên tôi ở lại và nói họ phải tốn hơn "chục vé" mới sang được đến đây trong khi tôi đang ở đây rồi và lại biết tiếng Nga thì về nước làm gì. Tôi không biết những người đó bây giờ ở đâu, có thể có người đã bị mafia hay cảnh sát Nga cướp sạch phải ngậm ngùi vay tiền về nước. Nhưng cũng có thể ai đó đã thành "soái", chủ một khu chợ, nhà hàng, khách sạn nào đó ở Nga hoặc đã quay về VN làm ăn thành đạt giống Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang.


Lần này quay lại Nga tôi gặp khá nhiều doanh nhân Việt thành đạt. Dù không đình đám như PNV, NĐQ nhưng họ cũng có tiềm lực kinh tế khá mạnh và đa số đã và đang đầu tư về VN. Không chỉ ở Nga, hầu hết các nước Đông Âu đều có cộng đồng doanh nhân Việt đông đảo. Nếu trước đây khi nhắc đến kiều hối tôi thường nghĩ đến lực lượng Việt kiều ở các nước phương Tây thì sau chuyến đi này tôi đã có cái nhìn khác. Tôi tin một phần không nhỏ lượng kiều hối hàng năm chảy về VN có nguồn gốc từ Nga và các nước Đông Âu. Người Việt ở các nước phương Tây hoà nhập vào xã hội ở nơi họ sinh sống tốt hơn đa số những cộng đồng VN ở Đông Âu. Những người tôi gặp ở Nga (và Hungary, Slovakia) không ai cho rằng mình là "Việt kiều" dù nhiều người đã có quốc tịch nước sở tại. Mặc dù chỉ một số ít có ý định quay về VN sống trong vài năm tới nhưng đa số đều đã chuyển một phần tài sản về để mua nhà cửa, đất đai hay làm ăn, đầu tư đâu đó. Phần đông người Việt ở Đông Âu không coi nơi họ ở là "quê hương thứ hai" mà chỉ là một bến đậu tạm thời.

Còn tiếp

"The market can stay irrational longer than you can stay solvent." - John Maynard Keynes

http://kinhtetaichinh.blogspot.ch/2013/09/russia-2013.html?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed:+Giangle+(giangle)

8 comments:

  1. Nghe suong qua TS Giang :)
    Reply
  2. Cám ơn TS Giang. Tôi rất thích những bài viết của TS. Xin được phép chép bài của TS về Blog của tôi vì tôi cũng có nhiều kỷ niệm với nước Nga. Hồi Boris Yeltsin nã pháo vào Nhà Trắng, tôi cũng ở đó. Cám ơn anh.
    Tôi nhớ trước đây Mockba có quảng trường mang tên Lê Duẩn. Hình như sau vụ này, rồi Liên bang tan rã thì người ta đã đổi tên quảng trường đó nên giờ anh em cán bộ sứ quán cũng không biết là đã từng có một quảng trưởng mang tên Lê Duẩn. Anh Giang có biết không ?
    Trân trọng.
    ReplyDelete

    Replies




    1. Bác cứ reshare tự nhiên. Tôi không biết quảng trường Lê Duẩn nhưng biết quảng trường Hồ Chí Minh ở Moscow.
    2. Cám ơn bác Giang. Tôi vừa xem trên mạng thì thấy thông tin này:
      Chuyện đầu tiên. Ở Moskva có quảng trường Hồ Chí Minh thì nhiều người biết rồi. Chỗ này có tượng đài Bác Hồ, lối lên chỗ bến metro Akademicheskaya.Quân ta hay đến chỗ này đặt hoa nhân sinh nhật Người.
      Nhưng hóa ra, ở Moskva cũng có một quảng trường khác mang tên một người Việt Nam nữa.
      Đó là Quảng trường Lê Duẩn. 10/7 năm 1986, bác Duẩn qua đời. Sau đó gần một năm, ngày 14/6/1987, ở Moskva xuất hiện Quảng trường Lê Duẩn.
      Quảng trường này nằm ở quận Yasenevo, thuộc khu hành chính Tây-Nam thủ đô Moskva. Quảng trường Lê Duẩn là không gian ở ngã tư các phố Aivazovski, Litovski bulvar, Tarusskaya và Yasnogorskaya. Dưới đây là ảnh:
      http://diendan.nuocnga.net/showthread.php?t=1877
      Một số trang mạng khác cũng kể về quảng trường này. Số là tôi có gặp các anh ở Sứ quán ta, có người ở đó đã hơn chục năm, hỏi thăm quảng trường này giờ thế nào. Họ bảo làm gì có quảng trường mang tên Lê Duẩn, làm tôi ngạc nhiên quá, tưởng mình già lẫn lộn rồi.
      Delete
    3. http://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%9F%D0%BB%D0%BE%D1%89%D0%B0%D0%B4%D1%8C_%D0%9B%D0%B5_%D0%97%D1%83%D0%B0%D0%BD%D0%B0
      Площадь Ле Зуа́на (название с 14 июня 1987 года[1][2]) — площадь в Юго-Западном административном округе города Москвы на территории района Ясенево.
      http://wikimapia.org/6963013/ru/%D0%9F%D0%BB%D0%BE%D1%89%D0%B0%D0%B4%D1%8C-%D0%9B%D0%B5-%D0%97%D1%83%D0%B0%D0%BD%D0%B0
      Delete
    4. Tôi có viết chút ít thông tin về QT Lê Duẩn này: http://toithichdoc.blogspot.ch/2013/09/quang-truong-le-duan-tai-mockba.html#more

      Hồi tháng 10 năm 1991, trời rét mướt, tôi thấy bác Cù Huy Cận khoe Hộ chiếu ngoại giao và chức Bộ trưởng, nhưng cảnh sát Sheremetyevo vẫn nhất quyết không cho vào trong nhà, để bác đứng co ro ngoài đường với đám công nhân. Tôi ra sân bay để lấy lại tiền rúp vì khi bay đi Đức tôi mang theo bị Hải quan Nga giữ lại không cho mang, quay về ra lấy thì họ trả.
      Delete
  3. Cái mất lớn nhất của Nga ở thời Putin có lẽ là hàng ngàn nhà khoa học Nga bỏ nước ra đi. Trong một bài viết của bà cháu của ông Nikita Khrushchev có viết một bài về vấn đề này trên Project Syndicate.
    Reply
  4. Đọc blog của TS có nhiều kiến thức mới được biết. Rất thích bài của Dr Giang, thanks.
    Reply

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét