Những bài diễn văn rùng rợn chưa từng được đọc
Trước khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II suýt tuyên bố Thế chiến thứ ba, Tổng thống Mỹ John Kennedy từng chuẩn bị tuyên chiến với Liên Xô.
Hôm 1.8, Thư viện Quốc gia Anh đã công bố bài diễn văn giả định vào năm 1983 để Nữ hoàng Anh Elizabeth phát đi trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân trên toàn cầu.
Bài diễn văn được viết như thể nó sẽ được đọc vào trưa 4.3.1983 trong một phần cuộc tập trận của nước Anh vào thời điểm căng thẳng của Chiến tranh Lạnh.
Trong bài diễn văn giả định, Nữ hoàng Elizabeth hồi tưởng thời thơ ấu trong Thế chiến thứ hai cùng bài diễn văn nổi tiếng vào năm 1939 của cha bà là Vua George VI khi tuyên chiến với Đức Quốc xã.
“Tôi chưa từng quên nỗi buồn sầu xen lẫn niềm tự hào mà tôi cảm nhận khi cùng em gái quây quần quanh máy thu thanh để lắng nghe phát biểu truyền cảm của phụ vương trong ngày định mệnh năm 1939. Chưa có giây phút nào tôi lại tưởng tượng đến một ngày mình sẽ phải gánh vác nghĩa vụ long trọng và khủng khiếp này.
Chúng ta đều biết những nguy cơ đang chờ đợi ngày hôm nay lớn hơn nhiều so với bất cứ thời điểm nào trong lịch sử lâu đời của chúng ta. Kẻ thù không phải là một người lính với khẩu súng trường hoặc thậm chí là một phi công lảng vảng trên bầu trời thành phố của chúng ta, mà là sức mạnh chết chóc của thứ công nghệ bị lạm dụng.
Nhưng bất kể nỗi kinh hoàng nào chờ đón chúng ta ở phía trước, mọi phẩm chất từng hai lần giúp chúng ta duy trì nguyên vẹn sự tự do sẽ lại một lần nữa là sức mạnh của chúng ta”.
Trong bài diễn văn được chuẩn bị, Nữ hoàng Elizabeth cũng sẽ đề cập đến “người con trai Andrew yêu dấu”, khi đó đang phục vụ trong hải quân.
Bài diễn văn chưa từng được đọc. Tuy nhiên, nó được xếp vào hàng những bài diễn văn báo hiệu chết chóc được chuẩn bị sẵn song chưa bao giờ được phát đi.
Dưới đây là một số bài diễn văn cùng loại với bài diễn văn nói trên dựa vào mức độ rùng rợn và chết chóc, theo tờ Foreign Policy.
John F. Kennedy: Chiến tranh Mỹ - Liên Xô bắt đầu
Vào năm ngoái, Thư viện Tổng thống John F. Kennedy công bố bài diễn văn được chuẩn bị cho tổng thống Mỹ trong trường hợp Mỹ không kích Cuba trong cuộc khủng hoảng tên lửa vào tháng 10.1962.
“Hỡi các công dân Mỹ, với trái tim trĩu nặng và với nghĩa vụ hoàn thành lời tuyên thệ nhậm chức, tôi đã ra lệnh và không quân Mỹ hiện đã tiến hành các chiến dịch quân sự chỉ với vũ khí quy ước, để loại bỏ các cơ sở vũ khí hạt nhân lớn trên đất Cuba.
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ không được và không thể dung thứ cho sự thách thức, lừa dối và mối đe dọa tấn công từ bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ. Vũ khí hạt nhân quá hủy diệt và tên lửa đạn đạo quá nhanh đến nỗi một sự thay đổi bất thình lình trạng thái của mối đe dọa có thể vô cùng nguy hiểm, đặc biệt khi nút bấm nằm trong tay một lãnh đạo cách mạng hung bạo và khó lường…
Nếu những năm 1930 có dạy cho chúng ta bài học nào, thì đó là cách cư xử hung hăng, nếu được phép nẩy nở mà không bị kìm hãm và phản đối, rốt cuộc sẽ dẫn đến chiến tranh. Đất nước này chống đối chiến tranh song biết làm những gì mình nói”.
Theo một số lời kể, người viết diễn văn thường lệ của Kennedy là ông Ted Sorensen vốn phản đối không kích Cuba và đã từ chối viết bài diễn văn. Nên nó được Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy soạn.
Dù Kennedy kêu gọi các công dân Mỹ hãy bình tĩnh và kêu gọi đàm phán với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, bài diễn văn này hoàn toàn có thể khai mào cho chiến tranh hạt nhân nếu được phát đi.
Richard Nixon: Phi hành gia kẹt trên mặt trăng
Tổng thống Richard Nixon chào đón ba phi hành gia trở về - Ảnh: NASA |
Vào tháng 7.1969, người viết diễn văn huyền thoại William Safire đã soạn một bài diễn văn để Tổng thống Richard Nixon đọc trong trường hợp các phi hành gia của phi thuyền Apollo 11 không thể trở về Trái đất:
“Số mệnh đã quyết định rằng những người đàn ông bay đến mặt trăng để thám hiểm trong hòa bình sẽ ở lại mặt trăng để an nghỉ trong hòa bình.
Những người đàn ông dũng cảm đó, Neil Armstrong và Edwin Aldrin, biết họ không có hy vọng trở về. Song họ luôn biết nhân loại có hy vọng nhờ sự hy sinh của họ.
Hai người đàn ông đó đang hi sinh tính mệnh cho mục tiêu cao quý nhất của nhân loại: truy tìm sự thật và hiểu biết.
Họ sẽ được gia đình và bạn bè tiếc thương, họ sẽ được đất nước tiếc thương, họ sẽ được mọi người trên thế giới tiếc thương, họ sẽ được Mẹ Trái đất, người đã dám cử hai đứa con trai của bà đi đến nơi không được biết đến, tiếc thương”.
Theo Foreing Policy, điều khiến bài diễn văn làm rung động lòng người là nó sử dụng thì hiện tại. Nixon sẽ nói những người đàn ông đó “đang hi sinh tính mệnh” và có một lưu ý được gắn vào bài diễn văn nhắc nhở ông gọi điện thoại cho “những người sắp thành quả phụ” trước khi đọc nó. Aldrin và Armstrong sẽ lắng nghe bài điếu văn dành cho họ từ trên mặt trăng.
Dwight Eisenhower: Thất bại của cuộc đổ bộ vào Normandy
Một ngày trước cuộc đổ bộ vào Normandy vào ngày 6.6.1944, Tướng Dwight D. Eisenhower, Tổng tư lệnh Tối cao quân Đồng minh, đã viết sẵn một phát biểu sẽ được đọc nếu người Đức đánh bật cuộc tấn công. Bài diễn văn viết:
“Cuộc đổ bộ vào khu vực Cherbourg-Havre của chúng ta đã không thể thiết lập được bàn đạp vừa ý và tôi đã rút quân. Quyết định tấn công vào thời điểm và vị trí này của tôi dựa trên những thông tin tốt nhất mà tôi có được. Các binh sĩ, không quân và hải quân đã hết sức dũng cảm và tận tụy thực hiện nhiệm vụ. Nếu có bất kỳ trách nhiệm hoặc lỗi lầm nào trong cuộc tấn công thì đó là trách nhiệm và lỗi lầm của riêng tôi”.
Eisenhower đã để bản chép tay bài phát biểu trong ví trong suốt cuộc tấn công song may mắn là ông chưa bao giờ phải đọc nó.
Theo Thanh niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét