Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Giới trung lưu không điều tiết nổi cuộc sống của mình?

Giới trung lưu không điều tiết nổi cuộc sống của mình?
Trong muôn vàn khó khăn của thời kinh tế suy thoái, "chiếc áo trung lưu" làm nhiều người ngạt thở vì bị mắc kẹt trong thói quen tiêu xài, sĩ diện.
Gần trung tâm thành phố có cái quán cà phê, giá cả tầm 80 ngàn đồng cho một người giải quyết bữa sáng, bao gồm một phần thức ăn và một ly cà phê hay nước trái cây.
Là cà phê sân vườn, nhà rường, cây cối xanh mượt, nhân viên mặc đồng phục áo bà ba. Quán đông khách bởi cái thế đắc địa vừa nói. Và nhìn vào quán ấy, nhìn lượng người vào ra mấy năm nay thì có thể đo được "sức khỏe" của nền kinh tế, hay nói cụ thể hơn là đo túi tiền của giới trung lưu, tầng lớp được các nhà nghiên cứu vinh danh là "xương sống" của xã hội, và họ luôn hoan hỷ, chân thành vì được đóng thuế, đồng nghĩa với họ có thu nhập và đời sống ổn định.
Thời gian gần đây, khách cũ đến nơi này đã giảm nhiều, thay thế bằng dân du lịch.
Trong số "khách ruột" của quán, có cô tâm sự, chi phí sinh hoạt bây giờ tăng khủng khiếp quá, đến đi cà phê, ăn sáng cũng phải cân nhắc cho vừa túi tiền. Vừa nói cô ấy vừa lấy ra khỏi túi chiếc Samsung Galaxy S4 trắng sáng đang réo chuông.
Hóa ra tầng lớp trung lưu lại là tầng lớp "nóng lạnh, hắt hơi sổ mũi" nhanh nhất với nhiệt độ của nền kinh tế. Đang đi làm, thu nhập ổn định, đóng thuế ngon lành, bỗng dần dần thấy mình đang sống trong cơn ác mộng của túi tiền ngày càng eo hẹp, mà nhu cầu thì phình lên, chẳng khác nào bong bóng.

Tiền giảm xuống, chẳng phải vì lương ít đi, mà do giá cả tăng vụt, và cũng vì như bao năm trước họ vẫn ngụp lặn trong lối sống thoải mái của người có thu nhập ổn định. Một người trong hoàn cảnh này dí dỏm pha trò về cảnh ngộ của mình là "mắc kẹt trong chiếc áo trung lưu".

Anh ta nợ ngập đầu dù vẫn xài đủ bộ, gồm: laptop "trái táo cắn dở", iPad và iPhone 5. Không xài vậy ra cà phê ngồi làm việc kỳ lắm. Mà những sản phẩm ấy tuyệt vời vậy thì sao không ham được.

Anh ấy còn kể, mỗi tối phải đi ngủ với những nỗi lo: Nào con đã lớn, muốn đi du học, không đi được 4 - 5 năm thì cũng phải vào đại học liên kết quốc tế, cho con ra nước ngoài 1 - 2 năm cho yên tâm; nào vừa rồi đi công tác Hà Nội, gặp bạn bè ai cũng hỏi anh đã mua ô tô chưa, làm anh thấy "nhột nhạt" quá!
Anh đành tính toán tài chính cho kế hoạch mua một chiếc ô tô "second-hand" giá tầm 400 triệu đồng vậy. Dù sao thì cả gia đình vẫn ao ước có chiếc xe hơi lâu rồi. Có ai đó nhắc về giá xăng vừa tăng, phí đường bộ dành cho ô tô cũng bắt đầu thu, anh giật mình rồi chặc lưỡi: "Chả lẽ mua con trâu rồi còn so đo chuyện cho nó ăn cỏ”!
Trong muôn vàn khó khăn của thời kinh tế suy thoái, "chiếc áo trung lưu" làm nhiều người ngạt thở vì bị mắc kẹt trong thói quen tiêu xài, sĩ diện. Những chuyến du lịch thường niên bị đình lại làm cho cuộc sống tinh thần trong gia đình như bị khủng hoảng.
Điện thoại, tivi, tủ lạnh thông minh và muôn vàn đồ chơi công nghệ đời mới hơn, tính năng vượt trội hơn như dòng thác bủa vây túi tiền và nhu cầu liên tục đổi mới của từng thành viên khiến các gia đình lao đao vì kế hoạch cắt giảm chi tiêu luôn đổ bể. Thời suy thoái kinh tế, tầng lớp trung lưu gặp khó khăn?
Đã có các chương trình khuyến mãi, trả góp hỗ trợ các bạn. Các nhà sản xuất nói thế! Nhiều gia đình trung lưu nhìn các quảng cáo về ưu đãi của thẻ tín dụng, mua sắm trả góp tại các siêu thị điện máy như nhìn... nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro làm họ phá sản vì thói quen tiêu xài, mua sắm vượt quá khả năng.
Một người lên Facebook than thở: "Vừa mới sắm một chiếc tivi LED 42inch mất 14 triệu đồng, giờ thấy choáng người vì tiếc khi một hãng điện tử tiếp tục tung ra tivi có kết nối Wi-Fi. Làm sao chống cự đây khi nhà sản xuất hiểu rõ người tiêu dùng đến tận răng như thế?".


Không như ở phương Tây, nơi các lớp học tư vấn tiêu dùng thông minh mở liên tục mỗi khi nền kinh tế biến động, hoặc các chính sách mới của chính phủ có ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận dân chúng.
Chuyên gia thu bộn tiền vì người học rất đông, họ cần không chỉ những lời khuyên, mà là cả một quy trình chặt chẽ để điều tiết cuộc sống vốn muôn vàn phức tạp. Trong bối cảnh khó khăn vì lạm phát kéo dài, dĩ nhiên người lao động thu nhập thấp là tầng lớp đang phải đối mặt nhiều nhất với đời sống bấp bênh.

Nhưng ngay tầng lớp trung lưu cũng đang chịu rất nhiều áp lực khi chất lượng sống bị suy giảm rõ rệt, thu nhập không tương xứng với sức lao động, thói quen tiêu dùng phải thay đổi cũng là một áp lực lớn về tinh thần. Những người thông minh, thức thời phải tự cứu mình, khôn ngoan nhanh chóng cởi bỏ chiếc áo sĩ diện "trung lưu" để có lối sống thông minh, tinh thần thoải mái mà đối diện với thời cuộc thay đổi.
(Doanh nhân Sài gòn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét