Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Các nền kinh tế đang lên sẽ lại xuống

Các nền kinh tế đang lên sẽ lại xuống
Người ta thường nói "đỉnh cao là dấu hiệu thoái trào". Điều ấy có thể đúng với các nền kinh tế đang phát triển - đứng đầu có nhóm B.R.I.C. là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - vì năm nay các nền kinh tế này vừa lên tới vị trí cao nhất về sản lượng thì lại có dấu hiệu sa sút, nhất là Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện đó, với một số dự đoán về hậu quả cho Việt Nam.
Nhóm B.R.I.C
Vũ Hoàng: Xin kính chào tái ngộ ông Nghĩa. Thưa ông, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì năm nay là năm đầu tiên mà sản lượng của các nền kinh tế đang phát triển, hay "đang lên", đã lần đầu tiên chiếm tới phân nửa sản lượng toàn cầu nếu tính theo tỷ giá của sức mua PPP. Trong số này, có bốn nước đông dân là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Liên bang Nga, thường được gọi là nhóm B.R.I.C. Tháng Tư năm ngoái, tại thượng đỉnh của nhóm này ở thủ đô Ấn Độ họ còn nói đến nỗ lực lập ra một ngân hàng phát triển gọi là "Ngân hàng Nam-Nam", với triển vọng thay thế Ngân hàng Thế giới để yểm trợ các nước nghèo. Nhiếu người nói đến một kỷ nguyên mới, khi các nước đang lên sẽ có vị trí quốc tế cao hơn nhờ tăng trưởng rất mạnh từ vài chục năm nay.
Thế rồi cũng năm nay, ta lại thấy có sự đảo chiều là tình trạng sa sút của các nền kinh tế đó, dẫn đầu là Trung Quốc với nhiều khó khăn của việc cải cách và đà tăng trưởng thấp hơn xưa. Vì vậy, xin đề nghị ông phân tích cho sự chuyển động khá đặc biệt này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng ta không nên dựa trên kết quả ngắn hạn, như của một năm, để nhận định về sự chuyển động chậm rãi và mạnh mẽ của trường kỳ, nhưng cũng phải xét về những yếu tố cơ bản của sự chuyển động lâu dài này để phần nào dự đoán tương lai.

Nói về trường kỳ thì trong ba chục năm, từ thập niên 60 đến 90 của thế kỷ 20, các nước nghèo đã có một số điều kiện phát triển khả quan hơn, chủ yếu nhờ việc thiết lập các định chế quốc tế nhằm yểm trợ đà tăng trưởng kinh tế sau Thế chiến II. Khi ấy, sức nặng của nhóm kinh tế này ở khoảng 30% của sản lượng toàn cầu, phần kia là của khối công nghiệp hoá Tây phương.

Sau đó, quãng 20 năm trước, khi Liên bang Xô viết tan rã và quy luật thị trường được đa số áp dụng, từ Trung Quốc đến Ấn Độ hay Liên bang Nga, thì các nền kinh tế đang lên tăng vọt nhờ lực lượng lao động được giải phóng và nhờ tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước. Vì khởi đi từ một mức thấp, các nước này có đà tăng trưởng cao và gây ra ấn tượng lạc quan.

Sau đấy bước qua thế kỷ 20, là hơn chục năm trước, các nước công nghiệp hóa Tây phương đều gặp vấn đề vì vay mượn quá nhiều, vì lâm vào cuộc chiến chống khủng bố hoặc bị suy trầm như trường hợp Nhật Bản. Đấy là lúc người ta lạc quan nói đến sự lớn mạnh của các nước đang lên khi họ hết tùy thuộc vào các nước công nghiệp và nếu so sánh với sản lượng toàn cầu đã sa sút kể từ năm 2008 vì nạn Tổng suy trầm. Nếu cứ vạch một đường tuyến từ quá khứ vào tương lai thì quả là các nước nghèo đã trở thành "tân hưng", cường quốc kinh tế mới, có triển vọng đoạt ngôi vô địch của các nước tiên tiến và phát triển riêng với nhau.

Vũ Hoàng: Như ông thường nói trên diễn đàn này, tương lai không nhất thiết là đường tuyến vạch ra từ quá khứ và chuyện thay bậc đổi ngôi này lại không xảy ra. Nhưng trước hết, từ đâu lại có khái niệm về bốn nước được gọi tắt là nhóm BRIC này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm 2001, một kinh tế gia và Chủ tịch phân vụ Quản trị Tài sản của tập đoàn đầu tư Goldman Sachs của Mỹ là Jim O'Neill phát minh ra chữ B.R.I.C. là tên tắt của bốn nước có nền kinh tế đang lên của thế giới, là Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Có thể là vì tiện dụng khi ông ta chọn tên tắt cho dễ đọc như thói quen đã thấy. Riêng tôi còn ngờ là ông ta cần chiêu dụ thân chủ nên bày đặt quảng cáo về ưu điểm hoặc triển vọng của bốn nước đó. Thực tế thì chỉ là dán nhãn hiệu đẹp lên cái chai rỗng, sau đó mới đổ vào trong một nội dung thống nhất, hoặc một dung dịch có thể hoà tan mà không thành nhũ tương hay chất nổ. Thực tế thì các nền kinh tế này đang gặp khó khăn và năm ngoái mà họ đòi lập ra một ngân hàng phát triển cho các nước nghèo như ông nhắc tới thì đấy chỉ là sự hồ hởi sảng.

000_Mvd1212224-305.jpg
Từ trái qua: Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng của Ấn Độ Manmohan Singh tại Hội nghị thượng đỉnh II BRIC tại Cung điện Itamaraty tại Brasilia, vào ngày 15/4/2010
AFP photo
Thoái trào toàn cầu hóa

Vũ Hoàng: Nhóm quốc gia này gặp khó khăn như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, đà tăng trưởng của Brazil chỉ còn có 2% một năm sau khi sụt tới mức 1% vào năm ngoái. Liên bang Nga thì chỉ tăng 2% một năm mặc dù đang có lợi thế là giá dầu thô mấp mé ở mức 100 đô la một thùng. Ấn Độ thì đã có tốc độ tăng trưởng cao là hơn 11% năm 2010 và gần 8% vào 2011 rồi năm ngoái chỉ còn có 4%, trong khi lại lo sợ hai tệ nạn là lạm phát và tham nhũng. Còn Trung Quốc thì đã hết đà 10% của ba chục năm liền và đang e ngại một vụ hạ cánh nặng nề trước khi bước vào một thập niên thoái trào. Mà không chỉ có mấy xứ đó, nói chung các nền kinh tế đang lên đã từng có mức tăng trưởng cao trong mấy năm qua đều đang bị suy giảm nặng, kể cả trường hợp của Việt Nam.

Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao lại như vậy, có phải rằng do những trở ngại nhất thời của kinh tế toàn cầu hay vì những lý do thuộc về cơ cấu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lý do tại sao thì ta có chuyện nhất thời như ông hỏi, mà cũng có nguyên do thuộc về cơ cấu. Trước hết là sau nạn Tổng suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009, nhóm quốc gia này tung ra biện pháp kích thích và đạt mức tăng trưởng cao vào các năm 2010-2011 rồi thổi lên nguy cơ lạm phát nên phải giảm đà tăng trưởng kể từ năm ngoái. Thứ hai, là trái với sự lạc quan về khả năng phát triển tự túc mà khỏi cần các nước công nghiệp hóa, họ vẫn bị hiệu ứng bất lợi khi khối Âu-Mỹ-Nhật giảm đà nhập khẩu và bớt đầu tư ra ngoài. Thứ tư, nhiều nước đang lên đã kiếm lời nhờ bán thương phẩm, là nguyên nhiên vật liệu và nông sản, nhưng giá thương phẩm hết tăng mà bắt đầu giảm.

Khi một xứ tiêu thụ thương phẩm quá lớn như Trung Quốc mà phải giảm đà sản xuất để điều chỉnh thì các nước xuất khẩu thương phẩm đều bị ảnh hưởng. Một lý do nhất thời khác là ngân hàng trung ương Hoa Kỳ vừa bật ra tín hiệu là có thể đảo ngược quyết định bơm tiền với lãi suất rẻ thì các thị trường đang lên này đều bị chấn động, cổ phiếu và trái phiếu đều sụt giá. Đó là những chuyện có thể gọi là nhất thời.

Vũ Hoàng: Tức là ngoài ra còn có những nguyên nhân thuộc về cơ cấu nữa hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như vậy. Xưa kia, nhiều nước trong nhóm này vẫn đạt thặng dư trong trương mục vãng lai nay lại bị thiếu hụt, và họ tài trợ bằng tín dụng nên bị rủi ro lớn, thí dụ như Ấn Độ, Brazil, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi. Họ còn vay ngắn hạn để tài trợ dài hạn hoặc tìm vào thị trường đen ở ngoài hệ thống ngân hàng và chất lên một núi nợ sẽ đổ là trường hợp nổi tiếng ở Trung Quốc với những khoản nợ xấu chẳng ai tính cho ra. Song song, còn nhược điểm khác về cơ cấu là bội chi quá lớn, rủi ro lạm phát quá cao và thiếu ổn định về vĩ mô.  Nhưng đáng chú ý nhất trong các nguyên do suy sụp là một chuyện mà Việt Nam nên để ý.

Khi bùng nổ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ và Âu Châu, cả nhóm BRIC lẫn nhiều xứ khác lầm tưởng rằng quy luật thị trường là vấn đề và nhà nước, cùng khu vực kinh tế của nhà nước, mới là giải pháp. Vì vậy, thay vì nâng đỡ tư doanh, họ lại tăng cường vai trò của nhà nước với ảo vọng xây dựng "chủ nghĩa tư bản nhà nước". Kết quả là nạn tham ô của hệ thống tư bản thân tộc, sự lãng phí của khu vực nhà nước khi được tài trợ theo diện chính sách, là phản ứng bảo hộ mậu dịch và kiểm soát tư bản hay ngoại hối để bảo vệ đặc quyền của các nhóm lợi ích. Các quốc gia này đi ngược những quy luật đã từng giúp họ tăng trưởng cao.

Việt Nam học được gì

Vũ Hoàng: Chúng ta bắt đầu bước qua phần lượng định về hậu quả. Thưa ông, từ ngắn hạn đến dài hạn thì tình hình sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau 20 năm lạc quan về một trật tự mới của kinh tế thế giới với hiện tượng toàn cầu hóa sẽ đem lại thịnh vượng cho mọi quốc gia, chúng ta đang bước qua giai đoạn điều chỉnh khá bất thường. Trong giai đoạn ấy, tôi e là sẽ thấy nhiều đột biến bất ngờ.

Một thí dụ là nếu dầu thô lên giá quá 120 đồng một thùng thì Liên bang Nga có lợi lớn vì là một xứ bán năng lượng mà Trung Quốc sẽ khủng hoảng. Trường hợp ngược lại là dầu thô sụt giá nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm khi Hoa Kỳ trở thành một nước bán dầu!

Nói chung, hiện tượng toàn cầu hóa sẽ thoái trào như chúng ta đã trình bày trên diễn đàn này, mà phản ứng quốc gia cực đoan đi cùng trào lưu bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi riêng sẽ làm kinh tế thế giới thêm sa sút và nguy cơ xung đột càng gia tăng. Người ta cứ lầm tưởng rằng các nước buôn bán với nhau thì khó gây chiến, sự thật lại không lạc quan như vậy nếu ta nhớ tới Thế chiến I cách nay gần trăm năm với hậu quả lan rộng khỏi Âu Châu qua tới Châu Á.

Quan trọng nhất, sau ba chục năm đã lạc quan tin vào sự lớn mạnh của Trung Quốc với dân số rất đông để là hãng xưởng ráp chế toàn cầu và nơi tiêu thụ thương phẩm của các nước nghèo, thế giới sẽ trải qua giai đoạn tôi xin gọi là "Trung Quốc thoái trào". Sự sa sút của nền kinh tế hạng nhì thế giới sẽ là một vấn đề về an ninh và kinh tế cho các nước, nhất là tại khu vực Đông Á.

Vũ Hoàng: Thưa ông, trong kịch bản gay go của giai đoạn thoái trào của Trung Quốc, Việt Nam đứng ở đâu và nên làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc là xứ chưa giàu đã già và chưa hùng mà đã hung, Việt Nam nên học bài học ba chục năm cải cách rồi đứt gánh giữa đường của quốc gia láng giềng này.

Thứ nhất, chiến lược thu hút đầu tư và tìm đà tăng trưởng nhờ nhân công rẻ đã có ưu thế trong vài chục năm nhưng không vĩnh viễn. Các nước đông dân, kể cả Việt Nam có thể trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại, nhưng phải ý thức rằng lực lượng lao động với lương rẻ sẽ không là lợi thế lâu dài nên phải chú ý tới năng suất, giáo dục và đào tạo chứ đừng ép sức dân để làm giàu cho nhà nước.

Thứ hai, với dân số khá cao, Việt Nam nên chú ý đến khả năng tiêu thụ nội địa thay vì chỉ nghĩ tới xuất khẩu khi kinh tế toàn cầu rơi vào phản ứng bảo hộ mậu dịch. Một giải pháp là ưu tiên cải tổ để mau chóng gia nhập hiệp định Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trong việc cải cách, hãy học sự sai lầm của Trung Quốc mà phát triển tư doanh, đi theo quy luật tự do và sớm ra khỏi chế độ tư bản nhà nước. Nhìn về lâu dài thì Việt Nam nên thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc, chấm dứt sự lệ thuộc về chính trị và kinh tế vào thế lực của họ theo khái niệm sai lầm là "Đồng thuận Bắc Kinh". Đây là một cơ hội không nên bỏ lỡ để khỏi chết chùm với Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã trả lời từ California.

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2013-07-31

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét