Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Ảo tưởng công nghiệp hóa vào năm 2020

Ảo tưởng công nghiệp hóa vào năm 2020
Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa Việt Nam vào năm 2020, tức chỉ còn gần 7 năm nữa. Với tình hình tụt hậu quá xa ngay với các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, mục tiêu này được xem là không tưởng. 
Nam Nguyên phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý Trung ương về vấn đề này.
Giao thông trên đường phố Sài Gòn RFA photo
Đặt mục tiêu quá cao
Từ Hà Nội, TS Lê Đăng Doanh nhận định: Đại hội lần thứ 10 và Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam đều đã thông qua mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một nước cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Nhưng không nêu rõ tiêu chí cơ bản là bao nhiêu phần trăm, không nói rõ tiêu chí công nghiệp hóa là những gì và theo hướng hiện đại là như thế nào. Cho nên đấy là một mục tiêu rất cao, nhưng lại không có các chỉ tiêu, các định nghĩa rõ ràng. Nếu như muốn đạt được một tiêu chí của một nước công nghiệp hóa, thì thu nhập bình quân đầu người phải vào khoảng 6.300 USD và lúc đó thì Việt Nam chắc chắn là không đạt được mục tiêu đó.

Còn cơ bản tức là không đạt được đầy đủ thì cũng đạt được cơ bản. Cơ bản là 70% hay 60%, hay có người nói là 30% cũng là cơ bản rồi, thì hiện nay chưa rõ. Theo tôi cơ bản có nghĩa là phải đạt được 60%-70% và 60%-70% của 6.300 USD thì Việt Nam cũng không dễ dàng gì có thể đạt được. Còn theo hướng hiện đại có nghĩa là gì, thì cũng chưa rõ. Vấn đề này đang được đưa ra tranh luận trao đổi, bởi vì Việt Nam hiện nay đang đánh giá giữa nhiệm kỳ tức là một nửa thời gian kế hoạch 5 năm ; mục tiêu đạt được chiến lược kinh tế xã hội cho đến năm 2020 là như thế nào, đó là chủ đề của những cuộc trao đổi hiện nay và vẫn đang diễn ra trong nội bộ ở nhiều cấp khác nhau.
Nam Nguyên: Có ý kiến là phải giải quyết triệt để những vấn đề kinh tế bức xúc của 25 năm đổi mới gắn với sở hữu toàn dân như đất đai, doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước thì mới có thể nói chuyện tiến lên công nghiệp hóa ở mức độ nào đó. Thưa Tiến sĩ nhận định gì?

TS Lê Đăng Doanh: Nền kinh tế Việt Nam một lần nữa lại đứng giữa ngã ba đường, tức là Việt Nam cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng và Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 15/10/2011 thì đã đề ra mục tiêu đó rồi. Nhưng thay đổi mô hình tăng trưởng là chuyển sang tăng trưởng có hiệu quả dựa vào nâng cao năng suất lao động, dựa vào khoa học công nghệ, dựa vào quản lý hiện đại, thì hiện nay bước chuyển đổi đó chưa thực hiện được.

Đồng thời cũng đề ra tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và hệ thống thể chế tài chính, cũng như giải quyết nợ xấu và tái cấu trúc đầu tư công. Cho đến nay đã có đề án tái cấu trúc nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu, đề án tái cấu trúc đầu tư công thì chưa được trình ra đầy đủ.
Kế hoạch 5 năm 2010-2015 cũng đề ra ba khâu đột phá quan trọng. Một là đột phá, một nỗ lực vượt bậc trên lĩnh vực thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng và thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Cả ba khâu đột phá đó cho đến nay mới làm được rất khiêm tốn và thể chế kinh tế thị trường thì gần đây nhiều người thấy là Nhà nước đã can thiệp quá nhiều vào thị trường. Trong khi đó, những việc chính yếu của Nhà nước như bảo đảm luật pháp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì Nhà nước lại làm kém hiệu quả.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội. RFA photo

Phân bố nguồn lực không hợp lý
Nam Nguyên: Theo thông tin ghi nhận, các chuyên gia của chính phủ cũng nói là, sự phân bổ nguồn lực được mô tả là méo mó chính là sự cản trở phát triển kinh tế. Thí dụ, ưu đãi doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thuộc nhóm lợi ích trong tiếp cận tín dụng, đất đai hay các nguồn lực sản xuất quan trọng khác. Thưa TS nhận định gì về đánh giá này ?
S Lê Đăng Doanh: Một trong những chức năng cơ bản của Nhà nước là phân bố nguồn lực một cách hợp lý, để bảo đảm sự phát triển xã hội và tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng nhìn lại thì thấy sự phân bổ nguồn lực của Việt Nam rất kém hiệu quả và không hợp lý. Khối kinh tế Nhà nước thì thu hút tới 65% tổng tín dụng, nhưng chỉ sản xuất ra được 28% tổng sản phẩm xã hội.
Con số của Tổng cục Thống kê đưa ra là kinh tế Nhà nước đóng góp 34% là bao gồm cả đóng góp của quốc phòng, của bộ máy hành chính, của thể dục thể thao! Chứ còn sự đóng góp đích thực của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chỉ khoảng 28% thôi. Chúng tôi đã tính lại một cách hết sức nghiêm túc dựa trên các con số của Tổng cục Thống kê và như thế thấy là không được hiệu quả lắm. Thứ hai nữa, sự ưu đãi đối với các doanh nghiệp Nhà nước đã không đem lại hiệu quả như mong đợi. Thí dụ đầu tư lớn vào Vinashin vào Vinalines và bây giờ không đem lại hiệu quả mong đợi.
Việc đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng của một Nhà nước đưa một nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp tiến lên hiện đại thì phải có đầu tư công, phải có phát triển kế cấu hạ tầng, phải có phát triển khoa học công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo ..v..v.. nhưng đầu tư công của Việt Nam là rất kém hiệu quả rất tốn kém. Một km đường cao tốc giá cao một cách bất ngờ và mới đây Đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến việc một số nhà vệ sinh được xây cho các cháu ở trường học mà được báo giá lên đến 600 triệu đồng, nó quá lớn. Vì vậy, việc đó nó gắn liền với các nhiệm vụ mà tôi có kể ở trên, tức là phải tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã trả lời Đài RFA.

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-08-07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét