Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Đắm chìm trong niềm tự hào lịch sử là chặn đường đến tương lai

Đắm chìm trong niềm tự hào lịch sử là chặn đường đến tương lai
Hãy nhắc nhở con cháu bạn về sự hào hùng của lịch sử dân tộc, nhưng hãy lấy đó làm động lực chứ không phải mục tiêu, vì thực ra chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều và dám mơ ước ở bên kia đường chân trời - những thứ vốn chưa bao giờ có thể tìm thấy trong sử sách.
Bài viết do tác giả Tuấn Trần gửi cho Reds.vn
Lịch sử có thể được viết ra trước hết là do nhu cầu của "nhà cầm quyền" hay vua chúa muốn truyền bá hay nói về cái "tôi" hay bản ngã của họ cho hậu thế. Về sau do con người muốn biết tường tận và cụ thể hơn về quá khứ (với nhiều mục đích khác nhau) nên chúng ta nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử trong các lĩnh vực khác nhau. Do cái tôi của hầu hết các vua chúa hay nhà cầm quyền (được đại diện bởi những cá nhân) nên đôi khi không phải cái gì họ viết lại cho đời sau cũng đáng tin cậy cả , mặc dù cũng có sử quan thà chết chứ không chịu sửa sử. Tuy nhìn xét trên diện rộng thì sự hưng thịnh của một nền văn hóa hay của một Quốc gia về cơ bản là đáng tin cậy vì đấy là tiến trình chứ không thuần túy là một sự kiện đơn lẻ và những sự kiện then chốt góp phần kết thúc một tiến trình thường được ghi chép bởi không chỉ một vài người. Khi chúng ta nói tới lòng tự hào dân tộc, nghĩa là chúng ta liên hệ đến quá khứ hay lịch sử hào hùng của dân tộc chúng ta. Việc có quá nhiều liên hệ với quá khứ và tự hào thậm chí ngưỡng mộ lịch sử có lợi và có hại gì cho sự phát triển của chúng ta trong thực tại?

Mỗi dân tộc có lòng tự hào khác nhau về quá khứ. Có nơi tự hào về thành tích chiến trận, có nơi tự hào về lãnh thổ rộng lớn, nhưng cũng có dân tộc tự hào về sự phồn thịnh của kinh tế, nghệ thuật; thay khôn khéo trong ngoại giao,v.v. Trong lĩnh vực lãnh thổ, chắc khó có dân tộc nào có thể có lãnh thổ rộng hơn Đế chế La Mã thời cổ đại; Ba Tư thời hậu Mohamet, hay Mông cổ thời "Thành cát tư hãn". Về các công trình kiến trúc, chúng ta có thể xếp Ai Cập cổ đại vào một trong những dân tộc có một không hai trên thế giới. Riêng trong lĩnh vực khôn khéo trong ngoài giao, người Việt chúng ta chắc phải nghiêng mình kính phục ông bạn hàng xóm Thailand, một đất nước tuy không có quân sự mạnh vào thời đó những đã biết vận dụng tình thế và khôn khéo ngoại giao để không bị các nước phương Tây đô hộ. Chỉ xét về sức mạnh của văn hóa, Trung Quốc cũng có thể tự hào mà nói rằng, văn hóa của tôi mạnh đến mức nếu ai muốn mất nước thì hãy thôn tính và đô hộ tôi.
Số phận và tình trạng của những nước rất đỗi tự hào trong quá khứ ngày nay ra sao và họ cần phải làm gì để có thể sánh vai cùng bước một cách đầy tự tin trong thời đại ngày nay. Trước hết, Đế quốc La Mã bây giờ chỉ còn lại các di tích khảo cổ rải rác khắp châu Âu; Ai cập cổ đại ngày nay trơ lại sừng sững mấy ngọn Kim tự tháp còn phần lớn các xác ướp và Nhân sư đã bị Anh và Pháp cướp mang về Châu Âu hết mất rồi. Người Khmer một thời hùng mạnh và hưng thịnh với những đền đài vĩ đại như Angkor, sau khi bị Chiêm Thành xâm lược, giờ đây vẫn đang bận bịu với các vấn đề xung quanh gian lận trong bầu cử Hạ Viện chứ chắc không có tâm trí nghĩ đến quá khứ đáng tự hào của ông cha mình. Tương tự Đế chế Burma thời trược ở Bagan với hàn chục ngìn chùa chiền, miếu mạo cực kỳ giàu có từ TK8 đến TK13 hiện giờ vẫn đang tìm cách giải quyết các vấn đề xung đột sắc tộc và loay hoay xóa đói giảm nghèo. Ở Mông cổ, người ta đặt tên vị Hoàng đế vĩ đại của họ cho một loại bia như một biểu tượng Quốc gia. Đế chế từng vó ngựa tung hoành khắp Á âu (chị chịu chùn bước ở Đại Việt - nhiều sông ngòi) này giờ đây còn có hơn hai triệu rưỡi người, sống yên bình bên những đàn gia súc và đồng cỏ ngút ngàn, bất tận (tuy đã bị Trung Quốc chiếm mất phần một phần diện tích rất lớn mấy chục năm trước và đổi thành tỉnh Nội Mông). Có một điều lạ là rất nhiều người Mông Cổ vẫn cất giữ trong nhà họ một tấm bản đồ vẽ đế chế Mông Cổ thời hoàng kim và thỉnh thoảng mang ra khoe với khách với vẻ mặt rạng ngời về quá khứ của của dân tộc họ.
Trong các nước có lịch sử được gọi là nổi trội đó (trước thời đại cách mạng công nghiệp), chắc chỉ có Trung Quốc là đang dần dần lấy lại vị thế siêu cường của mình. Nói về đất nước này, đương thời Napoleon (đệ nhất) đã từng nói rằng "hãy để Trung Quốc ngủ yên, vì thế giới sẽ phải rung chuyển khi nước này thức dậy". Tôi chưa thấy ai khen ngợi dân tộc Trung Hoa hay như Durrant trong tác phẩm "Lịch sử văn minh Trung Hoa" của mình. Ông viết tác phẩm này vào những năm đầu của TK20, khi Trung Quốc đang chìm đắm trong lạc hậu và sức ép ngoại bang, nhưng những gì ông nói có vẻ bây giờ đang chứng minh là đúng. Tại sao trong quá khứ, có nhiều nước hùng mạnh, ngang dọc một thời, vậy mà ngày nay chúng ta còn thấy có mội Trung Quốc nổi lên chút (tuy mới đây và cũng chưa thực sự hùng mạnh), có thể tạm xem xét những yếu tố sau theo ý kiến chủ quan của tôi:
Thứ nhất, trong các nước này, phần lớn hùng mạnh là nhờ quân sự. Họ đánh chiếm, xâm lược kẻ khác và bắt người ta thuận phục. Mặc dù vậy họ lại thiếu hai thứ cơ bản để giữ và đồng hóa những vùng chiếm được, đó là thiếu nguồn nhân lực tốt thích hợp với quản trị trong thời bình chứ không phải dùng bạo lực như thời chiến. Phần lớn họ thiếu các kỹ năng quản trị cần thiết khi phải chinh chiến liên miên và phải rải người ra để cai trị bốn phương. Thứ nữa là so với nhiều nước họ chiếm được thì văn hóa của họ non và yếu hơn nên khi đi cai trị, họ bị ảnh hưởng bởi những thứ văn minh hơn của những kẻ bị cai trị và dần dần họ tự nguyện bị đồng hóa - như trường hợp Mông cổ sáng lập ra nhà Nguyên ở Trung Quốc khoảng 100 năm.
Thứ hai, đối với một số nước nhờ kỹ nghệ tốt, khoa học tiến bộ và ưu đãi của thiên nhiên, họ trở nên giàu có hơn xung quanh, thì thay vì cố gắng phát triển thêm hoặc tìm các giải pháp chống lại các nguy cơ về ngoại bang hoặc thiên nhiên có thể xảy ra, họ say sưa tận hưởng và cho rằng đó là ân huệ của Chúa trời, của Đức phật nên. Để đáp lại họ xây dựng các đền đài, miếu mạo nguy nga, tráng lệ để dâng lên Thượng đế. Chính vì thế mà ở Angkor hay Bagan mới có nhiều đền đài đến thế hay ở Ai Cập còn nhiều kim tự tháp vốn dùng để chôn các Pharaon và hiến tế thần linh ngày trước. Khi khí hậu biến đổi họ bị động và dần dần nghèo đi, kết hợp với việc mải mê thờ Thượng đế (nói chung) nên khi quân thù đến, họ nhanh chóng bị thất bại. Kẻ xẩm lăng vốn khác với họ về tôn giáo hay quan điểm nên cứ để mặc kệ các đền đài (mà ngay nay chúng ta gọi là di sản) này thành phế tích. Như vậy, sự tôn sùng thái quá vào các đức tin và quên đi tạo dựng cho mình "sức chống chịu" với ngoại bang và thay đổi của tự nhiên (như văn hóa Inca,v.v) chính là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến nền văn hóa của họ hay đất nước của họ bị lụi tàn. Câu hỏi đặt ra là chính nhờ ân huệ (nói chung, cho nhiều tôn giáo, tín ngưỡng) mà họ được phồn thịnh và để cảm ơn ân huệ mà họ sa đà và chú tâm quá mức vào việc báo ơn Thượng đế, rồi dẫn đến lụi tàn. Như vậy có nghĩa là gì? là Thượng đế không hề cho họ ân huệ, nhưng họ nhầm tưởng và tổn hao sức lực vào việc báo ơn, hay Thượng đế không muốn họ báo ơn người thái quá như thế nên đã trừng phạt họ? Nếu như vậy thì khi nào họ sẽ có phước lành trở lại? Chắc còn phải chờ lâu.
Thứ ba, sự sụp đổ của một quốc gia này là cơ hội cho các một hay nhiều quốc gia khác. La mã sụp đổ đã tạo điều kiện cho các lãnh chúa châu Âu nổi lên. Thừa hưởng được sự giao thoa của các tôn giáo có nguồn gốc Là mã, do thái, Hy lạp, v.v.v cộng với điều kiện sống khắc nghiệt, người Châu Âu đã tận dụng thành công các thành tựu khoa học sau thời phục hưng để nhanh chóng độ hộ phần còn lại của thế giới. Đến giờ của cải mà họ cướp bóc được cùng với việc tận dụng lợi thế cạnh tranh vẫn đang giúp họ và con cháu họ (kể cả Mỹ) vững vàng ở vị thế thống trị. Có người cho rằng đây là ân huệ của Thượng đế đối với họ! Vậy đến khi nào thì họ mới hết ân huệ đây? và lạy trời đến lúc nào phước lành mới đến với nước Việt chúng ta?
Có quan điểm cho rằng, sự thành công hay tàn lụi của một dân tộc, một quốc gia ngoài yếu tố con người ra thì còn phụ thuộc rất nhiều vào cái mà chúng ta hay gọi là "phúc phận", "số mệnh" hay "ân huệ" hoặc tương tự như thế. Nói như vậy bởi vị nếu một quốc gia nếu hội đủ các điều kiện về địa chính trị, con người và thể chế thì về nguyên tắc họ sẽ phát triển ổn định và tiến lên thịnh vượng. Nhưng trong thực tế có rất nhiều đất nước tuy không muốn nhưng vẫn bị ép cuốn vào các cuộc chiến với ngoại bang và để rồi bị tàn phá và mất hết các cơ hội phát triển.
Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không cố gắng mà chỉ ngồi trông chờ vào lúc "phúc phận" đến để chúng ta trỗi dậy. Có thể thấy rằng trong số các nước hùng mạnh thời Trung cổ, chỉ có Trung Quốc là đang quay lại (thời nhà Đường,Trung Quốc được xem là nước văn minh và hùng mạnh nhất thế giới - nhiều nguồn dẫn), bởi vì sao? bởi vì họ hội đủ các yếu tố (i) không bị sụp đổ hoàn toàn và tuy lúc mạnh, lúc yếu họ vẫn là một nước có tính kết nối giữa hiện tại và quá khứ rất cao,(ii) nhân tài nhiều, (iii) văn hóa mạnh, (iv) cơ bản tuy họ rất tự hào về quá khứ, họ không lấy đó để ru ngủ mình mà đi tìm con đường thực dụng để phát triển đất nước, lấy quá khứ hào hùng làm chỗ dựa niềm tin để đưa họ trở lại siêu cường và thậm chí hơn thế nữa trong tương lai không xa. Các nước kia phần lớn bị sụp đổ hoàn toàn, hoặc do họ phải rời bỏ vùng đất không còn phù hợp nữa để tiếp tục sinh tồn và các kết nối với quá khứ mất dần đi, cộng với sự trỗi dậy của các dân tộc khác khiến họ không chuẩn bị kịp và đi đến lụi tàn. Trong khi các nước Phương Tây đã chiễm chệ ngồi ở trên cao, kiểm soát hết mọi thứ rồi thì rõ ràng là có rất ít cơ hội cho các nước nhỏ, yếu vươn lên hòng có một chỗ đứng cho xứng đáng với tổ tiên. Với một chiếc bánh đã được phân chia chi tiết như hiện nay thì tìm lấy một phần lớn hơn phần mình đang được chia là vô cùng nan giải. Tuy nhiên, cũng như nhìn vào lịch sử của mình, chúng ta có thể tìm thấy niềm tin và động lực để thấy rằng chúng ta có thể làm được tốt hơn thế này gấp nhiều lần nếu chúng ta quyết tâm. Như vậy khi nhìn vào lịch sử của một dân tộc, có thể giúp chúng ta suy ngẫm về vấn đề sau:
Một là, nếu chúng ta quá lạm dụng vào "ôn cố tri tân" và quá khứ hào hùng của tổ tiên mình, chúng ta có thể quên mất một thực tế là bối cảnh bây giờ đã khác xa lắm rồi và các đền đài, miếu mạo kia không thể giúp chúng ta phát triển đất nước ngày nay được (có chăng chỉ đóng gọp một phần ngân sách hay thuế thu được từ du lịch). Muốn bứt ra khỏi thực tại, chúng ta cần tri thức,cần vốn và đặc biệt cần một tinh thần thép và ý chí kiên định giúp chúng ta có thể đứng dậy từ những sai lầm và tiếp tục bước đi. Quan trọng hơn hết là không nhất thiết phải tìm lại những gì huy hoàng trọng lịch sử mà chỉ cần những gì mang lạihạnh phúc và yên bình cho nhân dân. Sự hùng cường thực sự sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu mỗi người dân oằn mình ra vì siêu cao thuế nặng.
Hai là, tuy quá khứ không thể giúp ta thay đổi ngày hôm nay được (chỉ là hậu quả của nhiều biến động trong quá khứ), nhưng những trang sử vẻ vang của dân tộc có thể giúp khích lệ tinh thần rất cao khi cần thiết, đặc biệt khi đất nước cần thực hiện những chuyển mình quan trọng để chúng ta có được niềm tin mạnh mẽ là chúng ta sẽ làm được để khi ân huệ đến chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng cho một bước tiến ngoạn mục. Ngoài ra quá khứ còn có nhiều giá trị trong việc đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau trên cùng một nước, cho họ biêt tổ tiên họ đã cùng vai sát cánh như thế nào để ngày nay chúng ta có được sự bình yên và có cơ hội tiến lên. Tuy không lấy quá khứ làm mục tiêu giống như Khổng Tử, chúng ta tôn trọng quá khứ và lấy đó làm bài học để không lặp lại các sai lầm ngày xưa, bởi vì "Thượng đế" chỉ ban phát ân huệ cho người nào xứng đáng, và khi tổ tiên bạn từng xứng đáng thì có lẽ một ngày nào đó con cháu bạn sẽ lại thấy được ân huệ của người. Nhưng để tận dụng được những điều tốt đẹp đó, chúng ta phải làm việc nhiều hơn gấp nhiều lần người khác, phải phát huy hết các tiềm năng của mình để giống như Phượng Hoàng, lại có thể hồi sinh từ đống tro tàn với một hình hài đẹp đẽ hơn và mạnh mẽ hơn xưa. Cũng giống như người Do Thái, họ đã có thể khó giữ được lòng thương của Thượng đế khi cho họ lập quốc lại sau gần 1900 tha hương nếu như họ không hành động và chiến đấu mạnh mẽ tại nơi bản quán hiện tại được vây quanh bởi toàn dân Ả rập. Rõ ràng là quá khứ giúp chúng ta nhân dạng, còn hiện tại và tương lai được định đoạt bởi chính chúng ta cộng thêm một phần nhỏ ưu ái của Đấng Tối Cao. Hãy nhắc nhở con cháu bạn về sự hào hùng của lịch sử dân tộc, nhưng hãy lấy đó làm động lực chứ không phải mục tiêu, vì thực ra chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều và dám mơ ước ở bên kia đường chân trời - những thứ vốn chưa bao giờ có thể tìm thấy trong sử sách.
TUẤN TRẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét