Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

5 phim về Việt Nam nổi tiếng thế giới

5 phim về Việt Nam nổi tiếng thế giới

Vịnh Hạ Long trong phim Indochine.
Đã có rất nhiều phim nói về Việt Nam tạo được tiếng vang trên khắp thế giới, đánh chiếm cả Cannes lẫn Oscar.... Trong khoảng thời gian gần đây, không có nhiều phim làm về Việt Nam gây tiếng vang với giới điện ảnh quốc tế. Nhưng, đã từng có một thời, nhiều tác phẩm điện ảnh liên quan đến Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ khắp thế giới. Đó là những năm đầu thập niên 90 với Đông Dương, Người tình, Mùi đu đủ xanh….
Đông Dương - Indochine (1992)
Phim của đạo diễn Regis Wargnier, người Pháp được công chiếu lần đầu năm 1992, do các diễn viên như Catherine Deneuve, Vincent Perez, Phạm Linh Đan, Trịnh Thịnh, Như Quỳnh…diễn xuất. Bộ phim này đoạt giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, còn Catherine Deneuve được đề cử cho giải Diễn viên chính xuất sắc nhất.

Hai nhân vật nữ chính trong phim.

Phim xoay quanh cuộc đời của hai mẹ con Eliane Devries (Catherine Deneuve) và Camille (Phạm Linh Đan). Eliane là một phụ nữ Pháp sống ở Việt Nam, nơi cha bà có một đồn điền cao su rộng lớn, mặc dù có nhiều người theo đuổi nhưng cô vẫn sống vậy và nhận Camille, một cô gái Việt làm con nuôi.

Cuộc đời của họ bình lặng trôi qua cho đến khi Jean-Baptiste Le Guen, một sĩ quan hải quân trẻ xuất hiện. Camille đã làm tất cả để đi theo tiếng gọi tình yêu với Jean-Baptiste. Sau này, Jean-Baptiste chết, con trai của Jean-Baptiste và Camille được Eliane nuôi, còn Camille theo cách mạng. Cả hai mẹ con gặp lại nhau tại Hội nghị Geneve 1954.

Người tình – The lover (1992)


Đây cũng là một phim của điện ảnh Pháp và cũng được công chiếu trong năm 1992, đạo diễn bởi Jean-Jacques Annaund, dựa theo truyện của nhà văn Marguerite Duras. Phim có sự tham gia của các diễn viên như Lương Gia Huy, Jane March, Lisa Faulkner….Người tình được đánh giá rất cao về mặt âm nhạc, nó đã đoạt giải Nhạc phim hay nhất ở Cesar năm 1993.

Poster phim Người tình.

Phim dựa trên câu chuyện có thật của một điền chủ gốc hoa tên Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Thanh niên giàu có gốc Hoa 30 tuổi gặp một cô gái trẻ người Pháp 15 tuổi trên một chuyến phà, khi cô theo ba mẹ đến làm việc ở Việt Nam. Cả hai nhanh chóng rơi vào lưới tình. Người thanh niên đã tìm cách để gặp gỡ cô gái da trắng sau đó và họ đã trao nhau tất cả.

Tuy nhiên, sau khi cả hai gia đình phát hiện ra mối quan hệ đó, tình yêu của họ bị cấm đoán. Không thể chống lại định kiến của hai gia đình, người thanh niên đó đã phải cưới một người đồng hương do ba mẹ chỉ định, còn cô gái trẻ quay trở lại Pháp. Một thập kỷ trôi qua, người thành niên qua Pháp và muốn gặp lại người cũ, lúc này đã là một nhà văn nổi tiếng, hai người liền nhận ra họ vẫn còn yêu nhau.

Người Mỹ trầm lặng – The quiet America (2002)

Bộ phim được hình hình thành trong một chuyến về thăm lại Việt Nam của đạo diễn, cựu binh Phillip Noyce, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene, với sự diễn xuất của Michael Caine, Brendan Fraser, Đỗ Thị Hải Yến…Đây chính là bệ phóng để diễn riêng Hải Yến có được vị thế như ngày hôm nay. Nhờ phim này, Michael Caine đã được đề cử giải Diễn viên chính xuất sắc nhất của Oscar 2002.

Hải Yến trong Người Mỹ trầm lặng.

Phim là chuyện tình tay ba được đặt trong bối cảnh chiến tranh đang ngày càng leo thang tại miền Nam Việt Nam năm 1952. Thomas Fowler (Michael Caine) là một nhà báo Anh đến Việt Nam để đưa tin về chiến tranh. Tại đây, ông quen biết và rất có cảm tình với Alden Pyle (Brendan Fraser), một bác sỹ nhãn khoa người Mỹ đến Việt Nam làm tình nguyện viên. Pyle rất hòa đồng và kín tiếng, nên được gọi là “người Mỹ trầm lặng”.

Vì quý Pyle, Fowler đã để bạn gái của mình là Phương (Hải Yến), một vũ công người Việt xinh đẹp, làm quen với Pyle, mà không biết Pyle cũng đã đem lòng yêu Phương ngay lần đầu thấy cô. Pyle đã tìm cách “đánh cắp” Phương với những lời hứa hẹn về chuyện kết hôn, về sự an toàn. Nhưng cuối cùng, Pyle cũng bị giết chết sau khi bị lộ ra mình là một điệp viên và Phương cũng quay trở lại bên Fowler.

Mùi đu đủ xanh – The scent of green papaya (1993)

Đây là phim của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Bộ phim như là cách anh sống lại tuổi thơ, Anh Hùng sang Pháp sống ngay từ lúc còn rất nhỏ. Lư Mẫn Sang, diễn viên Pháp gốc Á đóng vai Mùi khi nhỏ; Trần Nữ Yên Khê, vợ của đạo diễn Anh Hùng, cũng là một người Pháp gốc Việt, đóng vai Mùi khi lớn. Phim được đề cử giải Phim nước ngoài hay nhất ở Oscar 1994, giành giải Phim đầu tay hay nhất ở Cesar 1994.

Poster của Mùi đu đủ xanh.

Phim kể kể về cô bé tên Mùi, từ lúc 10 tuổi đi ở cho một gia đình trung lưu cho đến khi lớn lấy chồng. Phim được đặt trong bối cảnh của Sài Gòn những năm 50. Bộ phim này định hình cho phong cách phim Trần Anh Hùng sau này: chậm rãi, sâu lắng, nhiều ẩn uất, nhiều sự ẩn dụ…Dù phải đi làm osin, nhưng cô bé Mùi vẫn giữ được sự trong trẻo, ngây thơ, bình dị của tâm hồn cô bé Việt Nam 10 tuổi.

Sau này, lúc trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, gặp gỡ và yêu Khuyến, một nhạc công dương cầm, bạn cũ của cậu chủ, cô vẫn giữ được những nét đẹp thánh thiện như thế. Muốn thấy những tâm hồn Việt Nam truyền thống và thuần khiết, hãy xem Mùi đu đủ xanh! Phim được quay chủ yếu ở một phim trường của Pháp.

Chào buổi sáng, Việt Nam – Good morning, Vietnam (1987)

Đây là một phim về Việt Nam duy nhất có tính chất hài hước. Phim có sự xuất hiện của danh hài Robin Williams, Forest Whitaker, Chintara Sukapatana…Nhờ vai chính trong phim này, Robin William đoạt giải Quả cầu vàng cho Vai chính xuất sắc nhất và đề cử Diễn viên chính xuất sắc nhất ở Oscar.

Một cảnh trong phim có Robin Williams.

Phim kể về anh chàng Airman Adrian Cronauer (Robin William) đến Sài Gòn năm 1956 để làm phát thanh viên cho đài phát thanh Quân đội Mỹ ở Việt Nam. Dù có nhiều ý kiến ủng hộ cũng như phản đối sự có mặt của Airman, nhưng cuối cùng anh cũng được dẫn chương trình Dự báo thời tiết cho quân đội. Với khiếu hài hước vốn có, Airman luôn pha trò trong các buổi dẫn và rất được khán giả yêu thích. Anh luôn bắt đầu buổi phát thanh của mình bằng câu, Good morning, Vietnam!.

Một thời gian, anh gặp và cố tán tỉnh Trinh, một cô gái người Việt xinh đẹp nhưng không thành công. Cũng trong khoảng thời gian đó, Airman bắt đầu bị cuốn sâu vào vòng xoay chiến tranh và phát ngôn những điều mà người Mỹ không thích, nên bị đình chỉ công tác. Trong ngày cuối cùng Airman bị trả về Mỹ, ông gửi lại cho các cộng sự một đĩa ghi âm bắt đầu với Goodbye, Vietnam!.

Nguồn: Quỳnh Như/Mốt & Cuộc Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét