Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

(1) NHƯ DÒNG SÔNG ĐANG CHẢY

NHƯ DÒNG SÔNG ĐANG CHẢY
THÂN TRỌNG SƠN dịch
PAULO COELHO
Cuốn sách này ghi lại những chuyện kể về những khoảnh khắc tôi đã trải qua, những câu chuyện tôi được nghe thuật lại và những chiêm nghiệm tại mỗi khoảnh khắc trong từng chặng hành trình trên dòng sông đời tôi.
Paulo Cuelho
***
NGƯỜI CHẾT MẶC BỘ QUẦN ÁO NGỦ
Tôi đọc trên báo mạng tin ngày 10 tháng 6 năm 2004, tại Tokyo, một người đàn ông được tìm thấy đã chết trong bộ quần áo ngủ.
Cho đến nay mọi việc đều ổn. Tôi nghĩ rằng phần nhiều những người chết khi mặc đồ ngủ (a) hoặc là chết khi đang ngủ, đó là điều hạnh phúc, hoặc là (b) đang ở cùng gia đình hay đang nằm bệnh viện, tức là cái chết không đến đột ngột, và họ có đủ thời gian để làm quen với ” người khách không được mong đợi” như cách gọi của Manuel Bandeira, nhà thơ Brazil.
Bản tin viết tiếp: khi chết, ông ta đang ở trong phòng ngủ, điều này loại trừ mọi giả thuyết về đau ốm nằm bệnh viện, và chúng ta chỉ còn có thể nghĩ là ông chết khi đang ngủ, chẳng đau đớn gì, cũng chẳng nhận thức là mình sẽ không nhìn thấy lại ánh sáng ban mai.
Tuy nhiên, vẫn còn một khả năng: có thể ông bị tấn công hay sát hại.
Ai đã từng biết Tokyo ắt cũng biết rằng, tuy rộng lớn, đây là một trong những nơi an ninh nhất trên thế giới. Tôi nhớ một lần dừng chân dùng bữa với những nhà phát hành người Nhật trước khi lái xe đi tiếp vào nội địa nước Nhật. Tất cả túi xách đều để ở băng ghế sau xe hơi. Tôi nói ngay là thế này thì nguy hiểm quá; có thể ai đấy đi qua, nhìn thấy hành lý của chúng ta và lấy đi hết áo quần, tài liệu và tất cả các thứ khác. Người bạn phát hành mỉm cười bảo tôi chớ bận tâm; suốt đời ông chưa hề biết chuyện như thế xảy ra bao giờ cả ( và thật vậy chẳng có chuyện gì xảy ra với hành lý của chúng tôi, thế mà suốt bữa ăn tôi vẫn thấy căng thẳng ).
Nhưng hãy trở về với người đàn ông chết trong bộ quần áo ngủ: không có dấu hiệu xô xát, bạo lực hay chuyện gì tương tự thế cả. Một viên chức của Sở Cảnh sát trả lời phỏng vấn của tờ báo đã cho biết hầu như chắc chắn rằng ông ta chết vì đột quỵ. Vậy thì cũng loại trừ giả thuyết bị sát hại luôn.
Thi thể được các công nhân của một công ty xây dựng phát hiện tại tầng hai một toà nhà trong khu định cư sắp bị phá dỡ. Tất cả cho chúng ta nghĩ rằng người chết trong bộ đồ ngủ do không thể tìm được chỗ tá túc tại một trong những nơi đông đúc nhất và đắt đỏ nhất thế giới đành phải quyết định tìm đến sống nơi toà nhà này để khỏi phải trả tiền nhà.
Giờ mới đến phần thảm thiết của câu chuyện. Người chết chẳng còn lại gì ngoài bộ xương khô trong quần áo ngủ. Bên cạnh là một tờ nhật báo mở ra, đề ngày 20 tháng 2 năm 1984. Trên chiếc bàn kế bên, tấm lịch cũng chỉ đúng ngày tháng đó.
Ông đã nằm đấy hai mươi năm rồi.
Không ai để ý đến sự vắng mặt của ông.
Người đàn ông được xác nhận nguyên là công nhân của công ty phụ trách xây dựng khu định cư, nơi ông chuyển đến làm việc vào đầu thập niên 1980, ngay sau khi ly dị vợ. Ông mới qua tuổi năm mươi vào cái ngày ông đọc báo và đột ngột lìa đời.
Vợ cũ của ông không hề tìm cách liên lạc với ông. Các nhà báo tìm tới công ty cũ của ông và phát hiện là công ty bị phá sản ngay sau khi dự án hoàn tất vì không thể bán được căn hộ nào, điều này giải thích tại sao những người ở công ty không ngạc nhiên khi thấy ông thôi không tới tìm việc nữa. Các nhà báo truy tìm bạn bè của ông, những người này đều nghĩ là ông biến mất vì đã mượn tiền mà không trả được.
Bản tin kết thúc bằng chi tiết hài cốt của ông đã được chuyển về cho người vợ cũ. Đọc xong bài báo, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu kết này, người vợ cũ vẫn còn sống, vậy mà trong suốt hai mươi năm, bà không một lần thử liên lạc với ông. Điều gì đã xảy ra trong đầu óc bà ta vậy? Rằng ông không còn yêu thương bà nữa, ông quyết gạt bà ra khỏi cuộc đời? Rằng ông đã gặp một phụ nữ khác rồi bỏ đi mất tăm? Rằng cuộc đời thường đơn giản là như thế khi thủ tục ly dị đã kết thúc, rằng chẳng còn chút gì để nối tiếp một mối quan hệ một khi đã chấm dứt về mặt pháp lý? Tôi tưởng tượng xem bà ta đã cảm thấy ra sao khi biết được số phận của người đàn ông đã cùng bà chia sẻ một phần cuộc đời.
Rồi tôi nghĩ đến người đàn ông chết trong bộ quần áo ngủ, nghĩ đến nỗi cô đơn thê thảm và khốc liệt của ông, cô đơn tới mức, trong hai mươi năm đằng đẵng, trên cõi đời này không hề có một ai nhận biết là ông đã biến mất không để lại một dấu vết nào. Tôi chỉ có thể kết luận rằng, tệ hại hơn đói khát, tệ hại hơn thất nghiệp, khổ đau vì tình, thất bại và tuyệt vọng, tệ hại hơn bất cứ điều nào hay tất cả những thứ đó, là cái cảm giác rằng không có ai, tuyệt đối không có ai quan tâm đến chúng ta.
Xin hãy lặng lẽ nguyện cầu cho người đàn ông kia và cám ơn ông đã giúp chúng ta suy nghĩ đến điều TÌNH BẠN quan trọng tới mức nào.
 
CHUYỆN CÂY BÚT CHÌ
Một đứa bé đang nhìn bà viết thư. Được một chốc, nó hỏi:
Bà viết chuyện bà cháu mình làm phải không? Chuyện kể về cháu phải không?
Bà ngừng viết, bảo cháu:
Đúng là bà viết về cháu, nhưng quan trọng hơn những câu chữ là cây bút chì bà đang dùng đây. Bà mong là khi lớn lên cháu sẽ giống như cây bút này.
Rất ngạc nhiên, đứa bé nhìn cây bút chì. Nó chẳng có vẻ gì đặc biệt cả.
“ Nhưng nó cũng giống như những cây bút mà cháu từng thấy cả thôi.”
“ Điều đó tùy thuộc vào cách cháu nhìn sự việc. Nó có năm phẩm chất, nếu cháu cố giữ được, chúng sẽ giúp cháu trở thành một người lúc nào cũng bình yên trong cuộc sống.
Phẩm chất thứ nhất: cháu có thể làm được những việc lớn lao, nhưng cháu đừng bao giờ quên rằng luôn có một bàn tay dìu đỡ bước cháu đi. Chúng ta gọi bàn tay ấy là Thượng Đế, và Ngài luôn dìu dắt ta theo ý định của Ngài.
Phẩm chất thứ hai: thỉnh thoảng, bà ngừng viết và dùng đến cái gọt bút chì. Điều này có thể làm cây bút đau chút đỉnh, nhưng sau đó, nó sẽ sắc bén hơn. Vậy thì, cháu cũng vậy, cháu phải tập chịu đựng đau đớn, buồn phiền, bởi vì chúng sẽ giúp cháu hoàn thiện.
Phẩm chất thứ ba: bút chì cho phép ta dùng cục tẩy để xóa lỗi đi. Điều này có nghĩa là sửa chữa điều ta đã làm không nhất thiết là việc xấu; nó khiến ta giữ đúng con đường tới lẽ phải.
Phẩm chất thứ tư: cái quan trọng thực sự nơi cây bút chì không phải là cái vỏ bằng gỗ bên ngoài mà chất liệu than chì ở bên trong. Vậy thì cháu nhớ luôn luôn chú ý tới những gì xảy ra bên trong tâm hồn cháu.
Cuối cùng, phẩm chất thứ năm của cây bút chì: nó luôn luôn để lại dấu vết. Cũng như thế, cháu nên nhớ là bất cứ điều gì cháu làm trong đời cũng có để lại dấu vết, vậy cháu hãy ý thức điều đó trong mỗi một hành động của mình.
 
LÀM THẾ NÀO MỘT VẬT CÓ THỂ CHỨA ĐỰNG MỌI VẬT
Cuộc hội họp tại nhà một họa sĩ gốc gác Sao Paulo được bố trí tại New York. Chúng tôi đang thảo luận về thiên thần và thuật giả kim. Được một chốc, tôi cố gắng giải thích cho các khách mời khác về lý thuyết giả kim cho rằng mỗi một chúng ta đều chứa cả vũ trụ, và do vậy, phải chịu trách nhiệm về sự hoàn hảo của nó. Tôi cố tìm cho được những từ chính xác, nhưng không sao trưng ra được hình ảnh nào rõ ràng để giải thích quan điểm của mình.
Người họa sĩ, nãy giờ yên lặng lắng nghe, bảo mọi người nhìn ra khung cửa sổ phòng vẽ của mình và hỏi:
“ Quý vị nhìn thấy gì?”
“ Một đường phố của khu Greenwich Village”, ai đó trả lời.
Người họa sĩ dán một mảnh giấy lên khung cửa sổ để khỏi nhìn thấy con đường nữa; sau đó dùng con dao nhíp cắt một ô nhỏ nơi mảnh giấy.
“ Bây giờ nếu có ai nhìn qua ô này thì sẽ thấy gì? “
“ Vẫn con đường đó.”, có tiếng trả lời.
Người họa sĩ cắt tiếp nhiều ô khác nơi mảnh giấy, rồi nói:
“ Mỗi ô nhỏ này chứa bên trong nó hình ảnh trọn vẹn của con đường, cũng giống như vậy, mỗi một chúng ta chứa trong tâm hồn mình cùng một vũ trụ.”
Tất cả chúng tôi đều tán thưởng hình ảnh thú vị mà anh ấy đã phát hiện.
 
CÁI HỒ CỦA QUỶ
Tôi đang ngắm một cái hồ thiên nhiên thật đẹp gần làng Babinda bên Úc. Một chàng trai thổ dân đến cạnh tôi.
“ Ông hãy cẩn thận kẻo trượt chân đấy.”
Bao quanh hồ là những tảng đá, có vẻ bước lên rất an toàn.
“ Nơi này gọi là Hồ của Quỷ, anh ta nói tiếp. Nhiều năm trước đây, có một cô gái xinh đẹp tên là Oolona, đã kết hôn với một chiến binh người làng Belinda lại đi yêu một thanh niên khác. Cả hai bỏ trốn vào trong vùng núi này nhưng bị người chồng phát hiện. Anh tình nhân chạy thoát, nhưng Oolona bị sát hại ngay dưới dòng nước này. Từ đó về sau, Oolona cứ nghĩ là bất cứ chàng trai nào đến gần cũng là người tình đã mất của mình nên khoát nước ôm chặt lấy đến chết.”
Về sau, tôi đem chuyện cái Hồ của Quỷ hỏi người chủ khách sạn.
“ Có thể chỉ là chuyện mê tín dị đoan thôi, ông nói, có điều là trong vòng mười năm trở lại đây, có đến mười một khách du lịch đã thiệt mạng ở đó, mà toàn là nam giới.”
 
TRÊN ĐƯỜNG TỚI HỘI CHỢ SÁCH CHICAGO
Tôi đang bay từ New York đến Chicago để tham dự môt hội chợ sách do Hiệp Hội Phát Hành Mỹ tổ chức. Thình lình, một thanh niên ra đứng giữa các hàng ghế trong máy bay và nói lớn:
“ Tôi cần mười hai người tình nguyện, mỗi người cầm một đóa hoa hồng khi ra khỏi máy bay.”
Nhiều người đưa tay lên. Tôi cũng vậy nhưng không được chọn.
Tuy vậy, tôi cũng quyết định đi theo nhóm. Máy bay hạ cánh, chàng trai chỉ một cô gái trẻ trong sảnh đợi chuyến bay đến. Nhóm hành khách từng người một trao hoa cho cô gái. Cuối cùng, tiến lên trước mặt mọi người, chàng trai ngỏ lời cầu hôn cô gái, và cô nhận lời.
Một tiếp viên hàng không nói với tôi:
“Tôi làm việc ở đây bao nhiêu năm rồi và đây là cảnh tượng lãng mạn nhất chưa từng diễn ra ở phi trường này.”
 
THỜI ĐIỂM RẠNG ĐÔNG
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Shimon Peres, người đoạt giải Nobel về hòa bình, kể câu chuyện sau:
Một vị giáo sĩ Do Thái họp các môn sinh và hỏi:
“ Làm sao biết được thời điểm chính xác lúc đêm kết thúc và ngày bắt đầu? “
“ Khi có ánh sáng vừa đủ để phân biệt cừu và chó.”, một người đáp.
Người khác nói: “ Không phải, đó là lúc có ánh sáng vừa đủ để phân biệt cây olive với cây sung.”
“ Không, giải thích như thế vẫn chưa đúng.”
“ Vậy thì câu trả lời chính xác là sao ạ?’, tất cả lên tiếng hỏi.
“ Khi một người lạ mặt tới gần, và chúng ta nghĩ đó là người anh em và mọi xung đột đều biến mất, đấy mới chính là lúc đêm kết thúc và ngày bắt đầu.”
 
COPACABANA, RIO DE JANEIRO
Vợ chồng tôi gặp bà tại góc đường Contante Ramos, ở Copacabana. Bà khoảng sáu mươi, ngồi trên xe lăn, lạc lõng trong đám đông. Vợ tôi ngỏ ý muốn giúp đỡ, bà nhận lời và nhờ chúng tôi đưa tới đường Santa Clara.
Có mấy chiếc túi bằng chất dẻo treo phía sau xe lăn. Trên đường đi, bà bảo chúng tôi đồ dùng cá nhân của bà chỉ có thế. Bà ngủ trước các cửa tiệm và sống nhờ của bố thí.
Chúng tôi đến nơi bà muốn đến. Một số hành khất khác đang tụ tập ở đó.Bà già lấy từ đống túi của mình hai hộp sữa có hạn sử dụng kéo dài và trao cho mấy người trong nhóm hành khất.
“ Mọi người đều nhân đức đối với tôi, bởi vậy tôi cũng phải nhân đức với người khác.”, bà chia sẻ.
 

PAOLO COELHO
( Trích tuyển tập LIKE THE FLOWING RIVER -
Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha, bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa.
NXB Madison Park Press, 2006 )
THÂN TRỌNG SƠN dịch từ bản tiếng Anh.
DoDom Post

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét