Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Luân chuyển loạt cán bộ lĩnh vực 'nhạy cảm' ở Bộ KH&ĐT

Không biết tác giả bài này hay lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan niệm thế nào là công tác lĩnh vực 'nhạy cảm', chứ tôi thấy danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải thực hiện định kỳ chuyển đổi vừa công bố của Bộ này dường như không hợp lý lắm. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền quản lý có trách nhiệm thực hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng”. Như vậy, luật quy định luân chuyển cán bộ "liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước" tức là cấp lãnh đạo, và "trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân", tức là cấp chuyên viên. Tuy nhiên, Thông tư 18/2022/TT-BKHĐT chỉ quy định "định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc", tức là chỉ luân chuyển cấp chuyên viên. Thực tế cơ hội tham nhũng của chuyên viên rất thấp, trong khi của lãnh đạo rất cao, nên quy định trên chắc chưa hợp lý. Thứ hai, Bộ KH&ĐT có chức năng "tham mưu tổng hợp" (tức là cố vấn, trợ lý hay thầy dùi) cho Chính phủ về mọi hoạt động kinh tế xã hội và "chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp phân bổ chi tiết vốn đầu tư trong cân đối ngân sách cho các Bộ, ngành, vốn bổ sung dự trữ nhà nước, vốn đối ứng ODA và các dự án quan trọng, vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và công trái theo ngành, lĩnh vực; Tổng hợp phân bổ chi tiết vốn của từng chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp), các chương trình mục tiêu và các khoản bổ sung có mục tiêu khác". Đây đều là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nhất. Thực tế từ lâu trong Bộ đã nói về nhóm G7 gồm 7 đơn vị quyền lực nhất, dễ tham nhũng nhất..., nhưng lạ là trong danh mục định kỳ luân chuyển dường như không có tên hay không nêu rõ tên nhiều đơn vị thuộc nhóm G7 này. Điều này chắc cũng chưa hợp lý.
Luân chuyển loạt cán bộ công tác lĩnh vực 'nhạy cảm' ở Bộ KH&ĐT
01/10/2022 TPO - Theo quy định mới có hiệu lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực đầu tư ở địa phương phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác từ 3-5 năm.
Bộ KH&ĐT vừa ban hành Thông tư 18/2022/TT-BKHĐT, quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực đầu tư ở địa phương. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/9/2022.

Theo đó, danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải thực hiện định kỳ chuyển đổi gồm: Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài; Thẩm định dự án; Đấu thầu và quản lý đấu thầu; Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn; Quản lý quy hoạch; Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế; Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; Quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc quy định nêu trên là từ đủ 3-5 năm.

Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007; Nghị định số 150/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 158/2007/NĐ-CP.

Việc luân chuyển cán bộ được thực hiện theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị, về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền quản lý có trách nhiệm thực hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng”.

https://tienphong.vn/luan-chuyen-loat-can-bo-cong-tac-linh-vuc-nhay-cam-o-bo-khdt-post1474135.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét