Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Lại thêm đề xuất của quan chức NN bị cho "ngớ ngẩn"!

Đúng là ngớ ngẩn thật. Ông Đinh Kim Phúc nói đúng: Khi xem báo, TV nghe phát biểu của quan chức thì thấy rằng thà họ không nói thì chúng ta còn nghĩ họ thông minh, có trình độ, còn khi họ mở miệng ra rồi... thì dân chỉ có nước lắc đầu ngao ngán.
Lại thêm đề xuất của quan chức Nhà nước bị cho "ngớ ngẩn"!
RFA 2022.10.14 Lãnh đạo Hà Nội mới đây đề xuất mỗi ô tô cần có mã định danh, số dư trong tài khoản để giúp việc quản lý tốt hơn. Đề xuất vừa nói do Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra khi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12/10/2022 và bị Chủ tịch Quốc hội Vương Đình cho rằng nếu Hà Nội quản lý tốt phí dừng, đỗ ôtô thì sẽ thu được nguồn lực cho ngân sách nhà nước không ít.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 14/10 cho rằng:

“Ô tô thì đã có cách thức mà các nước đều dùng, tức là đăng ký tham gia giao thông, được gắn biển kiểm soát, tức là biển số xe và người ta thường quản lý theo biển số xe đó, như thế là đủ. Bây giờ chụp lên các cách thức kiểm soát khác mà vẫn lấy lý do là để cho chặt chẽ hơn, thì tôi cho rằng cái sự chặt chẽ nếu có từ đấy chính là làm phức tạp hệ thống quản lý hơn. Hiện nay Việt Nam vẫn cứ nên theo phương thức quản lý như các nước họ đang làm, một ô tô mua về muốn tham gia giao thông thì phải đăng ký, khi đăng ký thì phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người chủ xe.”

Trong khi đó, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, hiện có bất cập khác tại Việt Nam liên quan việc quản lý người lái xe mà cơ quan chức năng cần quan tâm hơn:

“Ở Việt Nam hiện nay có tình trạng mua bán ô tô, nhưng không sang tên và vẫn cứ lấy tên người chủ xe cũ để đi, coi như là sử dụng xe của người khác. Để tránh điều này, Việt Nam cần hiện đại hóa hệ thống quản lý những người có bằng lái xe. Giống như ở các nước, một người có thể điều khiển xe người khác, nhưng lỗi xảy ra thì lái xe đó chịu trách nhiệm, chứ không phải chủ xe chịu lỗi tất cả. Những cái đó tôi cho rằng Việt Nam không cần sáng tác gì thêm cả, mà chỉ cần theo hệ thống quản lý, thông lệ như các nước khác đang làm.”

Cũng tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12/10/2022, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng, muốn đạt được mục tiêu Nhà nước giao thì ngoài việc mỗi ô tô cần có mã định danh để dễ quản lý, thì phải có tài khoản ngân hàng với tiền được gởi vào để cơ quan chức năng thu phí đậu xe, phí vào trung tâm thành phố, phí cầu đường...

Trong khi trước đó, Thủ tướng Việt Nam vào ngày 19/7/2022 đã ra Chỉ thị từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc bắt đầu thu phí tự động không dừng toàn tuyến, bỏ làn hỗn hợp. Chủ xe sẽ bị phạt từ một đến hai triệu đồng nếu đi vào làn không dừng mà không sử dụng dịch vụ dán thẻ ETC. Khi đó Bộ Giao thông- Vận tải trong văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam còn đề nghị xe không dán thẻ thu phí không dừng ETC sẽ không được phép đăng kiểm.

Ông Đinh Kim Phúc, với tư cách một người dân sống ở Sài Gòn cho biết ý kiến hôm 14/10:

“Hiện nay trong vấn đề quản lý nhà nước, rất nhiều quan chức khi phát biểu trước công chúng hết sức là ngây ngô buồn cười và hình như là họ không có được những kiến thức cơ bản của luật pháp, của ngành mà họ đang quản lý. Tôi lấy ví dụ mới đây thôi, khi trả lời về tình trạng thiếu xăng ở thành phố Hồ Chí Minh thì ông Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng vì có những xe còn nửa bình mà vẫn vào xếp hàng. Cũng như ông Chủ tịch thành phố Hà Nội mới đây đề xuất mỗi chiếc xe phải có mã số định danh, số tài khoản để dễ quản lý, để trả tiền phí... Tôi không biết ông ta có hiểu rằng chiếc xe nó giống như con người hay không, mỗi chiếc xe đã có một bản số do công an cấp, đó chính là định danh của chiếc xe để mà quản lý khi lưu thông, khi gây tai nạn, khi truy thu thuế...”

Không chỉ các quan chức Nhà nước đề xuất không thực tế, trong thời gian qua, không ít lần các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nêu lên công khai tại nghị trường những đề xuất vô bổ, không thiết thực... thậm chí ngớ ngẩn... mà chính truyền thông Nhà nước loan tải. Tình trạng này khiến người dân không khỏi thắc mắc: ‘Sao một vị ĐBQH, đa phần là cán bộ lãnh đạo các địa phương, lại ăn nói như vậy?’

Đơn cử là vào buổi thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021, nữ ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, thuộc Đoàn Hà Nội, đã đề xuất xây dựng luật buộc nam giới mặc áo dài. Bà Khánh dẫn chứng việc khi đi tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến thắc mắc Đại biểu Quốc hội tại sao cứ bảo mặc lễ phục nhưng nữ thì được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc comple.(!?)

Hay vào tháng 11 năm 2019, dư luận trên mạng xã hội bày tỏ sự ngán ngẩm khi ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đề xuất quy định ‘không để xe ở hầm chung cư vì… sợ cháy.’ Theo bà Phương, mỗi xe có thùng xăng nên đậu xe hơi, xe máy dưới tầng hầm chung cư sẽ biến nơi đây thành những kho xăng, khi cháy sẽ không thể cứu chữa.

Hay trước đó, vào tháng 6 năm 2019, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng cũng đưa ra một đề nghị gây bàn tán khi đề xuất ‘thu phí chia tay từ 3USD đến 5USD mỗi người, đối với mỗi công dân khi xuất cảnh.

Khi xem báo, TV nghe phát biểu của quan chức thì thấy rằng thà ông ta không nói thì chúng ta còn nghĩ ổng thông minh, có trình độ, còn khi ông ta mở miệng ra rồi... thì chỉ có nước lắc đầu ngao ngán - Ông Đinh Kim Phúc

Theo ông Đinh Kim Phúc, hiện nay có một sự bất cập là chức vụ không đi theo trình độ quản lý, trình độ quản lý một nơi chức vụ một nẻo, nên khi phát biểu chỉ làm trò cười cho người dân. Ông Phúc nhận xét thêm:

“Tôi thấy rằng đây là một hiện tượng phổ biến hiện nay, dù quan chức nào cũng hai ba bằng, thậm chí là bốn bằng cấp, hơn hẳn những người bình thường. Nhưng bằng cấp không nói gì lên trình độ của các quan chức hiện nay. Tất nhiên không phải tất cả các quan chức đều như vậy, nhưng khi xem báo, TV nghe phát biểu của quan chức thì thấy rằng thà ông ta không nói thì chúng ta còn nghĩ ổng thông minh, có trình độ, còn khi ông ta mở miệng ra rồi... thì chỉ có nước lắc đầu ngao ngán.”

Ông Phúc cho rằng, những phát biểu của quan chức như vậy thể hiện sự khinh dân, coi dân như cỏ rác... Cho rằng người dân chắc không hiểu gì hết và quan chức phụ mẫu có trách nhiệm phải dạy dân, phải làm cho dân biết rõ những điều mà họ cứ tưởng rằng dân không biết. Ông Phúc nói tiếp:

“Nhưng xin nhắc lại, đây là thời kỳ toàn cầu hóa, thời đại của internet, thời đại của khoa học kỹ thuật, mà như các quan chức thường nói là thời đại 4.0 chứ không phải thời đại của 0.4, không phải thời đại ngăn sông cấm chợ, thông tin không được cập nhật... Vấn đề này là một vấn nạn trong quản lý nhà nước hiện nay mà trung ương cần phải có những chấn chỉnh trong phát ngôn của các quan chức.”

Một quan chức nhà nước hay một ĐBQH phát biểu một cách ngô nghê khiến nhiều người cho rằng họ bây giờ là những người thích nói và không cần biết đúng hay không đúng đến mức nào. Họ không cần biết trách nhiệm trong phát biểu của mình có thể ảnh hưởng đến dư luận như thế nào? Tại sao những người được cho là đại diện cho dân mà lại phát biểu không cần biết người dân nghĩ gì?

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/state-officials-and-silly-proposals-10142022132314.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét